Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4

11:20 19/05/2021

Sinh thời Hồ Chí Minh rất quan tâm về vấn đề đạo đức cách mạng, Người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho vấn đề này. Trong tác phẩm Đường cách mạng (1927), Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề đầu tiên là tư cách của người cách mạng và càng đặc biệt hơn khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền thì Hồ Chí Minh lại hết sức chú trọng vấn đề đạo đức.

ThS. Lê Thị Bích Chi - 

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Với Hồ Chí Minh, khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền thì cán bộ, đảng viên ít nhiều có quyền lực trong tay, người chức to thì quyền to, chức nhỏ thì quyền nhỏ nhưng nếu không có đạo đức cách mạng, tâm trong sáng thì dễ dàng đục khoét của nhân dân. Chính vì vậy, Người yêu cầu Đảng ta “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”. Thực tế lịch sử cho thấy, giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều. Đảng Cộng sản cầm quyền phải luôn đại diện cho lương tâm, trí tuệ và danh dự của cả một dân tộc nếu rơi vào thói kiêu ngạo cộng sản, bệnh dốt nát, quan liêu… sẽ dẫn đến việc tự cắt đứt sợi giây liên hệ giữa Đảng với quần chúng.

Đề cập sự thống nhất đức và tài của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có tài phải có đức". Theo Người, đức và tài phải được biểu hiện trên kết quả công tác và phải luôn thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau trong nhân cách người cán bộ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng người cán bộ cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng, bởi vì “đạo đức là gốc của người cách mạng”. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"; và “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không".

V.I.Lênin kiên quyết: Không xử bắn kẻ ăn của đút mà xử mềm mỏng, pha trò là điều xấu hổ đối với những người cộng sản, hay V.I.Lênin còn nói: Một Đảng cầm quyền mà lại bảo vệ cho những tên vô lại, những kẻ khốn nạn trong hàng ngũ của mình là điều nhục nhã. Thấm nhuần quan điểm của V.I.Lênin, sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh đề cập nhiều về vấn đề chống thói quan cách mạng, hống hách, xa rời quần chúng; về vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ Đảng và công chức. Người coi tham ô, lãng phí, quan liêu ăn cắp là giặc nội xâm, là một tội nặng như làm mật thám, việt gian. Đến cuối đời Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta những chỉ dạy về đạo đức mà trong giai đoạn hiện nay về mặt giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cũng chưa vượt ra khỏi những vấn đề mà Người đã nêu trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969). Đồng thời, Người cũng yêu cầu 4 chữ “thật” và “thật sự” trong Di chúc đó là: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Như vậy, Người đã dặn dò chúng ta phải làm tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân vì nó là căn bệnh “mẹ” sinh ra nhiều thói hư, tật xấu như: Lười biếng, quan liêu, tham ô, lãng phí, kèn cựa địa vị, chia rẽ… cán bộ đảng viên phải thực hành dân chủ, đoàn kết, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nếu ai mắc những tội lỗi ấy thì phải sửa, nếu không sửa thì Chính phủ và Nhân dân quyết không dung thứ và sẽ trị cho kỳ hết.

Với Hồ Chí Minh đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, có được nó là do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mới có được như việc chúng ta rửa mặt hàng ngày. Hồ Chí Minh viết: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Do vậy, muốn giữ gìn Đảng ta thật trong sạch thì mỗi cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng rèn luyện bền bỉ suốt đời để bản thân trở nên trong sáng, trở thành tấm gương sáng về đạo đức điều đó như liều thuốc quý chữa lành nhiều thứ bệnh và là nền tảng cho sự xây dựng đạo đức trong toàn xã hội.

Quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cùng với thực tiễn của Đảng ta, tại Hội nghị Trung ương lần 4 của Đảng khóa XI, Đảng ta đã thảo luận và ra nghị quyết về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Hội nghị nhấn mạnh, những tồn tại, khuyết điểm, yếu kém đó là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”. Nguyên nhân của tình hình trên được chia làm 2 loại đó là khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu dẫn đến sự thoái hóa biến chất đó là do nguyên nhân chủ quan. Hội nghị khẳng định phải: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một số bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của quần chúng nhân dân đối với Đảng”.

Gần đây nhất là tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém về công tác xây dựng Đảng. Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi”. Để công tác xây dựng Đảng về đạo đức chuyển biến, có trọng tâm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định 10 nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh 2 nội dung: Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trung ương ban hành Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp lớn về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này thể hiện sự quyết tâm của toàn đảng trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Hòa chung tinh thần cách mạng của cả nước trong việc thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trung ương 4 khóa XI và khóa XII, đảng bộ và nhân dân các tỉnh, thành trong toàn quốc luôn với quyết tâm xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức./.

Tài liệu tham khảo

1. Giáo trình Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2017.

2. GS. TS Phan Ngọc Liên chủ biên “Lịch sử và giáo dục Lịch sử”,  Nxb Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2003.

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, 2011

4. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc XI của Đảng (ngày 19/1/2011).

5. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc XII của Đảng (25/1/2016).

6. Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

7. Thồn tin công tác Trường Chính trị số 3-2016.

8. Tập bài giảng Tình hình, nhiệm vụ của tỉnh An Giang, Nxb Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2017.

các tin khác