Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Góp phần phê phán các luận điệu chống đối Hồ Chí Minh

08:06 13/05/2020

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Sinh thời, Người từng tuyên bố: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ …”; khẳng định: “… Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi…”; Người cũng từng bộc bạch: Thích nhất điều thiện! Ghét nhất là điều ác và Không sợ gì cả! Người còn nhấn mạnh: “… Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì” … Đây chính là nguyên nhân mà các thế lực thù địch không ngừng chống đối và xuyên tạc từ thân thế cho đến sự nghiệp của Người…

 

Bọn họ nói xấu đủ điều, “bôi đen” đủ thứ… Cả quyết Hồ Chí Minh là tay sai của Nga, của Tàu; “… làm công an ăn lương của Nông hội và Quốc tế cộng sản”… Đây là những đối tượng thường nói hoặc viết theo cảm tính thù hận nhưng lại biết rất ít về Hồ Chí Minh… Họ viết không cần đến trí tuệ, không cần đến kiến thức, không cần đến trình độ, và không cần đến liêm sỉ.

Một số khác là những người từng ở trong hệ thống chính trị, nay không còn có tình cảm với cách mạng nên “quay lưng”. Đây là những kẻ “dễ dàng thừa nhận mọi công thức và rời bỏ mọi công thức cũng dễ dàng như thế”. Trong số đó, có ý kiến cho rằng, không hề có tư tưởng Hồ Chí Minh; rằng tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là điều do Đảng Cộng sản Việt Nam bày ra; rằng, cuộc đời của Hồ Chí Minh đầy những điều giả dối, là: “Một thần tượng chẳng ra gì, bắt buộc toàn dân sùng bái?”.

“Lý luận” hơn và cũng nguy hiểm hơn, khi nói, Hồ Chí Minh là “tội đồ” du nhập thuyết đấu tranh giai cấp gây ra thảm cảnh “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn”… Một số khác “tinh vi” hơn, cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết, giáo điều”; tư tưởng Hồ Chí Minh là sự sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác - Lênin, không phù hợp với thực tiễn hiện nay, bởi thế, cần từ bỏ nó để “kịp đi với con đường chung mà thế giới hiện nay đang đi”. Thâm độc hơn là thủ đoạn “đề cao” để tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; ngụy biện rằng, bây giờ học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời, nên chỉ dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh mà thôi, vì “Chủ nghĩa Hồ Chí Minh” là chủ nghĩa dân tộc, vì dân tộc”. Chúng còn rêu rao tư tưởng Hồ Chí Minh là “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; nay có độc lập tự do rồi thì không cần nữa! Hoặc cứ coi Hồ Chí Minh là một vị thánh chỉ để tôn thờ… Tất cả đều là sự phân tích, “phê bình rất hời hợt, thiếu nghiêm túc và không chuyên nghiệp”. Nhằm tăng thêm sức thuyết phục, họ thường viết như là “người trong cuộc”, “vén tấm màn bí mật” của chốn “thâm cung bí sử”; họ ra sức dựng nên nhiều chuyện “ly kỳ”, nói và viết “úp úp mở mở”… Khiến ngay cả những người đàng hoàng cũng có thể “loáng choáng”.

Họ đã cho ra hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm tạp chí, báo, nhà xuất bản, hơn 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt; hàng năm họ tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm… để tiến hành “cuộc chiến tranh không có khói súng”, giành lấy “chiến thắng không cần chiến tranh”... Cụ thể trên trang danlambaovn.blogspot.com thường xuyên có những bài viết cực kỳ phản động, ví dụ trong bài: “Đất nước này của Đảng hay của Dân”, tác giả vu khống: “Từ xưa nay, chưa có triều đại nào lưu manh, gian trá, dã tâm ác độc như là CS”. “Nguyễn Ái Quốc (sau này được thay bằng HCM là lãnh đạo đảng (CSVN), lãnh đạo đất nước… Để rồi, kết cuộc đưa đất nước triền miên đi vào tan tác, lạc hậu, cơ cực, đói nghèo”. Dẫn tới: “… Nguy cơ mất nước,… trở về thời kỳ Bắc thuộc”. Gần đây chúng còn đơm đặt: “… một số nhà trí thức, thân hào nhân sĩ yêu nước tiên tiến tiêu biểu như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… đã thấy được ý đồ của ông Hồ và Cộng đảng Việt Nam chỉ là lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, thông qua cuộc kháng chiến chống Pháp như một phương tiện, không phải để giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, mà làm nhiệm vụ của cộng sản quốc tế, giành thuộc địa kiểu mới cho các tân đế quốc đỏ Nga -Tầu”…

