Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số điểm mới của bộ Luật hình sự năm 2015

04:02 22/11/2017

     Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020 là mục tiêu của Đảng được ghi nhận trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 25/4/2005 của Bộ Chính trị. Trong đó, pháp luật hình sự là một công cụ quan trọng để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh đất nước, bảo vệ chế độ XHCN, quyền con người, quyền công dân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Việc nghiên cứu Bộ luật hình sự cũng là nội dung quan trọng để bổ sung kiến thức cho việc giảng dạy bài Pháp luật và hệ thống pháp luật XHCN Việt Nam.
 

     Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, thông qua ngày 27/11/2015 và được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự năm 2015). Qua nghiên cứu Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, bản thân xin giới thiệu một số điểm mới cơ bản sau:
 

     Thứ nhất, bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại. Nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt nam: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về pháp nhân thương mại (Điều 75) thì Bộ luật hình sự quy định rõ hành vi nào của pháp nhân thương mại bị coi là tội phạm.
 

   - Quy định mới về cơ sở truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội. (Khoản 2 Điều 2 BLHS).
 

     - Pháp nhân thương mại chỉ chịu TNHS đối với 33 tội danh được ghi nhận tại Điều 76 BLHS.
 

     - Quy định rõ 4 điều kiện một pháp nhân thương mại phải chịu TNHS là:
 

     1. Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân.
 

     2. Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.
 

     3. Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân.
 

     4. Chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS.
 

     Thứ hai, hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt khác theo hướng nhân đạo.
 

     - Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng (Khoản 2 Điều 38 BLHS).
 

     - Phạt tiền là hình phạt chính không chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng như quy định của BLHS năm 1999 mà còn áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với một số tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường.
 

     - Bổ sung quy định mới hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
 

     - Bổ sung quy định mới hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật.
 

     - Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội: Tội hoạt động phỉ; Tội cướp tài sản; Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy.
 

     - Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên.
 

     - Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (Khoản 3 Điều 40 BLHS)
 

     - Bổ sung 3 biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội khi họ thực hiện tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự: Khiển trách (Điều 93 BLHS); hòa giải tại cộng đồng (Điều 94 BLHS); giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95 BLHS).
 

    - Bổ sung 3 trường hợp loại trừ TNHS:
 

    1. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24 BLHS).
 

     2. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25 BLHS).
 

    3. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26 BLHS).
 

     Thứ ba, Luật hóa các quy định có liên quan Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.
 

     - Thực hiện Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên, BLHS đã bổ sung nhiệm vụ bảo vệ quyền con người vào Điều 1.
 

     - Nhằm chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xãy ra, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, phù hợp với Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 08/7/2012, BLHS năm 2015 đã quy định hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu TNHS như: hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể  tại Điều 14 BLHS.
 

     - Thực hiện Nghị định thư ngày 15/11/2000 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em mà Việt Nam đã tham gia, BLHS đã bổ sung Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151 BLHS).
 

     Thứ tư, quy định một số tội mới, hủy bỏ một số tội, thay đổi một số thuật ngữ
 

    BLHS năm 2015 quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ và hội nhập quốc tế, cụ thể như:
 

     Quy định 16 tội mới trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, cạnh tranh, kinh doanh theo phương thức da cấp (Điều 212, 213, 214, 215, 216, Điều 217, 217a, Điều 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, Điều 230 và Điều 324).
 

     Quy định một số tội mới xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân; Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, sai lệch kết quả trưng cầu ý dân; Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử.
 

     Quy định 01 tội danh mới trong lĩnh vực môi trường (Điều 238).
 

     Quy định 07 tội danh mới trong lĩnh vực an toàn, trật tự công cộng (Điều 285, 291, 293, 294, 297, 301 và Điều 302).
 

     Quy định 02 tội danh mới xâm phạm hoạt động tư pháp: Tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388); Tội gây rối trậ tự phiên Toàn (Điều 391).
 

     Trong các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, BLHS năm 2015 bổ sung hành vi đưa, nhận hối lộ "lợi ích phi vật chất"
 

     Bên cạnh đó, xét về bản chất, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi không cao, chỉ cần xử lý hành chính, BLHS năm 2015 đã bỏ một số tội như: Tội tảo hôn, Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.
 

     - Thay thuật ngữ “thương tật” bằng thuật ngữ "tổn thương cơ thể”.
 

     - Thay thuật ngữ “người chưa thành niên” bằng thuật ngữ “người dưới 18 tuổi”. Thay thuật ngữ “trẻ em” bằng thuật ngữ “ người dưới 16 tuổi”
 

     Qua các nội dung nghiên cứu nêu trên cho thấy việc xây dựng Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương: "Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ và hội nhập quốc tế." Đây cũng là nội dung giáo viên có thể vận dụng giới thiệu vào các bài giảng phần 3 và các phần giảng khác liên quan đến quan điểm của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 25/4/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
- Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009)
- Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)  
- Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948
- Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966
- Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 08/7/2012
- Nghị định thư ngày 15/11/2000 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em

Vũ Quang Hưng _ Khoa Nhà nước và pháp luật

Responsive image
 

 

các tin khác