Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số phương pháp tổ chức phong trào thi đua đạt hiệu quả cao trong giai đoạn hiện nay

08:09 02/12/2019

 Thi đua, khen thưởng là biện pháp tổ chức thực tiễn, một phương pháp tuyên truyền, giáo dục tích cực để động viên ý chí sáng tạo, ý chí quyết tâm, năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ,chiến sỹ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà cấp trên giao. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đã dạy: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó là, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Trong những năm gần đây, chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua cụ thể, liên tục, thiết thực, có tác động lan toả rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dạy tốt, học tốt"; "Dân vận khéo"; đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau",...

Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỉ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, tác động lan toả trong cả nước, đến mọi tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, phong trào thi đua và công tác khen thưởng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện; nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy huân chương"; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền thiếu đồng bộ, sinh động, thuyết phục, làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân. Những hạn chế, khuyết điểm đó cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục.

Đất nước ta đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, đầy triển vọng nhưng cũng có không ít khó khăn, phức tạp hơn so với trước. Để phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số công việc chủ yếu sau:

Thứ nhất,  nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua

Công tác thi đua, khen thưởng phải được sự quan tâm, lãnh đạo cụ thể, sâu sát, kịp thời và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước “phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình”, chống bệnh quan liêu, hình thức, ngại khó khăn trong tổ chức phong trào thi đua.

Phải tuyên truyền, giải thích, động viên cho mọi người tự nguyện, tự giác tham gia phong trào thi đua, trên cơ sở kế hoạch, mục tiêu cụ thể, rõ ràng; khéo léo đề ra được tên phong trào với những khẩu hiệu hành động, tuyên truyền sắc bén, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của quần chúng nhân dân cũng như yêu cầu thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải tích cực vận động quần chúng tham gia các phong trào thi đua và phải gương mẫu đi đầu tham gia phong trào.

Thứ hai, phát huy sức mạnh tổng hợp của Mặt trân tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tích cực, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cùng cấp để phát huy sức mạnh tổng hợp trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt là phát huy khả năng, tính sáng tạo, nhiệt huyết của đông đảo đoàn viên, hội viên với phong trào thi đua, để các phong trào thi đua được nâng chất lượng, đi vào chiều sâu. Trong đó, cần chú trọng đề ra các phong trào thi đua phù hợp với từng đối tượng cụ thể, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc để có được sự hậu thuẫn và kết quả cao nhất trong tổ chức phong trào thi đua.

Trong tổ chức phong trào thi đua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp cần coi trọng công tác bồi dưỡng, phát hiện, nhân điển hình tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị, tác dụng của phong trào thi đua. Nghiên cứu xây dựng, tổ chức hoạt động các mô hình câu lạc bộ điển hình tiên tiến, làm nòng cốt và tạo nguồn báo cáo viên, tuyên truyền viên từ những điển hình tiên tiến. Định kỳ tổ chức cho các điển hình tiên tiến tiêu biểu giao lưu, trao đổi, truyển đạt kinh nghiệm tới các tổ chức, đối tượng cùng chuyên môn, lĩnh vực công tác và lực lượng trẻ. Để duy trì, thực hiện tốt nội dung trên. Mặt trân Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp cần cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với những điển hình tiên tiến để cổ vũ, khích lệ tạo sức lan tỏa, cộng hưởng để phát huy, nhân rộng điển hình, cổ vũ các tập thể các nhân tích cực thi đua cùng điển hình tiên tiến.

Nâng cao trách nhiệm và vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc tổ chức các phong trào thi đua và chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua; nhất là với các phong trào thi đua của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ cùng cấp tổ chức triển khai hoặc kể cả các phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp tổ chức triển khai; với mục tiêu chung là nâng cao là nâng cao chất lượng các phong trào thi đua.

Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua

Đổi nới nội dung tổ chức phong trào thi đua theo Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/04/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đã chỉ rõ: “Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng: Tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời”.

Gắn kết các phong trào thi đua với việc thực hiện chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được biểu hiện và có giá trị trường tồn qua các phong trào thi đua yêu nước, qua đó nâng cao chất lượng các phong trào thi đua.

Hình thức tổ chức phong trào thi đua cũng phải phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ từng địa phương, đơn vị và khả năng tham gia của từng đối tượng cụ thể. Cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai phong trào thi đua cần nghiên cứu khả năng, điều kiện, chức năng, nhiệm vụ và nhất là đối tượng sẽ hưởng ứng, tham gia phong trào để thiết kế hình thức tổ chức phù hợp nhất với từng loại hình, đối tượng.

Thứ tư, tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến

Các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác về vị trí, vai trò quan trọng của công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến. Xác định làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến sẽ tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát triển, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề ra các nội dung, mục tiêu, tiêu chí cụ thể cho công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến và tuyên truyền, triển khai sâu rộng tới từng đối tượng thông qua hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp tích cực, chủ động phối hợp với các đoàn thể nhân dân làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của các phong trào thi đua yêu nước. Định kỳ giới thiệu, cung cấp thông tin về các điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực của đời sống. Chú trọng thực hiện tốt chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giữa hệ thống làm công tác thi đua, khen thưởng với hệ thống tuyên giáo và thông tin, truyền thông, làm nòng cốt cho công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến.

Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, là trọng tâm trong đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua hiện nay. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và trong từng giai đoạn; phấn đấu mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương lựa chọn được các điển hình tiêu biểu, xuất sắc toàn diện để nêu gương học tập.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thi đua – Khen thưởng các cấp

Đổi mới nội dung hoạt động và nâng cao trách nhiệm của các thành viên Hội đồng cần tập trung thực hiện tốt việc xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên hội đồng trong chỉ đạo phong trào thi đua và trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động về thi đua, khen thưởng. Đổi mới nội dung hoạt động và nâng cao trách nhiệm của các thành viên Hội đồng cần được cụ thể hóa trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động về thi đua, khen thưởng và đảm bảo tính khách quan, chính xác trong việc xét khen thưởng.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng

Xây dựng bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua phải bảo đảm cơ cấu về biên chế tổ chức và tính chuyên nghiệp, Đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng phải có đủ năng lực thực tiễn, trình độ chuyên môn vững, có bản lĩnh và bề dày kinh nghiệm, từng bước chuyên nghiệp hóa trên cơ sở đổi mới công tác tổ chức cán bộ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng, tăng cường rèn luyện thông qua trải nghiệm thực tiễn công tác; đồng thời cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng cần phải có phẩm chất, đạo đức tốt, có tâm huyết, biết vận động quần chúng và tổ chức phong trào thi đua.

Thứ bảy, đổi mới nội dung, hình thức khen thưởng nhằm tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, người lao động.

Trước tiên cần nâng cao chất lượng và sự công bằng trong xét khen thưởng. Khen thưởng phải đúng người, đúng việc, công khai, công bằng, khách quan, kịp thời. Khen thưởng phải cân xứng giữa giá trị vật chất và tinh thần. Nâng cao giá trị tôn vinh của các hình thức khen thưởng.

Ngoài việc khen thưởng từng mặt công tác cần chú ý và tăng cường số lượng khen thưởng thành tích đột xuất trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó nên hạn chết việc khen thưởng cho các tập thể theo niên hạn, theo ngày kỷ niệm lập đơn vị, thành lập ngành mang tính chất truyền thông như trước đây.

Đổi mới và cải tiến thủ tục xét khen thưởng, đối tượng khen thưởng cần được mở rộng hơn (chú ý đến đối tượng là các đơn vị nhỏ tại cơ sở, các cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ), khen thưởng dựa vào kết quả thực hiện công việc chứ không phải dựa vào vị trí.

Công tác trao thưởng phải được tổ chức trang nghiêm, long trọng, tiết kiệm và thiết thực, người trao thưởng đúng thẩm quyền, bảo đảm khen thưởng thực sự tôn vinh người có thành tích. Đa dạng hóa các hình thức trao thưởng, nhất là tổ chức trao thưởng tại cơ sở nhằm động viên, nêu gương kịp thời các cán bộ, công chức có thành tích xuất sắc, qua đó khen thưởng sẽ có tính lan tỏa cao. Từ đó mới tạo được hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ của khen thưởng, tạo được động lực làm việc tốt cho cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.

Thứ tám, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể gắn bình xét khen thưởng.

Đánh giá cán bộ, công chức có ý nghĩa quyết định trong xét khen thưởng. Công tác đánh giá nếu được thực hiện một cách chính xác, khách quan, công bằng sẽ là tiền đề để tạo được sự công bằng trong khen thưởng, đảm bảo khen đúng người, đúng việc, đồng thời giúp cán bộ, công chức phát huy ưu đểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ không ngừng trong việc nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức. Từ đó mới tạo được động lực.

 

Thứ chín, đổi mới công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng phong trào thi đua

Khi tiến hành đánh giá sơ, tổng kết phong trào thi đua, cần coi trọng việc phát hiện, lựa chọn những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt hoặc các tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc, thành tích đột xuất trong các phong trào thi đua để động viên khen thưởng kịp thời đồng thời nêu gương, giáo dục tạo sự làn tỏa trong cộng đồng. Quan tâm khen thưởng cho đối tượng là các tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người trực tiếp sản xuất, công tác, lao động và học tập. Quan tâm công việc của cán bộ, công chức và có mức khen thưởng tương xứng là một trong những yếu tố tạo động lực mạnh mẽ cho cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các cán bộ, công chức sẽ làm việc hăng say, nổ lực hết sức trong công việc khi họ thấy được những thành tích, kết quả làm việc của mình được đánh giá đúng, được ghi nhận và khen thưởng xứng đáng./.

* Tài liệu tham khảo

1. Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương (2014); Báo cáo tổng quan đề tài khoa học cấp bộ: “Phương pháp tổ chức phong trào thi đua đạt hiệu quả cao trong giai đoạn hiện nay” Chủ nhiệm: TS Phạm Huy Giang.

2. Bộ Chính trị (1998), “Chỉ thị 35/CT-TW ngày 03/6/1998 về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới”, Hà Nội.

3. Bộ Chính trị (2004), “Chỉ thị 39/CT-TW ngày 21/9/2004 về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, Hà Nội.

4. Bộ Chính trị (2014), “Chỉ thị 34/CT-TW ngày 07/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, Hà Nội.

5. Chính phủ (2017), “Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng”, Hà Nội.

Lê Thị Thu Hồng - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác