Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tính tất yếu của lịch sử của cách mạng Việt Nam thế kỷ XX

03:05 15/01/2020

Thế kỷ XX đã qua, mỗi đất nước, mỗi tổ chức chính trị đều có bước thăng trầm của nó, Chính điều đó đã tạo nên bản sắc riêng của mỗi quốc gia dân tộc. Trên bình diện quốc tế, đây là thế kỷ có rất nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có Việt Nam. Nước Việt Nam đất không rộng, người không đông nhưng lịch sử Việt Nam là lịch sử giữ nước đi liền với dựng nước. Vì thế khi nhớ đến lịch sử dân tộc thế kỷ XX chúng ta không thể nào quên trang sử hào hùng của dân tộc. Nhờ đó mà người dân mỗi khi nhớ đến đều thấy tự hào. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng chúng ta cùng điểm qua các sự kiện quan trọng mà chúng ta đã đi qua trong thế kỷ này.

Thứ nhất, đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ hai, sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngày 2 tháng 9 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thứ ba, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954. Thứ tư, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và thống nhất đất nước. Thứ năm, thắng lợi của Đại hội VI của Đảng mở đầu cho sự nghiệp đổi mới

Trong năm bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX thì có thể nói rằng sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là móc son quan trọng hàng đầu. Bởi vì nhờ có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3 tháng 2 năm 1930 với cương lĩnh chính trị đầu tiên đúng đắn đã dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

1. Đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam khát khao có một tổ chức chính trị lãnh đạo sự nghiệp cứu nước.

Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược và từng bước thôn tính Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn từng bước thỏa hiệp và đi đến đầu hàng hoàn toàn (với các điều ước năm 1862, 1874, 1883, 1884). Với điều ước Patơnốt (Patenotre) năm 1884, Việt Nam trở thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác[1].

Từ năm 1885, khi triều đình nhà Nguyễn đầu hàng hoàn toàn, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn không bị khuất phục, phong trào chống xâm lược của nhân dân và một bộ phận phong kiến yêu nước tiếp tục bùng lên mạnh mẽ. Các phong trào yêu nước lúc bấy giờ tiêu biểu nhất là Phong trào chống Pháp theo ý thức hệ phong kiến và Phong trào chống Pháp theo khuynh hướng dân chủ tư sản.

a. Phong trào chống Pháp theo ý thức hệ phong kiến

Phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết đứng đầu (1885-1896). Điển hình là các cuộc khởi nghĩa Ba Đình (Thanh Hóa), Bãi Sậy (Hưng Yên), Hương Khê (Hà Tĩnh), v.v. với những sĩ phu yêu nước như Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Nguyễn Thiện Thuật, v.v. đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp và thể hiện tinh thần quật cường chống ngoại xâm của các tầng lớp nhân dân khi triều đình phong kiến đã đầu hàng. Nhưng với ngọn cờ phong kiến lúc đó không còn là ngọn cờ tiêu biểu để tập hợp một cách rộng rãi, toàn thể các tầng lớp nhân dân, không có khả năng liên kết các trung tâm kháng Pháp trên toàn quốc, nên cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng thất bại năm 1896 cũng là lúc chấm dứt vai trò lãnh đạo của giai cấp phong kiến đối với phong trào yêu nước Việt Nam.

b. Phong trào chống Pháp theo khuynh hướng dân chủ tư sản

Những năm đầu thế kỷ XX, trước những biến đổi kinh tế, xã hội do tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, phong trào yêu nước Việt Nam có những chuyển biến mới. Đảm đương vai trò lãnh đạo phong trào yêu nước và cách mạng hai thập kỷ đầu thế kỷ XX là lớp trí thức Nho học giàu lòng yêu nước, ảnh hưởng trào lưu dân chủ tư sản. Tiêu biểu là xu hướng bạo động do Phan Bội Châu (1867-1940) tổ chức, lãnh đạo và xu hướng cải cách do Phan Châu Trinh (1872-1926) đề xướng.

