Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Ngày trọng đại của nhân dân Việt Nam

07:28 27/04/2020

Chiến thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một trong những mốc son chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, một biểu tượng về sự đoàn kết, anh dũng chiến đấu để gìn giữ non sông, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ con người Việt Nam.

 

45 năm qua, mỗi dịp kỷ niệm ngày kháng chiến thành công, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhớ về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mỗi người Việt Nam chúng ta đều thấy tự hào về cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc, tự hào về Đảng ta, tự hào về Quân đội và Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Vậy mà, đây đó vẫn còn những “tiếng kèn lạc điệu”, “giọng nói lạc lõng”, luận điệu xuyên tạc… của những kẻ đã một thời làm tay sai, sống phụ thuộc vào đô la của Mỹ, hoặc của những kẻ nói lấy được, thiếu trái tim và lý trí, suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Vẫn với những luận điệu cũ rích: Nào là hạ thấp vai trò của Đảng ta, quân đội ta, nhân dân ta khi cho rằng ta chiến thắng “do quân lực Việt Nam Cộng hòa đã quá suy yếu”, nào là “miền Bắc xâm lược miền Nam”, thậm chí, một số kẻ còn coi ngày 30/4/1975 là “ngày chia rẽ dân tộc”, “ngày mất nước”…

Hoàn toàn không có cái gọi là “miền Bắc xâm lược miền Nam”. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, khi bị kẻ thù xâm lược, dù kẻ đó là ai và dù bất cứ lý do gì, thì nhân dân Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc đều phải đứng lên, đoàn kết cùng nhau, đồng lòng chống lại, đồng bào miền Bắc phải tăng gia sản xuất trở thành hậu phương vững chắc của miền Nam, phải “xẻ dọc Trường Sơn” để cùng đồng bào miền Nam kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Người Việt Nam trọng tình, nhân hậu, không mong muốn nhưng vì kẻ thù buộc phải cầm súng. Dân tộc Việt Nam có hàng nghìn năm văn hiến, với truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Tất cả vì độc lập tự do dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là điều thiêng liêng nhất!

Còn cho rằng “do quân lực Việt Nam Cộng hòa đã quá suy yếu” mới có chiến thắng 30/4/1975 là ngụy biện cho sự thất bại. Sau Hiệp định Paris 27/1/1973, tuy viện trợ từ Mỹ và đồng minh cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn có giảm, không nhiều như trước, nhưng ngụy quân vào thời điểm năm 1973 đến đầu năm 1975 vẫn còn rất mạnh. Lịch sử cho thấy, trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ngụy quân Sài Gòn không tự đầu hàng, họ kháng cự điên cuồng ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng… Quân dân ta phải mất nhiều thời gian và xương máu mới phá vỡ được tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang (16/4/1975), Xuân Lộc (21/4/1975)... Rất nhiều đồng bào, chiến sĩ của ta đã ngã xuống trên cửa ngõ tiến vào Sài Gòn, trên đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, trên các ngã tấn công vào trung tâm thành phố đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch như: Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát… và ở khắp các tỉnh, thành Nam bộ, thì cách mạng mới giành được thắng lợi.

Ngày 30/4/1975 không phải là “ngày quốc hận”, “ngày mất nước” như những phần tử xấu rêu rao xuyên tạc. Đây là ngày “ngụy nhào” sau khi “Mỹ cút”, ngày bộ máy tay sai của Mỹ tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ngày cuộc trường kỳ kháng chiến của cả nước Việt Nam, do một Đảng lãnh đạo, một nhân dân, một dân tộc, một quân đội tiến hành giành được thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 30/4/1975 là ngày lịch sử trọng đại của dân tộc và của mỗi người Việt Nam. Ngày đất nước sạch bóng quân xâm lược, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam, non sông liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến Mũi Cà Mau.

Ngày 30/4/1975 còn là ngày hòa hợp dân tộc, mỗi người, mỗi gia đình và cả dân tộc cùng sum họp dưới mái nhà Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với truyền thống nhân nghĩa, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã sớm có chính sách khoan hồng, độ lượng đối với những binh sĩ ngụy quân, nhân viên ngụy quyền và đảng viên các đảng phái phản động. Hòa hợp dân tộc đã hóa giải xung đột, xóa bỏ hận thù, giải phóng nội lực để đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội.

45 năm đã qua, chiến thắng 30/4/1975 vẫn in dấu ấn sâu đậm và mãi là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam và bạn bè tiến bộ yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, công lý trên thế giới. Ngày 30/4/1975 là ngày trọng đại của nhân dân Việt Nam, ngày kháng chiến thành công, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

ThS. Nguyễn Thành Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

các tin khác