Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tự hào về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam

09:18 22/12/2020

“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đó là lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập (22-12-1944 / 22-12-1964) và đó cũng chính là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, là chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ và thực tiễn qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, luôn là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam - một quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944. Lễ thành lập được tổ chức tại khu rừng Sam Cao nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ban đầu gồm 34 chiến sĩ trong đó có 3 nữ với 34 khẩu súng các loại do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung; Hoàng Sâm được chọn làm đội trưởng; Xích Thắng, tức Dương Mạc Thạch, làm chính trị viên, Hoàng Văn Thái phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến; Lâm Cẩm Như, tức Lâm Kính, phụ trách công tác chính trị; Lộc Văn Lùng tức Văn Tiên làm quản lý. Trận đánh đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là trận Phai Khắt, Nà Ngần ngày 25 và 26 tháng 12 năm 1944. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, trong Cách mạng Tháng Tám, khi tiến đánh Thái Nguyên, quân số Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã khoảng 450 người, biên chế thành một chi đội (tiểu đoàn), do Lâm Cẩm Như làm chi đội trưởng. Sau 7 ngày, quân Nhật ở Thái Nguyên mới chịu chấp nhận giao nộp vũ khí cho Giải phóng quân.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc quân. Năm 1946, Vệ quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Theo Sắc lệnh số 71 ngày 25/5/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc quân chính thức trở thành Quân đội quốc gia của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, biên chế thống nhất theo từng trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội. Cùng với 25 chi đội ở Nam Bộ, lúc này ở Bắc Bộ và Trung Bộ có 30 trung đoàn, tổng quân số lên tới 8 vạn người. Toàn quốc chia thành 12 chiến khu. Cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ (7/5/1954) đã khẳng định sức mạnh của chiến tranh nhân dân và sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta khi đánh thắng đội quân viễn chinh hiện đại của thực dân, chấm dứt hoàn toàn sự xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, tạo điều kiện vững chắc để nhân dân ta giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam lại cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Nam, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hơn 30 năm chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề. Chúng ta chuyển sang một nhiệm vụ cách mạng mới, trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ: “Ra sức bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; ... bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của nước Việt Nam thống nhất”. Đồng thời “tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”.

Trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Ngoài ra, Quân đội nhân dân Việt Nam còn làm tốt nhiệm vụ quốc tế, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc. Trên mặt trận xây dựng kinh tế, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực lao động sản xuất, tham gia xây dựng tuyến đường sắt thống nhất Bắc – Nam; khai hoang xây dựng các vùng kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp; xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông… góp phần nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo nơi ăn, ở, làm việc cho bộ đội, tăng thêm của cải cho xã hội. Quân đội nhân dân  Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh chính quy và hiện đại đáp ứng được mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới mà Đảng và nhân dân giao phó.

Những trang lịch sử hào hùng về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam đã dược thực tiễn chứng minh bằng xương máu. Thời đại ngày nay – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, các thế lực thù địch với mục tiêu vấy bẩn, chống phá, hòng bôi nhọ hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Chúng cố tình lấy cớ một số sự vụ, sự việc sai phạm đơn lẻ trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam để thổi phồng và quy chụp rằng: Quân đội nhân dân Việt Nam đang dần bị biến chất, không còn kiên định mục tiêu tối thượng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...