Xu hướng bạo động do Phan Bội Châu tổ chức, lãnh đạo: Thành lập Duy Tân hội chủ trương xây dựng chế độ quân chủ lập hiến như ở Nhật, tổ chức đưa thanh niên yêu nước Việt Nam sang Nhật học tập. Đến năm 1908, Chính phủ Nhật câu kết với thực dân Pháp trục xuất lưu học sinh Việt Nam và những người đứng đầu. Sau khi phong trào Đông Du thất bại, với sự ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi (1911) Trung Quốc, năm 1912 Phan Bội Châu lập tổ chức Việt Nam Quang phục Hội với tôn chỉ là đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập nước cộng hòa dân quốc Việt Nam. Nhưng chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội lại thiếu rõ ràng. Cuối năm 1913, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt giam tại Trung Quốc cho tới đầu năm 1917 mới được tha. Do vậy, ảnh hưởng của xu hướng bạo động của tổ chức Việt Nam Quang phục Hội đối với phong trào yêu nước Việt Nam đến đây chấm dứt.

Song song với xu hướng bạo động, những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam xuất hiện xu hướng cứu nước bằng con đường cải cách - canh tân đất nước do Phan Châu Trinh và một số nhà yêu nước đề xướng và tổ chức. Là những trí thức nho học, giàu lòng yêu nước, được tiếp cận những giá trị tiến bộ của tư tưởng dân chủ, tự do tư sản, đặc biệt là ảnh hưởng tư tưởng dân chủ tư sản Pháp, Phan Châu Trinh và những người cùng chí hướng muốn giành độc lập cho dân tộc nhưng không đi theo con đường bạo động như Phan Bội Châu, mà chủ trương cải cách đất nước: “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”, bãi bỏ chế độ quân chủ, thực hiện dân quyền, khai thông dân trí, mở mang thực nghiệp. Để thực hiện được chủ trương ấy, Phan Châu Trinh đã đề nghị Nhà nước “bảo hộ” Pháp tiến hành cải cách. Đó chính là sự hạn chế trong xu hướng cải cách để cứu nước.

Tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Trên cơ sở các tổ chức yêu nước của tiểu tư sản trí thức theo chủ nghĩa dân tộc cách mạng, Việt Nam Quốc dân Đảng được chính thức thành lập tháng 12-1927 tại Bắc Kỳ. Mục đích là đánh Pháp giành độc lập, xây dựng chế độ cộng hòa tư sản, với phương pháp là đấu tranh vũ trang, manh động, ám sát cá nhân và lực lượng chủ yếu là binh lính, sinh viên, v.v... Cuộc khởi nghĩa Yên Bái (2-1930) với khẩu hiệu “không thành công thì thành nhân” đã nhanh chóng thất bại.

Như vậy, rõ ràng là vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tiếp tục truyền thống yêu nước, bất khuất kiên cường chống ngoại xâm, các phong trào chống thực dân Pháp theo ý thức hệ phong kiến, tư sản của nhân dân ta diễn ra rất sôi nồi và liên tục, nhưng tất cả đều không thành công. Trên thực tế, đến những năm 20 của thế kỷ XX “các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại[2]. Việt Nam lâm vào khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước, nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho các thế hệ yêu nước đương thời là cần phải có một tổ chức cách mạng tiên phong, có đường lối cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc.

2. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời chấm dứt sự khủng hoảng và bế tắt về đường lối cứu nước

 Ba tổ chức cộng sản ra đời đã khẳng định bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng Việt Nam. Sự ra đời ba tổ chức cộng sản ở ba miền đều tuyên bố ủng hộ Quốc tế Cộng sản, kêu gọi Quốc tế Cộng sản thừa nhận tổ chức của mình và đều tự nhận là đảng cách mạng chân chính, tuy nhiên không tránh khỏi phân tán về lực lượng và thiếu thống nhất về tổ chức. Trước tình hình đó, ngày 27-10-1929, trong tài liệu của Quốc tế Cộng sản gửi những người cộng sản Đông Dương nêu rõ: “Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một Đảng Cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức duy nhất ở Đông Dương[3].

Yêu cầu cấp thiết đặt ra là chấm dứt hiện tượng biệt phái, chia rẽ giữa các nhóm cộng sản, phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất ở Việt Nam.

