Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

“Ngụy sử” và ngòi bút đấu tranh của chúng ta

11:10 09/11/2020

Vào một đêm đông giá lạnh cuối tháng 12 năm 1991 ở Liên Xô đã xảy ra một sự kiện lịch sử mà đối với toàn thể nhân loại sau này trở thành một ký ức đau buồn không thể nào quên, lá cờ đỏ búa liềm từ đỉnh tháp Kremli ở thủ đô Moscow sau 74 năm tung bay đã phải hạ xuống, thay vào đó là lá cờ ba sắc. Liên Xô sụp đổ. Chủ nghĩa xã hội với tư cách là một thể chế cũng tan rã trên quê hương V.I.Lênin và sau đó là 8 nước Đông Âu.

Về sau người ta biết được rằng, sự kiện đó có liên quan đến việc Gorbachev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô đã khởi xướng một trào lưu tư tưởng mang tên “suy ngẫm lại lịch sử” cách đó chỉ 4 năm (1987) với tinh thần công kích Stalin, phủ nhận thắng lợi của chiến tranh Vệ quốc...Toàn bộ lịch sử Liên Xô bị miêu tả như một bức tranh tối màu. Sang năm 1989, trào lưu “xét lại lịch sử” chuyển hẳn sang phê phán, phủ định Cách mạng Tháng Mười, Chủ nghĩa Lênin và chính Lênin, bãi bỏ môn học Chủ nghĩa Mác-Lênin trong các trường học. Cơn lốc xét lại lịch sử ngày càng mạnh mẽ, lôi cuốn toàn bộ xã hội. Một số tờ báo và tạp chí cấp tiến của Liên Xô công khai phủ định quá khứ, phủ định lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, phủ định chủ nghĩa xã hội. Bài học của Liên Xô còn nguyên giá trị.

Thế nhưng trong khi bài học ở Liên Xô vẫn còn nóng hổi thì những năm gần đây, ở nước ta đang nổi lên một thực trạng đáng báo động là một bộ phận trí thức Việt Nam giả danh những người yêu lịch sử dân tộc, tìm hiểu lịch sử dân tộc đã bẻ cong ngòi bút để tuyên truyền, xuyên tạc, thậm chí bóp méo lịch sử dân tộc làm cho giới trẻ ngộ nhận về lịch sử, tiếp tay cho các thế lực chống chủ nghĩa xã hội thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình. Chúng ta gọi chúng là những kẻ “ngụy sử”.

“Ngụy” là một từ gốc Hán có ít nhất có 3 nghĩa: làm giả (ngụy tạo, ngụy trang), không chính danh (ngụy triều, ngụy quyền) và làm phản (ngụy tặc, ngụy quân). Trong lịch sử Việt Nam, từ "ngụy" được dùng để chỉ một chính phủ được lập ra một cách bất hợp pháp, không chính thống, không được người dân công nhận, như là ngụy triều, ngụy binh, ngụy quân, ngụy quyền. Tóm lại, “ngụy” dùng để chỉ sự vật, sự việc mang tính giả tạo, không thật.

“Ngụy sử” hay “xét lại lịch sử” thực chất là một thủ đoạn chính trị mà các thế lực chống chủ nghĩa xã hội sử dụng nhằm đánh tráo lịch sử, mưu đồ viết lại lịch sử dân tộc, đổi trắng thay đen, rửa sạch tội cho những tên tội đồ dân tộc, từng bước phủ nhận công lao các anh hùng dân tộc; đồng thời tấn công, làm tha hóa đội ngũ trí thức, đặc biệt đội ngũ trí thức trên lĩnh vực văn hóa - lịch sử, từ đó sử dụng lực lượng trí thức tha hóa như là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong âm mưu diễn biến hòa bình tiến tới làm sụp đổ con đường xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang thực hiện.

