Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Mô hình đào tạo kỹ năng mềm cho học viên tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

03:57 28/11/2023

ThS. Huỳnh Thị Việt Hoa

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Tóm tắt: Bài viết đề cập về kỹ năng mềm là như thế nào, sự cần thiết của kỹ năng mềm đối với cán bộ, đảng viên trong giao tiếp, làm việc và lãnh đạo. Tác giả đã nêu những giải pháp để nâng cao kỹ năng mềm cho học viên tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng. Trong đó, Ban Giám hiệu Trường đóng vai trò quan trọng trong chỉ đạo tìm những chuyên gia, những giảng viên chuyên sâu về các lĩnh vực để báo cáo bài cho học viên, phê duyệt kế hoạch đi nghiên cứu thực tế ở, những nơi có nhiều giá trị văn hóa, chỉ đạo giảng viên của Trường sử dụng nhiều phương pháp để tăng kỹ năng mềm cho học viên trong giai đoạn hiện nay. Kỹ năng mềm giúp học viên thích ứng với mọi hoàn cảnh, xử lý công việc thành công và được sự đồng thuận cao hơn.

Từ khoá: KNM: kỹ năng mềm; KNC: kỹ năng cứng; TCTTĐT: Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

Nội dung

Học viên theo học tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng hiện nay đều là những cán bộ tiềm năng. Việc phát triển kiến thức chuyên môn sâu là vấn đề bắt buộc và luôn được thực hiện khi học viên tham gia công tác tại đơn vị, điều này là vấn đề không cần bàn luận thêm. Tuy vậy, để những cán bộ tiềm năng này trở thành lãnh đạo tốt trong tương lai và đóng góp thiết thực cho xã hội, có chăng TCTTĐT chúng ta còn cần nhiều giải pháp hơn trong việc mở rộng đào tạo kỹ năng mềm thiết yếu trong xã hội văn minh ngày nay. Công tác cán bộ cũng như lựa chọn cán bộ lãnh đạo chủ chốt luôn là vấn đề “đau đầu” với Đảng trong giai đoạn hiện nay khiến cho chúng ta cần suy nghĩ lại về mô hình đào tạo và vai trò của Trường chính trị trong tình hình mới. Hệ thống đào tạo cán bộ cốt lõi của Đảng Cộng Sản Việt Nam cần làm gì để vượt qua thách thức của thời đại?

Nếu như KNC được coi là điều kiện cần thì KNM chính là điều kiện đủ. Kỹ năng cứng giúp bạn bước qua một cánh cửa, còn KNM mở ra nhiều cánh cửa khác. Kỹ năng mềm giúp phát huy các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để chạm tới thành công. Kỹ năng mềm là những kỹ năng không gắn liền với kiến thức chuyên môn mà liên quan tới trí tuệ, tính cách, cảm xúc của con người. Kỹ năng mềm rất cần thiết trong công việc và cuộc sống biểu hiện qua khả năng liên quan đến sự lãnh đạo, huấn luyện, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo, giải quyết vấn đề,… Tất cả các yếu tố này giúp cho công việc và mối quan hệ trở nên chuyên nghiệp hơn. Rất khó để đo lường kỹ năng mềm, vì đây là dạng kỹ năng không định lượng được bằng giấy tờ hay chứng chỉ như các KNC, kỹ năng chuyên môn. Tuy vậy, kỹ năng mềm lại chính là chìa khoá để giúp cho mọi giao tiếp và hợp tác trở nên hiệu quả hơn. Những cán bộ, đảng viên sở hữu khả năng xây dựng một mối quan hệ mạnh, ngay cả với những người ít gặp hoặc liên hệ, trở thành yêu cầu không thể thiếu cho nhiều vai trò khác nhau.

Về bản chất, kỹ năng mềm là khả năng mà một người có được để làm việc, giao tiếp và tương tác với người khác, bao gồm nhiều kỹ năng khác nhau như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo, quản lý thời gian, tư duy phản biện, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình,… Kỹ năng mềm cũng có thể có được nhờ luyện tập và trau đồi. Trong công việc, một người cán bộ, đảng viên cần sở hữu cả KNM và KNC. Ví dụ: một người giỏi chuyên môn nhưng không thể làm việc cùng nhiều người khác sẽ không thể tạo nên kết quả tốt khi làm việc nhóm. Do đó, việc cân đo đong đếm kỹ năng nào quan trọng hơn là không cần thiết.

Trên thực tế, những người thành công thường chỉ dựa trên nền tảng 25% là kiến thức chuyên môn, còn lại là 75% những KNM mà họ đã đúc kết được. Không giống với những KNC có thể học được một cách dễ dàng, KNM là phải trau dồi, luyện tập thường xuyên thì mới có thể áp dụng một cách thành thạo. Jim Rohn đã từng cho rằng: Nếu bạn chỉ giao tiếp, bạn có thể tồn tại. Nhưng nếu bạn giao tiếp khéo léo, bạn có thể tạo ra điều kỳ diệu. Kỹ năng mềm góp phần quyết định bạn là ai, làm việc như thế nào và hiệu quả ra sao. Dù bạn ở đâu, làm gì thì KNM cũng rất cần thiết. Loại kỹ năng này cần cho tất cả mọi người, từ nam tới nữ, già tới trẻ, cán bộ công chức nhà nước hay nhân viên ở khối tư nhân – doanh nghiệp,… Là học viên TCTTĐT, việc trau dồi, rèn luyện KNM lại càng quan trọng. Nếu không, ngay khi rời khỏi trường, các bạn sẽ rất dễ bị bỏ lại, thậm chí không ít người đã rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” trong công việc, vì thiếu KNM cần thiết.

Tại bất cứ cơ quan đơn vị nào, lãnh đạo đơn vị luôn mong muốn chọn được những người giỏi nhất và phù hợp nhất cho vị trí công tác. Tuy vậy, việc nhận diện ra đâu là ứng viên phù hợp cho vị trí lãnh đạo đơn vị đôi khi lại được quyết định chủ yếu thông qua bộ KNM của cán bộ nhân viên. Lãnh đạo luôn cần cán bộ, đảng viên có khả năng hợp tác, tạo động lực cho đồng nghiệp, bình tĩnh đối phó với khó khăn và có khả năng đáp ứng chính xác những gì mà cơ quan cần. Những cán bộ được đào tạo tốt về KNM sẽ làm lợi cho đơn vị theo cách như vậy. Cán bộ, đảng viên với bộ KNM tốt cũng có tiềm năng to lớn để tạo thêm nhiều giá trị cho đơn vị trong tương lai, theo thời gian.

Rất nhiều cán bộ, đảng viên dù có những bằng cấp và chứng chỉ thuộc loại xuất sắc trong tay, nhưng vẫn không thể thăng tiến trong sự nghiệp vì thiếu kỹ năng sống (KNM). Cán bộ, đảng viên không biết cách giao tiếp hiệu quả, cũng không biết cách thuyết phục hay giải quyết các vấn đề mình đang gặp phải, đặc biệt khi giao tiếp với người dân hay với cấp trên. Thậm chí, ngay như việc làm việc nhóm họ cũng không thể hoà đồng, hạ cái “tôi” của chính mình để vì thành công chung, thì đôi khi những vấn đề cần giải quyết lâm vào bế tắc hoặc khó có được giải pháp tốt nhất. Ngược lại, có những cán bộ nhân viên không thực sự xuất sắc nhưng luôn mạnh dạn, tự tin, biết cách giao tiếp,… lại nhanh chóng thích nghi trong mọi tình huống. Do vậy, họ dễ dàng được trọng dụng và làm tốt công việc lãnh đạo, quản lý như mong muốn. Ví dụ: Câu chuyện về “động vật biến nhiệt” và “động vật hằng nhiệt” trong thời kỳ tuyệt chủng hoặc khí hậu khắc nghiệt, giúp chúng ta dễ hình dung về nhóm người “linh hoạt với bộ KNM tốt” sẽ dễ thích nghi và vượt qua thử thách khắc nghiệt hơn là nhóm người “cứng nhắc vì thiếu bộ KNM”.

