Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Nâng cao cảnh giác đối với những luận điệu sai trái, xuyên tạc trên không gian mạng

04:00 23/02/2023

Trong kỷ nguyên số, không gian mạng ngày càng trở thành mặt trận chính trong cuộc đấu tranh thay đổi nhận thức và tư duy. Với những ưu thế nổi trội so với các phương tiện truyền thông truyền thống, nhất là tính siêu kết nối, tính mở, khó kiểm soát, tính nặc danh…, các phương tiện truyền thông mới bị các thế lực thù địch lợi dụng để phát tán các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng, biến thành công cụ đắc lực chống phá Đảng, Nhà nước ta.

CN. Đặng Bửu Điền

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Với lượng người dùng internet cao của nước ta (tính đến tháng 1-2023, số lượng người dùng internet ở nước ta có hơn 70 triệu người) những thông tin xấu độc có ảnh hưởng, tác động tiêu cực rất lớn tới xã hội. Hằng ngày, có hàng nghìn tin, bài chống phá được các thế lực thù địch tung lên không gian mạng, gây nhiễu loạn thông tin, hướng lái công chúng truyền thông hiểu sai lệch, gia tăng sự bất đồng thuận, kích động những tư tưởng bất mãn, phản kháng, chống đối với Đảng, Nhà nước. Trước tình hình đó nếu chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác hoặc thiếu những giải pháp đấu tranh hữu hiệu, để những thông tin xấu độc tràn lan trên không gian mạng sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường.

Các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá nước ta với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt, đặc biệt là chúng lợi dụng internet, mạng xã hội đưa những thông tin chống phá, xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiện nay, nhất là đường lối đổi mới của Đảng ta. Chúng đồng nhất đổi mới chính trị với thay đổi chế độ chính trị. Phủ nhận, bôi đen những thành tựu; cường điệu, thổi phồng, khoét sâu vào những tiêu cực, khuyết tật, tạo cái nhìn đen tối, bi quan về tình hình đất nước. phản ánh sai tình hình thực tiễn cách mạng, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở Việt Nam. Các thế lực thù địch này núp bóng dưới dạng các trang báo không chính thống, lập ra các website với nhiều tên miền khác nhau đăng thông tin xuyên tạc, blog, mở các hội nhóm trên facebook ở chế độ riêng tư để tuyên truyền, cắt ghép các nội dung không đúng sự thật lên youtube, tiktok, mở các “diễn đàn”, “câu lạc bộ”… phát tán các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video clip có nội dung xấu độc để chống phá; đăng tải thông tin thật giả lẫn lộn để đả kích, phủ nhận truyền thống cách mạng, bản chất cách mạng cao đẹp của lực lượng vũ trang, bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Bên cạnh đó các thế lực thù địch còn sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, kích động, lôi kéo, tập hợp dư luận, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Chuyển hóa các bài viết có sẵn thành thể thơ hoặc bài hát phát trên các kênh âm nhạc trực tuyến làm công cụ tuyên truyền, chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Các thế lực thù địch không chấp nhận thực tế trên và chúng ráo riết tìm mọi cách lợi dụng các kênh thông tin nhằm mục đích phá Đảng, Nhà nước ta. Đặc biệt, những năm gần đây, lợi dụng điều kiện phát triển kinh tế ở nước ta cũng như sự phát triển mạng internet với nhiều chính sách cởi mở hơn trước đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch tìm cách gây mất ổn định an ninh chính trị ở bên trong, nhằm tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trước tình hình đó mỗi cán bộ, đảng viên phải hết sức thận trọng trong việc xem, tiếp cận các thông tin trên không gian mạng đặc biệt là những trang thông tin không chính thống gây hiểu lầm, hoang mang dư luận và đặc biệt là xuyên tạc các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và chính sách Nhà nước. Để tăng cường công tác phê phán các luận điệu sai trái thì mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế. Mỗi cán bộ, đảng viên, phải thường xuyên chăm lo giữ vững bản chất cách mạng, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và phát huy tính tiên phong của người Đảng viên trong tình hình mới.  

Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải chủ động nắm bắt thông tin cũng như kịp thời phát hiện những tư tưởng đối lập do các thế lực thù địch trên không gian mạng. Tăng cường hỗ trợ trong công tác quản lý các hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, internet, mạng xã hội (Facebook, zalo, tiktok…) phải có ý kiến, kiến nghị kịp thời để không xảy ra sơ hở để bên ngoài có thể lợi dụng xâm nhập, thu thập bí mật, xuyên tạc, phủ nhận, truyền bá quan điểm tư tưởng thù địch và kích động phá hoại. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh, vô hiệu hóa các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc; tăng cường giáo dục, đối thoại với những người có quan điểm sai trái, ngăn chặn sự tác động của bọn phản động bên ngoài, không đẩy họ vào thế đối địch, đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây tổn hại đến Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

Thứ ba, cán bộ, đảng viên chủ động phê phán, bác bỏ các quan điểm tư tưởng sai trái và ý đồ thực hiện việc xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là yêu cầu cần kiên quyết, kiên trì, tăng cường đấu tranh phê phán hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội - dân chủ, chủ nghĩa thực dụng. Đảng ta chỉ rõ: “Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng được yêu cầu”. Bởi vậy, yêu cầu: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, “không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.

Thứ tư, các cơ quan quản lý thực hiện có hiệu quả các giải pháp công nghệ, xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng. Cùng với các giải pháp tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp công nghệ như: Bảo vệ tốt thông tin cá nhân, kỹ thuật phát tán thông tin trên không gian mạng, kỹ thuật phân tích điều tra, ngăn chặn, bóc gỡ khóa tài khoản của đối phương,… có vị trí rất quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi trong đấu tranh phòng, chống, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay.

Thứ năm, cần thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Tập trung vạch trần, làm rõ âm mưu, thủ đoạn, những vấn đề, sự kiện mới, nóng, phức tạp mà các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin sai trái đó đối với mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng. Từ đó, nêu cao nhận thức, có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, có nhãn quan chính trị đúng đắn, đủ sức “phản biện” trước các thông tin xấu độc trên không gian mạng. Thường xuyên nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội trong quần chúng nhân dân, định hướng thông tin chính xác, kịp thời nhằm tạo khả năng “miễn dịch”, “tự đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để chủ động tiến công, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, phản bác, đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, kích động, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tóm lại, mỗi cán bộ, đảng viên cần cảnh giác với thông tin trên các trang mạng xã hội, phải tỉnh táo, sáng suốt nhận biết thông tin nào là đúng, chính xác, thông tin nào là giả, bịa đặt, xuyên tạc nhằm tránh bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị sử dụng để lôi kéo, kích động người dân hướng theo ý đồ xấu độc của chúng. Phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII;

2. Luật An ninh mạng 2018; https://baochinhphu.vn/nang-cao-canh-giac-voi-lua-dao-tren-khong-gian-mang-102230116093349389.htm

các tin khác