Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là sự lựa chọn đúng đắn và hợp quy luật

10:13 13/06/2022

Hằng năm, lợi dụng dịp Đảng và Nhà nước ta kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05), ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (05/06), các thế lực thù địch lợi dụng các trang web, blog cá nhân, Youtube, các đài truyền hình có tình chất phản động như VOA tiếng Việt, BBC, RFA, VOA, RFI…; Việt Tân, báo tiengdannews, danlambao…., để “hạ bệ thần tượng”, “bóp méo”, “nói xấu” chủ tịch Hồ Chí Minh, bọn chúng cho rằng: “Hồ Chí Minh chỉ là người tiếp thu mù quáng chủ nghĩa Mác – Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu. Đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam là một sai lầm” . Mục đích của những luận điệu trên là phủ nhận công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, từ đó đi đến phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Đó là những luận điệu tráo trở, bôi nhọ một cách thâm độc, và rồi đã bị vạch trần bởi những sự thật không thể chối cãi:

ThS. Lê Hữu Lợi

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Học thuyết Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX trở thành vũ khí lý luận soi đường cho phong trào giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Kế tục và vận dụng lý luận cách mạng của C.Mác, Ph.Ăngghen vào tình hình cụ thể của nước Nga (xô viết), V.I.Lênin đã lãnh đạo phong trào cách mạng tháng Mười Nga 1917 thành công và xác lập một hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới. Từ đây, có sự xuất hiện chủ nghĩa Lênin và phát triển thành chủ nghĩa Mác – Lênin. Cùng thời gian với nước Nga và thế giới, ở Việt Nam, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trước cảnh đô hộ, cai trị của thực dân Pháp, sự thất bại của các phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau xuất phát từ “sự khủng hoảng về đường cứu nước”. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận rõ trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước, đúc kết kinh nghiệm từ sự thất bại của các phong trào, đường lối cứu nước của các bậc tiền bối, cộng với ý chí, khát vọng, nghị lực phi thường, trí tuệ thiên bẩm, Người đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc.

Trải qua gần 10 năm (1911-1920) tìm đường cứu nước đầy gian khổ, hiểm nguy, Nguyễn Ái Quốc đã hòa mình vào cuộc sống của giai cấp công nhân khắp các Châu lục, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, tiếp xúc rất nhiều tư tưởng lớn của thời đại, nghiên cứu các cuộc cách mạng tiêu biểu trên thế giới. Qua khảo sát, so sánh, trong “Đường cách mệnh” xuất bản 1927, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã Bốn lần rồi, mà nay công nông Pháp hẳn còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mạng An Nam nên nhớ những điều ấy”, càng thấy rõ phải tiến hành một cuộc cách mạng mới, một cuộc cách mạng triệt để hơn, thực hiện đầy đủ hơn quyền tự do của nhân dân và thực sự dẫn tới hoà bình, hạnh phúc. Và theo Người: “trong thế giới chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam…Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”; “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Sự lựa chọn này phù hợp với thực tiễn đất nước, xu thế của quốc tế, thời đại, phù hợp với những gì mà toàn thể nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên thế giới đang cần.

Cuối cùng đã làm cho Người phải nói trong xúc động rằng: “Luận cương của Lênin đã làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đày đọa và đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế ba”. Đây là mốc lịch sử quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị. Từ đây, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được hình thành trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin chân chính, khoa học và cách mạng, để giành độc lập cho Tổ quốc thì phải đi theo con đường cách mạng vô sản, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Con đường ấy được Hồ Chí Minh hiện thực hoá ở Việt Nam theo phương pháp luận duy vật mác xít, đó là “dĩ bất biến ứng vạn biến” để nắm thật vững cái bất biến trong chủ nghĩa Mác – Lênin và đồng thời ứng xử một cách vô cùng nhạy bén trước mọi diễn biến của cuộc cách mạng.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và qua 35 năm đổi mới đất nước:

Một là, ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin được Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, trực tiếp nhất là qua sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam – đã làm cho con đường cách mạng Việt Nam từ “tối đến sáng”, một Đảng còn non trẻ chỉ mới Mười lăm tuổi đã lãnh đạo đất nước chiến thắng trong cách mạng tháng Tám 1945, sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ đây, mở ra hàng loạt thắng lợi khác của dân tộc, từ kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), đến chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà năm 1975, giang sơn thu về một mối. Những thắng lợi này không phải là công lao của những kẻ “ngồi chơi xơi nước”, “nghèo về trí tuệ nhưng hay phê phán”, “hiểu sai hoặc cố tình không hiểu”, mà chính là công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Hai là, công cuộc đổi mới của Đảng bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI (1986), với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận sai lầm, tiến hành kiểm điểm, khắc phục khuyết điểm trong quá trình cải tạo quan hệ sản xuất, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xác lập quan hệ sản xuất chưa phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đây là sai lầm trong việc vận dụng sai quy luật chứ không phải sai lầm nội tại trong học thuyết Mác – Lênin. Do đó, càng không phải do Hồ Chí Minh áp dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào nước ta nên mới dẫn tới sai lầm nêu trên.

Ba là, Đại hội lần thứ VII của Đảng (1991) tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng đã rút ra bài học: “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức của mình để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra”. Đến Đại hội lần thứ VIII, IX, X và đến Đại hội XI của Đảng, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh”.

Bốn là, tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội lần thứ XII của Đảng (2016), Đảng cũng khẳng định: “trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”. Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã gặt hái những thành tựu to lớn, những thành tựu làm tiền đề, nền tảng quan trọng để đưa nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của đảng là đúng đắn, sáng tạo; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là “phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”.

Năm là, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tổng kết 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Những thành tựu đó là minh chứng sinh động khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn là phù hợp với thực tiễn nước ta và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự cần thiết phải kiên định, vận dụng và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…

Sự thật hiển nhiên như thế đó! Mà thật khôi hài rằng! Có những kẻ cố tình lấy bóng tối để che đậy cho ánh sáng của chân lý, bóp méo sự thật. Họ đã tự đánh mất chính bản thân mình khi phủ nhận công lao to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin, họ không khác gì một kẻ “bội ơn”, “vong quốc”. Toàn thể nhân dân Việt Nam luôn có một niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định hàng đầu mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin là “sự lựa chọn đúng đắn và hợp quy luật”, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, là ngọn đuốc soi đường dẫn lối trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn Kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2007, tập 51 (1991).

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập I, 2021.

5. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, “Ảnh hưởng của chủ nghĩa Lênin đến việc hình thành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Số 3-2020.

6. Hội đồng lý luận Trung ương: Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. CTQG, Sự thật, Hà Nội, 2015.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 1, 2, 9, 12.

8. Đào Duy Quát (chủ biên): Phê phán các quan điểm sai trái (lưu hành nội bộ), Tạp chí thông tin công tác tư tưởng, Hà Nội, 2002.

các tin khác