Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Néang Nghés - người phụ nữ ưu tú của vùng đất anh hùng

08:13 10/03/2022

“Tao không sợ chết, tao chết nhưng đồng chí tao còn, nhất định sẽ tiêu diệt bọn mày…”. Đó là lời nói của một thiếu nữ tuổi đôi mươi đầy tự hào và mạnh mẽ trước họng súng của kẻ thù xâm lược - Chị Néang Nghés người nữ anh hùng, niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng và của người dân vùng đất anh hùng xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

ThS. Đỗ Ngọc Qui

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Xã Ô Lâm là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trong chiến tranh, nhân dân xã Ô Lâm kiên cường chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, nhiều tấm gương anh dũng, bất khuất, trong đó có Anh hùng liệt sĩ Néang Nghés, người con gái dân tộc Khmer. Neáng Nghés sinh năm 1942, tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - trong một gia đình Khmer nghèo khó, cha mẹ mất sớm nên chị và người anh phải ở với ông bà nội trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Ngay từ nhỏ, chị đã có tinh thần chiến đấu chống lại ách áp bức, bóc lột tàn bạo của bọn tay sai. Chị đã sớm giác ngộ với lý tưởng cách mạng; năm 1960, khi vừa tròn 18 tuổi chị đã sớm bộc lộ chí hướng đi theo con đường cách mạng, theo Đảng và trực tiếp tham gia làm công tác giao liên, tiếp tế gạo thóc, thuốc men cho vùng du kích. Sau đó, chị tham gia Ban chấp hành Hội phụ nữ giải phóng của xã, vừa làm công tác tư tưởng, vận động đồng bào Khmer vừa làm nhiệm vụ giao liên, tiếp tế, thông báo tin tức cho tổ chức. Bằng ý chí quật cường và tinh thần quả cảm chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không hề nao núng trước những khó khăn, gian khổ khi hoạt động trong lòng địch. Để tránh sự phát hiện của địch, chị luôn sáng kiến nhiều hình thức trong công tác tiếp tế để qua mắt sự kiểm soát khắc khe của kẻ thù như: giả làm người gánh phân bò đi bón ruộng để tiếp tế lương thực vào cho đồng đội; giả người đi giăng câu để giấu thuốc men, tài liệu tuyên truyền trong cái “cà om” nhằm không để cho quân giặc phát hiện… Bằng tài trí thông minh cùng với tinh thần gan dạ, chị đã góp phần rất lớn trong công tác chiến đấu và giao liên nhằm kịp thời cung cấp thông tin, vận chuyển lương thực cho các chiến sĩ. Thời điểm này, cùng với huyện Tri Tôn, đồng bào xã Ô Lâm đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh trực diện với đồn bót của kẻ thù với nhiều nội dung như: đòi chấm dứt càn quét, bắn phá, bồi thường nhân mạng, tài sản cho dân chúng... Hòa cùng không khí đấu tranh chung của đồng bào, chị Neáng Nghés luôn thể hiện là người nồng cốt, đi đầu trong các phong trào đấu tranh đó. Biết chị là cán bộ cách mạng, nên kẻ thù đã nhiều lần cảnh cáo và cho người theo dõi hành tung của chị để tìm ra nơi ẩn nấp của quân đội ta, nhưng nhiều lần không thành.

Đầu năm 1962, tình hình cách mạng trong nước rất khó khăn, đế quốc Mỹ thực hiện nhiều chiến lược quân sự với nhiều thủ đoạn tàn bạo để càn quét mạnh mẽ vùng căn cứ cách mạng của ta. Ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn chúng đốt nhà, gom dân và lập ấp chiến lược Ô Tà Tưng (Tha La Păng Xây) và coi đây là một "ấp chiến lược kiểu mẫu" có quy mô lớn ở An Giang. Ngày ấy, chị Néang Nghés tham gia đoàn biểu tình với hơn một nghìn người, có cả sư sãi, à cha, kéo về quận lỵ Tri Tôn. Tên quận trưởng đích thân dẫn lính ra ngăn chặn, đàn áp cuộc biểu tình. Trước tình hình địch đàn áp mạnh, một số bà con nao núng, chị Néang Nghés động viên, cổ vũ mọi người và xông tới giáp mặt tên quận trưởng chất vấn: "Quận trưởng là người Khmer sao lại hại người Khmer, bắt người Khmer bỏ ruộng rẫy, nhà cửa, chùa chiền, bỏ hũ tro ông bà để vào "ấp chiến lược" mà chết đói. Quận trưởng tính giết hết người Khmer mình hay sao?". Trước lời lẽ mạnh mẽ mà có tình, có lý của chị, lại được quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt, được binh sĩ đồng tình, nên tên quận trưởng buộc lòng hứa hẹn một số điều. Vậy là cuộc đấu tranh coi như giành thắng lợi bước đầu. Từ đó, chị Néang Nghés được quần chúng nhân dân tin yêu, còn đối với kẻ thù chị là tâm điểm chú ý và chúng quyết phải tiêu diệt chị.

