Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Chủ tịch Tôn Đức Thắng và những đóng góp cho tổ chức Công đoàn Việt Nam (từ thực tiễn tổ chức công hội đỏ)

09:40 21/08/2018

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 -1980) là một trong những chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, là một gương mẫu đạo đức cách mạng suốt đời cần, kiệm, liêm chính, hết lòng hết sức phụng sự cách mạng, phục vụ Nhân dân. Cả cuộc đời với 92 mùa xuân, Người đã dành gần trọn 70 năm hoat động và cống hiến cho phong trào yêu nước, cho sự nghiệp cách mạng lớn lao của Đảng, dân tộc và nhân loại, trong đó có những cống hiến to lớn cho phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam.

Dòng sông Hậu hiền hòa bao quanh Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng là nơi cậu bé Tôn Đức Thắng được sinh ra và lớn lên. Xuất thân trong một gia đình trung nông thuộc tầng lớp khá giả, có điều kiện học hành để trở thành thầy thông, thầy ký, hứa hẹn một tương lai tươi sáng với vị trí xã hội đáng kể nhưng chàng thanh niên Tôn Đức Thắng không chọn con đường công danh xán lạn đó mà quyết định vào trường Bá Nghệ học kỹ thuật làm thợ máy, thợ điện, chọn con đường lao động, cuộc đời làm thợ. Đây cũng là ngã rẽ mang tính chất bước ngoặt trong cuộc đời của Bác Tôn. Từ đây, Tôn Đức Thắng sống, làm việc, gắn bó với giai cấp công nhân, Người đã chia sẽ và thấu hiểu nỗi đau khổ tận cùng của người công nhân Việt Nam dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Ngay từ khi chưa có ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã luôn canh cánh bên lòng là làm thế nào để đời sống công nhân không còn cảnh bị áp bức, bóc lột, đấu tranh giành quyền và lợi ích cho họ.

Sau sự kiện kéo cờ đỏ trên Biển Đen (4/1919), ngoài tình cảm đối với Cách mạng Tháng Mười, ý thức được sự tồn vong của Tổ quốc gắn bó với sự tồn tại của nước Nga Xô viết thì Tôn Đức Thắng đã tiếp nhận tư tưởng về mặt tổ chức của giai cấp công nhân qua các hình thức công đoàn ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn ở Pháp. Từ đây những trăn trở của Tôn Đức Thắng đã có đường hướng để thực hiện, bằng những trải nghiệm của bản thân, qua những cuộc bãi công, mít tinh, biểu tình của công nhân người nhận thức rất rõ vai trò quan trọng và sự cần thiết phải có tổ chức trong công nhân có như thế mới giành được quyền và lợi ích thiết thực cho công nhân. Vì thế, Tôn Đức Thắng đã vận động công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp tại thành phố đặc biệt những người thợ yêu nước tham gia vào tổ chức "Ủy ban bữa cháo cộng sản" nhằm mục đích đấu tranh giành quyền và lợi ích cho giai cấp công nhân đồng thời giúp họ biết cách hoạt động sao cho có hiệu quả, tập hợp họ lại sinh hoạt cùng nhau, học tập, nghiên cứu, chia sẽ với nhau tạo sự đoàn kết, thân ái giữa họ. Năm 1920, Công hội bí mật ra đời do Tôn Đức Thắng tổ chức và lãnh đạo. Đây là Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, nó không chỉ có mục đích tương tế ái hữu mà còn đóng góp tích cực vào phong trào dân tộc, chống đế quốc, làm chính trị bằng nhiều hình thức đấu tranh, mít tinh, biểu tình, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (8/1925) đánh dấu sự chuyển biến của phong trào công nhân từ tự phát lên tự giác.

Năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ đây, Công hội bí mật đã được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 1930, Bác Tôn bị đày ra Côn Đảo, bằng kinh nghiệm thực tiễn Người đã tham gia thành lập chi bộ đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo nhằm giáo dục đảng viên, giác ngộ quần chúng, lãnh đạo đấu tranh, giữ mối liên lạc giữa Côn Đảo với đất liền, giữa các tù chính trị cũng như các tù nhân khác. Hình ảnh người "cặp rằng" ở Hầm xay lúa, Tôn Đức Thắng đã vượt qua âm mưu thâm độc của bọn gác ngục, bằng đức tính khiêm tốn, sự chân thành, tương thân tương ái, Người đã cải tạo chế độ và tổ chức lại cách làm việc ở Hầm xay lúa không đánh đập tù nhân, phân công lao động hợp lý, tổ chức Hội cứu tế tù nhân chăm sóc người bệnh, ốm yếu, nấu thêm cơm để tù nhân cải thiện sức khỏe, người gầy yếu được bố trí vào kíp sàng gạo và đóng bao, người khỏe thì xay và khuân vác thóc, kíp đứng cối nặng nhọc nhất được sắp xếp thêm người để bớt phần nặng nhọc và thay phiên nhau người làm, người nghỉ vừa đỡ hao tổn sức lực vừa chạy việc. Từ khi có mặt Tôn Đức Thắng tại Hầm xay lúa không khí làm việc ngột ngạt "địa ngục trần gian" không còn nữa, thay vào đó là sự thương yêu, đoàn kết, tinh thần học tập và giúp đỡ lẫn nhau trong mọi việc.