Lao động bằng ngòi bút là một lao động làm ra các giá trị tinh thần cụ thể được xã hội hóa ở mức cao. Nếu người cầm bút không có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra thì hậu quả sẽ thật khôn lường. Cho nên đòi hỏi người cầm bút phải có phẩm chất đạo đức như ngày xưa cụ Nguyễn Đình Chiểu đã nói: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Hồ Chí Minh từng nói: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Những người hoạt động trên lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa - lịch sử là những người lính chiến đấu trên mặt trận văn hóa, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Vì vậy, phải làm sao bảo vệ được tính đúng đắn của chân lý, phải nêu cao và ca ngợi cái chân - thiện - mỹ trong cuộc sống, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm cho nhân dân hiểu đúng bản chất của sự việc, đặc biệt là hiểu đúng về lịch sử dân tộc góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu đòi xét lại lịch sử của một số thành phần trí thức trên lĩnh vực văn hóa - lịch sử, định hướng tư tưởng cho quần chúng nhân dân. Đứng trước sự xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ lịch sử của những người cầm bút hiện nay, những người cầm bút chân chính cần phải nêu cao hơn nữa tính chiến đấu cách mạng, bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc. Một vài nội dung cần phê phán đấu tranh là: 

- Đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc đòi “rửa tội” cho những kẻ bán nước.

Những người am hiểu lịch sử dân tộc hẳn đều biết sự kiện vì để bảo vệ quyền lợi thống trị của mình, Nguyễn Ánh đã cầu viện người Xiêm rồi đến người Pháp, nhờ dựa vào thế lực của người Pháp mà Nguyễn Ánh giữ được mạng sống và sau này, lợi dụng sự suy yếu của triều đình Tây Sơn mà dễ dàng thâu tóm đất nước. Ngoài ra, để thỏa mãn “giấc mộng quyền lực”, triều đình này đã thực hiện chính sách "bế quan tỏa cảng" làm nước ta trì trệ và hèn nhát đầu hàng quân xâm lược Pháp, thậm chí còn đê hèn đến nỗi bắt tay với kẻ thù đàn áp các cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân lúc bấy giờ. Thế nhưng, những kẻ “ngụy sử” hiện đang gào thét đòi phải nhìn nhận “công lao” của Nguyễn Ánh như một người có công trong việc thống nhất giang sơn về một cõi. Thực chất, Nguyễn Ánh chỉ là kẻ hái quả trong khi người trồng cây lại là Nguyễn Huệ.

Năm 1942, trong thời gian hoạt động ở Cao Bằng, để giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân, phát huy lòng tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc, động viên toàn dân đoàn kết và tham gia Mặt trận Việt Minh làm cách mạng, giành độc lập cho Tổ quốc, Hồ Chí Minh đã sáng tác bài diễn ca Lịch sử nước ta theo thể thơ lục bát, gồm 210 câu, trong đó có đoạn nhắc lại về sự kiện này của Nguyễn Ánh như sau: “Gia Long lại dấy can qua, bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài. Tự mình đã chẳng có tài, nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây. Nay ta mất nước thế này, cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà, khác gì cõng rắn cắn gà, rước voi dầy mả, thiệt là ngu si. từ năm Tân Hợi trở đi, Tây đà gây chuyện thị phi với mình. Vậy mà vua chúa triều đình, khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoan. Nay ta nước mất nhà tan, cũng vì những lũ vua quan ngu hèn. Năm Tự Đức thập nhất niên, Nam Kỳ đã lọt dưới quyền giặc Tây. Hăm lăm năm sau trận này, Trung Kỳ cũng mất, Bắc Kỳ cũng tan, ngàn năm gấm vóc giang san, bị vua họ Nguyễn đem hàng cho Tây!”

Lịch sử Việt Nam là nơi ghi lại cội nguồn dân tộc với các nền văn hoá trải qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước với nhiều triều đại, chứa đựng nhiều tinh hoa của dân tộc và các nhân vật lịch sử trường tồn với thời gian và hậu thế luôn ghi nhớ công lao. Cho đến nay, giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, Nhân dân vẫn luôn nhắc về Nguyễn Huệ và tôn vinh ông như một anh hùng áo vải vĩ đại có công lớn trong việc dẹp nội chiến, đánh tan các thế lực ngoại xâm và thống nhất đất nước, đối với Nhân dân, Nguyễn Huệ là một tượng đài lớn. Còn Nguyễn Ánh chỉ là một kẻ cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mã tổ. Chân lý này mãi mãi không thay đổi.

