Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Cán bộ, Đảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng học tập và làm theo phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

07:50 18/05/2020

Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta. Phong cách của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống và trong hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, bao gồm các nội dung: phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt. Trong các phong cách của Người, phong cách làm việc có ý nghĩa thực tiễn rất cao đối với mỗi cán bộ, đảng viên, phải không ngừng phấn đấu học tập và rèn luyện theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh trong từng việc làm cụ thể.

 

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là lề lối, cung cách, cách thức làm việc của người lãnh đạo mà đối tượng của sự lãnh đạo đó là cấp dưới, là quần chúng nhân dân. Để đạt mục tiêu lãnh đạo, Hồ Chí Minh đã tác động vào quần chúng nhân dân bằng một tác phong rất sâu sát, với cách thức phù hợp để phát huy cao nhất vai trò của họ. Cách làm việc này bắt nguồn từ sự thấm nhần sâu sắc quan điểm về mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân lãnh tụ và quần chúng nhân dân của Chủ nghĩa Mác – Lênin và từ phẩm chất đạo đức cách mạng trọn đời vì dân của Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc năm 1947, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng” (1).

Hiện nay, do tác động nhiều mặt của nền kinh tế thị trường, do những hạn chế nhất định trong nhận thức, nhiều cán bộ, đảng viên chưa thấy được vai trò, vị trí của mình trong việc phục vụ nhân dân, còn nhiều biểu hiện chưa tốt trước nhân dân, phong cách làm việc chưa thật sự hiệu quả. Việc thường xuyên học tập phong cách làm việc Hồ Chí Minh và vận dụng để đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên hiện nay là rất cần thiết.

Mỗi người đều có phong cách làm việc của mình. Đối với cán bộ, đảng viên, giảng viên của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng thì học tập phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những nội dung cụ thể sau đây:

Thứ nhất, tác phong quần chúng

Nội dung quan trọng hàng đầu của phong cách làm việc Hồ Chí Minh là tác phong quần chúng. Hồ Chí Minh thường yêu cầu cán bộ, đảng viên “phải từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Người đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng”, “quan nhân dân” không thấy mình là đầy tớ, người học trò của nhân dân. Bác đã nêu ra một quan điểm rất rõ: không phải cứ viết lên trán hai chữ cộng sản thì đương nhiên sẽ được mọi người quý trọng. Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Tác phong quần chúng không chỉ là tác phong cần thiết của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với dân mà còn là tác phong của cấp trên với cấp dưới, của cán bộ lãnh đạo với  cán bộ, đảng viên bình thường. Đối với người lãnh đạo cấp trên, hiểu dân và hiểu cấp dưới đều có tầm quan trọng đặc biệt. Hiểu dân là để hiểu cấp dưới được chính xác hơn, hiểu cấp dưới là để hiểu dân được đầy đủ hơn. Càng hiểu dân và càng hiểu cấp dưới, người lãnh đạo càng hiểu chính mình và càng rút ra được những điều bổ ích để bổ sung cho chủ trương, chính sách đã được đề ra.

Thứ hai, tác phong tập thể, dân chủ.

Cách làm việc dân chủ là nội dung quan trọng hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách làm việc. Cơ sở của phong cách dân chủ là tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân, quan hệ tốt với dân, học hỏi dân.

Hồ Chí Minh luôn khẳng định chế độ ta “dân là chủ” và khi dân là chủ thì cách lãnh đạo phải dân chủ. Người nói không một người nào có thể hiểu được mọi thứ, làm hết được mọi việc. Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ phải biết cách tập hợp được tài năng, trí tuệ của nhiều người, của tập thể để phấn đấu cho mục tiêu chung. Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn dề. Người viết: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và, trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều” (2).

Tuy nhiên, phong cách dân chủ không có nghĩa là mạnh ai nấy làm mà phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, hay còn gọi là nguyên tắc “dân chủ tập trung”.

Thứ ba, tác phong làm việc khoa học.

Tác phong khoa học của Người thể hiện ở làm việc phải đi sâu, đi sát, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể. Phải xem xét, đối chiếu những ý kiến khác nhau để lựa chọn những ý kiến đúng, sàng lọc những thông tin sai lệch. Làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung, chương trình, kế hoạch đặt ra phải sát hợp “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt không bắn trúng đích nào” (3). Cán bộ, đảng viên thường gặp một khuyết điểm là đầu tư nhiều công sức vào việc vạch  ra chương trình, kế hoạch to tát, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho được chương trình, kế hoạch đã đề ra. Hồ Chí Minh chỉ rõ, để vạch kế hoạch một cách thực sự khoa học, người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng, Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lôn xộn, không có ngăn nắp” (4). Một việc chính có thể có nhiều cách thực hiện. Người yêu cầu cán bộ chủ trương một, biện pháp phải mười, quyết tâm phải hai, ba mươi. Tức là Người yêu cầu cán bộ sau khi đã có kế hoạch công tác phải có quyết tâm thực hiện và phải thực hiện đến nơi đến chốn, không được đánh trống bỏ dùi, phải có trách nhiệm.

