Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng để giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong giai đoạn hiện nay

08:23 28/02/2020

TCCS - Trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng

Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; giữ vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân xây dựng một xã hội mới tiến bộ vì con người, không còn áp bức, bất công. Lịch sử dân tộc từ khi có Đảng cũng đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.

Chín mươi năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình bằng phẩm chất, đạo đức cách mạng, bằng bản lĩnh, trí tuệ, lý luận tiên phong, được nhân dân hết lòng tin yêu; bằng thành quả cách mạng đấu tranh giành độc lập, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gần 35 năm đổi mới. Niềm tin đó được bồi đắp qua thời gian, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ đã không ngừng tu dưỡng, gìn giữ; được nuôi dưỡng, vun đắp bằng sự phấn đấu, nỗ lực đóng góp không mệt mỏi; bằng hành động, việc làm, những phẩm chất cao quý của các lớp đảng viên.

Tuy nhiên, nếu niềm tin đó không được Đảng tiếp tục chăm lo, gìn giữ thì có thể sẽ dần mai một. Đảng không chỉ lãnh đạo cách mạng bằng chủ trương, đường lối, bằng công tác tư tưởng, lý luận, mà còn bằng cả hành động tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nghĩa là, Đảng phải thực sự trong sạch, liêm chính, gương mẫu, giữ mình, thì mới có thể giữ được uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân. Muốn vậy, Đảng phải giữ được cốt cách, ngăn chặn được sự tư lợi, vun vén cá nhân và cũng có nghĩa là Đảng phải làm gương. Đảng phải coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, quyết liệt, với quyết tâm cao; đưa cả xã hội cùng vào cuộc, từ trên xuống dưới cùng chung sức, đồng lòng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở, Đảng phải gột rửa chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân là “kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”(1). Nếu cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân chi phối thì sẽ lợi dụng cơ quan, đơn vị, tổ chức, lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân, lúc đó tập thể, tổ chức chỉ còn là cái bình phong để che đậy động cơ và hành vi cá nhân chủ nghĩa. Họ sẵn sàng “liên minh” với nhau thành những “đường dây”, nhóm lợi ích để đục khoét của cải của Nhà nước, của tập thể. Người nhấn mạnh: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu” là “kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta... làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”(2). Đây là một vấn đề hết sức nguy hiểm, gây nhức nhối trong xã hội, là nỗi đau của Đảng. Do đó, trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là việc phải làm trước tiên của Đảng và các tổ chức của Đảng.

Hiện nay, không ít đảng viên có khuynh hướng xa rời chính trị, chạy theo những giá trị vật chất, lợi dụng chức quyền và cương vị công tác để tham nhũng, nhận hối lộ, làm giàu bất chính. Một bộ phận không nhỏ cán bộ sống buông thả, thực dụng, xa hoa, hưởng lạc, coi đồng tiền là trên hết; tình trạng tham nhũng trong cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, trở thành vấn đề nhức nhối của Đảng, của toàn xã hội, làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Đảng chỉ rõ thực trạng đó là sự “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài...”(3). Nếu không kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa sẽ là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Do đó, Đảng phải ra sức tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và trong nhân dân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã nhấn mạnh: “Các cấp ủy đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách”(4); Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của toàn bộ hệ thống chính trị”(5).

Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng; xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phải cam kết về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách có hiệu quả.

Quyết tâm giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng

Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện chặt chẽ hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, không tạo ra kẽ hở để cho những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất lợi dụng thực hiện hành vi tham nhũng, lãng phí. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống chỉ thị, kết luận, nghị quyết, đề án quan trọng của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa tham nhũng. Đại hội XII đã chỉ rõ, nguyên nhân dẫn tới tham nhũng là do “chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp... Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước... Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, còn chồng chéo...”(6). Do đó, muốn bịt kín được những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng” thì cần phải hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước(7), phải xem việc hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ chiến lược, “là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững”(8).

Để thực hiện tốt điều này, trước hết các cấp ủy đảng chú trọng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để chắt lọc, khái quát, đề xuất đưa vào nghị quyết, chỉ thị, văn kiện đại hội đảng các cấp những giải pháp có giá trị khoa học và khả thi, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và bắt kịp xu thế thời đại; hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng; trong quá trình xây dựng luật, Đảng lãnh đạo toàn diện theo phương châm “các luật ban hành cần phải bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu”(9); phải bảo đảm phù hợp với Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau trong chủ trương, chính sách. Hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi 2018) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019. Để đạo luật này nhanh đi vào cuộc sống, các cấp ủy đảng cần kịp thời cụ thể hóa vào công tác phòng, chống tham nhũng; thi hành luật, góp phần thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác cán bộ. Một mặt, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là gốc của mọi công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(10). Mặt khác, tham nhũng lại chủ yếu do người có chức vụ đã lợi dụng quyền hạn để trục lợi, tham nhũng, diễn ra ở “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”(11).

Thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua cho thấy, ở đâu, nơi nào có cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị gương mẫu, trong sạch, có trách nhiệm và quyết tâm cao trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí thì ở nơi đó những tệ nạn này được ngăn chặn, đẩy lùi. Do đó, công tác cán bộ là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác cán bộ có tốt, có hiệu quả hay không phần lớn đều phụ thuộc vào vai trò các cấp ủy đảng, từ quan điểm đánh giá cán bộ, đến phương pháp tiến hành, thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ... Ở đâu cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt có quan điểm đổi mới đúng đắn, thật sự dân chủ, khách quan thì ở đó, công tác quy hoạch, lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ sẽ thu được kết quả tốt.