Ngày 13/3/1962, sau khi chuyển lương thực, thuốc men xong thì trên đường về chị đã bị địch phục kích và chẳng may bị chúng bắt. Chúng đưa chị về đồn Tha La Păng Xây giam giữ chị bằng lồng kẽm, trong tình trạng chỉ cần di chuyển hay nhúc nhích thì sẽ bị kẽm gai đâm. Nhiều lúc chúng còn lôi chị ra để tra khảo, nhằm tìm kiếm thông tin từ chị nhưng chẳng được gì, chúng đã hành hạ, tra tấn, khủng bố tinh thần chị. Dụ dỗ không được, kẻ thù đã nổi tính hung đồ và đánh đập chị dữ dội, lôi chị ra giữa chốn đông người làm nhục và hãm hiếp chị; sau đó bọn chúng còn lôi chị đi khắp nơi trong xã nhằm uy hiếp tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Rạng sáng ngày 15/3/1962 (nhằm ngày 10/2 âm lịch), bọn chúng thấy chị không còn giá trị lợi dụng được nữa nên đem chị ra cánh đồng phum Chông Khsách và lùa đồng bào ra để chứng kiến xem cuộc xử bắn. Chúng không trực tiếp bắn chị ngay mà giết dần giết mòn chị, trong sự đau đớn khôn cùng như: đánh gãy tay, cắt lỗ tai và các phần thân thể rồi mới bắn chết. Chúng ra lệnh không cho ai đem xác chị chôn. Trước sự hy sinh hiên ngang của chị, bà con Khmer càng thương tiếc, khâm phục bao nhiêu thì càng căm thù lũ giặc bấy nhiêu.

Nhìn lại lịch sử, năm 1952 tại miền đất đỏ Côn Đảo chị Võ Thị Sáu đã anh dũng hy sinh khi chưa đầy 18 tuổi. Như tiếp nối truyền thống và tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc và thế hệ đi trước. 10 năm sau, ngày 15/3/1962 tại đất Ô Lâm anh hùng, nữ liệt sĩ Neáng Nghés cũng hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Những biểu tượng bất tử đó như ngọn lửa sôi sục tinh thần căm thù giặc xâm lược của dân tộc ta, tiếp thêm sức mạnh để công cuộc giải phóng dân tộc nhanh chóng giành thắng lợi. Có thể nói, nữ liệt sĩ Neáng Nghés - người con gái người con gái Khmer của vùng đất Ô Lâm anh hùng đã anh dũng hi sinh khi còn rất trẻ, nhưng ý chí, lòng can trường của người con gái ấy vẫn sẽ sống mãi, trở thành hình tượng bất tử của lớp thanh niên Việt Nam trong năm tháng lửa đạn chiến tranh. Sự hy sinh của nữ liệt sĩ Neáng Nghés là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng ngời, làm rạng rỡ thêm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam. Chị cũng là niềm tự hào của Phụ nữ Tri Tôn nói riêng, quân, dân và Đảng bộ An Giang nói chung.

Năm tháng trôi qua, hòa bình trở lại trên quê hương đất nước, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chương trình của Chính Phủ và sự vùng lên mạnh mẽ của chính bản thân mình mà ngày nay người dân xã Ô Lâm anh hùng đã từng bước thoát nghèo và vươn lên mạnh mẽ, nhà nhà đã được no ấm, sung túc. Tuổi trẻ ở Ô Lâm ngày nay đã được đến trường học hành đàng hoàng và có nhiều thanh niên đang học tập ở các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh và ngoài tỉnh. Cuộc sống yên bình và sung túc đã thể hiện trong mỗi ngôi nhà, trên mỗi con đường ở các phum, sóc dưới chân ngọn núi Cô Tô. Nơi đây, thời chiến tranh từng là chiến trường khốc liệt, đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của kẻ thù, ngày nay đã được thay thế bởi những cánh đồng lúa xanh tươi, những hàng cây thốt nốt đang vươn mình giữa một vùng đất khô cằn, mang đến cho đời hương vị ngọt ngào, mát mẻ. Người nữ anh hùng dân tộc Khmer Néang Nghés mãi mãi là bông hoa bất tử, là niềm tự hào của quê hương xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn và của cả dân tộc. Gương hy sinh của chị là nguồn động lực để tuổi trẻ ngày nay không ngừng học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển hơn, giàu đẹp hơn ./.

Tài liệu tham khảo

1. Néang Nghés người con gái Khmer huyện Tri Tôn kiên cường bất khuất, Tạp chí Văn nghệ Tri Tôn tập 3/2020.

2. UBND tỉnh An Giang (2013), Địa chí An Giang.

3. BTG huyện ủy Tri Tôn, Lịch sử Đảng bộ huyện Tri Tôn.

Thành Chinh, “Nữ Anh hùng Néang Nghés” đăng trên Báo An Giang online ngày Chủ nhật, 29/04/2012.

các tin khác