Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút, trọng dụng người tài để kiến quốc trong bối cảnh mới

05:55 08/05/2022

Trong những ngày đầu giành được chính quyền cách mạng, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vấn đề “kiến quốc” là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, đòi hỏi phải tập hợp được những người có đức, có tài cùng “gánh vác” việc nước. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư tưởng hòa hợp, thân dân trong thu hút và trọng dụng nhân tài. Bài viết làm sáng tỏ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút, trọng dụng nhân tài để kiến quốc trong bối cảnh mới ở Việt Nam.

PGS, TS. Ngô Thành Can

Học viện Hành chính Quốc gia

QUAN NIỆM VỀ NGƯỜI TÀI VÀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI TÀI TRONG KIẾN QUỐC

Từ xa xưa, cha ông ta luôn coi hiền tài là “rường cột”, “là nguyên khí của quốc gia”. Quốc gia hưng thịnh cần có vai trò đóng góp to lớn của người tài ở các lĩnh vực khác nhau, quan văn tham gia vào “trị dân trị nước” cho quốc thái dân an, quan võ tham gia phát triển quân sự cho “binh hùng tướng mạnh” để bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân. Thấm nhuần truyền thống sử dụng người tài cho kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1). Người nhấn mạnh: “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). Người cho rằng, người tài là “người tài đức, có thể làm những việc ích nước lợi dân”, người tài cần có hai yếu tố cơ bản hồng và chuyên, là tài và đức. Người khẳng định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Như vậy, cái đức của con người là yếu tố quan trọng, là yếu tố nền tảng cho cái tài, đức phải là cái gốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(3).

Người tài được chú trọng vào tài năng ở trong công việc, lấy thước đo tinh thần vì dân, vì nước là chính, không quá so đo đến những tiêu chí khác như đảng phái, dân tộc, tôn giáo. Trong việc trọng dụng người tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của trí thức: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài”(4). Người luôn chú trọng thu hút, chọn lựa và trọng dụng người tài phù hợp với tài năng của họ, phát huy được tài năng của họ trong xây dựng và bảo vệ đất nước. 

THU HÚT VÀ TRỌNG DỤNG NGƯỜI TÀI

Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư tưởng hòa hợp, thân dân trong thu hút và trọng dụng người tài. Từ các tác phẩm, bài viết, bài phát biểu, cũng như cách xử lý công việc, cách ứng xử và phong cách của mình, Người đã để lại nhiều di sản quý báu về cách dùng người nói chung, trọng dụng người tài nói riêng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và trong bối cảnh mới hiện nay.

Quan điểm trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của nhân dân, là quan niệm cầu hiền tài truyền thống trong điều kiện mới của đất nước. Để thu hút, tập hợp được người tài, phải có tinh thần khách quan, tôn trọng, không định kiến trong nhìn nhận, đánh giá vị trí xuất thân của họ. Người chỉ rõ: “Việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được”(5). 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “kiến quốc cần có nhân tài”, Người đã ra Thông lệnh Tìm người tài đức: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”(6). 

Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước, nhiều trí thức tiêu biểu như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Hoàng Minh Giám… đều được trọng dụng để phát huy tài năng phục vụ đất nước. Một số trí thức nổi tiếng có tài và đức, có học vị, ở nước ngoài tình nguyện trở về nước tham gia bảo vệ và kiến thiết đất nước, như: Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Khắc Viện…

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với chính quyền non trẻ, để tạo cho bộ máy nhà nước hoạt động tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng lại các viên chức, quan chức trong chính quyền cũ, như Tham tri Đặng Văn Hướng, Tổng trưởng Thanh niên Phan Anh, cựu Tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm, cựu Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định, Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại, Ngự tiền Văn phòng Đổng lý Phạm Khắc Hòe.

Trên tinh thần hòa hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khi thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tự rút lui, nhường lại các ghế bộ trưởng cho các nhân sĩ, trí thức và các thành viên của các chính đảng khác. Mặt trận Việt Minh chỉ giữ 4 ghế, gồm: Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Giáo dục Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến và Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp. Còn lại các chức vụ khác đều do các nhân sĩ, trí thức hoặc thành viên của các chính đảng khác đảm nhiệm, như Phó Chủ tịch Chính phủ Nguyễn Hải Thần (đảng Việt Cách), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng (không đảng phái); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh - đảng Việt Quốc)... Thành lập Cố vấn đoàn của Quốc hội do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy (cựu Hoàng đế Bảo Đại) đảm nhiệm và Giám mục Lê Hữu Từ là thành viên(7). Với quan điểm đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc, lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sáng suốt trong trọng dụng hiền tài. Người không chỉ thu hút, tập hợp mà còn phát huy được lòng nhiệt tình, trí tuệ của hầu hết quan lại và trí thức người Việt trong và ngoài nước có đức tài, có tinh thần yêu nước; có trình độ chuyên môn; có năng lực, kỹ năng quản trị nền hành chính công quyền tham gia xây dựng, tổ chức bộ máy của chính quyền cách mạng và công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Muốn trọng dụng người tài thì người lãnh đạo, quản lý phải biết chọn người và dùng người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết sử dụng, trọng dụng người tài một cách hợp lý, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Người cho rằng: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”(8). Trọng dụng nhân tài phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(9). Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947 (bút danh XYZ), Người nhấn mạnh trong sử dụng cán bộ “phải khéo dùng người”. Khéo ở đây là đánh giá đúng cán bộ để sử dụng cán bộ hợp tình, hợp lý phù hợp với năng lực của họ; là để cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc”(10).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi cất nhắc, giao công việc rồi thì phải cho cán bộ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách; tin tưởng, giao quyền độc lập, tự chủ cho cán bộ cấp dưới và khuyến khích họ mạnh dạn thực hiện. Người chỉ rõ: những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền “tùy cơ ứng biến”, mới có thể phát triển tài năng của họ. Để phát huy vai trò của người tài trong thực thi công vụ, cần chú trọng phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của họ. Đồng thời, trọng dụng người tài cần luôn chú ý tới đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ cho họ, Người chỉ ra nhiệm vụ quan trọng của Đảng là: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng”. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, vấn đề chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, rèn luyện đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” luôn là sự quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bản Di chúc, Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(11).

