Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Hơn 90 mùa Xuân có Đảng

04:33 24/01/2022

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, cả dân tộc ta lại hân hoan đón mừng năm mới và chào mừng một sự kiện trọng đại của dân tộc: Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022). Xuân này là mùa Xuân thứ 92 của Đảng quang vinh, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta, một đảng khoa học và cách mạng, Đảng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đảng đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những thắng lợi đó có ý nghĩa lịch sử vĩ đại, có tầm vóc quốc tế mà nhân dân ta đã giành được đã khẳng định vai trò, công lao to lớn của Đảng và để lại nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý báu cho Đảng và nhân dân ta.

ThS. Đỗ Ngọc Qui

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - chấm dứt sự khủng hoảng bế tắc về đường lối cứu nước.

Với khát vọng giải phóng dân tộc, sau quá trình trăn trở khảo nghiệm con đường cứu nước, được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra chân lý "không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản". Từ đây, Người chỉ rõ để làm cách mạng vô sản "Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”(2).. Những năm 20 của thế kỷ XX -  những năm tháng đầy cam go, hiểm nguy, thử thách, với khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc  với những hoạt động khẩn trương, tích cực và đầy sáng tạo chuẩn bị những tiền đề về tư tưởng, chính trị, tổ chức để dẫn tới ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam - đẩy bánh xe lịch sử của cách mạng Việt Nam đi tới, phù hợp với xu thế tiến bộ của lịch sử. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (mùa xuân năm 1930) là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đó cũng là kết quả của sự phát triển cao và thống nhất của phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Với sự tiếp thu lý luận tiền phong là chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt  Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng đào luyện nên những chiến sĩ cộng sản, ra đời những tổ chức cộng sản để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định :"Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng "(3). Theo Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930 của Nguyễn Ái Quốc, khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam có 310 đảng viên hoạt động trên cả nước và một bộ phận ở nước ngoài, có 3.588 hội viên các tổ chức quần chúng (Công hội và Nông hội) : "Mặc dù non trẻ và nhỏ bé, Đảng Cộng sản được tổ chức tốt nhất và hoạt động mạnh nhất trong tất cả các lực lượng"(4). Để thực hiện được là "tổ chức tốt nhất" và "hoạt động mạnh nhất" trong tất cả các lực lượng chính trị của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam phải là : "Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng", với chủ trương :"hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… để lôi kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp..."(5).

Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo phong trào yêu nước Việt Nam diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ năm 1858 đến năm 1930, sau hơn 70 năm nhân dân Việt Nam kế thừa truyền thống bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm, trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các thế hệ người Việt Nam yêu nước, dù ở giai cấp, tầng lớp nào cũng đã sẵn sàng xả thân vì nền độc lập dân tộc. Độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân  là yêu cầu bức thiết, là khát vọng của nhân dân và của cả dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng trước khi có Đảng: “các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”. Phong trào yêu nước Việt Nam theo các khuynh hướng khác nhau đều lâm vào khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước.

Ngay từ khi ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực sự trở thành người lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, từng bước đi lên, làm nên những kỳ tích, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đáp ứng khát vọng của nhân dân Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt từ sau khi trở thành Đảng cầm quyền, càng thể hiện rõ Đảng luôn luôn vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc và của các tầng lớp nhân dân.  Vì lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của toàn thể dân tộc là mục tiêu lý tưởng phấn đấu của Đảng và cũng chính là cội nguồn sức mạnh của Đảng qua các chặng đường lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay, các cương lĩnh, đường lối của Đảng đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng và những lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, đã không ngừng đưa cách mạng Việt Nam theo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn đó của cách mạng Việt Nam đã gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân bằng cả chiều dài lịch sử, không có lực lượng chính trị nào thay thế được.