Để thực hiện tốt vai trò của mình, khi cất nhắc cán bộ, các cấp ủy đảng phải coi trọng cả đức và tài. Trong đó, đức là gốc, tài có ý nghĩa quan trọng; cần hiểu rõ năng lực, tư cách, đạo đức của từng cán bộ, để bố trí công việc đúng chuyên môn, năng lực, ngang tầm, thì cán bộ mới phát huy hết sở trường công tác. Đặc biệt là phải “xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”(12); cần “có cơ chế và chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài”(13).

Để làm tốt công tác phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, tạo nguồn cán bộ, các cấp ủy phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chiều hướng phát triển của đơn vị, địa phương mình để khảo sát, phân tích, đánh giá đội ngũ cán bộ hiện có, từ đó cụ thể hóa, định rõ tiêu chuẩn cho từng loại cán bộ (cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể; cán bộ kinh tế, khoa học, văn hóa, ngoại giao...), bảo đảm căn cứ và chuẩn mực cụ thể để xem xét, cất nhắc cán bộ một cách chính xác, phát huy tối đa tiềm năng của họ. Bên cạnh đó, cần mở rộng dân chủ trong đánh giá cán bộ trên cơ sở các tiêu chuẩn, lấy hiệu quả công tác và tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu; thực hiện theo quy trình chặt chẽ, công tâm, khách quan, phát huy dân chủ, dựa vào tập thể và nhân dân để lựa chọn cán bộ. Hoàn thiện hệ thống thể chế về công tác cán bộ, nhất là những văn bản về quy trình bổ nhiệm, quy định, quy chế về công tác cán bộ; thực hiện quản lý cán bộ, kiểm soát chặt chẽ quyền lực cán bộ theo hướng kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức. Góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn “chạy chức”, “chạy quyền” và “những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ”(14), để từ đó xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa hồng lại vừa chuyên, vừa có đức, vừa có tài, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, như Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Đây là nhân tố quan trọng bảo đảm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ gìn sự trong sạch về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, tiêu cực, góp phần quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X, ngày 30-7-2007, “Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” đã chỉ rõ: “Kiểm tra, giám sát là nội dung rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, trước hết là nhiệm vụ của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy”(15). Để thực hiện tốt vấn đề này, các cấp ủy đảng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát những vị trí công việc dễ phát sinh sai phạm.

Để công tác kiểm tra, giám sát được tiếp tục thực hiện có hiệu quả, ủy ban kiểm tra các cấp phải xây dựng được phương hướng, nhiệm vụ, chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn nhiệm kỳ, hằng năm và thực hiện kiểm tra theo chương trình, kế hoạch; thực hiện có hiệu quả việc đồng bộ hóa các quy định của Đảng, Nhà nước về kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực và triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, từ khâu phát hiện, thẩm tra, xác minh đến xem xét, kết luận theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp ủy có thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng, phải bảo đảm theo quy trình của Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy định, được ban hành theo Quyết định số 684-QĐ/UBKTTW, ngày 3-1-2018, “Về quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương”. Theo đó, ủy ban kiểm tra các cấp căn cứ vào hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để ban hành quy trình, quy định phù hợp với cấp của mình; phát huy hiệu quả vai trò theo Quy định số 01-QĐ/TW, ngày 10-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về Trách nhiệm và thẩm quyền của ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng”; thực hiện có hiệu quả chế độ cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ; giám sát từ dưới lên, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức và giám sát của nhân dân.

Thứ tư, Đảng phải nêu gương. Các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu trong đạo đức và lối sống, kết hợp hài hòa giữa lợi ích riêng và lợi ích chung; khi lợi ích riêng mâu thuẫn với lợi ích chung thì phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Đây là nhân tố góp phần tạo nên uy tín của cán bộ, uy tín của Đảng với nhân dân và góp phần bảo đảm vị thế cầm quyền của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nếu Đảng không vững vàng về chính trị, không chặt chẽ về tổ chức, không trong sạch về đạo đức, lối sống thì không thể đủ năng lực, uy tín để lãnh đạo cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(16), và “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(17).

Để thực hiện trách nhiệm nêu gương, một mặt, các cấp ủy đảng cần hết sức coi trọng giáo dục tinh thần nêu gương, nhất là nâng cao vai trò của từng cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với trách nhiệm nêu gương. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X nêu rõ: “Các tổ chức đảng và đảng viên, cán bộ, công chức phải đề cao tinh thần tự tôn, tự hào về dân tộc, về truyền thống cách mạng của Đảng, từ đó tự tu dưỡng bản thân, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(18). Mặt khác, giáo dục việc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo tinh thần “cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương” theo Quy định số 08-Qđi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; đề cao tính tự giác, trung thực, tự phê bình, làm gương trong mọi việc từ nhỏ đến lớn, “nói đi đôi với làm” theo đúng tinh thần Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 19-12-2016, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng, của đảng viên, cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X, ngày 21-8-2006, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần mang lại niềm tin mới cho toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay./.

Tài liệu tham khảo

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Hội, 2011, t. 13, tr. 90
(2)
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 357 – 358
(3) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 22
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, t. 58, tr. 61
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 211
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,
Sđd, tr. 173
(7) Nguyễn Phú Trọng: Bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Nội chính Đảng, Baochinhphu.vn, mục thời sự, ngày 22-1-2019
(8) Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr. 27
(9) Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 48
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t.5, tr. 280
(11) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Sđd, tr. 22
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t. 5, tr. 314
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 137-146
(14) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr. 62
(15) Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa X (dành cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 73
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t.1, tr. 284
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16
(18) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, t. 65, tr. 524

Kim Lưu

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

các tin khác