THU HÚT, TRỌNG DỤNG NGƯỜI TÀI TRONG BỐI CẢNH MỚI 

Hiện nay, chúng ta đứng trước những thay đổi to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến quá trình phát hiện, tuyển chọn, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ người tài. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng nêu những dự báo về tình hình thế giới: hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Do tác động của đại dịch COVID-19 còn kéo dài, kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, suy thoái và có thể còn kéo dài. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu.

Tình hình thế giới luôn biến động, phức tạp, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đưa đến những thách thức lớn, đặt ra đòi hỏi cần có một đội ngũ cán bộ quản lý tài năng, có tầm nhìn, có kiến thức rộng và xử lý tình huống, giải quyết vấn đề tốt.

Về tình hình trong nước: trong thời gian tới, chúng ta thực hiện hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trước những khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém. Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... đã tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước. Nhận định và nắm bắt xu hướng phát triển, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển cần có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực tốt, nhất là đội ngũ những người tài năng trong hoạt động công vụ, hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong giai đoạn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài càng trở thành yếu tố quan trọng có tính chất quyết định. Chính sách thu hút và trọng dụng người tài được quan tâm phát triển tập trung vào mấy vấn đề cốt lõi là: phát hiện, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển người tài. Người tài cần phải được trọng dụng, được giao nhiệm vụ xứng đáng và phù hợp với tài năng của họ; được tôn trọng, đánh giá đúng mức thành quả lao động và được ghi nhận, tôn vinh. 

Thứ nhất, hoàn thiện bộ máy nhà nước đáp ứng được với những vấn đề về lý luận và thực tiễn, hướng tới sự ổn định và phát triển kinh tế trong môi trường hội nhập quốc tế, đảm bảo bảo sự tham gia của Nhân dân trong quản trị nhà nước, từng bước mở rộng đa chủ thể và chấp nhận sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước vào tiến trình quản lý sự phát triển xã hội. Thiết chế này đặt ra những yêu cầu cao đối với năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đối với việc trọng dụng người tài trong khu vực công.

Thứ hai, hình thành một trung tâm thẩm định và phát triển nền công vụ. Trung tâm này chịu trách nhiệm về chất lượng nhân sự nhà nước, về đào tạo, bồi dưỡng cho tuyển dụng, về thu hút, tuyển chọn, bồi dưỡng người có tài năng cho công vụ. Trung tâm quốc gia này nhằm đảm bảo hoạt động thu hút tuyển chọn người tài vừa phù hợp với từng vùng, vừa đảm bảo yêu cầu chung của quốc gia.

Thứ ba, phát triển chính sách trọng dụng người tài trong nền công vụ, tập trung thu hút người tài trên các lĩnh vực ở trong và ngoài nước tham gia hoạt động quản lý và chuyên môn sâu hướng tới sự phát triển của đất nước. Chính sách cần hướng đến trọng dụng người tài, tạo điều kiện để họ thể hiện tài năng của mình trong các lĩnh vực như, quản lý nhà nước, các lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực chuyên môn khác.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm từng bước xây dựng và triển khai chiến lược phát triển nhân tài, lấy việc “cầu hiền tài” là một chiến lược phát triển, thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành từng bước xây dựng phương pháp, chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để tìm kiếm, giữ chân, thu hút và phát triển người tài, nguồn trí tuệ để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước./.

Ghi chú:

(1),(2),(3),(4),(8),(9),(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.309, tr.280, tr.292, tr.184, tr.320, tr.313, tr.319.

(5),(6) Sđd, tập 4, tr.43, tr.504.

(7) Xem http://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-90-nam-lich-su-dang/thanh-lap-chinh-phu-lien-hiep-khang-chien-538230.html.

(11) Sđd, tập 15, tr.612.

 

 

các tin khác