Mỗi người chúng ta nên nhớ rằng, khi bắt đầu xuất hiện dịch Covid-19, xã hội Việt Nam xuất hiện “tâm trạng phản vệ” và có một bộ phận người dân hoang mang, lo sợ. Cũng vì đó, tình trạng qua lại biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở diễn ra rất nhiều. Thực hiện mệnh lệnh “chống dịch như chống giặc” để bảo vệ nhân dân với lực lượng y tế làm nòng cốt, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị quân y tích cực tham gia phòng, chống dịch và đặc biệt là chỉ đạo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh, nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập vào nội địa qua đường biên giới... Theo chủ trương đó, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã tình nguyện lên đường nhận nhiệm vụ; tham gia ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, bờ sông suối... nơi con người có thể qua lại trên khắp dải biên cương, kết thành “bức tường ngăn dịch” vững chắc, suốt từ đầu năm 2020 đến nay. Cũng bắt đầu từ khi xuất hiện dịch Covid-19 ở Việt Nam, hàng loạt đơn vị quân đội đã cơ động lực lượng, dồn dịch nơi ăn ở, nhường hệ thống doanh trại phục vụ công tác cách ly công dân có nguy cơ nhiễm dịch Covid-19. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ ở những đơn vị này lại trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly y tế ở các đơn vị quân đội, rất nhiều công dân đã bày tỏ lòng biết ơn, xúc động và thán phục về sự chịu đựng gian khó, mẫn cán, hết lòng phục vụ nhân dân của bộ đội. Người dân cảm kích, khâm phục, bởi công dân bị cách ly vốn mang nhiều nguy cơ dịch bệnh, nhưng cán bộ, chiến sĩ quân đội vẫn trực tiếp, tận tình phục vụ và hướng dẫn từng người thực hiện các biện pháp y tế theo đúng quy định; trực tiếp an ủi, động viên họ yên tâm cách ly, lạc quan vươn lên trong thời điểm khó khăn nhất. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bộ đội hóa học và các lực lượng chức năng đều có mặt sớm nhất, tiến hành phun khử trùng phục vụ dập dịch, bảo vệ người dân...Gần đây nhất là tình hình bão, lũ ở miền Trung thân yêu hình ảnh người lính Cụ Hồ gồng mình trong cơn “Đại hồng thủy”, con nước dữ có thể nhấn chìm mọi thứ nhưng các anh vẫn không kể ngày đêm giúp dân sơ tán, đưa hàng cứu trợ, cùng nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Trong quá trình làm nhiệm vụ đã có những người lính mãi mãi nằm dưới lòng đất mẹ và sự hy sinh của họ đã chạm đến trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam…. Tất cả sự hy sinh quên mình vì nhân dân của người lính Bộ đội Cụ Hồ chính là truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”; minh chứng rõ rành về sự giác ngộ cao độ và tinh thần sẵn sàng xả thân vì nước, vì dân của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đến với mọi cấp trong quân đội chính là nguyên nhân mấu chốt, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân để đưa đến thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, cũng như hoàn thành sứ mệnh “Vì nhân dân phục vụ” của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Chính những quân nhân cách mạng, với tình yêu Tổ quốc mãnh liệt phấn đấu theo lý tưởng cao đẹp của Đảng, kiên định mục tiêu cao nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tạo nên truyền thống nhiệt huyết không ngơi nghỉ cho những nỗ lực cống hiến, hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự thật ấy, dẫu những kẻ xấu và các thể lực thù địch có trăm nghìn “mưu hèn, kế bẩn”, dẫu thủ đoạn chống phá có tinh vi, xảo quyệt đến đâu thì cũng không thể phủ nhận, không thể bôi xấu hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Đất nước này, dù trong thời chiến cũng như thời bình, những đóng góp của người lính không thể kể hết, cả trong chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy, miền đất nào thiếu thốn và gian khổ nhất thì nơi ấy có các anh. Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, những người lính vẫn từng ngày, từng giờ ra sức bảo vệ và dựng xây đất nước ngày càng phồn thịnh.

Tóm lại, Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, được nhân dân tin yêu, đùm bọc và nuôi dưỡng. Kế thừa và phát huy truyền thống 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tin tưởng rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục viết nên những trang sử oanh liệt, hào hùng, làm rạng rỡ non sông, đất nước. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta vô cùng tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và mong các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lập nhiều chiến công, thành tích to lớn hơn nữa, xứng đáng với truyền thống hào hùng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, Quân đội ta là một Quân đội anh hùng"./.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, tập 36, Hà Nội, 1994

3. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

4. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

ThS. Đỗ Ngọc Qui - Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

các tin khác