Năm 1945, Côn Đảo được giải phóng, Người tiếp tục quan tâm xây dựng tổ chức Công đoàn trên các cương vị khác nhau. Với cương vị quyền Trưởng ban thường trực Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Tôn Đức Thắng đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là đánh bại đế quốc xâm lượt, liên minh giai cấp, đây là mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp bởi vì phần lớn nhân dân nước ta là nông dân, họ tham gia và đóng góp rất nhiều cho kháng chiến. Vì vậy, Luật cải cách ruộng đất đã được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội nhằm chia lại ruộng đất, nông cụ sản xuất, trâu bò, đồng thời giảm tô, giảm tức,... để động viên quần chúng nông dân hăng hái hơn nữa, tích cực hơn nữa tham gia đông đảo hơn nữa trong kháng chiến. Thi đua ái quốc nhằm khuyến khích tăng gia sản xuất, sáng tạo trong lao động, chiến đấu ... cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến. Với cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo thanh toán nạn mù chữ Trung ương, Bác Tôn đã đến tận nhiều địa phương động viên, kiểm tra chất lượng cả người dạy và người học, tạo nên một phong trào quần chúng sâu rộng. Người đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết, mở ra trang mới tập hợp lực lượng toàn dân thành một Mặt trận rộng rãi "tăng cường chỉ đạo công tác kinh tế tài chính và ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, củng cố quốc phòng, công tác trị an" đồng thời góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân ta với các nước bạn bè trên thế giới. Với cương vị Phó Chủ tịch nước, Người luôn quan tâm chỉ đạo phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dành nhiều thời gian đến nhiều nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để nắm tình hình, kịp thời có quyết định sát, đúng thực tế. Quan tâm nâng cao trình độ văn hóa, đào tạo cán bộ, công nhân lành nghề ... Với cương vị Chủ tịch nước, Bác Tôn vẫn luôn sâu sát, dành thời gian đi xuống cơ sở, thăm nhiều địa phương, đơn vị có thành tích sản xuất và chiến đấu, đến thăm công nhân nhà máy cơ khí Mai Động và thăm nông dân hợp tác xã Việt - Trung hữu nghị, huyện Thanh Trì. Người khen ngợi, động viên họ hăng hái sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1970. Ngoài ra, Bác Tôn còn dành tình yêu thương, chăm lo cho thế hệ thanh thiếu nhi về giáo dục, học hành của các em, Người đã ký Pháp lệnh về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Quan tâm đến các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ... Ngày 13 tháng 3 năm 1980 do tuổi cao sức yếu, Bác Tôn đã từ trần vì căn bệnh u sơ tuyến tiền liệt tuyến, hưởng thọ 92 tuổi.

Hơn nửa cuộc đời, Bác Tôn dành phần lớn thời gian hoạt động cho lý tưởng yêu nước, cho giai cấp công nhân, cho Đảng, cách mạng Việt Nam và Nhà nước ta. Bác tôn đã để lại nhiều bài học sâu sắc về tấm gương đạo đức cách mạng, chuẩn mực sống, đặc biệt những đóng góp của Người cho tổ chức công đoàn:

- Đóng góp về tổ chức: Bác Tôn là người sáng lập tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam.

