Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đổi mới quản lý nhà nước về bồi dưỡng công chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

08:01 18/01/2021

An Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một phần của An Giang nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của toàn tỉnh hiện có 37.358 người. Công chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh là 1.039 người. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bồi dưỡng công chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả nhất định.

Võ Thị Ánh Xuân -

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang

 

Thực trạng quản lý nhà nước về bồi dưỡng công chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

An Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một phần của An Giang nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Tỉnh có gần 100 km đường biên giới giáp 2 tỉnh Kandal và Tàkeo của Vương quốc Cam-pu-chia với 5 huyện, thị xã, thành phố (18 xã, phường, thị trấn thuộc vùng biên giới). An Giang có 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên và Vĩnh Xương), 2 cửa khẩu chính (Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông), 1 cửa khẩu phụ (Bắc Đai) và nhiều đường mòn, lối mở với Cam-pu-chia.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của toàn tỉnh hiện có 37.358 người, trong đó nữ là 20.948 người. Công chức các cơ quan chuyên môn (CQCM) thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh là 1.039 người (nữ là 392 người), chiếm khoảng 2,78% tổng số CBCCVC toàn tỉnh. So với các nhóm công chức khác, đây là nhóm được đào tạo bài bản, có trình độ tốt về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và độ tuổi trẻ hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức trong toàn tỉnh1.

Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về bồi dưỡng công chức (BDCC) CQCM thuộc UBND tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả nhất định, như:

Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời, tương đối đầy đủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) CBCCVC trên địa bàn, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ĐTBD CBCCVC.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, đã có hàng nghìn lượt công chức được cử đi tham gia các chương trình ĐTBD, cập nhật kiến thức. Riêng đối với công chức CQCM thuộc UBND tỉnh được bồi dưỡng tương đối đầy đủ về lý luận chính trị (cao cấp, trung cấp chính trị); bồi dưỡng kiến thức QLNN (theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý), về tin học và ngoại ngữ.

Công tác ĐTBD CBCCVC đã góp phần trang bị, cập nhật, củng cố cho công chức kiến thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình thực thi công vụ, góp phần đổi mới tư duy quản lý, nâng cao năng lực tham mưu, quản lý, điều hành của công chức; nhiều người sau khóa bồi dưỡng đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét quy hoạch, bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý, góp phần bảo đảm cho công tác cán bộ được thực hiện có chất lượng, đúng quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLNN về BDCC CQCM thuộc UBND tỉnh An Giang còn có một số hạn chế nhất định, đó là: các chương trình, kế hoạch về phát triển nhân lực của tỉnh hiện mới chỉ tập trung cho đào tạo nhân lực; nội dung về bồi dưỡng (trong đó có BDCC) còn chưa tương xứng với vị trí, vai trò của công tác BDCC. Các cơ quan tham mưu (Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng…) chưa đề xuất được việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng gắn với yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; đặc biệt là các chương trình phát triển kinh tế mũi nhọn cũng như gắn với nhu cầu, đòi hỏi của quá trình xây dựng dựng chính quyền hành động, phục vụ, hiện đại hóa hành chính nhà nước ở địa phương.

Tinh thần, ý thức tự học, tự bồi dưỡng của công chức chưa cao; nội dung chương trình bồi dưỡng, phương pháp bồi dưỡng chậm được đổi mới.

Một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về bồi dưỡng công chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Thứ nhất, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với QLNN về BDCC.

Trước tiên phải đổi mới, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, thống nhất trong nhận thức cũng như trong lãnh đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang về tính đặc thù của hoạt động bồi dưỡng. Các cơ quan, đơn vị sử dụng công chức chủ động thực hiện theo cơ chế mở có tính cạnh tranh, đồng thời, bảo đảm được sự chủ động của công chức trong việc lựa chọn tham gia những chương trình bồi dưỡng phù hợp với đặc thù công tác, vị trí việc làm của công chức.

Tăng cường phổ biến, giáo dục, làm tốt công tác tư tưởng cho mỗi công chức CQCM thuộc UBND tỉnh ý thức sâu sắc được sứ mệnh, vai trò, trách nhiệm, vinh dự của vị trí công chức. Từ đó, mỗi một công chức chủ động, tự giác trong việc tham gia các khóa/lớp bồi dưỡng cũng như tự học hỏi, nghiên cứu, tự bồi dưỡng. Cấp ủy, chính quyền cần tạo ra được sự đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo, trách nhiệm trong mỗi công chức khi tham gia vào quá trình bồi dưỡng.

Thứ hai, rà soát, kiến nghị hoàn thiện thể chế QLNN về BDCC CQCM thuộc UBND tỉnh.

– Về quy định quản lý chương trình bồi dưỡng, chứng chỉ bồi dưỡng. Đối với các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng và an ninh, kiến thức QLNN theo tiêu chuẩn ngạch công chức, kiến thức QLNN trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, cần có chuẩn đầu ra cho mỗi chương trình (mục đích, yêu cầu, kết quả đầu ra), trên cơ sở đó, các cơ sở ĐTBD biên soạn chương trình, tài liệu. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐTBD CBCCVC theo hướng các trường hợp có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ QLNN ngạch chuyên viên hoặc bằng tốt nghiệp đại học ngành hành chính học/QLNN được thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng ngạch chuyên viên; thạc sỹ quản lý hành chính công/quản lý công được thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính; tiến sỹ quản lý hành chính công/quản lý công được thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng chuyên viên cao cấp.

– Về quy định đối với các cơ sở ĐTBD. Chính phủ cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn cơ sở ĐTBD CBCCVC. Theo đó, những cơ sở đào tạo đáp ứng đủ tiêu chuẩn do Chính phủ quy định mới được tham gia thực hiện BDCC. Điều này vừa tạo cơ sở để tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở ĐTBD CBCCVC theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, vừa làm căn cứ để các cơ sở ĐTBD CBCCVC xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển. Đồng thời, cũng góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở ĐTBD CBCCVC, bảo đảm chất lượng bồi dưỡng.

– Về đội ngũ giảng viên (giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng). Cần quy định giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy các lớp/khóa bồi dưỡng phải có trình độ đào tạo thạc sỹ trở lên; có chuyên môn phù hợp và am hiểu với lĩnh vực giảng dạy; được bồi dưỡng về kiến thức lý luận chính trị, QLNN, phương pháp giảng dạy.

– Về cơ chế tài chính. Sửa đổi quy định về quản lý tài chính phục vụ công tác bồi dưỡng theo phương thức hiện đại, quản lý theo kết quả. Theo đó, Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ quy định về nội dung chi cho công tác bồi dưỡng thay vì quy định cả mức trần định mức chi (như trong Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác ĐTBD CBCCVC hiện đang thi hành). Điều này giúp cho các bộ, ngành, địa phương chủ động, nâng cao trách nhiệm trong việc cân đối ngân sách cũng như tổ chức thực hiện các định mức chi linh hoạt, phù hợp với từng chương trình, khóa/lớp bồi dưỡng, bảo đảm chi đúng mục đích, có hiệu quả. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về cơ chế tự chủ đối với các cơ sở ĐTBD CBCCVC trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính, tăng cường phân cấp và tăng tính chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW.

Trên cơ sở các quy định của Trung ương, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh An Giang tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý BDCC ở địa phương nói chung, công chức CQCM thuộc UBND tỉnh nói riêng; xây dựng cơ chế tạo động lực, khuyến khích công chức nói chung, công chức CQCM thuộc UBND tỉnh nói riêng tự bồi dưỡng, trao quyền và trách nhiệm cho công chức trong việc lựa chọn chương trình, địa điểm, cơ sở ĐTBD và thời gian tham gia các khóa/lớp bồi dưỡng để nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ. Nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về đánh giá quá trình tham gia bồi dưỡng của công chức với việc phân loại, đánh giá, thi đua, khen thưởng hằng năm tại cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao ý thức học tập của công chức.

Thứ ba, cần thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở ĐTBD CBCCVC.

Nghiên cứu để có các quy định về kiểm định chất lượng cơ sở ĐTBD CBCCVC và thực hiện kiểm định chất lượng BDCC đối với các cơ sở ĐTBD CBCCVC (có thể vận dụng như kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đào tạo đại học). Việc ban hành quy định và tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở ĐTBD CBCCVC không chỉ giúp cho cơ sở tự mình có các giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng bồi dưỡng mà còn là căn cứ để cơ quan QLNN có những điều chỉnh về thể chế quản lý. Mặt khác, kiểm định chất lượng còn thể hiện được trách nhiệm của cơ sở ĐTBD trong việc thực hiện các cam kết trước Nhà nước, xã hội về chất lượng bồi dưỡng, minh bạch và minh chứng trước người học về việc cơ sở ĐTBD là địa chỉ tin cậy trong công tác BDCC.

Thứ tư, nâng cao năng lực tham mưu, thực hiện quản lý về BDCC CQCM thuộc UBND cấp tỉnh.

