Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Không có gì quý hơn độc lập, tự do!

09:32 31/08/2021

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc ta – kỷ nguyên độc lập tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày 02/09/1945 đã đi vào lịch sử dân tộc và thời đại – Ngày khẳng định nền độc lập, tự do trường tồn của dân tộc Việt Nam.

ThS. Lê Hữu Lợi

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, trong nước, phong trào cách mạng đang dâng cao, phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp. Trước tình hình đó, Trung ương ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Uỷ ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

Tháng 8/1945, Hội nghị Đại biểu toàn quốc họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”, ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền cả nước về tay Nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta; đó là chiến thắng của nghệ thuật xây dựng tình thế cách mạng, của tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của Nhân dân cả nước. Thắng lợi đó, đã đưa Nhân dân ta từ chỗ mất nước, sống lầm than trong đêm dài nô lệ, mở ra trang sử mới, kỷ nguyên mới cho dân tộc – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi Cách mạng tháng Tám đưa đến một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Ngày 02/09/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật, đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem toàn bộ tinh thần và sức lực, lực lượng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Đây là một lời thề thể hiện ý chí quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, quyết hy sinh để giành lại độc lập, tự do, quyền cơ bản của một con người, trở thành lời hiệu triệu tiếp nối trong cuộc kháng chiến chống pháp xâm lược lần thứ 2 và chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta giành thắng lợi, đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ và hạnh phúc.

Ngày 2 tháng 9 đã đi vào lịch sử dân tộc về một nền độc lập, tự do thực sự, thể hiện sức sống trường tồn mãi mãi cho muôn đời sau, là nguồn sức mạnh tiềm tàng to lớn, là động lực mạnh mẽ để chúng ta viết thêm một trang sử mới cho thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tinh thần độc lập, tự đo thực sự đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho dân tộc Việt Nam giành những thắng lợi vĩ đại qua 91 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực tiễn 35 năm đổi mới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới…Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.  

Bảy mươi sáu năm đã trôi qua, bước vào kỷ nguyên mới với nhiều đổi mới mạnh mẽ. Mỗi người dân Việt Nam càng nhận thức rõ hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và giá trị trường tồn của Ngày Quốc khánh, gắn liền với “Bản Tuyên ngôn Độc lập” bất diệt!, nó đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện lời thề trong ngày “Tết độc lập”. Đây cũng là dịp để thế hệ chúng ta hôm nay nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với những thành quả mà ông cha ta đã không tiếc xương máu để giành lấy độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân; cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao độ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, Thông tin công tác tư tưởng, tháng 08/2017, tr.9-11.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập I), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

3. Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 76 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2021) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/09/1945 - 02/09/2021).

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

6. Thị Kim Yến – Nguyễn Văn Dương, Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2009.

các tin khác