Không như bọn họ nói! Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu. Nhưng do có lúc thịnh – suy, cá biệt có hiện tượng mãi quốc cầu vinh, điển hình như: “Ngàn năm gấm vóc giang san/Bị vua họ Nguyễn đem hàng cho Tây!/Tội kia càng đắp càng dày/Sự tình càng nghĩ, càng cay đắng lòng”. Trái với sự hủ bại, hèn nhát của bè lũ vua quan đó, ngay khi Pháp xâm lược, Nhân dân ta từ Nam chí Bắc đã hăng hái đứng lên kháng Pháp. Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, tất cả đều không thành. Công cuộc cứu nước chìm đắm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Trong thảm cảnh đó, ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Anh Nguyễn sinh ra tại vùng quê giàu truyền thống yêu nước, gia đình Anh là nơi nhiều sĩ phu thường lui tới luận bàn thế sự, Anh kể: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Năm 1925, cụ Sào Nam cũng kể: “… Nhớ lại hai mươi năm trước, khi đến nhà cháu uống rượu, gõ án ngâm thơ, anh em cháu đều chưa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này”.

Ròng rã trên dưới 10 năm: Đi qua 3 đại dương, 4 châu lục; đặc biệt Anh đã tới các nước đế quốc lớn là Mỹ, Anh và Pháp. Đây là những năm tháng “thấm dầy thực tiễn”, giúp Anh sớm nhận biết bản chất áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc. Đầu năm 1919, Anh tham gia Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919, với tên mới là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người yêu nước Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc - xây “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”. Dĩ nhiên không được chấp nhận! Anh kết luận: “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn”.

Tháng 7/1920, sau khi được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc đã “sáng tỏ” thêm nhiều điều mà trước đây còn trăn trở! Người khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Cuối tháng 12/1920, tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp; từ đó, vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, Người vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Theo Người: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Chính nhờ hoạt động không mệt mỏi của Người và nhiều nhà cách mạng tiền bối mà đến năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã “chân chính hình thành”. Cương lĩnh của Đảng đã đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của lịch sử, khắc phục sự khủng hoảng về đường lối cứu nước. Võ Nguyên Giáp khẳng định: Công lao to lớn đầu tiên của Bác đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam là đã tìm ra con đường cứu nước, khai phá con đường giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã làm nên những thắng lợi vĩ đại: Việt Nam từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Khác với sự đơm đặt của kẻ thù: Rất nhiều người biết, cuối đời cụ Phan Bội Châu “tự phán” rằng đã từng “Nam bôn, Bắc tẩu, dấu chân in gần khắp nửa châu Á” nhưng “tự xét thấy chẳng việc gì nên”, “… trăm thất bại chẳng một thành công”; nhưng may mắn là: “Hiện nay đã có người khác giỏi hơn… đứng ra đảm đương công việc để làm tròn cái việc mà lớp chúng tôi không làm xong. Đó là Nguyễn Ái Quốc”. Còn cụ Phan Châu Trinh cũng than rằng: “… thân tôi như con ngựa già hết nước kiệu, phi nước tế…”. Nhưng Cụ rất vui mừng khi thấy Nguyễn Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết tinh thông” và Cụ tin: “không bao lâu nữa cái chủ nghĩa mà Nguyễn tôn thờ (ý nói chủ nghĩa Mác – Lênin) sẽ thâm căn cố đế (sâu rễ bền gốc) trong đám dân tình chí sĩ nước ta”. Riêng cụ Huỳnh Thúc Kháng, là người từng từ chối lời mời của Bảo Đại làm Thủ tướng, nhưng tham gia Chính phủ Cụ Hồ và viết thư “Kêu gọi đồng bào phụ lão kháng chiến”, trong thư ca ngợi: “Người thân yêu, kính mến nhất của đồng bào quốc dân chúng ta Hồ Chí Minh tiên sinh…”.

