Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Sự thống nhất lợi ích tập thể với lợi ích cá nhân theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

08:16 18/11/2019

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và đạo đức của Người là một di sản vô giá đối với các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau. Tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người. Điều đó có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Mỗi bước thắng lợi của cách mạng đều có phần rất cơ bản của đạo đức Hồ Chí Minh. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có sức mạnh lớn lao, bởi vì nó bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị đạo đức cao quý của nhân loại.

Đạo đức mới của Hồ Chí Minh là vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân và toàn thể những người lao động trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội mới. Hồ Chí Minh chỉ rõ, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là đưa nhân dân tham gia vào đời sống chính trị - xã hội. Để thực hiện mục tiêu đó cần phải thay đổi các quan hệ đạo đức, các thành kiến đạo đức, các lề thói lạc hậu của các xã hội trước đây. Hồ Chí Minh viết: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải triệt để thay đổi những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước có văn hóa cao và đời sống ấm no, hạnh phúc. Chúng ta phải tiến hành những nhiệm vụ đó trong những điều kiện đặc biệt của nước ta, nghĩa là trên cơ sở một xã hội mới…” .Mọi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội chung ấy, trên cơ sở những nguyên tắc đạo đạo đức mới. Những nguyên tắc của đạo đức mới là những chuẩn mực khuyến khích, định hướng cho hoạt động thực tiễn xây dựng xã hội mới của nhân dân lao động. Một trong những nguyên tắc của đạo đức mới trở thành giá trị cao đẹp, một triết lý sống, một nguyên tắc sống được Hồ Chí Minh nhấn mạnh đó là sự thống nhất giữa lợi ích tập thể với lợi ích cá nhân.

Nguyên tắc đạo đức của sự thống nhất giữa lợi ích tập thể với lợi ích cá nhân là mình vì mọi người và mọi người vì mình. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “cách mạng xã hội chủ nghĩa là vĩ đại”, nhưng “càng vĩ đại bao nhiêu thì càng gian khổ bấy nhiêu”. Một cuộc thay đổi vĩ đại như vậy, sự thay đổi các điều kiện kinh tế - xã hội một cách căn bản và tiến bộ dẫn đến sự thay đổi các mặt đời sống xã hội tất nhiên phải mất nhiều công sức. Đó là sự nghiệp đông đảo của quần chúng nhân dân, chứ không phải là sự nghiệp của một vài người. Chỉ có ở chủ nghĩa xã hội, giá trị của con người được thể hiện rõ và đầy đủ nhất. Ở đây biểu hiện mới giữa cá nhân và xã hội, lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Quan hệ giữa người với người trong tập thể là quan hệ thống nhất ở mục tiêu: lấy sự phát triển của cá nhân làm tiền đề, sự phát triển tự do, toàn diện của mọi người là mục đích. Nguyên tắc của chủ nghĩa tập thể là sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.

Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên tắc đạo đức cơ bản trong chủ nghĩa xã hội phải thống nhất lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng. Trong chủ nghĩa xã hội, lợi ích tập thể, lợi ích xã hội là thước đo đạo đức của cá nhân và nhất định lợi ích tập thể phải đặt lên trên lợi ích cá nhân. Lợi ích tập thể, lợi ích xã hội là tính thứ nhất trong các quan hệ đạo đức, là phương tiện thỏa mãn nhu cầu và phát triển tài năng của cá nhân. Vì thế, mục tiêu văn hóa của chủ nghĩa xã hội lấy thước đo đạo đức tập thể làm chuẩn mực của sự tiến bộ đạo đức. Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Hồ Chí Minh là phải đặt lợi ích của tập thể, lợi ích của cách mạng, lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân. Điều này, được Người giải thích rất rõ trong Bài nói tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan trung ương (09/6/1953), Người nói: “Mọi người nhận rõ lợi ích chung của dân tộc phát triển và củng cố thì lợi ích riêng của cá nhân mới có thể phát triển và củng cố. Cho nên lợi ích cá nhân ắt phải phục tùng lợi ích của dân tộc, chứ quyết không thể đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích dân tộc. Đó là một tiến bộ”. Vì “tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ chung của dân tộc”. Sau này, trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Người khẳng định: “Trong chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn. Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”.

