Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Cập nhật Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào giảng dạy phần Triết học về “những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử”

04:19 30/09/2021

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”, hoà quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

ThS. Lê Hữu Lợi

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội cần phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, biến những quyết định của Đại hội thành hành động hiện thực sinh động trong thực tế. Một trong những nhiệm vụ trên, có trách nhiệm của công tác giảng dạy triết học Mác – Lênin. Thông qua việc cập nhật nội dung Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào công tác giảng dạy, một mặt, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại trường chính trị; mặt khác, để tiếp tục giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đồng thời, đó cũng chính là quá trình gắn lý luận với thực tiễn, khẳng định sức sống trường tồn của triết học Mác – Lênin đối với quan điểm chỉ đạo của Đảng ta.

Thông qua Văn kiện, có rất nhiều nội dung để giảng viên cập nhật đưa vào bài giảng, đặc biệt là nội dung Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Cụ thể như: khi giảng nội dung “Biện chứng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất”, cần khẳng định trước tiên, đây là quy luật chi phối sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người nói chung, là quy luật được Đảng ta vận dụng trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, được đề cập qua các kỳ Đại hội của Đảng và là một trong những mối quan hệ lớn cần phải giải quyết trong quá trình thực hiện phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta vẫn kiên định vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đặc biệt, tiếp tục vận dụng sáng tạo quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đảng khẳng định: “tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa” [1, tr.39], đây là một trong những động lực cho sự phát triển của xã hội ở nước ta.

Đối với lực lượng sản xuất, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, Đảng ta khẳng định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. Trong nội dung trích dẫn trên, Đảng ta khẳng định cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là yếu tố người lao động trong lực lượng sản xuất, là nhân tố hàng đầu của lực lượng sản xuất, để nâng cao trình độ nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mặt khác, còn nhấn mạnh, trong thời gian tới để thúc đẩy sự phát triển cần phải thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng thành quả khoa học công nghệ 4.0 vào sản xuất, để khoa học công nghệ tiếp tục là một trong những lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng lao động… “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Ngoài ra, để phát triển lực lượng sản xuất tiến bộ, phục vụ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong Văn kiện còn đề cập rất nhiều đến: vấn đề khai thác các loại đối tượng lao động như đất đai, tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, số hoá…[1, tr.54, 152] để phục vụ nền kinh tế. Để làm rõ thêm các yếu tố về tư liệu lao động và đối tượng lao động, chúng ta có thể vận dụng quan điểm này của Đảng vào trong bài giảng để tăng tính thuyết phục hơn.

Về quan hệ sản xuất, trên cơ sở kế thừa, đổi mới nhận thức qua các kỳ Đại hội, đối với quan hệ sở hữu, Đại hội XIII khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội…, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; [1, tr.128-132]. Vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế cũng được đảng ta đề cập rất cụ thể trong Văn kiện. Về tổ chức, quản lý, tiếp tục đảm bảo vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng theo thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phân phối: “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân,…, cải cách chính sách tiền lương, đa dạng hoá các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội” [1, tr.47; 147-149].

Từ nội dung này, tiếp tục vận dụng vào để phân tích mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, biểu hiện cụ thể trong xã hội là mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, đây cũng là một trong những mối quan hệ lớn cần giải quyết: “tiếp tục nắm vững và xử lý tốt, đó là giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước” [2, tr.328]. Đặc biệt, đề cập đến nhiều nội dung về “hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; Trên lĩnh vực chính trị, có thể lồng ghép thêm những nội dung được đề cập trong Văn kiện như: công tác xây dựng Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và một số quan điểm của Đảng ta về xây dựng nền văn hoá, chính sách về tôn giáo… Như vậy, xây dựng cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng được biểu hiện cụ thể qua mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế gắn liền với đổi mới chính trị, điều này phải được nhận thức một cách rõ ràng, giải quyết một cách hài hoà tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời giữ vững ổn định chính trị.