Tác phong khoa học còn đòi hỏi lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực. Hồ Chí Minh đã phê phán bệnh “hữu danh vô thực” ở không ít cán bộ, đảng viên, “làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm nên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuyếch... Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà cũng là một bệnh rất nguy hiểm” (5). Trong công tác lãnh đạo, Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm từng việc, từ đó Người bổ sung kịp thời những chủ trương chưa đúng, chưa đủ và quan trọng hơn là rút ra những kết luận để bổ sung cho lý luận.

Như vậy, ở Hồ Chí Minh tác phong quần chúng, tác phong tập thể, dân chủ và tác phong khoa học gắn bó chặt chẽ với nhau tạo thành một phong cách làm việc rất hiện đại. Phong cách này rất cần thiết đối với tất cả cán bộ, đảng viên và nhất là những người lãnh đạo. Để làm theo phong cách làm việc của Người một cách đúng đắn và thiết thực, là một đảng viên đồng thời là giảng viên của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, bản thân thiết nghĩ cần chú ý một số vấn đề sau đây:

Một là, rèn luyện tác phong quần chúng

Tác phong quần chúng thể hiện sự gần gũi giữa người với người trong quá trình làm việc. Đối với cán bộ, đảng viên của trường thì đối tượng tiếp xúc, làm việc của họ chủ yếu là học viên, cán bộ, đảng viên của các khoa, phòng. Trong quá trình liên hệ công tác cán bộ, đảng viên của trường phải thể hiện cho được sự thân thiện, cởi mở. Trong giảng dạy, giảng viên cũng phải thể hiện tinh thần này trong từng bài giảng. Không phải cứ nói lý thuyết suông hoặc trích dẫn kinh điển một cách máy móc, hàn lâm thì mới thể hiện được đẳng cấp mà trái lại càng bình thường hóa kiến thức (không có nghĩa là tầm thường hóa khoa học) bằng những từ ngữ giản dị, mộc mạc nhưng toát lên được tinh thần, “linh hồn” của bài học, làm cho họ thấy được có bóng dáng của cơ quan, đơn vị, bản thân và những người xung quanh, những kiến thức mà họ có thể tái hiện được từ sự lãng quên hoặc những phương ngữ đặc thù thì càng tạo được sự hứng thú cho người học. Đối với giảng viên trong quá trình giảng dạy tác phong quần chúng còn thể hiện ở những cử chỉ thân mật (không quá trớn), những nụ cười thân thiện, những lời khen ngợi khích lệ tinh thần học viên. Ngoài ra, tác phong quần chúng còn thể hiện ở những khoảnh khắc đời thường (ngoài giờ làm việc) bằng những lời nói vui, những cái bắt tay hoặc lời chào hỏi khi bất chợt gặp nhau…Tất cả những điều đó có tác dụng rất tích cực đối với bản thân mỗi người nói riêng và tạo thêm uy tín của trường.

Hai là, rèn luyện tác phong tập thể, dân chủ

Thường xuyên làm việc tập thể, tôn trọng tập thể mới phát huy được trí tuệ tập thể - cái mà từng cá nhân đơn lẻ không thể có được. Vì hiểu biết của mỗi người là hữu hạn so với biển cả kiến thức, một người không thấy được hết tất cả mọi việc mà chỉ có tập thể mới bao quát được các mặt. Hơn nữa, làm việc tập thể sẽ rèn luyện cho mỗi người tính kỷ luật chặt chẽ (đúng giờ, vì người khác), học hỏi cái hay của người khác để phát huy, học tập cái dở để tự tránh, tự rút kinh nghiệm cho mình. Ngoài ra, tính tập thể còn có tác dụng tránh cho mỗi người khỏi sự phiến diện, lệch lạc khi nhìn nhận về một sự vật, sự việc.

Ngoài tác phong tập thể, người cán bộ, đảng viên, giảng viên phải có phong cách dân chủ. Học tập theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lãnh đạo, nghiên cứu, giảng dạy, giảng viên Trường Chính trị phải thực sự cầu thị, luôn biết phát huy và lắng nghe ý kiến của viên chức dưới quyền, của đồng nghiệp và học viên. Trong lãnh đạo, quản lý phải sâu sát thực tiễn, phải thực hiện tốt việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức dưới quyền để có cơ sở đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Tác phong tập thể và dân chủ có mối quan hệ gắn bó với nhau. Làm việc tập thể nhưng phải dân chủ. Không phải cứ chạy theo ý kiến của tập thể mà triệt tiêu dân chủ. Ví dụ, khi nhìn nhận một sự việc có đa số ý kiến trong tập thể giống nhau, nhưng không vì thế mà ta nói theo người khác trong khi ý kiến ta lại khác, cũng không có nghĩa tập thể buộc cá nhân phải theo. Ý thức được điều này sẽ tránh được cho ta tính ỷ lại, dựa dẫm vào tập thể cũng như làm mất đi tính khách quan vốn có của sự việc.