Việc xem lợi ích của tập thể, của cộng đồng là lợi ích chung của toàn xã hội sẽ bảo đảm cơ chế vận hành của mục tiêu, lý tưởng nhất quán về một xã hội nhân đạo hiện thực mà chủ nghĩa xã hội theo đuổi. Tuy nhiên, bên ngoài lợi ích tập thể, trong chủ nghĩa xã hội cũng tồn tại lợi ích chân chính của cá nhân. Lợi ích chân chính của cá nhân đảm bảo cho đời sống đạo đức được vận hành đa dạng và phong phú. Nếu không có lợi ích chân chính của cá nhân thì quan hệ đạo đức trong chủ nghĩa xã hội sẽ thiếu sức sống. Hồ Chí Minh nêu lên những biểu hiện về sự thống nhất giữa lợi ích chính đáng của cá nhân với lợi ích của tập thể, của Đảng, mặt khác, Người cũng phê phán những biểu hiện cần tránh, đó là: “Nhiều khi lợi ích của cá nhân hợp với lợi ích của Đảng. Thí dụ đảng viên và cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khoẻ của mình để làm việc. Ham học tập để nâng cao trình độ của mình. Làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để cho dân tin, dân phục, dân yêu. Những lợi ích cá nhân đó rất chính đáng. Đảng mong cho đảng viên và cán bộ như thế. Song ngoài ra, như ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt anh hùng, tự cao tự đại, v.v.. Đó đều là trái với lợi ích của Đảng”. Đồng thời, trong bài Nói chuyện tại hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục, Người cũng lý giải tại sao mọi người lại lo nghĩ cho cá nhân: “Có khi các cô, các chú lo nghĩ cho cá nhân, cái đó cũng dễ hiểu. Vì người ta không phải là thần thánh gì. Vả lại, khuyết điểm trong xã hội ảnh hưởng đến các cô, các chú”.

Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến sự phát triển hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể. Người luôn kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân nhưng không phủ nhận lợi ích cá nhân. Người viết: “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu. Nhưng lại phải thấy rằng chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình. Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”. Đây là sự tiếp tục quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa tập thể. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định rằng: Chỉ có chủ nghĩa xã hội và sau đó là chủ nghĩa cộng sản mới có điều kiện phát huy toàn diện năng lực bản chất của con người, tự do, nhu cầu, khát vọng, năng khiếu của con người. Bởi, cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng triệt để, sự thay đổi các điều kiện kinh tế - xã hội một cách căn bản và tiến bộ đã dẫn đến sự thay đổi các mặt đời sống xã hội, đem giá trị của con người trả lại cho con người, coi con người là mục đích cao nhất.

Song, lợi ích cá nhân không phải là mục tiêu riêng rẽ mà chính sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể mới là mục tiêu của sự phát triển xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, nếu chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân thì các quan hệ đạo đức trong chủ nghĩa xã hội sẽ lại tiếp tục theo vết xe đạo đức vị kỹ của chủ nghĩa cá nhân tư sản. Trong lý tưởng đạo đức chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cá nhân là một hiện tượng phản đạo đức. Tâm lý của chủ nghĩa cá nhân lấy lợi ích riêng làm lợi ích vị kỹ và đối lập với lợi ích xã hội. Trong chủ nghĩa xã hội không chấp nhận hiện tượng con người phá hoại và thù địch nhau. Mỗi người tự do phát triển nhưng không phản lại tự do của người khác. Mục tiêu văn hóa của chủ nghĩa xã hội là tạo nên sự cộng đồng các lợi ích. Sự cộng đồng các lợi ích đảm bảo xác lập trong mối quan hệ đạo đức mới những nguyên tắc dân chủ, chủ nghĩa tập thể, tinh thần quốc tế chân chính, tư tưởng hòa bình và tình hữu nghị cũng như những phẩm giá của con người.

Con người không chỉ nghĩ cho mình mà còn phải nghĩ cho người khác, biết phục vụ mọi người, phục vụ tập thể và phục vụ toàn xã hội với tinh thần trách nhiệm, thực hiện mục tiêu chung phù hợp với sự tiến bộ xã hội. Đó là cơ sở của chủ nghĩa nhân đạo cao nhất. Chủ nghĩa tập thể trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đòi hỏi phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa phường hội. Động cơ hành động của người cá nhân chủ nghĩa không phải vì lợi ích tập thể và xã hội mà vì khát vọng cá nhân được hưởng thụ lợi ích cho riêng mình bất chấp mọi người. Về bản chất, Hồ Chí Minh nêu rõ, “cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân”. Chủ nghĩa cá nhân được hiểu là “cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc, cái mình lớn hơn là phải hòa mình vào với dân tộc”. Người ví chủ nghĩa cá nhân “như là một thứ vi trùng rất độc”, nó “đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”. Sau này, Người còn chỉ ra những tác hại của chủ nghĩa cá nhân khi đảng viên mắc phải, như: “Vì chưa rửa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, cho nên có đảng viên còn “kể công” với Đảng. Có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Đảng “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thoả mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ “bị hy sinh”. Rồi dần dần họ xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”.