Thứ hai, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa – mở ra kỷ nguyên mới độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Chỉ 15 năm sau đi theo đường lối cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam đã làm nên kỳ tích vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi vĩ đại ấy đã khẳng định trên thực tế đường lối đúng đắn, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một mốc son chói lọi trên con đường cách mạng do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã hoạch định từ đầu năm 1930, và là nền tảng vững chắc cho dân tộc Việt Nam tiếp nối trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã xoá bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc"(6).  Thắng lợi ấy đã mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giành độc lập cho đất nước, đưa nhân dân thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than.

Thứ ba, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đất nước bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trước sự tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đứng lên thực hiện lời thề trong Tuyên ngôn Độc lập (2- 9- 1945): Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập. Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954) đã bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng Tháng Tám 1945, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam  bước sang giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng ở miền Nam. “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới"(7).

Sau khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, với mưu đồ nhằm biến miền Nam Việt Nam thành "con đê" ngăn chặn "làn sóng đỏ"- CNXH sang Đông Nam Á, đế quốc Mỹ từng bước can thiệp và tiến hành xâm lược miền Nam, chia cắt đất nước, phá hoại cách mạng XHCN miền Bắc bằng không quân và hải quân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước đã đồng tâm hiệp lực, hướng về mục tiêu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trải qua 21 năm chiến đấu, nhân dân Việt Nam đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn một thế kỉ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước, hoàn thành về cơ bản cuộc CMDTDCND trên cả nước, non sông thu về một mối.  Chiến công ấy là“một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"(8). Thắng lợi đó đã đánh dấu một bước ngoặt quyết định mở đường cho dân tộc Việt Nam tiến vào một kỉ nguyên mới - kỉ nguyên cả nước hòa bình, thống nhất, cùng quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, công cuộc đổi mới  –  đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, từng bước xác lập vị thế của Việt Nam trên chính trường quốc tế.

Sau 30 năm chiến tranh, cả nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH từ những buổi đầu mới mẻ, đối diện với những thách thức, khó khăn gay gắt cả trong nước, khu vực và trên trường quốc tế. Trong bước thăng trầm ấy, với bản lĩnh kiên cường của một chính Đảng cách mạng dám nhìn thẳng vào sự thật để cùng cả dân tộc khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt vào thập kỉ 90 của thế kỉ XX, trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp và tình hình đất nước có muôn vàn khó khăn, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, Đảng kiên định mục tiêu mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, giữ vững vai trò lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng gió, tiếp tục tiến lên, tiến hành công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đảng đã kiên trì lãnh đạo và từng bước bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới, bước đầu hình thành một hệ thống các quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tế của đất nước. Đây là kết quả của một quá trình trăn trở, tìm tòi, tổng kết, đổi mới tư duy lí luận nhận thức đúng đắn hơn về thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Qua 35 năm đổi mới, đất nước đã vượt qua thử thách hiểm nghèo, phá thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế, tạo tiền đề vững chắc để đất nước ngày càng phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng trưởng thành và có thêm kinh nghiệm lãnh đạơ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong hoàn cảnh mới. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay (9).

Chúng ta tự hào với Đảng Cộng sản Việt Nam trong 92 năm qua đã đồng hành cùng dân tộc, làm tròn sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam mà không lực lượng nào thay thế được. Xuân Nhâm Dần đang về, một lần nữa "Đảng đã cho ta một mùa xuân và ước vọng", chúng ta có thêm một mùa Xuân nhiều hoa thơm, trái ngọt và có quyền ước vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, H,2011

(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.2, tr.289

(3). Hồ Chí Minh:Toàn tập, NxbCTQG, H, 2011, t.12, tr.406

(4). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, sđ d, t.2, tr 21

(5). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H, 2002, tr.4

(6). Hồ Chí Minh: Toàn tập,  NxbCTQG, H. 2011,  t.7, tr.25

(7). Hồ Chí Minh : Toàn tập,  NxbCTQG, H. 2011, t.12, tr.410

(8). Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb ST, 1977, tr 5-6

(9). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NxbCTQG,H,2021

các tin khác