Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lý luận trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

11:24 12/04/2022

Sau hơn 35 năm đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển lên tầm cao mới; vấn đề nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn. Đó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình cụ thể của Việt Nam. Đại hội lần thứ XIII của Đảng được xem như một mốc son trong toàn bộ tiến trình lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một chặng đường phát triển toàn diện đất nước và khẳng định với nhân dân cùng bạn bè quốc tế rằng "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".

ThS. Huỳnh Thị Minh Trang

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Từ khóa: Chủ nghĩa xã hội; Nghị quyết; lý luận.

1. Đặt vấn đề

Thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ cơ hội mới, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông qua những chủ trương, quyết sách quan trọng định hướng sự phát triển của đất nước ta đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. Trong đó, có những vấn đề lý luận cốt lõi được đề xuất, bổ sung, phát triển qua hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần hình thành hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

2. Nội dung

2.1. Lý luận về quá độ lên xã hội chủ nghĩa bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa từ trình độ phát triển thấp ở Việt Nam

Sự phát triển của xã hội loài người là một quá trình lịch sử tự nhiên. Đó là sự biến đổi và thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Đó là một quy luật khách quan của lịch sử và thời đại ngày nay, chính là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác, Đảng ta khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”. Những tư tưởng căn bản của các nhà kinh điển về thời kỳ quá độ được Đảng ta khẳng định: thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã ở nước ta “…là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen". Chỉ với một đoạn văn ngắn, Đảng ta đã đưa ra sự khái quát về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với mọi sự quyết tâm, đồng thuận của cả dân tộc.

Do đó, ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Kể từ Đại hội VI của Đảng đến nay, đã có những cuộc hội thảo bàn luận khá sôi nổi về khả năng và triển vọng của chủ nghĩa xã hội; trong đó, không ít ý kiến có biểu hiện dao động, hoài nghi về tương lai của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội hiện thực rơi vào khủng hoảng trầm trọng, sụp đổ ở Liên Xô và một số nước Đông Âu nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Đảng ta đã khẳng định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”. Đến Đại hội XI của Đảng, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Và cho đến nay đứng trước nhiều nguy cơ, diễn biến khó lường, các thế lực thù địch lợi dụng thời cơ ra sức chống phá quyết liệt mà đặc biệt là dưới tác động của đại dịch Covid-19 thuyết âm mưu càng bùng phát mạnh mẽ, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng ta lần nữa khẳng định mạnh mẽ: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.“Kiên định” được nhắc lại nhiều lần thể hiện quyết tâm không lay chuyển của toàn Đảng, toàn dân ta thống nhất lý luận cao, đúc kết thực tiễn sâu sắc của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo nguyên tắc không lay chuyển và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

2.2. Lý luận về Nhà nước và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Các nhà kinh điển mácxít cho rằng, xã hội loài người đã có lúc chưa có nhà nước. Sự ra đời và tồn tại của nhà nước gắn liền với những giai đoạn phát triển nhất định của sản xuất xã hội và đến một lúc nào đó xã hội cũng không cần đến nhà nước, khi đó người ta sẽ “đem toàn thể bộ máy nhà nước xếp vào cái vị trí thật sự của nó lúc bấy giờ: vào viện bảo tàng đồ cổ, bên cạnh cái xa kéo sợi và cái rìu bằng đồng”.

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay phải từng bước nâng cao vị trí vai trò làm chủ của nhân dân để tiến đến việc vị trí trung tâm là của người dân. Trong những năm sắp tới, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện lạm dụng, tha hóa quyền lực trong bộ máy Đảng và Nhà nước, mà đặc biệt là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân và dư luận xã hội đồng tình và ủng hộ.

Chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước trong tình hình mới”. Hạn chế này cần phải sớm khắc phục để góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển bền vững của đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng”.

Có thể nói rằng Đại hội XIII đã nhìn nhận vào sự thật thấy được những mặt làm được và những mặt cần phấn đấu thực hiện trong thời gian tới rất rõ ràng, đề ra mục tiêu phấn đấu thực hiện cụ thể để hoàn thiện, để bộ máy nhà nước thật thực trong sạch vững mạnh, thực sự là nhà nước của dân do dân và vì dân.

2.3. Quan điểm về đặc điểm kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Đây là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp cần phải khơi thông mọi tư duy. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về thời kỳ quá độ, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, buộc Đảng phải nhận thức lại và đề ra đường lối đổi mới.

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được bắt đầu ngay từ khi tiến hành công cuộc đổi mới. Đây là vấn đề rường cột trong nội dung đổi mới, đòi hỏi sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, trong nhiều nhiệm kỳ đại hội vấn đề này luôn được coi là một nội dung trọng tâm, cần phải được quán triệt cả về nhận thức và hành động. Đại hội VI của Đảng mở đầu công cuộc đổi mới, đã đưa ra đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Đại hội VII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh, cơ chế vận hành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác. Đại hội VIII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội IX của Đảng xác định, nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội X của Đảng nêu rõ mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội XI của Đảng xác định hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Đại hội XII trong phương hướng, mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và làm rõ và đầy đủ hơn nội hàm của nó.

Kế thừa và phát triển nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua các đại hội Đảng từ khi đổi mới đến nay, Đại hội XIII nêu rõ “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với các yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ gắn với thị trường khu vực và thế giới. Nhiều rào cản tham gia thị trường được dỡ bỏ; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp khá sôi động. Doanh nghiệp nhà nước từng bước được sắp xếp, tổ chức lại có hiệu quả hơn; kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế tập thể từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, là bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta.”

Tổng kết 35 năm đổi mới đất nước, Đại hội XIII trên cơ sở kế thừa có phát triển ở các nhiệm kỳ trước đã tiếp tục cụ thể hóa đặc điểm kinh tế của thời kỳ quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Đảng ta khẳng định: "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển"

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng xác định phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, xây dựng nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với lộ trình cụ thể: “Đến năm 2025, kỷ niệm 100 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người 4.700 đến 5.000 USD); đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người 7.500 USD); đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.”. Có thể nói rằng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu theo cách tiếp cận mới về trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập bình quân đầu người. Vì vậy, những mục tiêu cụ thể được xác định lần này có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.

3. Kết luận

Nhận thức mới của Đại hội XIII chứa đựng cả tầm vóc tư tưởng lý luận, năng lực định hướng chính sách và chỉ đạo thực tiễn, từ đó nâng cao tính thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa định hướng và định hình giá trị của chủ nghĩa xã hội.  Việc quán triệt, triển khai và vận dụng các nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng và đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội./.

Tài liệu tham khảo

1. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.3.

2. Đảng Cộng Sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, T.1.

6. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp lý luận Chính trị - Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội. 2021.

các tin khác