Cũng do ngoan cố, trên trang danlambaovn.blogspot.com, Nguyễn Dân xuyên tạc: Đảng Cộng sản Việt Nam “hèn với giặc, ác với dân”; bút danh “Cánh dù lộng gió” hùa theo: “… CSVN rất lật lọng và dối trá,… làm tay sai cho giặc Tàu”. Còn Nguyễn Bá Chổi đã viết hết sức ngu xuẩn: “Nhật đã có công đảo chính Pháp đô hộ nước; Mỹ đã có công đuổi Nhật ra khỏi nước. Nhờ vậy mà bác cháu ta đã cướp được nước. Nay các cháu phải lo mà ôm chặt lấy nước. Muốn độc quyền ôm lấy nước, không gì quý hơn độc đảng CSVN”. Trong một bài khác, Võ Thị Hảo cũng cùng giọng điệu: “Đặc trưng Thời đại Hồ Chí Minh: huynh đệ tương tàn, tụt hậu xa so với thế giới, dân bị nô lệ hóa”… Một tên khác nhắm mắt lao vào: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hiện nguyên hình là một tổ chức chỉ biết sống chung với tụt hậu, ù lì”; “Kinh tế chỉ đi làm thuê; đất nước chưa làm nổi con ốc vít phù hợp với tiêu chuẩn công nghệ thế giới”…

Thực tiễn sinh động ngày càng bác bỏ những điều bịa đặt nói trên: Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Kinh tế năm 2019 tiếp tục có những kỷ lục mới: Đời sống nhân dân được nâng lên, GDP bình quân đầu người khoảng 2.800 USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%. UNDP đánh giá Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo. Cùng với đó, chỉ số HDI ở trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Năm 2017, khi đến dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Tổng thống Mỹ D.Trump đã thốt lên rằng “Việt Nam là điều kỳ diệu của thế giới”. Năm 2019, ngay khi vừa đến Hà Nội, Ông lại nhận xét: “Việt Nam đang là một trong những nơi phát triển hiếm có trên Trái Đất”…

Cùng với kinh tế tăng trưởng liên tục: Hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc cũng được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng; uy tín và vị thế ngày càng được nâng cao; tạo ra thế và lực ngày càng lớn mạnh.

Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn như hiện nay. Thành công có được là bởi trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn đề cao “thượng sách giữ nước” theo đúng yêu cầu “Khoan thư sức dân”; luôn nắm vững quan điểm: “Việc nhân, nghĩa cốt ở an dân”. Tư tưởng “Thân dân” của Người là đỉnh cao của văn hóa chính trị Việt Nam. Năm 1945, sau khi tuyên bố độc lập, Người đã nói rõ bản chất của chế độ mới: “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Năm 1946, Người đã nói để cho “đồng bào trong nước và các nhân sĩ nước ngoài đều biết”: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Người khẳng định: “… là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân…”. Dẫn 2 câu thơ của đại văn hào Lỗ Tấn: “Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ/Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”. Người dịch và giải thích: “Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ/Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”. “Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ… “Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân… “Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”. Kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Người lại nói: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn…, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân”. Chuẩn bị đi xa, Người viết trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Phạm Văn Đồng nhận định: “Người xưa nói: Có việc phải lo, lo trước thiên hạ, có việc đáng vui, vui sau thiên hạ. Hồ Chủ tịch nói một cách giản dị và thống thiết hơn: “Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúc kết: “Hồ Chí Minh là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng”. Thủ tướng Nê-ru đánh giá: “Người đó là một phần của lịch sử châu Á… Được gặp người ấy là một người từng trải khiến chúng ta trở nên tốt hơn”. Mao Trạch Đông ca ngợi Người: “Chí khí tráng sơn hà, kim cổ anh hùng duy hữu nhất/Minh tinh quang vũ trụ, Á Âu hào kiệt thị vô song” (Tạm dịch: Chí khí Người này bao trùm lên sông núi, anh hùng xưa nay chỉ có một người này/ Ánh sáng chói lòa cả vũ trụ, hào kiệt khắp Á Âu không ai sánh bằng). Tổng cao ủy Pháp đầu tiên tại Đông Dương Thierry d’ Argenlieu cũng nhận xét đầy khâm phục: “Ðây là một người tinh tuyền về đạo đức… Ông ta không tin tưởng ở ý định của chúng ta… Ông ta chỉ tin tưởng ở những gì phục vụ kế hoạch của ông ta”.

Tổng thống Nga V. Putin khi đến thăm “Nhà sàn” đã viết trong sổ lưu niệm: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”. Nguyễn Mạnh Quang, GS sử học người Mỹ gốc Việt khẳng định: “Ông Hồ Chí Minh không hề làm tay sai cho Nga và cũng không hề làm tay sai cho một phe đảng quốc tế nào cả”, chỉ là theo “chủ thuyết Cộng Sản” mà thôi”.  GS giải thích: “Chủ thuyết Cộng Sản (Communism) là một lý thuyết khoa học xã hội, giống như các đạo hay lý thuyết khác… Tin theo hay thực thi các đạo hay lý thuyết này không phải là mất gốc, càng không phải là phản quốc hay bán nước”. Hoàng Văn Chí, một nhân vật chống công cực đoan, trong cuốn “Từ Thực Dân đến Cộng Sản” đã viết: “Ngoài trí thông minh xuất chúng, ông Hồ còn có một nhân phẩm rất cao. Nói tóm lại, ông đã có đủ những đức tính cần thiết của một nhà lãnh tụ. Nếp sống thanh bạch, lòng nhẫn nại, ý chí sắt đá và sự tận tâm của ông đối với cách mạng là một nguồn phấn khởi cho tất cả những ai đã làm việc dưới quyền ông và phụng sự đất nước nói chung”. Hồ Sĩ Khuê vốn là “mưu sĩ” của Diệm - Nhu đã nhận xét: “Tên tuổi, sự nghiệp ông Hồ, cả nước đều biết rõ… Kể cả những người chống Cộng, không một ai trong nước phủ nhận được sự nghiệp ông cứu nước ra khỏi vòng ngoại trị… Ông Hồ từ năm 1945 đã xuất hiện trước thế giới là một nhà cách mạng Việt Nam lão thành, một chính khách có tầm vóc quốc tế” …

Cũng theo GS. Nguyễn Mạnh Quang: “… Hồ Chí Minh là vị anh hùng dân tộc đã tạo được công nghiệp lớn nhất đối với dân tộc và đất nước. Các nhà sử học đều cho rằng công nghiệp này vô cùng lớn lao, có thể nói là lớn lao không khác gì công nghiệp của vua Trần Nhân Tông và Đức Hưng Đạo Đại Vương…, lớn hơn cả công nghiệp của vua Lê Lợi và ông Nguyễn Trãi… và lớn hơn cả công nghiệp của Vua Quang Trung…”. .

Học tập và làm theo Người, Đảng ta luôn ra sức giữ gìn truyền thống “gắn bó máu thịt với Nhân dân”. Ngay khi bước vào đổi mới, Đảng đã sớm nhìn thấy: “… trong xã hội ta đang có những hiện tượng không bình thường: sự thiếu gắn bó chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tình trạng quan liêu trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý... Một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), nhất là những người có chức quyền, quên những năm tháng cùng nhân dân đồng cam cộng khổ trong chiến tranh giải phóng, đã sống xa dân, không quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết do quần chúng đặt ra”. Có thể nói, từ cuối thập kỷ 70 đến cuối thập kỷ 80 là giai đoạn xuất hiện sự rạn nứt sâu sắc trong mối quan hệ “máu - thịt”!

