Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Quá trình Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường cách mạng vô sản

07:50 14/02/2020

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định: Con đường cách mạng vô sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn cho dân tộc ta dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Đường lối đúng đắn đó đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta vào quỹ đạo cách mạng vô sản trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân, đế quốc, và đi tới thắng lợi cuối cùng là đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dân tộc Việt Nam được tự do, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945 đã đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam. Đến đại thắng mùa xuân 1975 - một kỷ nguyên lịch sử mới của dân tộc đã được mở ra, kỷ nguyên đất nước độc lập thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó đã khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản Việt Nam - sự lựa chọn con đường tất yếu của lịch sử đã đưa nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam đến mục tiêu của tự do, của độc lập và hạnh phúc.

Từ khóa: Cách mạng Việt Nam,cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc….

Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 19-5-1890, quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành. Lớn lên giữa lúc nước mất nhà tan, đau xót trước cảnh lầm than của đồng bào. Nguyễn Tất Thành sớm có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Với nhiệt huyết cứu nước, với thiên tài trí tuệ, nhãn quan chính trị sắc bén và được kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, với mục đích rõ ràng: Xem các nước làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào.

Vượt qua được hạn chế của các nhà yêu nước đương thời, Nguyễn Ái Quốc rất khâm phục tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám, nhưng không đồng ý đi theo con đường cứu nước của các bậc tiền bối. Trong khi nhiều người còn ngưỡng mộ cách mạng tư sản, trăn trở tìm con đường cứu nước theo khuynh hướng tư sản, Người đã vượt qua sự hạn chế tầm nhìn của các bậc tiền bối, với tư duy độc lập, tự chủ, đã lựa chọn hướng đi và điểm tới của mình. Đặc sắc hơn, Người xác định cho mình phương thức ra đi đó là vừa đi vừa lao động, cùng với sự thay đổi trong lộ trình. Đi nhiều nước, khám phá nhiều nền văn minh chứ không chỉ dừng lại ở Pháp. Đây chính là quá trình hoạt động thực tiễn gắn với tư duy khoa học giúp Người tiếp cận chân lý của thời đại. Hướng đi và mục đích được xác định là “tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào,tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(1). Nước Pháp là nước có truyền thống cách mạng tư sản, cách mạng triệt để nhất, cách mạng vô sản cũng bắt đầu từ nước Pháp (1871). Nhưng người Pháp lại sang cai trị ở Việt Nam vô cùng tàn bạo. Nguyễn Tất Thành muốn khám phá cái gì ẩn đằng sau khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” mà Người từng được học, được nghe từ sự tuyên truyền của chính quyền thực dân Pháp. Như vậy, ngay từ đầu Nguyễn Tất Thành đã nhận thức rõ ràng rằng, dân tộc Việt Nam đang cần nhất là cách thức đánh đuổi thực dân đế quốc hay nói cách khác là lí luận cách mạng và phương pháp cách mạng để giải phóng dân tộc.

Như vậy, xuất thân từ gia đình nhà Nho nhưng Nguyễn Ái Quốc không bị ràng buộc bởi tư tưởng trung quân, lại thấm nhuần những giá trị dân tộc và nhân bản của đạo lí Việt Nam: gắn với dân. Chính vì thế, trong hành trang vô giá mà Nguyễn Ái Quốc mang theo là tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, vừa bao hàm một tinh thần đổi mới phù hợp với yêu cầu giải phóng dân tộc và xu thế thời đại. Người thanh niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ Người đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào, luôn trăn trở với những câu hỏi lớn về vận mệnh dân tộc, luôn kính trọng những bậc tiền bối, nhưng không bằng lòng với đường đi nước bước của những người đi trước và không muốn đi theo những vết mòn của lịch sử.

