Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Một số vấn đề về mô hình chế độ xã hội Việt Nam hiện nay trong tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

02:38 03/06/2021

Cách đây tròn 110 năm (tính đến nay - 2021), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (1911). Trên hành trình ấy, và với tầm nhìn thời đại của mình, Người đã đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin, đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, để từ đó, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam được dẫn lối, soi đường và giành được những thắng lợi vẻ vang, trọng đại.

ThS. Phan Thị Tuyết Minh -

Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật

Ngày nay, ý nghĩa của sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và giá trị của tầm nhìn thời đại mà Người thể hiện trong nội dung cơ bản của đường lối cách mạng Việt Nam vẫn rất cần được nhận thức sâu sắc và phát huy đầy đủ hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta.

Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi chỉ xin đề cập (bước đầu) đến một trong những giá trị của tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh (như nêu trên) là việc Người đã xác lập, kiến tạo mô hình chế độ xã hội cho Việt Nam một cách phù hợp, sáng tạo và hiện đại.

Trước hết, với quyết định ra đi (6 - 1911) từ một nước An Nam thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp để sang phương Tây tìm con đường cứu nước cho dân tộc, Nguyễn Tất Thành đã coi như không chấp nhận mô hình chế độ chính trị quân chủ, phong kiến của đất nước mình. Sinh ra và lớn lên trong cái xã hội quân chủ, phong kiến ấy, bằng mẫn cảm cá nhân, Nguyễn Tất Thành đã không khó để nhận ra những yếu hèn, bất lực của nó trước những nhiệm vụ, những nghĩa vụ mà đúng ra nó phải thực hiện và hoàn thành đối với nhân dân và dân tộc. Vì vậy, ý tưởng ban đầu trong hành trình cứu nước của Nguyễn Tất Thành là tìm hiểu, nghiên cứu các xã hội phương Tây, đến tận nơi sào huyệt của chủ nghĩa thực dân, xem cái xứ sở đã phát sinh những khẩu hiệu  “tự do”, “bình đẳng” “bác ái” ấy như thế nào, để rồi sau này về giúp giải phóng đồng bào mình.

Được sống, lao động, trải nghiệm trong lòng các xã hội Phương tây từ năm 1911 đến năm 1920, và bằng việc khảo cứu các nước thuộc địa và chế độ xã hội các nước tư bản lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Nguyễn Tất Thành (sau đây sẽ gọi là Nguyễn Ái Quốc do tên gọi đã đổi) đã có những nhận thức quan trọng trong việc xây dựng mô hình chế độ xã hội tương lai cho đất nước mình.

Tiếp tục công cuộc kiếm tìm, trải nghiệm gắn liền với những hoạt động đấu tranh cách mạng sôi nổi ở nhiều nơi khác trên thế giới, nhất là khi đến và hoạt động cách mạng ở Liên Xô - cái nôi của Cách mạng Tháng Mười và là một thành trì của chủ nghĩa xã hội, về tham gia trong phong trào cách mạng ở Trung quốc, lãnh đạo đấu tranh thực hiện cuộc vận động dân tộc - dân chủ 1939- 1945, Nguyễn Ái Quốc (và Đảng Cộng sản Việt Nam do sáng lập) đã đi tới lựa chọn thể chế chính trị, mô hình Nhà nước thích hợp cho Việt Nam, là thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thể chế chính trị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là mô hình Nhà nước, là thể chế chính trị mới được Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng xác định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 5-1941. Mặt trận Việt Minh là một kiểu nhà nước tiền chính phủ với chương trình hành động thể hiện rõ quyền lực thuộc về nhân dân, một thể chế chính trị xã hội quá độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mô hình thể chế đó là động lực, là ngọn cờ vẫy gọi toàn thể dân tộc Việt Nam vùng lên làm cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xác lập được một thể chế chính trị xã hội mới theo sự tìm chọn của Nguyễn Ái Quốc, vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân quyền và dân sinh, tự do, hạnh phúc. Có thể nói, kể từ ngày lập quốc (2-9-1945) cho đến nay, ở nước ta, trong các văn bản chính trị - hành chính, dưới quốc hiệu “Việt Nam dân chủ cộng hòa” (và bây giờ là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”) thì tiêu đề “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” vừa như là sự khẳng định rõ ràng mục tiêu, định hướng và nội dung bao trùm của chế độ xã hội và thể chế chính trị, vừa như là thể hiện một ý chí, một khát vọng nhất quán, lớn lao trong toàn bộ đời sống tinh thần, đời sống tư tưởng của dân tộc đã kết tụ từ nhiều thời đại và  qua nhiều thế hệ con người Việt Nam. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là một chuỗi giá trị, trong đó cái trước là tiền đề, là điều kiện của cái sau.

Việc xác lập, kiến tạo mô hình chế độ xã hội như trên bao hàm nội dung  con đường phát triển của dân tộc Việt Nam, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử nhân loại trong thời đại ngày nay, đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cho thấy sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam của Hồ Chí Minh, và trở thành mục tiêu, lý tưởng xuyên suốt cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội tự nó đã thể hiện sự khác nhau về chất giữa con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh với các con đường, đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng phong kiến, hay hệ tư tưởng tư sản.

Độc lập dân tộc - trong tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh - gắn liền với hoà bình, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Và nếu chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội mà ở đó, các giá trị tự do - công bằng - bình đẳng trong quan hệ xã hội của con người từng bước được hiện thực hóa thì độc lập dân tộc chính là tiền đề để đi lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta cũng thấy rằng, chủ nghĩa xã hội - theo Hồ Chí Minh -  là mô hình chế độ xã hội tự nó có khả năng, tự hoàn thiện, đổi mới và tạo ra sự phát triển. Chủ nghĩa xã hội cũng là xã hội bình dị, gần gũi với con người, với cuộc sống của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Hơn hết, chủ nghĩa xã hội là xã hội có khả năng đáp ứng ngày càng đầy đủ, toàn diện những nhu cầu phát triển chính đáng của con người, của xã hội. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cũng chính là xuất phát từ quan điểm độc lập dân tộc phải gắn liền với tự do và hạnh phúc thật sự của nhân dân đã được Hồ Chí Minh nêu ra như một triết lý phát triển xã hội thấm đậm tinh thần nhân văn, nhân đạo và nhân bản. Trong mô hình chế độ xã hội như thế, mọi thành tựu, thành quả của phát triển đều hướng đến giải phóng con người, đem lại tự do, hạnh phúc một cách toàn diện cho con người.

Ngược lại, sẽ không thể có chủ nghĩa xã hội, có chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa nếu không xây dựng được những đội ngũ, những lực lượng và những thế hệ con người, thế hệ công dân Việt Nam có đầy đủ những giá trị nhân cách và  phẩm giá tương xứng cho công cuộc kiến tạo chế độ xã hội đó. Đội ngũ và lực lượng như thế trước hết là những cán bộ, đảng viên của Đảng (tạm gọi là những con người xã hội chủ nghĩa). Vì vậy ngay từ khi xúc tiến vận động chuẩn bị thành lập Đảng (hồi đầu thế kỷ 20), Hồ Chí Minh đã biên soạn cuốn “Đường Kách mệnh” (1927), để đào tạo cán bộ cho Đảng và Người mở đầu tác phẩm bằng một mục lớn: “Tư cách một người cách mệnh”. Trong đó, Người đã xác định những yêu cầu về đạo đức mà người cách mệnh phải có như: “Vị công vong tư. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất...Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm...Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), trong đó, Người nêu ra nhiều ý tưởng về cấu trúc nhân cách, được cụ thể hóa thành các chuẩn mực nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Với Hồ Chí Minh, trong xây dựng nhân cách, phẩm giá con người Việt Nam, đặc biệt là cán bộ, đảng viên của Đảng thì đạo đức cách mạng, lòng yêu nước, thương dân phải được đặt lên hàng đầu, phải là lẽ sống và lối sống căn bản nhất. Từ đó, đạo đức cách mạng, lòng yêu nước, thương dân sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho hành động đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là nền tảng của con người, nhất là người cách mạng, vì có đạo đức cách mạng trong sáng thì mới làm được những việc cao cả, vẻ vang, mới cải tạo được xã hội cũ. Trong đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao phẩm chất trung với nước, hiếu với dân, vì nước, vì dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; coi đó là phẩm chất không thể thiếu được của mỗi con người, nhất là đối với cán bộ, đảng viên.

Chủ nghĩa xã hội là một mô hình chế độ xã hội tốt đẹp và ưu việt được Hồ Chí Minh lựa chọn và kiến tạo ở Việt Nam trong thời đại ngày nay. Và để xây dựng một chủ nghĩa xã hội như thế, Hồ Chí Minh đã đưa ra một hệ thống quan điểm toàn diện, từ việc xác định mục tiêu, động lực của sự phát triển chủ nghĩa xã hội đến con đường, cách thức, biện pháp thực hiện nó. Để tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước một cách thành công theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta đã lựa chọn, hiện nay chúng ta phải phát huy cao độ tinh thần, sức mạnh tự lực, tự cường và tự giác của đông đảo quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải nhận thức đúng và giải quyết tốt hàng loạt những mâu thuẫn khác nhau đã và đang nảy sinh trong quá trình cải tạo xã hội và xây dựng xã hội; phải khẳng định và tự khẳng định được chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội ưu việt nhất so với tất cả các loại hình chế độ xã hội đã từng tồn tại trước đó trong lịch sử, ở chỗ chủ nghĩa xã hội – với các giá trị cao đẹp của nó - không chỉ là ước mơ, hoài bão mà bản thân chế độ xã hội đó luôn có khả năng hiện thực hóa các mục tiêu, các giá trị hạnh phúc cho hết thảy mọi người, trước hết là người lao động, từ phạm vi mỗi quốc gia – dân tộc cho đến toàn thể nhân loại./.

Tài liệu tham khảo

1. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XI, Nxb.CTQG, H. 2011.TAG

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 8.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2.

các tin khác