Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Sự cần thiết giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức ngày nay

10:16 07/12/2018

     Giáo dục pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch, theo nội dung đã được xác định và thông qua những phương pháp, hình thức nhất định từ phía chủ thể giáo dục pháp luật, tác động đến đối tượng tiếp nhận giáo dục pháp luật nhằm hình thành và phát triển ở họ hệ thống tri thức pháp luật, trình độ hiểu biết về pháp luật; làm hình thành tình cảm, thói quen và hành vi xử sự tích cực theo pháp luật.
 

     Giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức là hoạt động có định hướng, có tổ chức, thông qua các phương pháp đặc thù và bằng nhiều hình thức khác nhau, hướng tới cung cấp, trang bị cho cán bộ, công chức những tri thức, hiểu biết về các vấn đề pháp luật nói chung nhằm làm hình thành ở họ tri thức pháp luật, tình cảm pháp luật và hành vi phù hợp với những yêu cầu, đòi hỏi của thời đại mới. Bên cạnh đó, trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đội ngũ cán bộ, công chức có vai trò, chức năng vô cùng quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong các cơ quan nhà nước. Cán bộ, công chức là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân, hàng ngày trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết các công việc thuộc chức năng của bộ máy hành chính nhà nước có liên quan tới các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Giải quyết những công việc đó đòi hỏi phải đảm bảo tính trung thực trên cơ sở pháp lý và mang tính khoa học.
 

     Giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay là một trong những yêu cầu khách quan và cấp thiết, là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm hình thành ở họ ý thức tôn trọng pháp luật, biết tuân thủ, chấp hành, sử dụng và áp dụng pháp luật một cách chủ động, tích cực và đúng đắn nhằm phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật” . Để mọi cán bộ, công chức nhà nước cũng như các tầng lớp nhân dân có kiến thức, hiểu biết pháp luật, biết sống và làm việc theo pháp luật thì giáo dục pháp luật phải được đặt ra một cách nghiêm túc, khoa học và phải được giải quyết đúng đắn cả về mặt lý luận và thực tiễn.
 

     Trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước đang đứng trước cả những cơ hội và thách thức không nhỏ. Cơ hội đối với họ là được tạo môi trường làm việc tốt hơn, được nhận lương bổng cao hơn và được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi, v.v.. Thách thức đối với đội ngũ này là những cám dỗ vật chất, sự thoái hóa, biến chất trước tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường và đặc biệt là âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Nếu mỗi cán bộ, công chức không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì dễ bị lôi kép, sa ngã và không thể hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ của mình. Thực tế cho thấy, việc xem nhẹ công tác giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ còn thấp. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cũng thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, trong đó: “Năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật còn yếu” . Vẫn còn tỷ lệ cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn còn cao, giải quyết công việc hàng ngày mà không quan tâm cập nhật chính sách, văn bản pháp luật mới. Bên cạnh đó, “…Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp” . Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng trên là do trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật của môt bộ phận đáng kể cán bộ, công chức còn nhiều bất cập.
 

     Ngày nay, đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới xây dựng một nền hành chính Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hiện đại, vì nhân dân phục vụ đã và đang là một yêu cầu cấp thiết. Nền hành chính hiện đại luôn luôn đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ vững vàng về bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, lối sống lành mạnh mà còn phải có kiến thức, hiểu biết pháp luật, tinh thông chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao. Một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức là trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật của họ.
 

     Chính vì vậy, việc giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay có vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho đội ngũ này, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của tiến trình cải cách hành chính và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức trong điều kiện hiện nay ở nước ta cần thực hiện một số giải pháp sau:
 

     Một là, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chủ thể, đối tượng trong công tác giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức
Để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chủ thể và đối tượng trong công tác giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ thì biện pháp cần thiết đầu tiên phải làm là cả chủ thể và đối tượng của giáo dục pháp luật phải cùng nhau xác định đúng đắn mục đích, mục tiêu giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức. Đây cũng là cơ sở để đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục pháp luật. Mục đích giáo dục phải có tính khái quát và tính định hướng, không chỉ tập trung trang bị kiến thức hiểu biết pháp luật, mà còn phải trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức các kỹ năng khác bao gồm các kỹ năng truyền thông (viết, nói, thuyết trình…), kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm…

 

     Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức
 

     Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho đội ngũ cán bộ ở nước ta hiện nay. Giải pháp này đòi hỏi khi thiết kế nội dung chương trình giáo dục cần căn cứ nhu cầu thông tin, kiến thức pháp luật của từng đối tượng cán bộ, công chức, bổ sung, cập nhật kịp thời các văn bản, chính sách pháp luật mới vào nội dung giáo dục pháp luật. Quá trình triển khai nội dung các môn học lý luận với thực tiễn, tránh lý luận suông, khô khan, giáo điều. Bên cạnh đó, cần trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức các kiến thức về phương pháp, kỹ năng thực hành công vụ, về áp dụng kiến thức pháp luật vào thực tiễn công tác.
 

Ba là, đảm bảo các điều kiện cần thiết về kinh tế, chính trị, văn hóa và pháp luật cho việc nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật
 

     Hoạt động giáo dục pháp luật luôn diễn ra trong một môi trường xã hội nhất định, phụ thuộc vào các điều kiện về kinh tế, văn hóa, pháp luật của xã hội ở từng giai đoạn phát triển nhất định. Môi trường xã hội thuận lợi với các điều kiện cần thiết về kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật là tiền đề cơ bản, quan trọng giúp hoạt động giáo dục pháp luật đi vào nền nếp, có chiều sâu và đạt chất lượng, hiệu quả cao và ngược lại. Chính vì vậy, việc bảo đảm các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa và pháp luật là một trong những giải pháp không thể thiếu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức.
 

 * Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb.CTQG, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, Hà Nội.
3. Lương Thanh Cường (2004): Nâng cao ý thức pháp luật cho đội ngũ công chức, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Hà Nội.
4. Trần Ngọc Đường (1999): Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Nxb.CTQG, Hà Nội.
5. Khoa Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) (1999): Đổi mới giáo dục pháp luật trong hệ thống các trường chính trị ở nước ta hiện nay, Đề tài khoa học cấp bộ, Hà Nội.

ThS. Nguyễn Xuân Hằng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

Responsive image
 

 

các tin khác