Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản của Mác và Ph.Ăngghen với việc Xây Dựng Đảng ở Việt Nam hiện nay

03:07 14/06/2019

Đến giữa thế kỷ XIX, cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp, giai cấp vô sản hiện đại ra đời và bước lên vũ đài đấu tranh chống giai cấp tư sản. Ở nhiều nước, giai cấp vô sản đã vùng lên đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, đòi thực hiện những yêu sách của mình về kinh tế và chính trị. Tiêu biểu cho sự phát triển của phong trào vô sản là những cuộc khởi nghĩa của công nhân dệt ở thành phố Lyon (Pháp) năm 1837; cuộc nổi dậy của công nhân dệt vùng Xilêdi (Đức) năm 1844 và phong trào Hiến chương ở Anh trong những năm 1838 – 1848. Sự lớn mạnh trong phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản đòi hỏi một hệ thống lý luận dẫn đường và một cương lĩnh chính trị làm kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1847, Đại hội lần thứ hai Đồng minh những người cộng sản đã thảo luận và thông qua những nguyên lý lý luận do Mác và Ăngghen đề ra. Trên cơ sở đó, Mác và Ăngghen được Đại hội ủy thác soạn thảo tuyên ngôn chính thức. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được Mác và Ăngghen hoàn thành, công bố bằng tiếng Đức lần đầu tiên ở London vào ngày 24-2-1848.

          Những luận điểm về đảng đã được C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày rải rác ở nhiều tác phẩm, chẳng hạn như "Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức", "Chủ nghĩa xã hội ở Đức", "Bàn về quyền uy" v.v...Nhưng với Tuyên ngôn, thì đây là lần đầu tiên những luận điểm ấy được các ông khái quát thành lý luận.

Khái niệm về đảng trong Tuyên ngôn được hiểu như sau: Đảng là đội tiên phong, là bộ phận giác ngộ nhất của giai cấp vô sản. C.Mác và Ph.Ăngghen nêu rõ: "Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn thúc đẩy phong trào tiến lên, về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản".

Sự hình thành của Đảng bắt nguồn từ sự liên hiệp của những người vô sản thành các đoàn thể, chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh. Sự tổ chức ấy của những người vô sản tạo điều kiện cho sự ra đời của chính đảng vô sản. Tuyên ngôn cho rằng, sự ra đời của chính Đảng vô sản là một tất yếu khách quan phù hợp với quy luật đấu tranh giai cấp giữa vô sản và tư sản: "Sự tổ chức như vậy của những người vô sản thành giai cấp và do đó thành chính đảng, luôn luôn bị sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau phá vỡ. Nhưng nó luôn luôn được tái lập và luôn luôn mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, hùng mạnh hơn".

Nghiên cứu về đảng, cũng cần nắm vững những đặc điểm của nó mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã đúc kết lại trong Tuyên ngôn. Có thể kể đến những đặc điểm sau:

- Đảng mang tính giai cấp, đại diện cho lợi ích của giai cấp: "Những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập với các đảng công nhân khác. Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào khác tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản".

- Đảng là tổ chức có mục đích, nhiệm vụ rõ ràng. Tuyên ngôn tuyên bố rằng, mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản là lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, và giành lấy chính quyền.

- Đảng có lý luận soi đường cho hoạt động của mình. Lý luận đó không phải là giáo điều mà là những nguyên lý được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: "Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu".

- Đảng có cương lĩnh chính trị, có chiến lược, sách lược cách mạng. Tuyên ngôn tuyên bố rằng, đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình và phải có một Tuyên ngôn của đảng của mình. "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" chính là cương lĩnh chính trị của đảng vô sản, trong đó trình bày quan điểm, mục đích, nhiệm vụ, chiến lược và sách lược của Đảng.

Lý luận về đảng trong Tuyên ngôn còn bao gồm những nguyên tắc xây dựng đảng.

Tuyên ngôn thể hiện rõ nguyên tắc tổ chức Đảng là: Đảng cộng sản được xây dựng từ đội ngũ đảng viên là những người vô sản cách mạng nhất cả trong hành động và trong nhận thức. Tuân thủ nguyên tắc này mới đảm bảo cho Đảng trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân. Trong sinh hoạt đảng, đảng tuân thủ các nguyên tắc phê bình và tự phê bình, nguyên tắc công khai. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, cần phê phán những lời nói suông và những ảo tưởng trong nhận thức. Đồng thời, các ông quan niệm rằng "những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình".

Đoàn kết quốc tế vô sản cũng là một nguyên tắc trong xây dựng Đảng. Tuyên ngôn tuyên bố rằng, những người cộng sản ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết và liên hợp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước. Nguyên tắc này được C.Mác và Ph.Ăngghen cô đúc lại thành khẩu hiệu "vô sản tất cả các nước đoàn kết lại".

Đối với Việt Nam, được soi sáng bởi tư tưởng của Tuyên ngôn nói riêng và chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, hơn 80 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, huy động được mọi nguồn lực của đất nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giành thắng lợi vẻ vang trong cách mạng dân tộc dân chủ và đang từng bước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mục đích cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn: đó là giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nội dung của đường lối đổi mới chính là thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới. Đại hội VI (12-1986) của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, từ đổi mới tư duy đến đổi mới tổ chức cán bộ; từ đổi mới phương pháp lãnh đạo đến đổi mới chính trị, tư tưởng, văn hóa…Đổi mới tư duy là nhằm loại bỏ những quan niệm sai lầm, khắc phục những nhận thức lạc hậu, lỗi thời về chủ nghĩa Mác-Lênin, về chủ nghĩa xã hội; vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện mới. Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị là nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có nghĩa là tăng cường sức mạnh và hiệu lực của toàn bộ hệ thống chính trị để đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Nhìn lại quá trình đổi mới ở Việt Nam, chúng ta thấy đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng:

- Đảng đã đề ra được và từng bước bổ sung, hoàn thiện dần đường lối đổi mới một cách đúng đắn, sáng tạo, hình thành ngày càng rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

- Đảng đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Ở những bước ngoặc của cách mạng, trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và trên thế giới, Đảng kịp thời có định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, chống những luận điệu thù địch, tạo cơ sở cho sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng và trong nhân dân.

