Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

10:15 16/05/2022

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, người chiến sĩ tiên phong, mẫu mực của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tận tụy, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, phát triển và tiến bộ của nhân loại . Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là tài sản vô cùng quý báu của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta, mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, dẫn dắt Ðảng ta, dân tộc ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

ThS. Lê Hữu Lợi

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc

Ngày 1/9/1858, liên quân thực dân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Bán đảo Sơn Trà - Đà nẵng, mở đầu công cuộc xâm lược Việt Nam, với ưu thế của vũ khí, quân đội tinh nhuệ, Pháp lần lượt chiếm được miền Nam, miền Bắc. Năm 1884, với việc triều đình nhà Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước Patơnốt, hoàn toàn đầu hàng thực dân Pháp, Việt Nam từ một nước phong kiến trở thành một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Trước tình cảnh đó, phong trào kháng chiến chống thực dân đòi độc lập dân tộc của nhân dân ta đã nổ ra mạnh mẽ khắp nơi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX theo hai khuynh hướng phong kiến và dân chủ tư sản, tiêu biểu như: phong trào Cần Vương (1885-1896) do Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát động; khởi nghĩa Ba Đình do Phạm Bành và Đinh Công tráng (1881-1887) phát động; phong trào Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật (1883-1892); Hương Khê của Phan Đình Phùng (1885-1895); cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo; Phong trào Đông Du, Duy Tân do Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh lãnh đạo … Dù theo khuynh hướng nào, dù có ý chí kiên cường, sắc đá, quyết tâm đòi lại quyền độc lập cho dân tộc, song, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào, cải cách đều chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, bị thất bại, bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố nặng nề. Nguyên nhân thất bại là do các sĩ phu yêu nước chưa đưa ra được một đường lối kháng chiến phù hợp, chưa hình thành được một tổ chức đứng ra chỉ huy phát động phong trào, lực lượng bị phân tán, chưa huy động được sức mạnh toàn dân tộc, mang tính tự phát, đặc biệt hơn là chưa tìm ra được một con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc phù hợp với nhu cầu thực tiễn đất nước đặt ra. Sự thất bại này chứng tỏ sự bất lực của hệ tư tưởng dân chủ tư sản và sự yếu kém trong vai trò lãnh đạo của giai cấp tư sản Việt Nam trên vũ đài chính trị. Cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng về “đường lối cách mạng”, vấn đề bức xúc đặt ra là làm thế nào để cứu nước, cứu dân, giành lại độc lập tự do, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người?

Trước những đòi hỏi mới về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, chính vô vàn cái “ngẫu nhiên” đến một giai đoạn nhất định, cuối cùng đã đi đến cái “tất nhiên” cho sự xuất hiện của một “vĩ nhân”, như Mác đã từng nói: “tự nhiên là hoàn toàn ngẫu nhiên mà một vĩ nhân nào đó xuất hiện ở một thời nhất định nào đó. Nhưng chúng ta phế bỏ người đó đi, thì lại xuất hiện sự đòi hỏi phải có một người khác thay thế và người thay thế này sẽ xuất hiện –thích hợp hơn ít hay nhiều, nhưng cuối cùng phải xuất hiện”.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Liên, Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng. Sớm tiếp thu tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu sắc và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, sự thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, với ý chí, khát vọng và nghị lực phi thường, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân bằng một cuộc trường chinh lịch sử đầy gian khổ kéo dài gần 10 năm.

Ngày 05/06/1911, với lòng yêu nước thiết tha và ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, Nguyễn Tất Thành rời cảng Sài Gòn, bắt đầu hành trình cứu nước với ý tưởng và mong muốn: “tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”, “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Ý tưởng và mong muốn này là nhận thức đầu tiên của Nguyễn Tất Thành về thế giới và thời đại, là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp đến tư tưởng và hành động của Người trong quá trình tìm đường cứu nước.

Bôn ba khắp năm châu, bốn biển để nghiên cứu, tìm hiểu về các cuộc cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học thuyết, nhiều con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa, cuối cùng Người đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy ở đó ánh sáng chân lý của thời đại, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Tháng 07/1920, sau khi đọc “Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của lãnh tụ V.I.Lênin, Người viết: “…Luận cương của Lênin đã làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đày đọa và đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế ba”. Từ đây, Người đi đến kết luận: “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh tìm đường, Người bắt đầu hành trình thực hiện khát vọng mở đường giải phóng dân tộc. Người bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin - “truyền bá lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái” và thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào. Người nói: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lựa chọn và huấn luyện những thanh niên Việt Nam yêu nước đi theo và hiện thực hóa lý tưởng cách mạng. Đó chính là sự chuẩn bị chu đáo những tiền đề về tư tưởng, chính trị, tổ chức và cán bộ để Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng cách mạng chân chính, thực hiện sứ mệnh dẫn đường, lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vào mùa xuân năm 1930. Sự ra đời của Đảng tạo ra bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam, khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc thành lập một đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Sau gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28-1-1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ hơn 80 năm của chế độ thực dân, xoá bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra trang sử vẻ vang cho dân tộc trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của cách mạng tháng Tám năm 1945 nhằm thực hiện thành công ước nguyện: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”. Từ lời kêu gọi đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những thắng lợi vẻ vang trên đã tiếp thêm sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh đánh thắng đế quốc Mỹ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta – kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hoà bình, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội nhằm thực hiện Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 nêu rõ: Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: “tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng… Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.

Trải qua 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Những thành tựu đó là minh chứng sinh động khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn là phù hợp với thực tiễn nước ta và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự cần thiết phải kiên định, vận dụng và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp quy luật khách quan, thực tiễn dân tộc và xu thế thời đại, kế thừa tinh hoa, giá trị văn hóa và các thành tựu phát triển của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời. Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890-19/05/2022), trước bối cảnh mới của tình hình trong nước và quốc tế, ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, đem lại nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã vạch ra, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo những di sản quý báu của Người, đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm cao và nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo hơn để khắc phục khó khăn góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn hơn 100 năm trước, tiến tới xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, “thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”./.

“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sống đất nước ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011.

7. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2006), Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - tập 1 (1890 -1929). Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

8. Giáo Sư Trần Nhâm, Hồ Chí Minh – Nhà tư tưởng thiên tài, Nxb. CTQG, Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.9-54.

9. Tạ Ngọc Tấn, Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, ngày 17-5-2011, Hà Nội.

10. GS.TS. Nguyễn Phú Trọng, “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, Số 3-2020, tr.3-10.

11. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, Tạp chí Lý luận chính trị, Số 6-2021, tr.3-8.

12. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

các tin khác