Trong vòng 10 năm từ năm 1911 đến năm 1920 Nguyễn Ái Quốc đã tận dụng mọi cơ hội để đến nhiều nơi trên thế giới, đã xem xét và khảo nghiệm ở những nơi mà Người đặt chân tới như Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ, đặc biệt ở ba nước đế quốc lớn nhất lúc này là Anh, Mỹ, Pháp. Người chịu đựng mọi gian khổ, làm mọi thứ nghề lao động nặng nhọc để hiểu và cảm thông với những người lao động. Chính vì vậy, chủ nghĩa yêu nước ở Người có những biến chuyển mới: Từ sự đồng cảm với đồng bào mình nâng lên thành sự đồng cảm với nhân dân lao động, với các dân tộc cùng khổ. Và cũng vì thế, Nguyễn Ái Quốc có cái nhìn khái quát hơn về diện mạo kẻ thù: Không chỉ có thực dân Pháp mà cả chủ nghĩa đế quốc thực dân nói chung. Người rút ra kết luận có tính chất nền tảng đầu tiên: “ở đâu bọn đế quốc thực dân cũng tàn bạo độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề. Đặc biệt khi Người tới nước Mỹ, Người xúc động trước cảnh những nô lệ da đen dưới chân tượng Thần Tự do và nhận ra một điều rằng trên thế giới dù ở đâu, dù da vàng, da trắng hay da đen, cũng có hai loại người: người giàu và người nghèo, người áp bức và người bị áp bức” (2). Từ đó Người càng hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Những nhận biết mang tính nền tảng đó càng giục giã Người quyết tâm tìm con đường giải phóng cho dân tộc.

Qua mười năm sống và làm việc ở những nước tư bản phát triển, Người không choáng ngợp trước sự giàu có của giai cấp tư sản mà lại nhận thấy chế độ tư bản có nhiều khuyết tật. Người khẳng định dứt khoát chủ nghĩa tư bản không cứu được nước, không cứu được dân. Quá trình nghiên cứu, xem xét Cách mạng tư sản Mỹ (1776) và kể cả triệt để như cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789), Người chỉ ra hạn chế của cách mạng dân chủ tư sản là những cuộc cách mạng không giải phóng được công nông và quần chúng lao động. Người đánh giá những cuộc cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng không triệt để: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức” (3).

Khi Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công, Nguyễn Ái Qốc  từ nước Anh trở lại nước Pháp và tham gia các hoạt động chính trị tại Pari. Pari thời điểm này là trung tâm chính trị, văn hoá không chỉ của nước Pháp mà cả của châu Âu “Pari như là điểm hẹn lịch sử của các bậc vĩ nhân trên thế giới”. Khi được biết thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc ngưỡng mộ cuộc cách mạng đó, kính phục Lênin. Người nhận thức được rằng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là đân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”(4). Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người: Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(5). Đây là điểm xuất phát và là điểm khác nhau cơ bản giữa con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc với các con đường cứu nước trước kia. Người đã tham gia nhiều cuộc vận động ủng hộ nhân dân Nga bảo vệ thành quả cách mạng.

Đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng tiến bộ nhất lúc đó ở Pháp. Người có dịp tiếp xúc, hoạt động với nhiều nhà chính trị nổi tiếng ở Pháp. Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu và hoạt động trong phong trào công nhân, liên lạc và cùng hoạt động với nhiều nhà cách mạng ở nhiều thuộc địa. Người hăng hái tham gia ngay vào các hoạt động chính trị cùng với giai cấp công nhân Pari và với các bậc đàn anh như Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh lập ra “Hội những người yêu nước Việt Nam” để thu hút Việt kiều ở Pháp đi theo một hướng tích cực. Tháng 6-1919, các nước thắng trận họp Hội nghị hoà bình ở Vécxây (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây bản yêu sách tám điểm. Người còn dịch ra chữ Hán và Quốc ngữ, bí mật gửi về nước. Bản yêu sách như một “quả bom” làm chấn động dư luận Pháp, ví như “tiếng sấm mùa xuân đối với Việt kiều tại Pháp”. Trong khi chờ đợi giải quyết vấn đề dân tộc tự quyết, Người chỉ đề cập những yêu sách “tối thiểu” và “cấp thiết”. Tổng thống Mỹ Wilson, tác giả chương trình 14 điểm với chiêu bài dân tộc tự quyết cũng có mặt ở Hội nghị. Nhưng những yêu sách dù khiêm tốn của Người không được Hội nghị đáp ứng. Sự kiện này đã giúp Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ: “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn”. Những lời tuyên bố tự do của nhà chính trị tư sản trong lúc chiến tranh thực ra chỉ là những lời “đường mật” để lừa bịp các dân tộc. Muốn được giải phóng, các dân tộc không có con đường nào khác là phải tự đứng lên giải phóng. Từ sau sự kiện này, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động hăng say tích cực trong các phong trào chính trị quần chúng ở Pháp, theo dõi thường xuyên báo chí tiến bộ. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin đăng trên báo L'Humanite (Nhân đạo), số ra ngày 16 và 17-7-1920. Những luận điểm cách mạng của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã giải đáp những vấn đề cơ bản và chỉ dẫn hướng phát triển của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc mà sau gần mười năm tìm kiếm (1911-1920) Nguyễn Ái Quốc mới bắt gặp. Người đến với chủ nghĩa Mác- Lênin ở phương diện rất thực tế rằng chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới có thể chỉ ra cho Người và nhân dân Việt Nam cũng như nhân loại bị áp bức con đường để giải phóng. Bằng sự hoạt động sôi nổi trong Đảng Xã hội Pháp, trong phong trào Việt kiều, đặc biệt chứng kiến và tham gia Bônsêvich hoá trong Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bắt kịp hơi thở của thời đại. Khi Quốc tế Cộng sản được thành lập, cuộc đấu tranh giữa hai con đường diễn ra quyết liệt trong nhiều đảng công nhân và ngay trong Đảng Xã hội Pháp: Tiếp tục theo Quốc tế thứ hai tức là tiếp tục con đường cải lương hay đi theo Quốc tế thứ ba, con đường cách mạng của Lênin. Đặc biệt gây chú ý với Nguyễn Ái Quốc là khẩu hiệu của Đại hội II Quốc tế Cộng sản “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Cũng chính từ nghiên cứu Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin, đã giải đáp những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở tìm hiểu, giúp Người thấy rõ con đường thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, nhận rõ lập trường của Lênin và Quốc tế thứ ba khác hẳn với những lời tuyên bố suông của Quốc tế thứ hai. Lý luận của V.I. Lênin và lập trường đúng đắn của Quốc tế Cộng sản về cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa là cơ sở để Người xác định thái độ ủng hộ việc gia nhập Quốc tế Cộng sản, đặt cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo cách mạng vô sản. Từ sự chuyển biến tư tưởng chính trị, khởi đầu với việc nghiên cứu Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến một quyết định sáng suốt về mặt tổ chức tại Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp (tháng 12-1920).

 Đây cũng là sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, người dân thuộc địa duy nhất trong Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện đó đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Sự kiện đó mang một ý nghĩa phản ánh cho xu thế cách mạng thế giới: Tinh thần đoàn kết giai cấp vô sản chính quốc với các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Nguyễn Ái Quốc cũng trở thành người chiến sĩ cộng sản theo con đường riêng của Người: Từ một người dân thuộc địa (phong trào công nhân chưa phát triển, chưa có ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản) song xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước chân chính. Sự kiện đó cũng mở ra cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam một giai đoạn phát triển mới - “giai đoạn gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin”(6).

Kết luận: Như vậy, con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc khác với các nhà yêu nước đương thời, Người có một phương pháp nghiên cứu độc lập, tự chủ, sáng tạo, đem lý luận đối chiếu với thực tiễn, lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội làm tiêu chuẩn đánh giá các học thuyết, tiếp thu kinh nghiệm cách mạng thế giới có chọn lọc. Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc đã được thể hiện nổi bật trong việc vận dụng học thuyết Mác - Lênin, vạch ra đường lối cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta./.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, tập 1, tr.435

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, tập1, tr.415

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, tập 2, tr.455

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, tập 2, tr.435-436

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, tập 1, tr.236-237

6. Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr.8

Trần Kim Hoàng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

Đỗ Ngọc Qui - Phòng Quản lý Đào tạo và Nghiên cứu khoa học

 

các tin khác