- Đảng giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Có tiến bộ về thực hiện dân chủ trong Đảng và lãnh đạo thực hiện dân chủ trong xã hội.

- Đổi mới một bước tổ chức và cán bộ, nâng cao trình độ và sức chiến đấu của đội ngũ đảng viên; ngăn chặn được sự sa sút, yếu kém của nhiều tổ chức cơ sở đảng, bước đầu cải tiến phương thức lãnh đạo và phong cách công tác.

Toàn bộ thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam và những diễn biến trên thế giới vừa qua chứng minh rằng, trước tình hình có nhiều thay đổi, thời cơ và thách thức luôn luôn xuất hiện, nếu không kiên định lập trường, xa rời những vấn đề có tính nguyên tắc sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng lớn; mặc khác, nếu tự bằng lòng với những nguyên lý lý luận có sẵn, xơ cứng, giáo điều, không đi sâu tìm tòi, tổng kết thực tiễn để kịp thời điều chỉnh thì sẽ không tận dụng được thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức để đưa đất nước tiến lên. Sức sống của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không chỉ ở những luận điểm, nguyên lý chung mà còn được thể hiện ở việc bổ sung, vận dụng sáng tạo vào các hoàn cảnh lịch sử cụ thể để giành thắng lợi.

Bên cạnh đó, thành công của công cuộc đổi mới ở nước ta còn được thể hiện ở lĩnh vực kinh tế. Trong quá trình lịch sử sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn quán triệt tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn là: “Trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra- cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị  và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy. Với quan niệm đó, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trước hết và trọng tâm là quá trình xây dựng, phát triển kinh tế. Nhìn lại hơn 30 năm qua, đường lối xây dựng kinh tế của Đảng ta đã có bước phát triển về nhận thức lý luận. Từ tư duy kinh tế kế hoạch hóa tập trung chuyển sang tư duy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ xây dựng chế độ sở hữu đơn nhất chuyển sang chế độ đa sở hữu bình đẳng cùng phát triển, trong đó công hữu là nền tảng, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Từ phân phối bình quân, cào bằng chuyển sang phân phối theo lao động, kết hợp với các hình thức phân phối khác theo mức độ đóng góp thực tế vào quá trình tạo ra của cải và qua phúc lợi xã hội. Từ tư duy kinh tế khép kín sang tư duy kinh tế mở, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập…Nhờ đó, kinh tế Việt Nam đạt những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu nhập trung bình); đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ngoài ra, những lý luận về Đảng của Mác, Ăngghen trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” còn có ý nghĩa thiết thực trong vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay nhằm khẳng định tính tiên phong của Đảng. Nếu xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong toàn bộ sự nghiệp đổi mới thì cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay được xem là trọng tâm của nhiệm vụ then chốt ấy. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta đang được tiến hành rộng rãi trong toàn Đảng với yêu cầu bức thiết là nâng cao sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, chính trị, đạo đức, về ý chí và hành động, kiên định lập trường cách mạng nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh của Đảng về mọi mặt, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Kỷ niệm ngày ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, nhìn lại chặng đường hơn 30 đổi mới ở nước ta, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn và tin tưởng vững chắc vào các giá trị của Tuyên ngôn về những nguyên lý cơ bản của thế giới quan cách mạng, về các phương pháp luận khoa học trong việc xem xét và giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đó là cơ sở lý luận và phương pháp luận để Đảng ta tổ chức và lãnh đạo cách mạng nước ta đi tới thắng lợi. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học thuyết Mác-Lênin nói chung, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng, luôn luôn sinh động và không ngừng phát triển. Có thể nói, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tuyên ngôn của thời đại đấu tranh xóa bỏ mọi áp bức, bất công, xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nói rằng, sau hàng trăm năm ra đời, Tuyên ngôn chẳng những vẫn còn nguyên giá trị nhân đạo cộng sản cao cả mà còn chứa đựng những chân lý, những quy luật chung nhất cho tiến trình phát triển lịch sử xã hội, như lời nhận định của Lênin: “Tinh thần của nó, đến bây giờ, vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh.

* Tài liệu tham khảo

1. Các Mác và Ăngghen (1995): Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Các Mác và Ăngghen (1995): Toàn tập, Tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. GS. Ngô Thành Dương (2004): Giới thiệu một số tác phẩm kinh điển của C. Mác-Ph.Ăngghen (giai đoạn hình thành chủ nghĩa Mác), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. V.I. Lênin (1980): Toàn tập, Tập 2, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva.

6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Đề cương giới thiệu tác phẩm (Chuyên đề) phần C. Mác-Ph.Ăngghen, Tài liệu dành cho lớp “Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.

7. PGS, TS. Lê Minh Quân (2009): Tư tưởng chính trị của C. Mác, Ph.Ăngghen, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

             8. GS. TS. Nguyễn Phú Trọng (2012): Xây dựng chỉnh đốn Đảng Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Nguyễn Xuân Mỹ - Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

các tin khác