Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Lễ đón Bằng công nhận Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt chuẩn mức 1

09:32 05/10/2024

Chiều ngày 04/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt chuẩn mức 1. Tham dự lễ có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang; đồng chí Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang; lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; lãnh đạo các trung tâm chính trị  huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân gửi lẵng hoa chúc mừng.

Văn nghệ chào mừng

Đại biểu dự lễ

TS Hồ Ngọc Trường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng báo cáo tóm tắt kết quả xây dựng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt chuẩn mức 1

Cách đây 76 năm, sau khi ổn định hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng, giữa năm 1948, Tỉnh ủy Long Châu Hậu quyết định thành lập Trường Văn - Chánh. Đây là tên gọi đầu tiên của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng ngày nay. Từ khi thành lập đến nay, Trường đã 8 lần đổi tên. Đến năm 1985, Trường được vinh dự mang tên Trường Đảng Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang. Và từ năm 1995 cho đến nay được vinh dự mang tên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.

Lịch sử phát triển của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng là lịch sử "Trồng người" của những chiến sĩ cộng sản chiến đấu trên mặt trận lý luận chính trị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh An Giang. Trong lịch sử xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã qua chặng đường đầy gian lao, thử thách, nhất là những thách thức trong quá trình đổi mới; nhưng với tinh thần yêu nước, lòng quả cảm, bản lĩnh kiên cường, các thế hệ cán bộ, giảng viên nhà trường không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành trọng trách "huấn luyện cán bộ - công việc gốc của Đảng", góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của địa phương. 

Bước vào giai đoạn phát triển mới, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, xứng tầm với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở.  Ngay sau khi có chủ trương của Trung ương về Trường chính trị chuẩn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 22/12/2021 về xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt các tiêu chí Trường Chính trị chuẩn. Đề án xác định mục tiêu đến năm 2025, Trường  đạt chuẩn mức 1.

Sau 02 năm triển khai thực hiện Đề án, dưới sự định hướng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy; sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành, địa phương; sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của cán bộ, giảng viên, Trường đã đạt 6/6 tiêu chí, 55/55 chỉ tiêu chuẩn mức 1, trong đó 10 chỉ tiêu vượt chuẩn mức 1, hoàn thành mục tiêu sớm hơn 02 năm so với lộ trình đề ra.

Với những kết quả quan trọng đạt được, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng vinh dự là Trường Chính trị đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh công nhận đạt chuẩn mức 1. Đây là vinh dự to lớn và là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, giảng viên, người lao động và đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử vẻ vang 76 năm xây dựng và phát triển của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao Bằng công nhận và tặng biểu trưng Trường Chính trị chuẩn

TS Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang tặng hoa chúc mừng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng; cùng sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã góp phần cho Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang đạt được thành tích quan trọng này.

Thời gian tới, đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Phải thật sự coi trọng việc giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý cho cán bộ; xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, có tinh thần "Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung". Tiếp tục quan tâm, tin tưởng giao các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh cho Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, nhất là giao cho trường chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn những vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của tỉnh; tham gia góp ý kiến vào văn kiện dự thảo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và đại hội đại biểu của tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Đồng thời, với những điều kiện, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng chí đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, có giải pháp căn cơ, phù hợp để Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt chuẩn mức 2 trong thời gian sớm nhất.

Đối với Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, đồng chí lưu ý để đạt trường chính trị chuẩn mức 1 đã khó nhưng để duy trì, giữ chuẩn, tiến tới xây dựng đạt chuẩn mức 2 còn khó hơn rất nhiều. Chuẩn không phải là mãi mãi, mà qua rà soát định kỳ sẽ xác định lại. Để thực hiện mục tiêu này, đề nghị Trường tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống bề dày 76 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt những thành tựu nổi bật trong thời gian gần đây; tiếp tục khẳng định, phát huy vị thế, vai trò của mình; nỗ lực vượt bậc sớm hoàn thiện các tiêu chí chuẩn mức 2 trong nhóm các trường dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…

 TS Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang thay mặt lãnh đạo tỉnh biểu dương, chúc mừng những thành tích mà các thế hệ tập thể lãnh đạo, giảng viên, viên chức, người lao động Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt được trong những năm qua.

Trong niềm phấn khởi của buổi Lễ và trước yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, giảng viên, viên chức, học viên của Trường quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng thời, đề nghị nhà Trường quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và về xây dựng Trường chính trị đạt chuẩn. Giữ vững, nâng chất các tiêu chí đã đạt được; đồng thời, Trường khẩn trương có Kế hoạch đảm bảo duy trì tốt chuẩn mức 1, phấn đấu thực hiện các tiêu chí chuẩn mức 2 với lộ trình khoa học, khả thi phù hợp điều kiện thực tế địa phương.

Thứ hai, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường chính trị của Đảng. Đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Mỗi cán bộ, giảng viên của Trường phải thực sự mẫu mực về đạo đức và tri thức để học viên noi theo, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Đảng.

Thứ ba, tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, chú trọng phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, tinh thần tự học, tự nghiên cứu của học viên. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cả về nhận thức lý luận và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tác phong phương pháp công tác, lề lối làm việc; gắn học tập kiến thức lý luận với năng lực thực hành, nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, cần tăng cường giáo dục nhân cách, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện nghiêm văn hoá chính trị, văn hoá học đường; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Đẩy mạnh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp tỉnh theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của Trường và địa phương. Mở rộng, tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo chính trị của Trung ương, các tỉnh thành bạn, các sở, ban, ngành trong công tác nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao kết quả nghiên cứu phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở, bảo đảm phục vụ công tác giảng dạy, học tập.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh An Giang, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang gửi lời cảm ơn sâu sắc đến GS.TS Nguyễn Xuân Thắng và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các đơn vị trực thuộc Học viện, đã luôn quan tâm hỗ trợ Trường và tỉnh An Giang trong suốt thời gian qua. Đồng chí mong tỉnh An Giang tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, để Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tiếp tục phát triển, trở thành nơi kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của một trường Đảng kiểu mẫu ở địa phương đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng, phát triển tỉnh An Giang ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến./.

Đại biểu tham quan phòng truyền thống trước khi chính thức vào Lễ

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tặng tượng Bác Hồ cho Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

Đại biểu chụp hình lưu niệm.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang

các tin khác