Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trẻ tại Trường Chính trị hiện nay

11:42 03/08/2020

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao tại Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, xác định trường Chính trị là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, nghiên cứu khoa học của tỉnh, các trường chính trị có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước; về nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và một số lĩnh vực khác. Do đó, đội ngũ giảng viên giữ vai trò rất quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo cán bộ của Trường.

 

Với vai trò là người trực tiếp truyền đạt những kiến thức khoa học, hướng dẫn người học nâng cao nhận thức tư tưởng về lý luận chính trị thì người giảng viên còn phải đáp ứng yêu cầu làm rõ các luận cứ khoa học từ đó định hướng cho người học vận dụng lý luận vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Đồng thời, giảng viên phải làm công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo.

Vì vậy chúng ta có thể khẳng định rằng, đội ngũ giảng viên là một trong những nhân tố quyết định hàng đầu đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo cán bộ. Với đặc thù của đối tượng người học tại các trường chính trị ở đây là cán bộ chủ chốt, cán bộ dự nguồn trong quy hoạch ở cơ sở, có tuổi đời, tuổi nghề, trình độ và thông qua thực tiễn tại địa phương. Do đó, hơn ai hết, giảng viên trường chính trị nhất là những giảng viên trẻ cần phải trang bị cho mình những điều kiện cần sau:

Thứ nhất: đáp ứng và nâng cao khả năng sư phạm

Tiêu chuẩn đầu tiên của người giảng viên chính là yếu tố sư phạm được thể hiện qua khả năng đứng lớp, phải đáp ứng được tính hiệu quả và tính hấp dẫn, đồng thời vừa phải gắn với hoạt động dạy và học theo mục tiêu: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ…”, “Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”, “Học để tin tưởng”“Học để hành”. Chính vì vậy, người giảng viên phải làm sao để đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người học, thực tế người học khi đến lớp đều muốn nghe nhiều về thực tiễn thông qua những vấn đề lý luận đã được khái quát, qua đó, người học sẽ nắm bắt vấn đề cốt lõi và vận dụng một cách sáng tạo vào từng hoàn cảnh cụ thể để giải quyết những vấn đề thực tế tại địa phương, đơn vị và trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu trên trên là rất khó đối với giảng viên trẻ khi kinh nghiệm công tác và vốn sống cá nhân chưa nhiều.

Thực tế cho thấy, cái khó của người giảng viên trẻ là phải làm sao chuyển hóa những học thuyết chung, khó và khô khan thành những kiến thức gắn với điều kiện thực tế của người học. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với giảng viên trẻ trước khi lên lớp phải thật sự chủ động trong việc cập nhật kiến thức thực tế, trau dồi tri thức chuyên ngành, nâng cao trình dộ chuyên môn, nắm vững phương pháp sư phạm, chuẩn bị bài giảng nghiêm túc, chu đáo và chính xác trước khi đứng lớp. Đồng thời, một trong những yếu tố quan trọng bắt buộc đối với giảng viên trẻ là phải dùng từ ngữ chính xác, dễ hiểu và biết cách vận dụng linh hoạt các phương pháp đảm bảo lý luận gắn với thực tiễn; cập nhật ví dụ mới, cụ thể phù hợp với nội dung bài giảng nhằm tạo sức hấp dẫn cho bài giảng và đáp ứng được nguyện vọng của người học. Để đạt được điều này cần phải có bước chuẩn bị và phải trải qua một quá trình tích lũy. Thực tế, giai đoạn một năm tập sự đối với giảng viên tập sự chính là thời điểm quan trọng, cần thiết cho những giảng viên trẻ có cơ hội được học tập kinh nghiệm từ thầy cô, đồng nghiệp đi trước thông qua những buổi dự giờ, thảo luận. Qua đó nắm được những yêu cầu cơ bản cần có của một người giảng viên khi lên lớp về ngôn, tác phong, trình tự các bước lên lớp và quan trọng là phương pháp truyền tải kiến thức đến người học.

Thứ hai: Tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học 

Ở các trường chính trị, đối với giảng viên bên cạnh công tác giảng dạy chuyên môn thì việc nghiên cứu khoa học được đặt ra như một nhiệm vụ bắt buộc và thường xuyên, đồng thời là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá khả năng toàn diện của người giảng viên. Bởi vì, nghiên cứu khoa học sẽ giúp chính bản thân giảng viên rèn luyện và phát triển thêm tư duy độc lập, tư duy phản biện, bảo vệ lập trường khoa học của mình. Trong quá trình tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng viên sẽ tìm tòi, phát hiện ra những vấn đề còn chưa rõ qua đó có thể tham khảo đến ý kiến của đồng nghiệp, đây cũng là cơ sở để mở rộng mối quan hệ trong lĩnh vực nghiên cứu. Đồng thời nghiên cứu khoa học là hoạt động cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Do đó, các giảng viên trẻ tích cực tạo lập thói quen nghiên cứu khoa học thông qua các hoạt động như: tích cực tham gia viết bài đăng Cổng thông tin Điện tử, Bản tin “Thông tin lý luận thực tiễn” và các tạp chí Trung ương, tỉnh và địa phương. Đồng thời chủ động tham gia viết bài trong các cuộc hội thảo, tọa đàm trong và ngoài trường có chất lượng nhằm tạo nên uy tín khoa học cho chính mình.

Bên cạnh, giảng viên trẻ cần tích cực tham gia đề tài nghiên cứu khoa học: đối với các giảng viên trẻ có trình độ từ thạc sĩ trở lên có thể tham gia thành viên trong một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. Đây được xem là một yêu cầu trong công tác nghiên cứu khoa học, vừa là nhiệm vụ, vừa là một cơ hội cho các giảng viên trẻ thử sức và trải nghiệm trong hoạt động khoa học, góp phần nâng cao trình độ lý luận và trình độ nghiên cứu khoa học.

Thứ ba: Nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng kiến thức liên ngành  

Việc nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng kiến thức liên ngành là một trong những uy tín và cũng là một yếu tố bắt buộc đối với bản thân người giảng viên. Bởi vì, kiến thức không thể tự nhiên mà có mà phải trải qua một quá trình rèn luyện, qua việc tìm tòi học hỏi, không ngừng trau dồi và mở rộng tri thức. Nói cách khác, người giảng viên giảng dạy chính trị không nên dừng lại và bằng lòng ở một trình độ kiến thức, không nên tự mãn với kiến thức mà mình đã có mà phải phấn đấu học tập không ngừng: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình… Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”. Do đó, người giảng viên không chỉ học qua trường lớp, qua sách vở mà còn phải học qua thực tiễn, qua đồng nghiệp, học ở những người học viên của mình, ngay cả việc học ở Nhân dân. Bởi vì, học chính là để hoàn thiện tri thức, học để rút kinh nghiệm cho bản thân và học để vận dụng vào công tác chuyên môn giảng dạy, để tạo nên một uy tín trí tuệ cho người giảng viên nói riêng và góp phần hòa vào đội ngũ giảng viên uy tín của trường chính trị nói chung.

Thứ tư: Nêu gương và luôn tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức lối sống

Đạo đức lối sống là một trong cơ sở tạo nên uy tín của người giảng viên. Được thể hiện qua các phẩm chất:

- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Biểu hiện rõ nhất của phẩm chất này đối với người giảng viên trẻ là trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, thách thức nào cũng cố gắng vượt qua và hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao, phải thi đua dạy tốt; không chỉ có quyết tâm, sự hy sinh mà phải có kế hoạch, biết tổ chức, có phương pháp làm việc khoa học mới hoàn thành được nhiệm vụ. Người thầy giáo phải là tấm gương sáng về rèn luyện đạo đức và tự học, đánh giá kết quả của người học phải khách quan, công bằng, không thiên tư, thiên vị.

- Phải có tác phong chuẩn mực; ứng xử giao tiếp với học viên, đồng nghiệp phải có văn hóa, lịch sự, tôn trọng người học; không gây sách nhiễu, phiền hà cho học viên. Trong quá trình lên lớp phải thực hiện đúng phong cách sư phạm; chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế giảng dạy, học tập; kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong dạy và học như: dồn giờ, bỏ buổi, bỏ học, đi muộn, về sớm, học hộ, thi hộ,… 

- Phải yêu nghề, chỉ có yêu nghề người giảng viên mới dồn tâm huyết của mình vào việc giảng dạy, nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới phương pháp dạy - học hiệu quả. Có lòng yêu nghề mới giúp người giảng viên vượt qua được những khó khăn, thách thức để hoàn thành sự nghiệp giáo dục của mình, có như vậy mới xứng đáng trở thành một nhà sư phạm mẫu mực, được xã hội tôn vinh và kính trọng.

Như vậy, giảng viên trẻ giảng dạy lý luận chính trị cần phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và trau dồi phẩm chất đạo đức; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vượt qua được những khó khăn thách thức trong công tác; đáp ứng được sự mong mỏi của người học; kế thừa xứng đáng sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay./.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, tập 6.

2. Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục (1990), Nxb Sự thật, HN.

3. Hồ Chí Minh vấn đề về giáo dục (1997), Nxb Giáo dục, HN,

 

ThS. Lê Châu Mỹ Hoa - Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác