Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Góp phần tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

05:03 28/11/2021

ThS. Nguyễn Xuân Mỹ

Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

1. Đặt vấn đề

Năm 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần yêu nước, ý chí và khát vọng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội đã khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, người thầy của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một giải pháp hữu hiệu, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

2. Nội dung

Khát vọng là mong muốn làm được, đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống. Khi con người có khát vọng, nó là động lực thôi thúc con người sống nổ lực để đạt được điều đó. Mỗi cá nhân ai cũng có khát vọng, đó có thể là khát vọng chiếm lĩnh kho tàng tri thức của nhân loại, khát vọng thành công trong xã hội, khát vọng làm giàu chính đáng. Người trẻ lại càng có khát vọng mãnh liệt. Mỗi cá nhân có thể là 1 khát vọng, cũng có thể là nhiều khát vọng, nhưng để thành công thì cá nhân phải biết đặt ra đâu là khát vọng chính yếu.

Năm 1911, Hồ Chủ tịch đã ra đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc thoát khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân đế quốc, khi đó khát vọng của Người là làm cho đất nước được độc lập, tự do, nhân dân có cơm ăn áo mặc, đồng bào ai cũng được học hành, đến một ngày nào đó sau khi chiến tranh kết thúc, toàn dân đoàn kết xây dựng đất nước Việt Nam ta giàu đẹp có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Điều Người mong mỏi giờ đây đã trở thành sự thật. Vị thế và tiếng nói của Việt Nam hôm nay đã khác nhiều so với cái thời bị cấm vận và số phận bị quyết định bởi các nước lớn. Lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam giờ đây tung bay cao trên các đấu trường quốc tế. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Khát vọng dân tộc là động lực trung tâm tạo nên sức mạnh vô song của xúc cảm dân tộc. Khát vọng dân tộc tạo nên tinh thần khai sáng và ý chí học hỏi, sẽ trở thành nguồn lực nội sinh tiềm tàng và sống động cho toàn bộ công cuộc phát triển.

Trong suốt thời kỳ bị nô dịch bởi thực dân Pháp, khát vọng mãnh liệt của dân tộc Việt Nam là độc lập, tự do. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác nói: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ….”. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và để thực hiện khát vọng đó, cả dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ thực dân gần 100 năm và 21 năm kháng chiến chống M để giành lấy độc lập, tự do.

Ngày 9/9/1969, trong Điếu văn đọc tại Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn có nêu 5 lời thề, trong đó lời thề thứ 2: Điếu văn viết: Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: “Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”. Như vậy, khát vọng “xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là mục tiêu xuyên suốt, lâu dài của Đảng và nhân dân ta đã được đề cập từ rất sớm.

Khát vọng của Người về một đất nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu đã được Đảng ta ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ năm 1991, bổ sung phát triển năm 2011: Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để chúng ta trở thành nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng ấy tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh trong  mục tiêu phát triển đất nước: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được điều đó, Đại hội chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Những nội dung cơ bản trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc gồm có 5 nội dung, đó là:

+ Xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài.

+ Thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

+ Xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch vớỉ sự đồng lòng của Chính phủ và người dân.

+ Phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài.

+ Luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị chỉ đạo thực tiễn và nghiên cứu lý luận về sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường của chủ nghĩa xã hội, trở thành cơ sở, nền tảng tư tưởng đặc biệt quan trọng để Đảng đổi mới tư duy lý luận, nắm bắt thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, hoạch định đường lối đổi mới tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới trong các giai đoạn cách mạng để Vỉệt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

3. Kết luận

Thực hiện tốt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một giải pháp hữu hiệu, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đây là việc làm thiết thực để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm, tinh thần cống hiến, lao động sáng tạo, phục sự Tổ quốc, phục sự dân tộc, phục vụ nhân dân, tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.I, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (2021): Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị toàn khóa.

các tin khác