Năng lực tham mưu, thực hiện quản lý là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến chất lượng quản lý về BDCC CQCM thuộc UBND tỉnh. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ cần có kế hoạch để nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức tham mưu thông qua việc ĐTBD về quản lý BDCC (như ĐTBD các kỹ năng về khảo sát, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phối hợp trong quản lý BDCC, về kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng bồi dưỡng, kỹ năng quản lý nhân sự và những kiến thức quản lý chuyên ngành…).

Thứ năm, đổi mới chương trình, nội dung, phương thức bồi dưỡng cho công chức CQCM thuộc UBND tỉnh.

UBND tỉnh cần tổ chức xây dựng chương trình, module bồi dưỡng chuyên sâu riêng cho công chức CQCM thuộc UBND tỉnh, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội của địa phương (như bồi dưỡng về năng lực phân tích, tổng hợp, tham mưu; phân tích, xây dựng chính sách; năng lực lãnh đạo, quản lý; kỹ năng quản lý trong từng lĩnh vực ở địa phương; kỹ năng xây dựng chính quyền số; quản trị công sở; kỹ năng thực hiện văn hóa công vụ…).

Chương trình, tài liệu bồi dưỡng không chỉ bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng cần có ở hiện tại mà còn phải bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần có trong tương lai. Nội dung tài liệu bồi dưỡng cần có nhiều tình huống liên quan đến các lĩnh vực cần giải quyết thuộc phạm vi chức trách, nhiệm vụ của vị trí việc làm đó để học viên phân tích, vận dụng kiến thức đã học xử lý tình huống, có thể áp dụng vào thực tế.

Cùng với việc đổi mới chương trình, nội dung bồi dưỡng là việc đổi mới phương thức, thực hiện đa dạng hóa các phương thức bồi dưỡng. Bên cạnh việc tổ chức khóa học/lớp học bồi dưỡng tập trung tại cơ sở ĐTBD thì đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi dưỡng; linh hoạt về thời gian (trong giờ/ngoài giờ hành chính); kết hợp bồi dưỡng trực tiếp với bồi dưỡng trực tuyến, từ xa…

Thứ sáu, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Giảng viên giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cần phải có trình độ, phương pháp sư phạm phù hợp (truyền tải kiến thức, hướng dẫn, chia sẻ kỹ năng, dẫn dắt học viên giải quyết vấn đề…), thể hiện trên các khía cạnh như:

Am hiểu sâu sắc về hệ thống chính trị ở địa phương, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương (cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, phương thức, cơ chế vận hành) cũng như về tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của từng vị trí việc làm của công chức CQCM thuộc UBND cấp tỉnh; nắm vững định hướng, chiến lược phát triển của địa phương; thực tiễn cũng như những đặc thù, lợi thế so sánh, thách thức, khó khăn của tỉnh An Giang (về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo…).

Có phương pháp sư phạm/giảng dạy, thể hiện qua việc làm chủ và sử dụng thành thạo các phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng, nội dung bồi dưỡng cùng như điều kiện cụ thể của khóa/lớp bồi dưỡng đó. Khả năng sử dụng/ứng dụng khoa học và công nghệ (nhất là công nghệ thông tin), sử dụng các phầm mềm, phương tiện hiện đại để phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy, quản lý học viên… Ngoài ra, bản thân mỗi giảng viên cũng phải là tấm gương hiện thực về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần, ý thức phục vụ Nhân dân.

Thứ bảy, thực hiện kiểm soát có hiệu quả đối với QLNN về BDCC CQCM thuộc UBND tỉnh.

Trước hết, về phía cơ quan QLNN về BDCC (Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh) cần có kế hoạch kiểm tra công tác QLNN về BDCC. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý BDCC nói chung, BDCC CQCM thuộc UBND tỉnh An Giang nói riêng.

Triển khai thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở ĐTBD, CBCCVC trong phạm vi cả nước để từ đó có những điều chỉnh kịp thời (đánh giá chương trình; học viên; giảng viên; cơ sở vật chất; khóa bồi dưỡng; hiệu quả sau bồi dưỡng). Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (xây dựng phần mềm) quản lý CBCCVC, trong đó có quản lý về BDCC nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) về quản lý BDCC trong phạm vi cả nước, tạo cơ sở cho việc kiểm soát hoạt động quản lý BDCC một cách có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, nhanh chóng, chính xác. Xây dựng, ban hành các quy định công khai thông tin bắt buộc về cơ sở ĐTBD, CBCCVC./.

Chú thích:

1. Nguồn số liệu báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh An Giang (số liệu tính đến ngày 31/12/2019).


Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức.
3. Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức.

các tin khác