Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, xứng đáng là nơi hội tụ của tri thức, khát vọng

02:47 02/04/2021

Sáng ngày 02 tháng 4 năm 2021, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 24/10/2014 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng hoạt động Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Quang cảnh Hội nghị

Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Văn Nưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; TS. Hồ Ngọc Trường - Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.

Qua 05 năm triển khai thực hiện Đề án, chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã có nhiều chuyển biến tích cực, sâu sắc và toàn diện. Vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước các cấp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tăng cường. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Tôn Đức Thắng không ngừng nghiên cứu, cập nhật, quán triệt sâu sắc đến toàn thể cán bộ, giảng viên về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Đảng. Cấp ủy các địa phương, cơ quan, đơn vị, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm và chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đã phối hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu người học và đào tạo theo đơn đặt hàng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa; kết quả, từ năm 2015 đến năm 2020, trường đã thực hiện đào tạo 21 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 16 lớp chuyên viên, phối hợp với Trung tâm ngoại ngữ Trường Đại học Cần Thơ mở 4 lớp bồi dưỡng tiếng Anh trình độ B1, phối hợp với Trường Đại học kinh tế TP.HCM mở lớp cao học quản lý kinh tế và Học viện khoa học xã hội mở lớp cao học chính sách công từ nguồn kinh phí của cơ quan, địa phương cử cán bộ đào tạo hoặc do người học tự chi trả.

Chất lượng giảng dạy và học tập tiếp tục được đổi mới, nâng cao, từ năm 2015 đến năm 2020, trường tổ chức thực hiện và liên kết đào tạo, bồi dưỡng 245 lớp với số lượng 23.160 học viên.

Công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2015 - 2020, trường đã tổ chức thực hiện 11 đề tài nghiên cứu khoa học, đa số các đề tài khoa học đều có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, có giá trị khoa học cao, đóng góp thiết thực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường và góp phần tổng kết thực tiễn địa phương. Tổ chức thành công 26 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, với 1.080 lượt bài viết tham gia.

Tổ chức bộ máy được kiện toàn, năng lực tổ chức quản lý và chất lượng đội ngũ giảng viên được nâng cao. Tổng số viên chức, người lao động của trường hiện có 47 người (gồm 07 lao động công nhật). Về trình độ chuyên môn, trường có 2 tiến sĩ, 23 thạc sỹ, 11 cử nhân, 3 trung cấp. Về lý luận chính trị, trình độ cử nhân 01 người, cao cấp 19 người, trung cấp 2 người, sơ cấp 6 người. Về ngạch giảng viên, có 7 giảng viên chính và 19 giảng viên. Hiện nay, số giảng viên có trình độ sau đại học là 23/26 người, chiếm 88,46%, trình độ cử nhân 3/26, chiếm 11,54%. Như vậy, xét về trình độ giảng viên, trường đã hoàn thành trước thời hạn 10 năm mục tiêu Đề án đề ra là “đến năm 2030 có đến 2/3 đội ngũ giảng viên của trường có trình độ sau đại học”.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật được tăng cường đầu tư, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu giảng dạy, học tập, quản lý và sinh hoạt của học viên, tạo điều kiện cần thiết để xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn vào năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và các mặt công tác của trường được đẩy mạnh.

Trong thời gian tới trường sẽ tập trung hơn nữa việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Trước hết, tập trung rà soát, nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý các mặt công tác của trường để nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới sâu sắc công tác quản lý đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên. Giữ vững sự tôn nghiêm, mô phạm và đạo đức nghề nghiệp trong môi trường giáo dục của Đảng. Những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực trong giảng dạy, học tập và quản lý phải kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi. Từng bước đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mục tiêu, yêu cầu, nội dung chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt coi trọng việc giáo dục nhân cách, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và rèn luyện tác phong chuẩn mực cho đội ngũ học viên.

Đồng chí Lê Văn Nưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị đồng chí Lê Văn Nưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao những nỗ lực của trường cũng như kết quả đạt được trong thời gian qua; trường có sứ mệnh đặc biệt quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh, đó là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thường xuyên, nơi mà những cán bộ lãnh đạo của tỉnh đều trải qua thời gian nghiên cứu, học tập tại đây. Đồng chí cũng yêu cầu Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường là những người tài năng và đức độ, vì vậy phải rèn luyện thường xuyên để xứng đáng với vai trò dẫn dắt, tạo cảm hứng và tầm nhìn; cán bộ, giảng viên nhà trường phải tận tâm, rèn trí, chuẩn mực, sáng tạo…

Với vị trí, tầm vóc và sự trưởng thành không ngừng trong thời gian qua, vì vậy trong thời gian tới trường phải là trung tâm hội tụ của tri thức, khát vọng, nơi không những truyền thụ tri thức, tầm nhìn, chuyên môn, nghiệp vụ… mà còn là nơi truyền giáo triết lý nhân sinh, nhân cách sống nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tài năng, đức độ, góp phần đưa An Giang phát triển nhanh và bền vững xứng đáng là quê hương Bác Tôn anh hùng./.

các tin khác