Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Quan điểm của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện nhiệm vụ Bảo vệ Tổ quốc từ Đại hội VI đến nay

04:48 10/05/2021

Quốc phòng, an ninh là lĩnh vực vô cùng quan trọng và là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nên luôn được thể hiện sâu sắc và rõ nét trong văn kiện các Đại hội Đảng. Qua mỗi kỳ Đại hội, những nhận định, đánh gia, định hướng chính sách của lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tùy theo tình hình thực tế, đều có sự bổ sung, phát triển mới.

ThS. Nguyễn Tấn Thời -

Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Quá trình nhận thức và đổi mới tư duy lý luận của Đảng về nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hơn 30 năm đổi mới dựa trên cơ sở quy luật dựng nước phải đi đôi với giữ nước, là quá trình xuất phát từ thực tiễn của đất nước qua các giai đoạn, các sự kiện, các mốc lịch sử quan trọng, từ bối cảnh khu vực và quốc tế và từ yêu cầu, khả năng về quốc phòng, an ninh và sự phát triển kinh tế. Đây là một quá trình nhận thức từng bước, có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu xây dựng đất nước, đổi mới và hội nhập quốc tế. Đó cũng là một quá trình bổ sung cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn trên thế giới, khu vực và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Về quá trình đổi mới tư duy đó có thể khái quát qua các kỳ Đại hội Đảng như sau: từ Đại hội VI đến Đại hội XIII.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986): Đại hội chủ trương về xây dựng nền quốc phòng toàn dân được xác định một cách cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng đất nước: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chuyên chính vô sản, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, và hậu phương ngày càng vững mạnh (1)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991): Trong khi quan tâm đến việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên bình diện rộng, trên toàn bộ lãnh thổ, để chủ động bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền quốc gia trong mọi tình huống, Đảng ta còn nhấn mạnh tới việc xây dựng các khu phòng thủ ở các địa phương; sự cần thiết phải xây dựng các công trình quốc phòng trọng điểm, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý: "Xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân với chất lượng ngày càng cao. Xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ, với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu" (2)

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996): Đại hội đã đề ra những quan điểm chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:

Thứ nhất, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, kết hợp quốc phòng và an ninh với kinh tế.

Thứ ba, gắn nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh, hai nhiệm vụ đó có liên quan chặt chẽ với nhau trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt động đối ngoại.

Thứ tư, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Thứ năm, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ Tổ quốc; thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng và an ninh.

Thứ sáu, thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và công an, đối với củng cố quốc phòng và an ninh. (3)

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (4-2001): Đại hội đề ra chủ trương lớn về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới: “Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”; nhấn mạnh tới nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt động đối ngoại. Hội nghị Trung ương lần thứ tám, khoá IX đề ra 6 quan điểm chỉ đạo: (4)

Một là, giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc.

Ba là, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, xây dựng sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Năm là, ra sức phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ tối đa nhằm khai thác mọi thuận lợi ở bên ngoài, quán triệt đường lối độc lập tự chủ, kiên trì chính sách đối ngoại mở rộng, đa dạng hoá, đa phương hoá.

Sáu là, chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện và triệt tiêu những nhân tố bên trong có thể dẫn đến những đột biến bất lợi.

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (4-2006) xác định: Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ quan điểm nhận thức về xây dựng nền quốc phòng toàn dân; sức mạnh tổng hợp của quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới; Xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng củng cố quốc phòng là trọng yếu, thường xuyên; Thống nhất đánh giá đối tượng, đối tác trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; Chủ động dự báo đúng các tình huống chiến lược, trên cơ sở nắm vững âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, những biến động của tình hình thế giới và trong nước tác động đến nhiệm vụ quốc phòng.

Từ những yêu cầu mới đó, Nghị quyết Đại hội đã đề ra những giải pháp chủ yếu để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bao gồm: Một là, Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng tiềm lực quốc phòng. Ba là, đẩy nhanh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Bốn là, đẩy mạnh xây dựng lực lượng quốc phòng, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân theo yêu cầu mới. Năm là, phối hợp các lực lượng, cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, chủ động ngăn ngừa và đối phó hiệu quả mọi tình huống. (5)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011) tiếp tục xác định: Tăng cường quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó quân đội nhân dân, công an nhân dân là nòng cốt: "Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự, an toàn xã hội; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế".(6)

Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016) khẳng định: Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội..." (7)

Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) khẳng định: "Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. (8)

Điểm mới của Đại hội XIII là đã đề cập đến một số khía cạnh nổi bật, cũng là những yếu tố tạo nên bức tranh tổng thể trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh:

- Tư duy về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển và ngày càng hoàn thiện, sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa và đối ngoại ngày càng hiệu quả.

- Đã ban hành và triển khai đồng bộ các chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

- Nhận thức và giải quyết các mối quan hệ về đối tác, đối tượng có bước chuyển biến quan trọng.

- Chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm và ứng phó kịp thời các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

- Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có mặt tiến nhanh lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

So với Đại hội XII, việc xác định phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Đại hội XIII có mặt đậm nét hơn và có những điểm mới:

- Bổ sung nội dung trọng yếu của quốc phòng, an ninh. Đó là: "Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung độ từ sớm, từ xa...Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển" (9)

- Nội dung xây dựng tiềm lực quốc phòng và an ninh rõ nét hơn, toàn diện hơn: "Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ "thế trận lòng dân" trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân...Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể" (10)

- Xác định rõ hơn nhiệm vụ xây dựng lực lượng: "Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở" (11)

- Xác dịnh rõ hơn nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh: "Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới. Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống...Chú trọng giáo dục, thống nhất, âng cao nhận thức về đối tác và đối tượng; nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" (12)

- Xác định rõ hơn nhiệm vụ triển khai thực hiện các chiến lược về quốc phòng, an ninh: "Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác" (13).

Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới là quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, gắn chặt một cách hữu cơ với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại và giữ vững an ninh, trật tự của đất nước. Sự đổi mới tư duy lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc dựa trên cơ sở thực tiễn và bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, của khu vực và thế giới. Chính từ những cơ sở thực tiễn đó lại gợi mở, định hướng cho sự tiếp tục đổi mới tư duy lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thời kỳ mở cửa và hội nhập quốc tế.

Như vậy, qua từng kỳ Đại hội, Đảng ta đã từng bước nhận thức và bổ sung hoàn chỉnh hơn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc gắn với xây dựng chủ nghĩa xã hội trong quá trình hội nhập, đổi mới, phát triển; nhờ đó, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực; tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn. Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực đang có những biến động khó lường. Điều đó đòi hỏi nhận thức và tư duy lý luận về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cũng như việc triển khai thực hiện cần tiếp tục hoàn thiện, phát triển thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo

-  Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

- (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.47, tr.907.

- (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Sđd, t.51, tr.115- 116.

- (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, t.55, tr.398- 399.

- (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, t.60, tr.204- 205.

- (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, t.65, tr.207.

- (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxbctqg. HN- 2011, tr.321.

- (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxbctqg. HN- 2016, tr.433.

- (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxbctqg. HN- 2021, t.1, tr.67-68.

- (9,10,11,12,13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxbctqg. HN- 2021, t.1, tr.156-157- 158, 159,160, 161.

các tin khác