Vậy đâu là bộ KNM mà cán bộ, đảng viên nên trang bị? Kỹ năng mềm bao gồm rất nhiều loại kỹ năng cụ thể khác nhau. Một người càng có nhiều KNM càng tốt. Kỹ năng mềm chứng tỏ khả năng hoà nhập, tương tác với xã hội, cộng đồng, tập thể. Một số KNM mà cán bộ, đảng viên trong công tác nên trang bị gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán - giải quyết vấn đề,  kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời giân, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc dưới áp lực, kỹ năng thích nghi và linh hoạt, kỹ năng làm chủ và tự lượng giá lại bản thân, kỹ năng lắng nghe và chia sẻ, kỹ năng phân tích vấn đề, kỹ năng tư duy tích cực và tư duy phản biện… Tuy vậy, có thể tóm gọn 9 KNM quan trọng bậc nhất không bao giờ lỗi thời đối với mọi ngành nghề như sau:

1. Kỹ năng giao tiếp: Đây là kỹ năng quan trọng đối với mọi mặt của cuộc sống chứ không riêng gì trong công việc. Dù là xây dựng mối quan hệ với ai đó, hoà nhập vào một cộng đồng, hay xây dựng thương hiệu cá nhân, kỹ năng giao tiếp là một công cụ không thể thiếu. Không đơn giản chỉ là sử dụng ngôn ngữ để nói chuyện, kỹ năng giao tiếp được thể hiện qua việc chủ động lắng nghe, khả năng trình bày và viết lách. Giải thích cho người ngoài ngành hiểu những khái niệm kỹ thuật phức tạp chính là một biểu hiện xuất sắc của kỹ năng giao tiếp.

2. Kỹ năng làm việc nhóm: Kỹ năng làm việc nhóm là khả năng kết hợp với người khác để cùng đạt được mục tiêu chung. Dù ở trong trường học hay môi trường làm việc thì kỹ nặng làm việc nhóm vẫn luôn giữ vị trí quan trọng. Đây cũng là một KNM trong công việc mà ai cũng cần có. Tại sao nó lại quan trọng như vậy? Khi gia nhập vào một công ty, một cơ quan đơn vị, bạn không chỉ làm việc một mình mà còn phải thường xuyên phối hợp với hai, ba đồng nghiệp, hay cả một phòng ban. Mở rộng ra, làm việc nhóm còn là sự kết hợp cùng nhau vì mục tiêu chung của cả đơn vị.

3. Tư duy phản biện và tư duy tích cực: Tư duy phản biện có thể hiểu đơn giản là khi tiếp nhận thông tin từ một nguồn nào đó, bạn sẽ sàng lọc và nhận định xem chúng có thực sự đúng đắn hay không, chứ không lập tức tin tưởng hoàn toàn. Tư duy phản biện không có nghĩa là nghi ngờ hoặc phủ nhận tất cả mọi thứ. Ngược lại, nó giúp bạn đánh giá thông tin một cách toàn diện. Tư duy phản biện thúc đẩy sự sáng tạo, và những phát kiến đột phá. Những giải pháp tối ưu nhất đều được sinh ra nhờ tư duy phản biện. Các cách để rèn luyện tư duy phản biện là tích luỹ kiến thức, đặt nhiều câu hỏi, phân tích một vấn đề dưới nhiều góc nhìn, và không giới hạn bản thân vào bất cứ khuôn mẫu hay định kiến nào.

4. Kỹ năng tổ chức: Lên kế hoạch và triển khai hiệu quả dự án hay các công việc chung cho bản thân và người khác là một KNM cần có. Mọi công việc nên được sắp xếp theo một trình tự hợp lý. Mỗi người tham gia có thể nắm bắt được việc gì nên làm trước để tránh bỏ sót bất kỳ nhiệm vụ nào. Kỹ năng tổ chức kém sẽ khiến bạn không sắp xếp công việc hiệu quả, làm mất thời gian của mình và người khác.

5. Kỹ năng xã hội: Bạn càng tiếp xúc nhiều người thì kỹ năng xã hội càng quan trọng. Dù bạn có muốn hay không, công việc và cuộc sống hàng ngày có thể đưa bạn đến với những mối quan hệ bao gồm cả xã giao và chuyên nghiệp. Lúc này, bạn cần có kỹ năng xã hội để biết cách xử sự với từng đối tượng. Bạn có thể là một người thân thiện, dễ gần, nhưng cách bạn giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp sẽ có những khác biệt cần thiết như khi ứng xử với lãnh đạo. Đó không phải là thiên vị, đó la sự chuyên nghiệp bạn có từ kỹ năng xã hội.

6. Khả năng sáng tạo: Đây có thể là một trong những KNM bị xem nhẹ nhất. Có lẽ vì khi nghĩ về sáng tạo, người ta thường chỉ nghĩ đến một đặc điểm dành cho những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, sáng tạo cần ở mọi lĩnh vực, mọi cá nhân, tổ chức. Sáng tạo có nghĩa là khả năng đem đến những ý tưởng và giải pháp cho công việc.

7. Kỹ năng thích ứng nhanh: Xã hội ngày một phát triển và thay đổi không ngừng. Không cần bàn cãi, để có thể bắt kịp với thời đại, khả năng thích ứng nhanh với thay đổi là vô cùng quan trọng nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Kỹ năng này thể hiện khi bạn thích nghi với môi trường làm việc mới, ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới vào công việc,…

8. Đúng giờ là một kỹ năng mềm: Một kỹ nặng mềm mà ai cũng cần rèn luyện. Nó liên quan mật thiết đến kỹ năng sắp xếp và quản lý thời gian của bạn. Đến đúng giờ trong một cuộc họp hay hoàn thành công việc đúng kỳ hạn là những biểu hiện của những người làm việc có nguyên tắc và tôn trọng người khác.

9. Kỹ năng báo cáo và thuyết trình: việc đứng trước nhân dân truyền đạt 1 cách trực tiếp những thông tin đến người khác nhằm sỡ hữu các mục đích cụ thể để bày tỏ suy xét, hiểu, tạo dựng các mối quan hệ & thực hiện…

Kỹ năng mềm giúp mọi người trải nghiệm cuộc sống tốt hơn. Từ trải nghiệm để có cái nhìn sâu sắc và đa chiều hơn. Khi được trang bị KNM sớm và đầy đủ sẽ giúp các bạn học viên tại trường dễ dàng thích ứng, hoà nhập tốt hơn, đồng thời giúp học viên có phương pháp học tập, làm việc khoa học, đạt hiệu quả cao.

* Giải pháp nâng cao kỹ năng mềm cho học viên:

Một là, chủ động tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá, hoạt động xã hội. Khi còn là học viên, các bạn nên tham gia vào các hoạt động của Đoàn Thanh Niên, của TCTTĐT tổ chức. Tham gia một số câu lạc bộ để tích luỹ thêm kiến thức và kỹ năng sống.

Hai là, mạnh dạn tự tin thuyết trình trước nhân dân. Ngoài việc tham gia vào các hoạt động ngoại khoá, hoạt động xã hội, các bạn sinh viên nên tích cực tham gia vào các bài thuyết trình trên lớp nhằm rèn luyện KNM, tích cực trao đổi với thầy cô giảng viên cũng như bạn bè để rèn luyện kỹ năng thêm thành thạo.

Ba là, tích cực thảo luận và làm việc nhóm. Với việc tham gia thảo luận, làm việc nhóm thông qua các bài học trên lớp cũng góp phần rất lớn vào việc rèn luyện KNM giúp học viên tự tin hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Bốn là, không ngừng học hỏi, trau đồi kiến thức qua sách báo hoặc người xung quanh. Việc trau dồi kiến thức giúp hỗ trợ sinh viên phát huy cao hơn nữa trong việc rèn luyện kĩ năng mềm giúp đạt được hiệu quả cao hơn trong học tập tại trường cũng như khi làm việc tại cơ quan đơn vị.

Năm là, tích cực tham gia các khoá học nâng cao kỹ năng… Với những bạn học viên có điều kiện về thời gian có thể đầu tư tham gia vào các khoá học về KNM để có thể tích luỹ thêm các bí quyết giao tiếp, làm việc và áp dụng vào thực tiễn tốt hơn.

Để làm được những giải pháp trên, ngay từ bây giờ, học viên nên chủ động rèn luyện cho mình bộ KNM cơ bản để làm hành trang sau khi tốt nghiệp.

* Vai trò của lãnh đạo, giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng:

Bên cạnh vai trò học viên, vai trò của ban giám hiệu, giảng viên và cán bộ tại trường cần đẩy mạnh đổi mới, chuẩn hoá, hiện đại hoá chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp dạy học cho các đối tượng, đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, nhất là KNM trong quản lý, giáo dục, định hướng tư tưởng cho học viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học KNM, ứng dụng công nghệ thông tin vào đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Sau đây là một số giải pháp đặt ra:

Một là, dành thêm thời gian đào tạo KNM cho học viên theo nhu cầu công tác mà học viên mong muốn trong tương lai, phù hợp với công tác tại cơ quan đơn vị.

Hai là, nâng cao KNM cho cán bộ, giảng viên và mời những giảng viên chuyên sâu về KNM nhằm mở rộng kiến thức thực tiễn cho học viên hứng thú tham gia.

Ba là, tăng cường tư duy phản biện, sáng tạo, tích cực bằng cách đổi mới giáo án, mô hình giảng dạy, tạo hứng thú cho người học, giảm áp lực về lý thuyết, tăng cường giảng về ứng dụng lý thuyết liên quan thực tiễn. Áp dụng mô hình đóng vai trong tiết học ví dụ như phản biện giữa chính quyền và nhân dân, phản biện giữa lãnh đạo và nhân viên, phản biện giữa giảng viên và học viên,…

Bốn là, thuyết trình chuyên nghiệp hơn không chỉ bằng lời nói hoặc nói những ý kiến cá nhân, mà phải tận dụng hệ thống đa phương tiện như thiết bị trình chiếu hình ảnh và phim có liên quan để làm tăng thêm sức thuyết phục cho mỗi bài thuyết trình. Việc này cần nhiều sự chuẩn bị và cộng tác nhóm cũng như nhiều công sức hơn, tuy vậy lợi ích có được khi thuyết trình kiểu này chính là sự tự tin, khả năng nói trước nhân dân, thuyết trình hiệu quả, kỹ năng làm việc nhóm nâng cao…

Năm là, tận dụng những đợt đi thực tế để tìm hiểu về những giá trị văn hoá - lịch sử - chính trị của địa phương An Giang để học về KNM thông qua tấm gương đi trước. Lồng ghép đi thực tế để tạo cơ hội cho học viên tự đào sâu tìm hiểu về chính quê hương của mình. Vì trong thời đại ngày nay, giá trị văn hoá dân tộc là yếu tố di truyền, là DNA của mỗi công dân toàn cầu. Muốn tiến ra thế giới, chính bản thân mỗi học viên phải là một đại sứ của quê hương mình. Thông qua chiều sâu tri thức, mỗi học viên với bộ KNM đã có sẽ là người “đại sứ quốc gia” tốt nhất để nói về những giá trị quý giá nhất của Việt Nam chúng ta nói chung và An Giang nói riêng.

