Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Vận dụng kinh nghiệm trong đấu tranh bảo vệ chủ trương, đường lối cách mạng trong thời gian qua vào nhiệm vụ BVNT tư tưởng của Đảng trước sự chống phá của các thế lực thù địch hiện nay

03:55 16/01/2020

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Trên nền tảng ấy cùng với kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, trải qua 90 năm phấn đấu, xây dựng; Đảng đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một Đảng mácxít, lêninít kiên cường. Tuy nhiên, cũng trong quá trình lịch sử ấy, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Lịch sử của Đảng không chỉ là lịch sử của việc lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng mà còn là quá trình hoàn thiện, phát triển và đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng. Vì vậy, kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh ấy là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự tấn công, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động hiện nay.

Ngày mùng 3 tháng 2 năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp sáng tạo giữa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phòng trào yêu nước. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc ta và hướng cách mạng nước ta bước sang con đường mới – con đường “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Trong 90 năm qua, trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng đúng đắn ấy, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại, đánh thắng các đế quốc xâm lược và tay sai, đưa “nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới”(1). Tuy nhiên, cũng trong quá trình lịch sử ấy, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng cũng gặp không ít khó khăn, thử thách với sự “ngộ nhận”, “hiểu lầm”, “đánh giá sai” trong nội bộ phong trào cộng sản - công nhân quốc tế và sự chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch, phản động. Vì vậy, lịch sử của Đảng không chỉ là lịch sử của việc lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng mà còn là quá trình hoàn thiện, phát triển và đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng.

Trong Hội nghị thành lập Đảng mùa xuân năm 1930, trên cơ sở “lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc”(2) và quan điểm “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(3) của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã “…chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(4). Nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, trước mắt của cách mạng là đoàn kết tập hợp tất cả các giai cấp, tầng lớp yêu nước và tiến bộ trên nền tảng liên minh công – nông để “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”, “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”(5). Đó chính là sự sáng tạo độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Tuy nhiên, chính sự sáng tạo ấy mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh bị hiểu lầm, thậm chí bị “quy chụp” là theo “chủ nghĩa quốc gia” với “đường lối cải lương, không đúng đường lối đấu tranh giai cấp của Quốc tế Cộng sản”. Đường lối cách mạng của Đảng bị cho là “đã đi theo một chiến lược có nhiều điểm trái với những chỉ thị của Quốc tế Cộng sản”... Bằng sự kiên định, vững vàng về nguyên tắc; sự khéo léo, uyển chuyển về phương pháp và sự kiên trì trong hoạt động thực tiễn; lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh đã chứng minh và bảo vệ thành công quan điểm, tư tưởng của mình – đường lối cách mạng của Đảng.

Giai đoạn cách mạng 1936-1939, tình hình trên thế giới và trong nước có sự thay đổi lớn. Chủ nghĩa phát xít xuất hiện, chuẩn bị gây chiến tranh thế giới, trở thành kẻ thù chung của hòa bình thế giới,… Đảng đã đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, chủ trương đấu tranh cho tự do, dân sinh, dân chủ và hòa bình thông qua nhiều phong trào sôi nổi, rộng khắp và giành nhiều thắng lợi to lớn…; nhưng “Đảng còn trẻ nên không tránh khỏi phạm khuyết điểm”; các phần tử “Tơ – rốt – kít” công khích, phá hoại, xuyên tạc chủ trương của Đảng là “đầu hàng đế quốc”, là “cải lương”… Với tư cách là tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” với nguyên tắc “chúng ta đứng về lợi ích về công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ rộng rãi hơn” (6). Nhờ có “tự chỉ trích” mà Đảng khắc phục được cả hai khuynh hướng rất nguy hại. Đó là: “Xu hướng “tả khuynh”, cô độc nó muốn làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh” (7).

Giai đoạn 1945-1946, với sự đe dọa của “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm và bọn nội phản, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã ra chủ trương, quyết sách lịch sử hết sức sáng suốt là “Hòa để tiến”. Đặc biệt, trong chuyến thăm Pháp với tư cách là “thượng khách”, trước khi lên đường trở về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp bản “Tạm ước” ngày 14/9/1946 nhân nhượng tối đa về kinh tế, văn hóa đối với Chính phủ Pháp,… Các phần tử cơ hội, phản động đã điên cuồng bôi nhọ, xuyên tạc rất gay gắt, quyết liệt… chủ trương đúng đắn và phù hợp ấy của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thậm chí chúng xuyên tạc rằng “Hồ Chí Minh là người bán nước”.  Nhờ sự vững vàng, kiên định về mục tiêu, nguyên tắc và phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” rất linh hoạt, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn như “ngàn cân treo sợi tóc”, chuẩn bị lực lượng tiến hành kháng chiến thành công.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), đất nước tạm thời chia cắt, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tạo trong việc xác định thực hiện đồng thời 2 chiến lược cách mạng ở 2 miền, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, hướng tới mục tiêu chung là độc lập, hòa bình và thống nhất Tổ quốc. “Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta”(8). Đồng thời thắng lợi ấy là bằng chứng hùng hồn để “giải tỏa” sự hoài nghi trong “phe” xã hội chủ nghĩa và đập tan sự đả phá, xuyên tạc của các phần tử cơ hội, thù địch với đường lối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, do những sai lầm, chủ quan, nóng vội của Đảng, do duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp trong nền kinh tế kế hoạch hóa,… làm cho đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Với trách nhiệm là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện và đồng bộ, trước hết là về kinh tế với trọng tâm là xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp; đổi mới kế hoạch hóa, kết hợp kế hoạch hóa với thị trường với mục tiêu nhất quán là đi lên chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, các thế lực thù địch, cơ hội cố tình xuyên tạc là Đảng bắt cá hai tayvới “lý sự” rằng: “đã kinh tế thị trường thì đâu còn là chủ nghĩa xã hội”; “chủ nghĩa xã hội không phải là cái đích của loài người đi tới”; Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam “bảo thủ” duy trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là “trái với quy luật”, “không phù hợp với thời đại mới”, v.v...

Đặc biệt, cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, do những sai lầm chủ quan (và cả sự tấn công của các thế lực thù địch bằng âm mưu “Diễn biến hòa bình”) nên hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Các thế lực phản động, thù địch càng hý hửng cho rằng “mô hình sụp đổ là do học thuyết sai” hoặc “lý luận chủ nghĩa Mác  - Lê-nin “đã sai lầm”, “lỗi thời”, “lạc hậu” (!) và tấn công mạnh mẽ hơn đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại (trong đó có Việt Nam) hòng đến năm 1999 sẽ là “sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản” (!)…

Tuy nhiên, với trách nhiệm của đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc; với bản lĩnh và kinh nghiệm dày dạn, sự trung thành tuyệt đối và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng ta đã vững vàng vượt qua. Lịch sử hào hùng nhưng đầy gian nan thử thách ấy đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm vô cùng quý báu:

Thứ nhất, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng là một thể thống nhất không tách rời, là cội nguồn mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương phải gắn liền với việc kiên định và đấu tranh bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, đấu tranh bảo vệ đường lối, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, khó khăn và là đòi hỏi bức thiết của cách mạng, là yêu cầu mang tính sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.

Thứ ba, đấu tranh bảo vệ đường lối, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp, là nòng cốt, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp mà còn là trách nhiệm và lương tâm của các nhà khoa học chân chính và từng người dân Việt Nam yêu nước.

Thứ tư, để đấu tranh bảo vệ đường lối, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có hiệu quả, cần thực hiện phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nghĩa là phải kiên định vững vàng về nguyên tắc, kiên quyết trong đấu tranh nhưng phải linh hoạt, mềm dẽo, uyển chuyển về phương pháp.

Thứ năm, thường xuyên quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng và đạo đức, đảm bảo trong sạch, vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiền phong gương mẫu, có bản lĩnh vững vàng và có “sức đề kháng” cao, biết chắt lọc tiếp thu trí tuệ và kinh nghiệm của nhân loại, đặc biệt là phải “có gan” đổi mới, sáng tạo và “tự chỉ trích”, nhìn nhận hạn chế, khuyết điểm của mình để sửa chữa.

Thứ sáu, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đồng thời với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch và gắn liền với việc “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay đã tạo cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta có những cơ hội lớn,…; nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ đến sự nghiệp cách mạng nói chung, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng.

Về khách quan: Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô là “cơn địa chấn chính trị” đến nay vẫn là bài học đau đớn. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ với “công nghệ số”, “trí tuệ nhân tạo”, sự phát triển bùng nổ của mạng Internet và hoạt động của các mạng xã hội toàn cầu cùng những thông tin xấu, độc nhanh chóng được lan truyền; các thế lực thù địch, phản động có những chiêu thức, thủ đoạn mới xuyên tạc, bóp méo lịch sử, núp bóng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, sắc tộc, tôn giáo, hòng hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước…

Về chủ quan: Nhìn chung cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn được Đảng đặc biệt quan tâm và đạt được những thành tựu nhất định. Nhưng  chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa cao; tri thức kinh điển chưa được coi trọng đúng mức; một số quan điểm, học thuyết của các nhà kinh điển chậm được nghiên cứu, nhận thức một cách đầy đủ và chậm được bổ sung, phát triển để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chưa kịp thời phát hiện, nghiên cứu thấu đáo những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn trong nước và thế giới. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ chưa bị đẩy lùi. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống "diễn biến Hòa Bình", phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, thoái hóa, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, kiên định và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng chính là tiếp tục khẳng định bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ thành quả của cách mạng; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Kiên định và bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần phải kế thừa những kinh nghiệm quý của lịch sử đấu tranh oanh liệt của Đảng. Đồng thời phải chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện và đồng bộ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, trước hết là trong xây dựng đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị…; tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới. Hệ thống hóa, phổ biến những thành tựu lý luận mà Ðảng ta đã đạt được trên cơ sở vận dụng đúng đắn, sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới; làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ðổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm nâng cao nhận thức và sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Chủ động tăng cường thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Siết chặt kỷ luật trong Ðảng, kỷ cương xã hội. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và có các giải pháp kỹ thuật phù hợp với sự phát triển nhanh của Internet, mạng xã hội…

Chú trọng xây dựng các lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh; đồng thời phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thế giới sẽ đổi thay với cả thời cơ lẫn thách thức mới, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta sẽ còn những khó khăn, trở ngại, các thế lực thù địch, phản động sẽ còn tiếp tục xuyên tạc, chống phá; nhưng những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn luôn bền vững và mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Vì vậy, trách nhiệm cao nhất, lập trường chân chính, thái độ đúng đắn nhất của chúng ta hiện nay trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là tiếp tục kiên định, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng… Nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhất trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là dùng cơ sở lý luận, lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đánh giá một cách khách quan, toàn diện những thành tựu và hạn chế của chặng đường cách mạng đã qua; tổng kết những kinh nghiệm thành công và không thành công để tìm ra những hình thức, bước đi, giải pháp đúng đắn, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra để đưa nước ta từng bước vững chắc tiến tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đường hoàng “sánh vai với các cường quốc năm châu”./.

* Tài liệu tham khảo

(1) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011)

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1998, t2, tr.100

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.466

(4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1998, t2, tr.2

(6), (7) Nguyễn Văn Cừ, Tự chỉ trích, Nxb. CTQG - ST, H, 2012, tr.38,39

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb ST,1977, tr.22.

Phan Văn Thuận - Trường Chính trị tỉnh Bến Tre

các tin khác