Từ rất sớm, Bác đã nhận định: “Đảng ta là một đảng cách mạng, một đảng vì dân, vì nước. Song Đảng có rất đông đảng viên. Phần đông cố nhiên đã hiểu biết vì dân, vì nước mà vào Đảng. Nhưng cũng có phần vì lẽ khác mà theo vào Đảng…”. Chính đây là một trong những nguyên nhân sinh ra khuyết điểm. Nhưng: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”. Người nhấn mạnh: “Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Thực hiện chỉ dạy của Người, không phụ lòng mong đợi của Nhân dân: Mỗi nhiệm kỳ, Đảng đều có Nghị quyết chuyên đề Xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa, tự đổi mới, chỉnh đốn. Cụ thể trong đấu tranh chống tham nhũng, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 23 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 22 sĩ quan cấp tướng…

Sự thật là như vậy! Phải vạch mặt và bẻ gãy các luận điệu xuyên tạc, vu cáo hết sức thâm độc, vô cùng nguy hiểm! GS. Trần Chung Ngọc, người tự nhận mình  “ở phía Quốc Gia”, nhiều năm gắn bó với chế độ “Việt Nam Cộng hòa” đã kết luận: “… có gì ngu xuẩn hơn là so sánh ông Hồ với Hitler. Những người này hầu như không hề biết gì đến dư luận thế giới, nhất là trong các nước tiến bộ Âu Mỹ, đã nhận định về ông Hồ Chí Minh như thế nào… hãy đọc những cuốn sách về chiến tranh Việt Nam của các học giả, tướng lãnh Mỹ,… Phần nhận định tích cực về Hồ Chí Minh tràn ngập so với phần tiêu cực thưa thớt của một số người Việt hải ngoại mà tên tuổi không đáng kể,… ”. Một tác giả khác cũng có cái nhìn tương tự: “nhiều nhà tự xưng “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam”… Vì thiếu nhận thức về lịch sử, đặc biệt lịch sử cận đại, cũng như hiện trạng của đất nước, hay vì thiếu lương thiện, hoặc cả hai, họ luôn hô hào chống đảng CSVN”. “Ông Hồ Chí Minh là nhà cách mạng với lý tưởng giành lại "độc lập, tự chủ và thống nhất đất nước", “Những người chống cộng không những phủ nhận lý tưởng và những thành tựu của Ông trong cuộc cách mạng giành lại độc lập và tự chủ cho đất nước, mà còn lăng nhục Ông với những lời lẽ thô bỉ đầy thù hận, và bằng những câu chuyện bịa đặt không bằng cớ”.

Wilfred Burchett Nhà báo người Úc đã nhận xét rất sâu sắc: “… lịch sử 2000 năm chống ngoại xâm của Việt Nam đã tạo nên ông Hồ”, “… người nông dân Việt Nam nghèo khó nhất, ngay cả thất học, về phương diện văn hóa và đạo đức thường cũng cao hơn người Mỹ”... Và “ một cái gì đó trong mỗi người Việt Nam đều có trong Hồ Chí Minh, một cái gì đó trong Hồ Chí Minh đều có trong hầu hết những người Việt Nam ngày nay, dấu ấn của ông trên dân tộc Việt Nam thật là sâu đậm”. Vì không biết điều đó nên Mỹ đã thua!./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 47, tập 55, tập 60, tập 65, tập 69.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tập 2, tập 3, tập 5, tập 6, tập 8, tập 10, tập 12.

6. Hoàng Chí Bảo (2013), Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Hà Nội.

7. Mạch Quang Thắng (2009), Hồ Chí Minh – nhà cách mạng sáng tạo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. Phạm Văn Đồng (1990), Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội.

9. Tổng tập Văn học Việt Nam (2000), Nxb Khoa học Xã hội, tập 38

10. Trang sachhiem.net

11. Võ Nguyên Giáp (1993), Tư tưởng Hồ Chí Minh quá trình hình thành và phát triển, Nxb Sự thật, Hà Nội.

Lê Chí Thành - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang

các tin khác