Khi giảng đến nội dung: “Quá trình lịch sử - tự nhiên của sự phát triển các hình thái kinh tế - xã hội”. Về lý luận, theo quan điểm của triết học Mác – Lênin, loài người đã và đang trải qua các hình thái kinh tế - xã hội theo trật tự từ thấp đến cao. Đó là quá trình phát triển tuần tự của sự phát triển lịch sử. Song, đối với mỗi nước cụ thể do điều kiện lịch sử khách quan có thể “bỏ qua” những giai đoạn lịch sử nhất định, “bỏ qua” một hoặc vài hình thái kinh tế - xã hội. Với lý luận trên, soi rọi vào thực tiễn Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định rằng Việt Nam “bỏ qua” chủ nghĩa tư bản đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là một quá trình tất yếu khách quan phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch vẫn ra sức chống phá Đảng ta, cho rằng “chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội, “bỏ qua” chủ nghĩa tư bản là trái với quy luật khách quan, không đem lại thành tựu gì cho đất nước”. Vì thế, khi giảng nội dung này, chúng ta cần phải làm sáng tỏ vấn đề đang đặt ra góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 35 của Bộ chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, bảo vệ quan điểm trên nói riêng. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng” [1, tr.33]. Từ đó, chúng ta cần chứng minh rằng: với những thành tựu rực rỡ qua 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, qua Đại hội XIII đã chứng minh quá trình nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta ngày càng sáng rõ hơn, Việt Nam “bỏ qua chủ nghĩa tư bản đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với quy luật phát triển khách quan của thời đại và đất nước cho dù thế giới đã có những thay đổi lớn, có lúc chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào tình trạng khủng hoảng nhất thời… (đó là những gì có thể khẳng định qua bài viết của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/05/2021).

Về vấn đề xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền cũng được Đảng ta đề cập khá nhiều trong Văn kiện trên cơ sở vận dụng lý luận chung về vấn đề nhà nước của triết học Mác – Lênin, đầu tiên xác định quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội” [2, tr.332]. Cũng trong văn kiện đã bổ sung mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, nhà nước quản lý thị trường bằng pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường. Mục tiêu, bản chất của Nhà nước ta vẫn là: “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” [1, tr.174].

Về nội dung “ý thức xã hội”, Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định một trong bốn trụ cột của mục tiêu phát triển, trong đó có mục tiêu xây dựng văn hoá – là nền tảng tinh thần của xã hội, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cụ thể văn kiện XIII khẳng định: “…; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần…” [1, tr.110], qua đó, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại; Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan” [1, tr.143-144]. Vận dụng đưa vào bài giảng, cần phân tích cho học viên thấy rõ quan điểm trên là những giải pháp góp phần thúc đẩy xây dựng ý thức xã hội mới cho con người Việt Nam, đó là: ngày càng nâng cao ý thức chính trị, đạo đức, tôn giáo, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kiên quyết đấu tranh chống lại những ý thức phản tiến bộ trong xã hội.

Để nâng cao hơn nữa tính khoa học, tính chiến đấu, cách mạng và tính Đảng cho học viên trong từng nội dung cập nhật vào bài giảng, nhất là nội dung “những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử”, giảng viên cần lồng ghép tuyên truyền Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống những quan điểm sai trái, thù địch, để mỗi học viên vừa nắm vững nội dung kiến thức, vừa vận dụng những kiến thức đó vào công tác đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, phê phán các quan điểm sai trái. Bên cạnh đó, để cụ thể hoá, sát với tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị làm cho bài giảng thêm sinh động, nâng cao chất lượng bài giảng, học viên dễ tiếp thu bài. Giảng viên cần nghiên cứu thêm Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, trong công tác xây dựng Đảng, cụ thể: trong việc quán triệt sâu sắc quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng biểu hiện thực tiễn giữa đổi mới kinh tế và đổi mới kinh tế;… Nếu cập nhật được cả nội dung văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào nội dung bài giảng gắn với đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, có như thế, nội dung bài giảng sẽ gắn lý luận với thực tiễn, tính thuyết phục, sinh động và chất lượng giảng dạy sẽ được nâng cao.

Tóm lại, qua nội dung bài viết, có thể khẳng định một điều rằng, việc vận dụng nội dung Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII vào nghiên cứu, giảng dạy triết học Mác – Lênin nói chung, nội dung những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử nói riêng là một việc làm cần thiết đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tại trường chính trị với 2 mục đích lớn: Một mặt, đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống, mặt khác, góp phần cung cấp những điểm mới trong quan điểm của Đảng đến với học viên, giúp học viên hiểu rõ những điểm cốt lõi trong nội dung bài giảng; có thái độ đúng đắn trong việc bảo vệ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, giữ vững niềm tin, lý tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta trong tương lai./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr.17-18.

4. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Học viện chính trị khu vực IV, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Vận dụng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, Cần Thơ, 4/2021, tr.54-65; 259-274.

các tin khác