Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đấu tranh chống các phần tử cơ hội chính trị trước thềm Đại hội XIII của Đảng

12:38 15/10/2020

Trước thềm Đại hội, các thế lực thù địch, nhất là các phần tử cơ hội chính trị lại gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Việc đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các phần tử cơ hội chính trị là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đầu năm 2021, một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước sẽ diễn ra, đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Như thường lệ, trước thềm Đại hội, các thế lực thù địch, nhất là các phần tử cơ hội chính trị lại gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Việc đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các phần tử cơ hội chính trị là việc làm quan trọng và cần thiết để bảo vệ thành quả cách mạng và nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hoạt động ráo riết, âm mưu, thủ đoạn ngày càng thâm độc

Thông thường, khi nói về các phần tử cơ hội chính trị, chúng ta nghĩ đến những ngườicó quá trình tham gia hoạt động cách mạng, có đóng góp ít nhiều và công lao nhất định đối với cách mạng, nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng vì những điều kiện hoàn cảnh lịch sử khác nhau, lợi ích cá nhân của bản thân họ không được đáp ứng, họ tỏ ra bất mãn, bi quan, dao động, xuất hiện tư tưởng, quan điểm mơ hồ, lệch chuẩn, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuy nhiên, trong thực tiễn các phần tử cơ hội chính trị còn bao hàm cả những phần tử chống đối, phản cách mạng đã từng bị xử lý, nuôi tham vọng chờ cơ hội phục thù, những nhân sỹ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, văn nghệ sỹ, thậm chí có cả một bộ phận trí thức trẻ, có nguồn gốc xuất thân từ các thành phần xã hội phức tạp, thiếu tu dưỡng rèn luyện, nặng về hưởng thụ, lãng quên trách nhiệm với cộng đồng.

 

 

Ở nước ta, việc nhận diện và đấu tranh chống các phần tử cơ hội chính trị đã được thực hiện kể từ khi Đảng thành lập, hoạt động đó góp phần làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vượt qua mọi khó khăn thách thức, nhất là sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu - “một chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX”; đưa cách mạng Việt Nam giành được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác xây dựng Đảng cũng cho thấy, vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc đấu tranh chống các phần tử cơ hội chính trị còn nhiều hạn chế.

Trước đại hội Đảng, ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị những kẻ cơ hội chính trị tranh thủ "diễn gương", luôn tỏ ra có tác phong quần chúng, đi đâu cũng chủ động thăm già, hỏi trẻ, khích lệ đồng chí, đồng nghiệp, nhưng thực chất là “nhẫn nhịn” để chờ thời, lấy phiếu vào quy hoạch, để được bổ nhiệm. Rồi từ đó, dùng vị thế "đạt được" của mình vi phạm, thậm chí bỏ qua nguyên tắc tập trung dân chủ mà quyết định những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Những phần tử cơ hội tranh thủ kéo bè kết cánh, móc ngoặc trên - dưới, trong - ngoài, dựa vào những lợi thế là “hậu duệ”, “quan hệ”, “tiền tệ” với những cán bộ cấp trên để tìm mọi cách chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy lợi, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy tuổi... khi bị phát hiện thì tiếp tục chạy tội. Hoạt động của các phần tử cơ hội chính trị thực chất là chống phá Đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm suy yếu sức mạnh của Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ

Những biểu hiện cơ hội chính trị đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chỉ rõ.Vì thế, để chủ động phòng và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội nói chung và những phần tử cơ hội chính trị nói riêng trong bối cảnh toàn Đảng đang chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về tầm quan trọng của việc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội nói chung và những phần tử cơ hội chính trị nói riêng để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Cùng với đó, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước trên tinh thần giữ vững tính Đảng, tính chính trị, tính khoa học, nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh về tư tưởng, lý luận của Đảng. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.Thống nhất nhận thức xem cuộc đấu tranh chống các phần tử cơ hội chính trị là một quá trình lâu dài, gay go, phức tạp tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn.

Hai là, phát huy vai trò sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp và tổ chức chặt chẽ của các lực lượng tạo thành thế trận vững chắc, nhiều tầng nấc trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, chống chủ nghĩa cơ hội nói riêng, coi đó là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị cao cả của mọi tổ chức, mọi lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng để phòng và đấu tranh chống các phần tử cơ hội chính trị.

 

 

Ba là, gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để không chỉ phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, tình hình chính trị, tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc mà còn góp phần ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bốn là, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng trong việc nêu cao ý thức tự rèn luyện, tự bảo vệ mình trong sạch về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; chủ động và tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động, âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

Mỗi người trong thực nhiệm vụ chính trị, thực thi công vụ phải thống nhất giữa nói và làm, giữa dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo theo tinh thần Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Những điều đảng viên không được làm và Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; nhất là trong phòng, chống và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, những biểu hiện cơ hội chính trị như tư duy nhiệm kỳ, đầu cơ chính trị, chạy phiếu bầu, chạy quy hoạch, luân chuyển, chạy chức, chạy quyền…

Năm là, tiếp tục thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sởPháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấnQuy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hộiQuy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Đồng thời, phải hướng về cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ; trong giám sát việc thực hiện đạo đức và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước; trong chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới các cấp bảo đảm tiêu chuẩn vừa hồng vừa chuyên. Cần tạo nhiều kênh thông tin, nhiều diễn đàn để lắng nghe và tiếp nhận ý kiến góp ý xây dựng của nhân dân, coi đó là một biện pháp hữu hiệu để sớm phát hiện những phần tử cơ hội trong Đảng và những phần tử cơ hội đang tìm mọi cách chui vào Đảng nhằm thăng quan, phát tài, "vinh thân, phì gia", mưu cầu lợi ích cá nhân, nhóm lợi ích, dòng họ, địa phương.

các tin khác