Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tư tưởng về toàn cầu hoá của C.Mác và Ph.Ăngghen qua lăng kính của một nhà báo Mỹ

09:01 13/12/2020

Trong khi các thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách để xuyên tạc, bác bỏ chủ nghĩa Mác thì cũng có không ít học giả, nhà báo phương Tây bày tỏ sự thán phục, đánh giá cao tư tưởng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, đặc biệt là tư tưởng về toàn cầu hóa.

C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, toàn cầu hóa gắn liền với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, gắn liền với sự phát triển của công nghiệp và giai cấp tư sản. Hai ông cho rằng: “Vì luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm lấn khắp hoàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp mọi nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi”.

Tư tưởng sâu sắc của C.Mác và Ph.Ăngghen về toàn cầu hóa được một số học giả, nhà nghiên cứu ở các nước Phương Tây đánh giá rất cao, đặc biệt là Thomas L.Friedman - một tác giả, nhà báo nổi tiếng người Mỹ chuyên viết về toàn cầu hóa.

C.Mác (1818-1883) và Ph.Ăngghen (1820-1895)

Trong cuốn Thế giới phẳng, Thomas L.Friedman đã chia toàn cầu hóa thành 3 giai đoạn, đó là: toàn cầu hóa 1.0 (từ năm 1492 đến khoảng năm 1800); toàn cầu hoá 2.0 (từ năm 1800 đến khoảng năm 2000); toàn cầu hóa 3.0 (bắt đầu từ khoảng năm 2000). Thomas L.Friedman quan niệm thế giới phẳng chỉ là một giai đoạn của toàn cầu hóa, đó là toàn cầu hóa 3.0.

Trong quá trình bàn về thế giới phẳng, Thomas L.Friedman nhận ra rằng, điều này đã được C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra lần đầu tiên trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, xuất bản năm 1848. Thomas L.Friedman nhận ra điều này khi trò chuyện với nhà lý thuyết chính trị nổi tiếng của Đại học Harvard là Michael J.Sandel. Theo Michael J.Sandel: “Mặc dù sự thu hẹp và làm phẳng thế giới mà chúng ta thấy ngày nay có đôi chút khác biệt về mức độ với những gì C.Mác đã chứng kiến ở thời của ông, nhưng nó cũng là một phần của xu hướng lịch sử tương tự mà C.Mác đã đề cập trong tác phẩm của ông về chủ nghĩa tư bản - đó chính là dòng chảy của công nghệ và tư bản mà không sức mạnh nào ngăn cản được. Nó bỏ lại mọi rào cản, biên giới, trở lực và bó buộc đối với thương mại toàn cầu”.

Những điều Michael J.Sandel nói về C.Mác đã thôi thúc Thomas L.Friedman tìm đọc Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và ông đã “kinh ngạc trước sự mô tả chi tiết và sâu sắc của C.Mác về các nhân tố làm phẳng thế giới vào thời kỳ hưng thịnh của Cách mạng công nghiệp, cũng như khả năng dự đoán siêu phàm của ông về việc các lực lượng này sẽ tiếp tục làm phẳng thế giới cho đến tận ngày nay”.

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen coi sự phát triển của công nghiệp, của lực lượng sản xuất và nhu cầu mở rộng thị trường để gia tăng lợi nhuận của giai cấp tư sản như là nguồn gốc, động lực thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa. C.Mác và Ph.Ăngghen đặc biệt chú ý đến tác động của quá trình toàn cầu hóa đến sản xuất và tiêu dùng ở mọi quốc gia dân tộc, nhất là các quốc gia dân tộc lạc hậu. “Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới… Thay cho những nhu cầu cũ được thỏa mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thỏa mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về”.

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, toàn cầu hóa không chỉ diễn ra trong lĩnh vực sản xuất vật chất, mà nó còn diễn ra trong lĩnh vực đời sống tinh thần: “Sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc”. Với lập trường duy vật duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen nhận thức rõ những thay đổi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa: khi sản xuất vật chất mang tính toàn cầu thì tất yếu sẽ làm cho các lĩnh vực còn lại của đời sống xã hội thay đổi theo, cũng từng bước được toàn cầu hóa.

Vậy tại sao toàn cầu hóa chỉ có thể diễn ra khi phương thức tư bản chủ nghĩa đã hình thành và phát triển? Điều này được C.Mác và Ph.Ăngghen lý giải rằng, chính sự phát triển của công nghiệp cũng như việc không ngừng cải tiến kỹ thuật đã làm cho phương tiện giao thông trở nên tiện lợi, chi phí cho sản xuất và vận chuyển thấp, hàng hóa trở nên dồi dào và giá rẻ,... là những nhân tố thúc đẩy và cũng là điều kiện của toàn cầu hóa.

Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về toàn cầu hóa hình thành khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã phát triển ở nhiều nước, chủ nghĩa xã hội chưa trở thành hiện thực, thậm chí nhiều quốc gia dân tộc mới ở trình độ tiền tư bản. Trong bối cảnh đó, giai cấp tư sản luôn được C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh như là chủ thể tiến hành toàn cầu hóa. Giai cấp tư sản “buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó”.

Điều đó cho thấy, toàn cầu hóa được C.Mác và Ph.Ăngghen nói đến ở đây mang bản chất tư bản chủ nghĩa; mục tiêu của toàn cầu hóa không chỉ đơn giản là gia tăng lợi nhuận mà còn là biến các quốc gia dân tộc tiền tư bản trở thành thành tư bản. Với quá trình toàn cầu hóa này, giai cấp tư sản sẽ đóng vai trò quy định, chi phối, nó “bắt những nước dã man hay nửa dã man phải phụ thuộc vào các nước văn minh, nó bắt những dân tộc nông dân phải phụ thuộc vào những dân tộc tư sản, bắt phương Đông phải phụ thuộc vào phương Tây”. Tất nhiên, quá trình này cũng dẫn đến tính chất xã hội hóa, quốc tế hóa cao độ của lực lượng sản xuất, tạo ra tính chất quốc tế của giai cấp công nhân cũng như những điều kiện, tiền đề vật chất cần thiết cho một cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới./.

các tin khác