Ba là, rèn luyện tác phong làm việc khoa học

Tác phong làm việc khoa học thể hiện ở những điểm sau:

- Làm việc có kế hoạch. Bất kể làm việc gì dù nhỏ hay lớn đều cần phải có kế hoạch để một mặt không bỏ sót công việc, xác định được việc chính việc phụ, việc nào làm trước  việc nào làm sau, làm việc nào xong việc ấy; mặt khác theo dõi được tiến độ hoàn thành và điều quan trọng hơn hết là hạn chế được tình trạng quên việc.

- Biết quý trọng thời gian. Biểu hiện đầu tiên của việc này chính là làm việc đúng giờ. Đúng giờ là yêu cầu bắt buộc được thể hiện trong nội quy, quy chế của tẩt cả các cơ quan, đơn vị. Làm việc đúng giờ thể hiện sự chấp hành nghiêm chỉnh của bản thân đối với các quy định của cơ quan, đồng thời thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người khác và ngược lại. Ngoài ra, “đúng giờ” ở đây còn được hiểu là giờ nào việc ấy, không lấy giờ làm việc này để làm việc khác. Chẳng hạn, không làm việc riêng trong khi nghe sinh hoạt thời sự, hội họp; không nói chuyện riêng khi dự giờ; không dành thời gian cho những việc vô bổ khác trong giờ làm việc…

- Gọn gàng, ngăn nắp, cẩn thận. Đây là biểu hiện dễ thấy nhất của một người làm việc khoa học. Đồ dùng, vật dụng sau khi làm xong phải cất giữ cẩn thận, có nơi có chỗ để tránh tình trạng khi cần thiết tìm mà không thấy. Bên cạnh đó, mỗi người phải rèn luyện cho mình tính cẩn thận. Chẳng hạn, mọi văn bản trước khi phát hành đều phải được kiểm tra thật kỹ tránh sai sót; mọi lời nói trước khi phát ngôn đều phải được suy nghĩ thấu đáo tránh gây hiểu nhầm hoặc nói không rõ ràng.

- Tinh thần quyết tâm. Một người quyết tâm chưa chắc đã khoa học, nhưng ngược lại một người khoa học tuyệt đối phải có sự quyết tâm. Sau khi đã có kế hoạch công tác phải có quyết tâm thực hiện và phải thực hiện đến nơi đến chốn, không được đánh trống bỏ dùi. Một khi đề ra việc gì thì dù khó khăn đến mấy cũng phải thực hiện cho xong, tránh tình trạng việc dễ thì làm, việc khó thì bỏ hoặc làm nửa vời.

- Thường xuyên rút kinh nghiệm. Phong cách làm việc khoa học còn đòi hỏi người cán bộ sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm tận gốc, rồi phổ biến những kinh nghiệm ấy cho người khác. Mỗi cán bộ, đảng viên phải học hỏi những kinh nghiệm hay, tránh áp dụng những kinh nghiệm đã lỗi thời vào những công việc mới. Đối với mỗi công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tích thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới.

- Đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn. Khả năng của con người là vô hạn, vì thế để làm việc khoa học thì phải có sự sáng tạo, đổi mới trong từng công việc, từng lĩnh vực. Tư tưởng bảo thủ, không dám đột phá chính là liều thuốc giết chết tính sáng tạo, làm chúng ta ì ạch, trì trệ, lạc hậu. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo và dám dấn thân.

Học tập phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên soi rọi lại bản thân để thấy mình còn khiếm khuyết mặt nào mà trau dồi, rèn luyện. Đây là vấn đề dễ nói khó làm, nhưng tin chắc rằng với sự quyết tâm của mỗi người chúng ta sẽ làm được những việc có ý nghĩa và thiết thực tùy theo sức của mình.

 

 Tài liệu tham khảo

(1) Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.246

(2), (3), (5) Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.5, tr. 543, 285, 256-257

(4) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.332 

- Phạm Văn Đồng (1990), Hồ Chí Minh – một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.64-65.

- GS. Đặng Xuân Kỳ (2010), Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

- PGS, TS. Nguyễn Minh Phương, Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh – Trang Thông tin điện tử Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội Vụ.

- PGS, TS. Lê Văn Yên (2017), Học tấm gương làm việc và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

ThS. Lê Thị Thu Hồng - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

các tin khác