- Phản bác việc đánh tráo khái niệm

Một chiêu bài khác của âm mưu diễn biến hòa bình là sử dụng đội ngũ trí thức, đặc biệt là những trí thức trên lĩnh vực văn hóa - lịch sử - tư tưởng như một con rối chính trị để đánh tráo khái niệm, lừa bịp Nhân dân. Những kẻ được gắn cái mác “giáo sư”, “tiến sỹ”, “nhà nghiên cứu sử học”, một số kẻ là giáo viên sử học ở một số trường đại học, lợi dụng viết sách sử, làm đề án công trình truyền hình về lịch sử, giảng dạy lịch sử đòi bỏ từ “ngụy quân”, “ngụy quyền Sài Gòn” mà trước nay chúng ta vẫn thường hay gọi thành “quân đội Việt Nam cộng hòa” hay “quốc gia Việt Nam cộng hòa”. Điều đó gây ra sự hiểu lầm hết sức nguy hiểm, thông qua đánh tráo khái niệm, chúng phủ nhận sạch trơn những thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã gây dựng, tung hô kẻ đi xâm lược thành người đi hòa giải cuộc chiến tranh nam bắc ở Việt Nam.

Cần thấy rõ rằng, từ 19-8-1945, nước ta chỉ có duy nhất một chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, trước đó Hoàng Đế cuối cùng Bảo Đại đã làm lễ thoái vị. Một tháng sau, ngày 23-9-1945 Pháp gây hấn để giành lại thuộc địa cũ. Năm 1948 Pháp lập ra chính phủ tay sai, mang tên Chính phủ Quốc gia Việt Nam (QGVN), đưa cựu hoàng Bảo Đại về làm quốc trưởng. Năm 1949 Pháp lập ra đội quân đánh thuê mang tên Vệ binh Quốc gia Việt Nam, sau đổi là Quân đội Quốc gia Việt Nam.

Năm 1954 Mỹ nhảy vào miền Nam thay chân Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về thay Bảo Đại, đổi tên chính phủ Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Đội quân đánh thuê cho Pháp cũng đổi chủ và có tên mới: Quân đội VNCH, từ 1965 đổi là Quân lực VNCH. Như vậy, chính quyền Bảo Đại (1949-1954) và chính quyền Sài Gòn (1954-1975) đều là ngụy quyền (do Pháp và Mỹ dựng lên). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến bản chất của ngụy quân và ngụy quyền tay sai, Người nói: “Chúng (Pháp, Mỹ) nuôi dưỡng ngụy quyền ngụy quân dùng làm công cụ hại dân phản nước”. Trong “Thư gửi các ngụy binh”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1915, ra ngày 28 tháng 9 năm 1951, Bác viết: “Ngụy binh cũng là con dân nước Việt, nhưng vì dại mà đi lầm đường, cho nên tôi và Chính phủ sẵn sàng tha thứ những người sớm biết lỗi và quay về với đại gia đình kháng chiến”. Lời của Bác thể hiện rõ tấm lòng khoan dung, độ lượng của Đảng, Chính phủ đối với tất cả mọi đối tượng, trong đó có những người lầm đường, lạc lối nay mong muốn trở về.

- Đấu tranh chống lại hành động xuyên tạc những anh hùng dân tộc đã hy sinh vì nền độc lập của đất nước. Tính từ 1990 đến nay, Việt Nam chỉ hòa bình được vn vẹn 30 năm. Để có được nền hòa bình, độc lập như ngày hôm nay chúng ta đã phải đánh đổi bằng sinh mạng của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Ở trên dãi đất hình chữ S này đã có lớp lớp xương máu của các thế hệ người Việt, lớp này đến lớp khác, đời ông cha ngã xuống, đời con cháu lại tiếp tục chiến đấu và rồi lại ngã xuống, và kẻ thù cũng phải trả giá, những địa danh như Gò Đống Đa, Sông Bạch Đằng, Chi Lăng,...khe gọi hồn sẽ mãi còn đó như 1 bài học của dân tộc này dành cho kẻ xâm lược. Những kẻ “ngụy sử” được sống, hưởng thụ trên sự hy sinh xương máu to lớn đó, chẳng những không biết ơn mà ngược lại, vì lợi ích trước mắt, chúng lập ra các tổ chức, những hội xuyên tạc sự hi sinh của các anh hùng dân tộc. Chúng không nhận thức được rằng ở Việt Nam có những “tượng đài” bất khả xâm phạm mà chúng không có quyền động đến. Xuyên tạc lịch sử là vô ơn với tổ tiên, với hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay. “Nếu chúng bắn vào quá khứ một viên đạn thì tương lai sẽ nã vào chúng một viên đại bác”.

- Vạch trần bản chất phản động của một số tờ báo về việc tổ chức những cuộc hội thảo đòi công nhận tên việt gian bán nước Trương Vĩnh Ký thành “người yêu nước”

Thực chất Trương là người như thế nào và có phải là “người yêu nước” không? Về vấn đề này, nhân thân và tư liệu về Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) còn lưu nhiều trong thư khố là bằng chứng hiển nhiên để thấy những kẻ “ngụy sử” với những lời tôn vinh lắt léo nhằm đổi đen thành trắng tới mức độ nào. Qua những tư liệu lịch sử khảo cứu cần thấy phải làm rõ: Trương Vĩnh Ký được giáo hội Kito đào tạo căn cơ từ tuổi ấu thơ. 19 tuổi (1856) được thụ phong linh mục tại giáo chủng Penang (Malaixia). Thực dân Pháp “cài đặt” Trương vào triều đình. Tại đây, Trương hối thúc Đồng Khánh đào kinh biệt sở Mang Cá để giữ an toàn nơi đồn trú của binh lính Pháp; thúc đẩy nhà vua mở nhanh con đường ra Quảng Bình, vào Quảng Nam giúp lính Pháp hành binh tiễu trừ nghĩa sỹ Cần vương ở những vùng xa xôi hẻo lánh; xúi hoàng thượng định rõ quyền hạn của Nam triều và Bảo hộ (Bắc kỳ) nhằm hoàn thành nghị trình thâu tóm Việt Nam theo hòa ước 1884 theo âm mưu của Pháp. Trên người Trương đều là những Bắc đẩu bội tinh do Pháp trao tặng, nhiều không đếm hết. Sau này, vì tên thực dân Pháp đỡ đầu cho Trương bị chết, Trương không còn uy tín trong triều đình bởi vì đến cuối cùng trong triều đình vẫn còn những vị quan thần sáng suốt nhận ra được bộ mặt thật của Trương, Trương thất sủng.

Từ những vấn đề trên, có một câu hỏi đặt ra là: “Chúng ta học sử để làm gì?”, “Học lịch sử có quan trọng không?”. Năm 1942, trong tác phẩm Lịch sử nước ta, mở đầu bài thơ, Bác Hồ viết: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đã là người Việt Nam thì cần phải biết về lịch sử Việt Nam, biết về nguồn cội. Thế nhưng hiện nay có một bộ phận người trẻ xem nhẹ việc hiểu biết lịch sử, thậm chí lãng quên lịch sử. Từ việc xem nhẹ lịch sử nên họ hiểu sai lệch về lịch sử dân tộc, dễ dàng bị xúi dục, lôi kéo đòi viết lại lịch sử. Lịch sử là để cảm nhận bằng trái tim và tấm lòng chứ không phải là để học thuộc lòng. Hiểu biết về lịch sử chính là hiểu biết về cội nguồn dân tộc, để giữ lấy cái lề, để cảm nhận được nền độc lập mà mình đang được hưởng là từ đâu, để biết ơn những thế hệ tiền nhân đã hiến dâng cả sinh mạng của mình để bảo vệ cho nền hòa bình và độc lập ấy. Hiểu đúng về lịch sử để nhận ra âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, mỗi người trẻ cần trang bị cho mình tấm khiêng vững chắc bảo vệ mình trước những luận điệu xuyên tạc về lịch sử thâm độc ấy.

Sau khi đã thành công trong việc làm tan rã một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên thế giới như Nam Tư, Venezuela, Lybia, hiện nay Việt Nam được xác định là một trọng điểm chống phá quyết liệt trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán của chúng. Đất nước trên bước đường đổi mới, có những lúc thăng, lúc trầm, lúc thành công, lúc vấp váp, hơn lúc nào hết, đang rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ của con Lạc, cháu Hồng, cần tìm hiểu để nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trên con đường của chúng ta./.

* Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 7, Nxb. CTQG, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG, Hà Nội.

4. Nguyễn Như Ý (1998): Từ điển Tiếng Việt thông dụng, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

ThS. Nguyễn Xuân Mỹ - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

 

các tin khác