Bác Hồ và Bác Tôn hai con người cùng chung lý tưởng nhưng có hai quyết định khởi đầu khác nhau. Nếu như Bác Hồ từ bến cảng Nhà rồng ra đi tìm đường cứu nước, đến nhiều đất nước, phát triển phong trào công nhân ở Pháp và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-Nin vào trong nước và sáng lập Đảng Cộng sản Việt nam thì Bác Tôn chọn con đường làm thợ, hòa nhập vào giai cấp công nhân cùng trải nghiệm cùng chia sẽ vì vậy Bác tôn càng thấu hiểu sâu sắc nổi thống khổ của giai cấp bị thống trị, sống cuộc đời không có tự do Bác Tôn luôn trăn trở phải làm thế nào để đem lại cuộc sống hạnh phúc cho giai cấp mình, bảo đảm quyền và lợi ích cho họ. Sau sự kiện kéo cờ phản chiến tại Hắc Hải, Bác Tôn bị buộc rời khỏi nước Pháp và hành trang mang về nước là những nghiên cứu, tìm hiểu, kinh nghiệm đã đút kết được đó là cách tổ chức và hoạt động của giai cấp công nhân. Người nhận thấy trong điều kiện hiện tại công nhân không có quyền tự do, bất kỳ hoạt động yêu nước hay hành động chống đối nào đều bị đàn áp. Vì vậy, Tôn Đức Thắng quyết định thành lập Công hội bí mật, tập hợp, đoàn kết anh em công nhân hướng dẫn họ cách thức và phương pháp hoạt động sao cho hiệu quả đem lại quyền lợi chính đáng cho họ, đoàn kết công nhân thành lực lượng lớn mạnh, cho họ nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong thời cuộc.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt – Cố Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nói: “Trong lịch sử phong trào công đoàn Việt Nam, Công hội Đỏ là tổ chức quần chúng đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Công hội Đỏ ra đời giữa lúc giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam bị áp bức bóc lột thậm tệ. Sớm được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Công hội Đỏ đã luôn gắn liền việc vận động quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày với việc tổ chức công nhân đoàn kết cùng các tầng lớp nhân dân chống đế quốc Pháp để giải phóng dân tộc. Đồng thời, Công hội Đỏ cũng góp phần đặt mối quan hệ đầu tiên giữa phong trào công nhân Việt Nam với phong trào công nhân thế giới, đặc biệt là với công đoàn và công nhân Pháp”. Sự ra đời và hoạt động với nhiều đóng góp của tổ chức Công hội đỏ mà Bác Tôn là người sáng lập, lãnh đạo đã tạo cơ sở quan trọng cho sự ra đời và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Công hội đỏ là tổ chức công đoàn sơ khai đầu tiên ở Việt Nam và là một trong những tiền thân quan trọng của tổ chức Công đoàn.

- Đóng góp về lý luận: Bác Tôn góp phần quan trọng đặt nền móng cho lý luận – nghiệp vụ công tác công đoàn Việt Nam.

Quá trình tồn tại và hoạt động của Công hội đỏ không chỉ đặt nền móng cho Công đoàn Việt Nam về mặt tổ chức mà còn cả trên phương diện lý luận. Tôn chỉ, lý tưởng, nghiệp vụ hoạt động của Công hội đỏ là những tiền đề rất quan trọng góp phần hình thành lý luận – nghiệp vụ của Công đoàn Việt Nam hiện nay. Quan điểm của Tôn Đức Thắng trong quá trình lãnh đạo tổ chức Công hội đỏ là không chỉ nhằm tập hợp công nhân đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế mà còn phải đòi cả quyền lợi chính trị; công tác tổ chức, nội dung, phương pháp hoạt động của Công đoàn phải xuất phát từ tình hình cụ thể của phong trào công nhân, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của mỗi giai đoạn cách mạng; phải kiên trì vận động, thuyết phục và chú trọng công tác tuyên truyền vận động, tập hợp công nhân, lao động; có quy định thống nhất hàng tháng đoàn viên phải đóng đoàn phí để nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó của đoàn viên với tổ chức và để có kinh phí hoạt động; quan tâm thường xuyên đến đào tạo, bồi dưỡng để có những cán bộ công đoàn sâu sát quần chúng; quan tâm xây dựng quan hệ đoàn kết, thống nhất trong tổ chức, đồng thời phải chú trọng xây dựng quan hệ đoàn kết với các tổ chức, các giai cấp, tầng lớp khác trong xă hội.

Những quan điểm của Bác Tôn thể hiện lồng ghép trong văn kiện của Công hội đỏ và trong thực tiễn lãnh đạo hoạt động của tổ chức này có thể xem là những hạt nhân lý luận – nghiệp vụ đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam. Từ thực tiễn vận động thành lập và lănh đạo Công hội bí mật hoạt động, Bác Tôn là người đă góp phần quan trọng vào việc đặt cơ sở, nền móng cho lý luận - nghiệp vụ công tác công đoàn Việt Nam hiện nay, tiêu biểu cho lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn.

- Đóng góp về phong trào: Bác Tôn là người đặt nền móng khởi phát và nâng chất phong trào hoạt động công nhân và công đoàn Việt Nam.

Tổ chức phong trào cách mạng là nhu cầu sống của tổ chức Công đoàn, đồng thời là quy luật phát triển. Thông qua phong trào mà tổ chức Công đoàn tự hoàn thiện và phát triển. Bác Tôn là người tiên phong khởi phát, tổ chức phong trào công nhân và công hội Việt Nam, nhất là sau khi tổ chức Công hội đỏ thành lập. Từ khi được thành lập, Công hội đã không ngừng hoạt động, tổ chức bãi công hơn một nghìn công nhân Ba Son nhằm ngăn cản chuyến đi của chiến hạm Misơlê (Michelet) sang đàn áp cách mạng Trung Quốc (8/1925). Năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, có thể nói Công hội là lực lượng hùng hậu có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động cách mạng từ khi gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuộc đấu tranh của công nhân Đồn điền Phú Riềng, Nhà máy nước đá Larue (2/1928), Nhà máy in Portail Sài Gòn (5/1928), Đồn điền cao su Cam Tiêm (9/1928), Hãng dầu Nhà Bè (11/1928)...từ mục tiêu kinh tế tiến lên mục tiêu chính trị, phong trào công nhân đã dần trở thành một lực lượng chính trị độc lập trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta.

Sự ra đời của Công hội bí mật đầu tiên ở nước ta đánh dấu một thời kỳ mới trong lịchsử của giai cấp công nhân Việt Nam, thời kỳ giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn đấu tranh từ tự phát sang tự giác, từng bước đưa giai cấp công nhân Việt Nam lên vũ đài chính trị và trở thành lực lượng chính trị độc lập, mở đầucho giai đoạn đấu tranh mới, giai đoạn đấu tranh có tổ chức.

- Đóng góp về hình mẫu cán bộ công đoàn: Bác Tôn là người công nhân, người lãnh đạo Công đoàn tiêu biểu, là hình mẫu của người cán bộ công đoàn Việt Nam.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người tiêu biểu gương mẫu trên tất cả các phương diện trong suốt quá trình sống và hoạt động cách mạng. Ở góc độ người công nhân và lãnh đạo công hội, Bác Tôn là hình mẫu của người cán bộ công đoàn Việt Nam thể hiện qua:

 (1) Bác Tôn là người công nhân giỏi tay nghề, yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao và lối làm việc chuyên nghiệp;

(2) Bác Tôn là hạt nhân đoàn kết, tập hợp công nhân, là người tiêu biểu cho tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh;

(3) Bác Tôn là người lãnh đạo tổ chức và phong trào công hội giàu năng lực, đầy trách nhiệm, hiệu quả cao.

Bác Tôn là tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, về tinh thần anh dũng, bất khuất, về đức tính khiêm tốn, giản dị. Như cố Thủ tưởng Phạm Văn Đồng đă viết "di sản quý báu nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng..., tinh túy của chất người ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí, niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng, mặc dù khó khăn, gian khổ, nhưng tinh thần một lòng một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư, quên mình, sự khiêm tốn giản dị, hồn nhiên trong sáng. Đó là chất cách mạng tinh khiết, không gì làm phai nhạt được, từ thưở thanh niên đến cuối đời, vượt qua muôn trùng thử thách ngày càng ngời lên đẹp đẽ và cao quý".

Trong giai đoạn hiện nay, tổ chức Công đoàn đang đứng trước thời cơ, thuận lợi lớn nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thử thách. Từ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người cán bộ Công đoàn học được nhiều điều để hoàn thiện bản thân và  nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ công đoàn của mình. Một số bài học chủ yếu đó là:

Thứ nhất, dĩ công vi thượng, tất cả đặt lợi ích tập thể, tổ chức và Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.

Thứ hai, tài năng đi liền với đạo đức, giỏi nghề và sống mẫu mực.

Thứ ba, vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ, bằng quyết tâm chính trị và tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành mọi mục tiêu, nhiệm vụ, không nề hà ngại khó, so đo tính toán.

Thứ tư, là trung tâm đoàn kết, xây dựng tập thể gắn bó, thống nhất.

Thứ năm, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả của phong trào công nhân và công đoàn.

Cuộc đời Bác Tôn trong sáng như một tấm gương. Người là hình tượng mẫu mực cả trong nhân cách mà đóng góp vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đối với tổ chức Công đoàn, Người đặt nền móng cả về mặt tổ chức, lý luận, phong trào và luôn theo dõi, giúp đỡ, lãnh đạo tổ chức Công đoàn phát triển trên các cương vị khác nhau. Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam tự hào, noi gương và tiếp bước theo Người.

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Chủ tịch Tôn Đức thắng - lãnh tu của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam (2010), Nxb. Lao động, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 16, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Lê Minh (1987), Người thợ máy Tôn Đức Thắng, Nxb. Thanh niên, Hà Nội.

 

Nguyễn An – Trần Ngọc

Responsive image
 

 

các tin khác