Hồ Chí Minh luôn dạy chúng ta, muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân. Biện pháp chống chủ nghĩa cá nhân không phải chỉ dừng lại ở việc giáo dục cá nhân mà điều quan trọng phải xây dựng những tập thể thực sự tốt đẹp. Bởi vì chỉ có tập thể tốt đẹp mới tạo điều kiện cho con người kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Ở đâu tập thể tốt thì ở đó chủ nghĩa cá nhân ít có điều kiện nảy sinh. Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phải nâng cao tinh thần tập thể, Người nêu rõ, “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”.

Như vậy phải thường xuyên và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức. “Chủ nghĩa cá nhân không phải chống một lần là hết… Ví như rửa mặt thì phải rửa hằng ngày”. Cho nên phải tiếp tục luôn luôn phê bình, tự phê bình, kiểm điểm trong mọi việc. Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta: “Con người xã hội chủ nghĩa là phải đi đến hoàn toàn không có chủ nghĩa cá nhân. Trong đầu óc mọi người đều có sự đấu tranh giữa cái “thiện” và cái “ác”, hoặc nói theo cách mới là sự đấu tranh giữa tư tưởng cộng sản và tư tưởng cá nhân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, chống chủ nghĩa cá nhân nhưng “không giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng để nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng lại không đơn giản chút nào. Bởi lẽ, nếu quá nhấn mạnh lợi ích cá nhân, con người sẽ dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân và ngược lại, chống chủ nghĩa cá nhân không thận trọng sẽ “giày xéo” lên lợi ích chính đáng của cá nhân. Cả hai khuynh hướng trên đều dẫn tới những kết quả là cản trở sự nghiệp giải phóng cá nhân, khó thực hiện mục tiêu đem lại tự do, hạnh phúc cho mỗi người trong chế độ xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. 

Có thể nói, tư tưởng và tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Đây là một trong những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cho đến nay, những quan điểm của Người về giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân vẫn còn giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đây cũng là nội dung, phương hướng rèn luyện đạo đức của mỗi người theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nó là kim chỉ nam của Đảng ta trong việc xây dựng đạo đức mới trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay.

Những quan điểm trên của Người vẫn tiếp tục chỉ đạo hoạt động thực tiễn trong sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Đặc biệt từ thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, gắn với thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ  và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ rất cấp bách, quan trọng và thường xuyên. Trong bối cảnh, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất đạo đức, phai nhạt lý tưởng cách mạng, quá coi trọng đến lợi ích cá nhân đã và đang làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ thì việc nắm vững những quan điểm của Người về giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích tập thể, lợi ích cách mạng và lợi ích cá nhân có giá trị thời sự sâu sắc.

Hiện nay, vận dụng quan điểm của Người để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích tập thể với lợi ích cá nhân, đòi hỏi mọi suy nghĩ và hành động của cá nhân phải trên cơ sở lợi ích chung của tập thể, của Đảng, của đất nước, trong đó có quyền lợi của chính bản thân mình, đó là phấn đấu vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong từng nhiệm vụ cụ thể, phải đặt lợi ích chung của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân mình. Đồng thời, xã hội phải có những cơ chế đảm bảo lợi ích chính đáng của cá nhân. Như vậy, với nhãn quan chính trị sắc bén, Hồ Chí Minh đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân. Sự thống nhất, hài hòa các lợi ích này là động lực cho cá nhân hoạt động, là cơ sở cho sự gắn bó giữa cá nhân với tập thể và xã hội; đồng thời, phát huy được sức mạnh của cộng đồng cũng như sức mạnh cá nhân trong sự nghiệp cách mạng chung, góp phần đưa cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi to lớn.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2016), Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Tài liệu nghiên cứu phục vụ triển khai thực hiện Chỉ thị số05-CT/TWcủa Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội.

4. Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ đạo biên soạn Giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (2008), Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh Toàn tập (2002), tập 8, 9, 10, 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. PGS, TS Trần Quang Nhiếp, TS Nguyễn Văn Sáu (2008), Giá trị cơ bản về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

7. PGS, TS Bùi Đình Phong (2008), Văn hóa, đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

 Dương Thị Bích Thủy - Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác