Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Ý thức công dân và cuộc bầu cử Quốc Hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

07:04 27/04/2021

Trong tháng 5 năm 2021, một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước sẽ diễn ra, đó là bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

ThS. Phan Thị Hoàng Mai -

Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực đời sống, xã hội và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra thành công tốt đẹp; đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Nhất là giai đoạn trước, trong và sau cuộc bầu cử là thời điểm các thế lực phản động chống phá dữ dội nhất. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức chiến đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, mỗi người dân phải biết nâng cao ý thức công dân của mình góp phần xây dựng nên một bộ máy Nhà nước hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn của đại biểu cũng như hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ mới để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong năm nay. Đây là đợt vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để lựa chọn ra được những đại biểu ưu tú, đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội (cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất) và đại biểu đại diện cho Nhân dân địa phương tại Hội đồng nhân dân các cấp (là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương) trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể đã được giao những nhiệm vụ khác nhau. Như vậy, Nhân dân – với tư cách là chủ thể của quyền lực chính trị - cần nhận thức và hiểu biết đúng đắn về ý nghĩa trọng đại của cuộc bầu cử để thực hiện tốt trách nhiệm công dân của mình trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước.

Trách nhiệm công dân được biểu hiện thông qua chuỗi hành động như: sự quan tâm, ý thức, mức độ nhiệt tình khi tham gia các hoạt động chính trị (như bầu cử), thái độ và hành vi trong những hoạt động tương tác (như tham dự tiếp xúc cử tri) với các cơ quan nhà nước từ trung ương cho tới chính quyền cơ sở. Trong đó, ý thức công dân đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tình cảm, thái độ và hành vi phù hợp với quy định pháp luật. Muốn đất nước phát triển văn minh, tiến bộ thì mỗi công dân cần phát huy ý thức công dân của mình. Để làm tốt việc đó công dân cần gương mẫu thực hiện và tuyên truyền vận động mọi người thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động do Nhà nước đề ra, phê phán đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật và thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trong trường hợp này, ý thức công dân thể hiện ra là sự hiểu biết về quyền dân chủ, là ý thức về trách nhiệm của người dân đối với vận mệnh tương lai của đất nước thông qua việc tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Vai trò của ý thức công dân trong hoàn thiện và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước chính là thúc đẩy công dân tích cực tham gia xây dựng bộ máy nhà nước thông qua thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp.

Bằng hình thức dân chủ trực tiếp, công dân có quyền tham gia ứng cử để được bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý, có quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bằng hình thức dân chủ gián tiếp, công dân bầu ra người đại biểu đại diện cho mình tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là Hội đồng nhân dân. Để từ đó, những người đại biểu sẽ thay mặt Nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, xây dựng nên một bộ máy nhà nước khoa học, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước.

Để xây dựng được hệ thống bộ máy nhà nước như mong muốn đòi hỏi mỗi cá nhân công dân phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình, phải suy tư, tìm hiểu kỹ lưỡng, lựa chọn một cách cẩn thận những người có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đáp ứng sự mong mỏi của Nhân dân trước khi bầu họ đại diện cho mình để thực thi quyền lực nhà nước. Việc bầu cho ai, gạch tên ai, đó là quyền của công dân nhưng nó cũng phản ánh quá trình chuyển hóa nhận thức vào trong hành động, biến ý thức thành hành vi ứng xử trong đời sống chính trị - xã hội.

Với tầm quan trọng to lớn như vậy, cuộc bầu cử phải được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm để cuộc bầu cử thật sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong ngày bầu cử. Ngày bầu cử được ấn định là ngày chủ nhật 23 tháng 5 năm 2021. Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập công khai, có sự tham gia của đại diện các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức có liên quan. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ đến 19 giờ trong ngày. Công dân cư trú thường xuyên hoặc tạm trú đều được ghi tên vào danh sách cử tri, danh sách cử tri được niêm yết công khai chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử danh sách những người ứng cử cũng được lập và được niêm yết công khai chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử để cử tri tìm hiểu và lựa chọn. Việc kiểm phiếu được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau cuộc bỏ phiếu kết thúc. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.

Với vai trò là một người công dân, chúng ta phải hiểu rõ về ý nghĩa và các nguyên tắc của cuộc bầu cử này để thực hiện tốt quyền công dân đã được Hiến pháp quy định. Như vậy, chúng ta cần phải làm gì để thể hiện ý thức công dân của mình?

Trước hết, công dân phải nhận thức được tầm quan trọng của việc đi bầu cử  là một quyền chính trị rất quan trọng mà những ai có tư cách công dân và đủ 18 tuổi trở lên mới có. Khi thực hiện quyền này, công dân còn thể hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước, không chỉ tham gia xây dựng chính quyền Nhà nước mà còn gián tiếp thiết lập hệ thống cơ quan bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình. Hơn nữa, quyền công dân này chỉ xuất hiện 5 năm 1 lần chứ không phải xuất hiện thường xuyên hằng năm nên những ai thoái thác thực hiện hoặc nhờ người khác đi bầu thay mình thì đã bỏ lỡ cơ hội được thể hiện ý chí của mình đối với Nhà nước.

Thứ hai, công dân phải hiểu biết những quy định cơ bản của pháp luật về bầu cử. Hiểu về quy trình bầu cử là cơ sở để công dân thực hiện đúng và đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình trong đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu. Công dân không bắt buộc phải hiểu biết hết tất cả các quy định của pháp luật về bầu cử nhưng phải nắm vững được nguyên tắc “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Nguyên tắc này thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta như sau:

- Phổ thông (hay còn gọi là phổ thông đầu phiếu) là nguyên tắc nhằm đảm bảo để công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, người đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Bình đẳng là nguyên tắc nhằm bảo đảm để tất cả công dân đều có cơ hội ngang nhau khi tham gia bầu cử. Thể hiện trên các điểm sau: mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú; mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử tự ứng cử ở một đơn vị bầu cử; mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu.

- Trực tiếp là nguyên tắc bảo đảm cho cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua phiếu bầu, trực tiếp bầu ra đại biểu của mình mà không qua một người  nào khác. Nguyên tắc này được thể hiện qua các quy định: cử tri trực tiếp đi bầu, tự mình bỏ phiếu vào thùng phiếu, không được nhờ người khác bầu thay; trường hợp không thể tự viết phiếu bầu cử tri có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu, người viết hộ phải giữ bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri khuyết tật không tự bỏ phiếu bầu được thì có thể nhờ người khác bỏ phiếu vào thùng phiếu; trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri thực hiện quyền của mình.

 - Bỏ phiếu kín là nguyên tắc nhằm đảm bảo khách quan trong việc lựa chọn của cử tri. Phiếu bầu của cử tri được bảo đảm bí mật, khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần kể cả cán bộ, nhân viên. Các tổ chức phụ trách bầu cử không ai được can thiệp, gợi ý hay tác động vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào thùng phiếu.

Thứ ba, công dân phải góp phần cùng với Nhà nước tuyên truyền về cuộc bầu cử và vận động những người thân trong gia đình mình tích cực tham gia đi bầu. Đối với những ai chưa rõ về quyền bầu cử, chúng ta có trách nhiệm giải thích và phổ biến những quy định về pháp luật bầu cử cho họ hiểu. Đặc biệt là phải làm rõ bản chất dân chủ của chế độ ta thông qua cuộc bầu cử.

Tóm lại, là người công dân có ý thức, chúng ta hãy sắp xếp công việc của mình, dành thời gian vào ngày Chủ nhật 23 tháng 5 năm 2021 sắp tới để đi bầu. Việc lựa chọn và bầu ra những người có tâm, có tầm, có tài làm người đại biểu nhân dân chính là biến nhận thức, ý thức trách nhiệm thành hành vi cụ thể để thực hiện quyền công dân một cách trọn vẹn. Đây là hành vi chính trị của mỗi công dân nhằm thể hiện ý thức trách nhiệm của mình trong dịp sinh hoạt chính trị quan trọng của đất nước và là thước đo mức độ dân chủ của một xã hội dân chủ, văn minh. Do đó tham gia bầu cử chính là hành vi yêu nước./.

Tài liệu tham khảo

- Hiến pháp năm 2013.

- Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

- Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

- Đề cương tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Hội đồng bầu cử Quốc gia).

các tin khác