Sáu là, việc đào tạo KNM thành một học phần cũng như đào tạo về tư duy tích cực, tư duy vì cộng đồng xã hội sẽ giúp học viên cởi mở tư duy. Qua đó, tránh tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong một số quyết định xã hội hoá mà nhà trường ban hành cho học viên. Việc hợp tác, thấu hiểu, tuân thủ và chấp thuận những quyết định hay quy định từ nhà trường sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

Bảy là, cần có thêm những buổi học rất bổ ích mà học viên được tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo đang công tác tại cơ quan ban ngành ở tỉnh – thành phố - huyện thị để học viên có cơ hội được trao đổi về kinh nghiệm công tác. Qua đó, việc học với chuyên gia của từng lĩnh vực sẽ hun đúc tinh thần yêu dân tộc, yêu quê hương cũng như tăng cường lối sống đạo đức – nhân phẩm cho học viên. Việc triển khai này ở trường hiện tại đã rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu tăng thời lượng gặp gỡ và tiếp xúc với chuyên gia đầu ngành nhiều hơn, phụ thuộc vào từng bộ phận học viên tương ứng và Trường có thể linh động giáo trình cho phù hợp.

Tóm lại, Trường Chính chị Tôn Đức Thắng là một trong những trường đào tạo chính trị hàng đầu của Tỉnh. Chính vì vậy, học viên phải tiên phong, gương mẫu tự đào tạo và phát triển bản thân, kể cả kỹ năng chuyên môn lẫn những KNM nhằm phấn đấu trở thành lực lượng nòng cốt cho Đảng và Nhà nước trong tương lai. Chúng ta cần chung tay làm rõ những cơ sở lý luận, vận dụng vào thực tiễn dựa trên đường lối, quan điểm của Đảng góp phần cho mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tình hình kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Việc trang bị các KNM cơ bản trên sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cán bộ, đảng viên là học viên tại TCTTĐT có được những bước đi vững vàng, công tác tốt hơn.

Sau khi hiểu rõ KNM là gì, học viên hãy tự rèn luyện cho mình những KNM cần thiết ở mọi lúc, mọi nơi. Ngoài kiến thức chuyên môn, hãy trang bị cho mình một kho tàng KNM để có thể thành công trong bất cứ công việc nào.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Thanh Tâm, “Kỹ năng mềm - kỹ năng thiết yếu khi xin việc”, Bài viết trên Website Đại học Công nghiệp Việt – Hung (http://viu.edu.vn/so-tay-sinh-vien/ky-nang-mem-ky-nang-thiet-yeu-khi-xin-viec-97170.html).

2. Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, 2014, “Cần tăng cường cải thiện kỹ năng mềm đối với cán bộ công chức” (https://dangcongsan.vn/phap-luat/can-tang-cuong-cai-thien-ky-nang-mem-doi-voi-can-bo-cong-chuc-277184.html).

3. Quang Vũ, 2021, “Chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, định hướng tư tưởng cho bộ đội”, Báo Bà Rịa Vũng Tàu Online (https://baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202112/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-chu-trong-dao-tao-ky-nang-mem-dinh-huong-tu-tuong-cho-bo-doi-940813/).

4. Ngọc Bích, 2022, “Kỹ năng mềm là gì? 7 kỹ năng mềm cần thiết giúp ban thành công trong công việc”, Trang thông tin điện tử Glints (https://glints.com/vn/blog/ky-nang-mem-la-gi/).

5. Tô Thanh Hiếu, “Hiểu về kỹ năng cứng và kỹ năng mềm”, Trang thông tin điện tử Trung tâm Nghiên cứu cải tiến y tế CHIR (http://qpsolutions.vn/newsdetail.asp?newsID=55&cat1id=7&cat2id=22&title=hieu-ve-ky-nang-cung-va-ky-nang-mem-ths-to-thanh-hieu).

6. Huỳnh Bảo Tuân, “Khung huấn luyện kỹ năng mềm cho Y tế”, Trang thông tin điện tử Trung tâm Nghiên cứu cải tiến y tế CHIR (http://qpsolutions.vn/newsdetail.asp?newsID=10467&cat1id=7&cat2id=22&title=khung-huan-luyen-ky-nang-mem-cho-y-te).

các tin khác