Do đó Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị thành lập Đảng

Trước nhu cầu cấp bách của phong trào cách mạng trong nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến Hương Cảng (Trung Quốc) triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản lại thành một chính đảng duy nhất của Việt Nam. Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc viết: “Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6-1. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng. Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản... Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2[4].

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm, đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng và dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu ra năm điểm lớn cần thảo luận và thống nhất, trước hết là: “bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”. Hội nghị thảo luận, tán thành ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đó là các văn kiện: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

3. Tính khoa học và tính cách mạng của cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng

- Đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Như vậy, mục tiêu chiến lược được nêu ra trong Cương lĩnh đầu tiên của Dảng đã làm rõ nội dung của cách mạng thuộc địa nằm trong phạm trù của cách mạng vô sản, chính là làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội gắn liền mật thiết với nhau thể hiện ở mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

- Nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể, chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”, “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập[5]. Đây là vấn đề căn cốt của cách mạng Việt Nam lúc này. Cương lĩnh đã xác định: Chống đế quốc và chống phong kiến là nhiệm vụ cơ bản để giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày, trong đó chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc được đặt ở vị trí hàng đầu. Để sau đó: “Dựng ra chính phủ công nông binh”.

- Lực lượng cách mạng: Xác định lực lượng cách mạng phải đoàn kết công nhân, nông dân - đây là lực lượng cơ bản, trong đó giai cấp công nhân lãnh đạo; đồng thời chủ trương đoàn kết tất các các giai cấp, các lực lượng tiến bộ, yêu nước để tập trung chống đế quốc và tay sai. Do vậy, Đảng “phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình”, “phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày,... hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông... lôi kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp[6]”.

- Phương pháp tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, Cương lĩnh khẳng định phải bằng con đường bạo lực cách mạng chứ không thể là con đường cải lương thỏa hiệp “không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp[7]. Có sách lược đấu tranh cách mạng thích hợp để lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông về phía giai cấp vô sản, còn “bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến, v.v.) thì phải đánh đổ”2.

- Phát huy tinh thần tự lực tự cường, đồng thời tranh thủ sự đoàn kết, ủng hộ của các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thể giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp. Cương lĩnh nêu rõ cách mạng Việt Nam liên lạc mật thiết và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới, “trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng thời tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới”. Như vậy, ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu cao chủ nghĩa quốc tế và mang bản chất quốc tế của giai cấp công nhân.

- Vai trò lãnh đạo của Đảng: với tư cách là đội tiên phong của giai cấp vô sản, Sách lược vắn tắt của Đảng ghi rõ: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng[8]. “Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản gồm một số lớn của giai cấp công nhân và làm cho họ có đủ năng lực lãnh đạo quần chúng[9]”.

Trong Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ tôn chỉ mục đích của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản. Quy định điều kiện vào Đảng là những người: “Tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái tranh đấu và dám hi sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận đảng[10].

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Sự kiện lịch sử vĩ đại ấy đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Từ năm 1858 đến năm 1930, sau hơn 70 năm nhân dân Việt Nam kế thừa truyền thống bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm, trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các thế hệ người Việt Nam yêu nước, dù ở giai tầng nào cũng đã sẵn sàng xả thân vì nền độc lập dân tộc, “ở đâu có bàn chân xâm lược của thực dân, ở đó có phong trào chống thực dân”.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đáp ứng khát vọng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, chỉ 15 năm sau đi theo đường lối cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam đã làm nên kỳ tích vĩ đại là Cách mạng Tháng Tám 1945. Thắng lợi vĩ đại ấy đã khẳng định trên thực tế đường lối đúng đắn, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một mốc son chói lọi trên con đường cách mạng do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã hoạch định từ năm 1930, và là nền tảng vững chắc cho dân tộc Việt Nam tiếp nối trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

* Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2005,t.1, tr.614

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb.Sự thật, H.1991,tr.109

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.12, tr.401

        4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “giáo trình Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng Sản và Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam”, chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Nxb chính trị, Hà Nội 2014.

ThS. Lê Thị Bích Chi - Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác