Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Lênin - lãnh tụ vĩ đại của nhân loại cần lao

08:01 22/04/2020

Vlađimia Ilích Lênin là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, nhà tư tưởng và lý luận kiệt xuất vì sự nghiệp giải phóng nhân loại. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người đặt trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động với những bước ngoặc của thời đại: chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh chuyển sang độc quyền, sang thời đại đế quốc chủ nghĩa. Chính trong bối cảnh lịch sử ấy, bằng thiên tài và trí tuệ của mình, V.I.Lênin đã có những cống hiến to lớn trong cuộc đấu tranh vì thắng lợi của sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và những người bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới. Có thể khái quát cuộc đời và sự nghiệp của Người ở ba nội dung lớn sau:

 

1. Tấm gương về sự nổ lực tự học và đấu tranh không mệt mỏi cho phong trào cách mạng:

V.I.Lênin sinh ngày 22 tháng 4 năm 1870 tại thành phố Ximbiếcxcơ (Simbirsk) trên bờ sông Vônga của nước Nga trong một gia đình có truyền thống văn hóa, giáo dục, bố của V.I.Lênin là giáo viên. Gia đình V.I.Lênin có 6 anh, chị em, tất cả đều được bố mẹ cho học hành toàn diện và giáo dục trở thành những người yêu lao động, trung thực, khiêm tốn, nhạy bén và trở thành những người cách mạng. Người anh cả bị kết án tử hình với lý do tham gia vụ mưu sát vua Alếchxanđrơ III. Bản thân Lênin cũng là một nhà cách mạng.

Từ nhỏ V.I.Lênin đã nổi tiếng là người rất thông minh, say mê và nghiêm túc trong học hành, lên 5 tuổi đã học tốt, các năm học đều nhận được phần thưởng, học giỏi nhất khoá. Năm 1887, V.I.Lênin tốt nghiệp xuất sắc bậc Trung học được nhận Huy chương vàng nên được vào thẳng bất kỳ trường Đại học nào ở nước Nga. Ông xin vào học khoa Luật của Đại học Tổng hợp Kazan.

Với lòng nhân ái, tình yêu thương giai cấp, đồng loại, cũng giống như C.Mác trước đây, V.I.Lênin đã từ bỏ con đường và cuộc sống sung sướng để hiến thân cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân. Năm 17 tuổi, do tham gia tích cực vào phong trào sinh viên, đấu tranh chống tiêu cực trong nhà trường và ngoài xã hội, V.I.Lênin bị đuổi khỏi trường Đại học Tổng hợp Kazan và bị bắt giam. Điều đó không hề làm Người nhụt ý chí mà trái lại đã giúp Người có thêm sức mạnh để đứng vững trong cuộc đấu tranh phá bỏ mọi sự bất công trong xã hội; bênh vực, bảo vệ lẽ phải và người dân nghèo. Từ đây, Người bước vào con đường đấu tranh cách mạng. Từ năm 1892, V.I.Lênin làm trạng sư, nhờ đó đã cho phép V.I.Lênin gần gũi với người lao động, chứng kiến những nỗi đau, sự bất công, phi lý đã diễn ra trong xã hội Nga thời đó. Vì vậy, V.I.Lênin đã dồn toàn bộ sức lực, thời gian, trí tuệ để nghiên cứu và truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân; tích cực chuẩn bị cho cách mạng vô sản. Trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, năm 1893, V.I.Lênin lập ra nhóm mácxít đầu tiên ở Xamara. Nhóm đã tập trung nghiên cứu các tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen, tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác. Chính tại đây, quan điểm cộng sản chủ nghĩa của V.I.Lênin đã hình thành và phát triển.

Tháng 10 năm 1888, trở về Kazan gia nhập nhóm Mácxít. Vốn giàu nghị lực, trí thông minh tuyệt vời, chỉ trong một năm rưỡi, V.I.Lênin đã tự học xong chương trình 4 năm của Khoa Luật – Trường Đại học Tổng hợp Pêtécbua, năm 1891 thi đỗ xuất sắc với tư cách là thí sinh tự do và được nhận bằng hạng Nhất. Năm 25 tuổi, V.I.Lênin thành lập Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân ở Pêtecbua (Peterburg). 27 tuổi, Người bị đi đày ba năm tại miền Đông Sibir do tổ chức bị phát giác. Vượt qua mọi trở ngại, khó khăn cả về vật chất và tinh thần, V.I.Lênin không ngừng làm việc, cống hiến sức lực, tâm huyết và trí tuệ cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân. Trong điều kiện bị tù đày cũng như sống lưu vong ở nước ngoài, Người luôn theo dõi, nắm chắc, đánh giá đúng tình hình đất nước và phong trào cách mạng, trực tiếp lãnh đạo, ra những chỉ thị, hướng dẫn chi tiết về cách thức tiến hành hoạt động của những người Bônsêvích. Ở vào hoàn cảnh như vậy, Người vẫn tích cực nghiên cứu, phát triển lý luận.

Với ý chí, lòng say mê hoạt động cách mạng và vốn kiến thức sâu rộng, sự hiểu biết sâu sắc chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin đã trở thành lãnh tụ Đảng Bônsêvích Nga khi mới 32 tuổi, trực tiếp lãnh đạo, tổ chức cách mạng, lăn lộn với phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản, Người đã lãnh đạo nhân dân Nga thực hiện Cách mạng Tháng Mười Nga thành công rực rỡ, có ý nghĩa vĩ đại đối với toàn thế giới. Đồng thời, V.I.Lênin đã lãnh đạo đất nước Nga đi lên chủ nghĩa xã hội – mở ra một thời đại mới cho lịch sử nhân loại.

Như vậy, có thể khái quát toàn bộ nội dung lý luận và thực tiễn của Lênin: về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng chính đảng mácxít kiểu mới; giành chính quyền cách mạng; xây dựng một nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa trong sạch và có hiệu lực; liên minh công nông; quyền bình đẳng giữa các dân tộc; sự đoàn kết của giai cấp công nhân các nước; chính sách cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội - chính trị khác nhau; đấu tranh không khoan nhượng mọi tư tưởng thù địch với chủ nghĩa Mác, v.v..

Tuy nhiên, viết về Lênin không chỉ là một người hoạt động thực tiễn không mệt mỏi cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, bảo vệ xuất sắc và phát triển lý luận của Mác - Ăngghen lên một tầm cao mới, mà viết về Lênin còn hội tụ những phẩm chất chính trị, tư tưởng của một vĩ nhân hiếm có trong lịch sử thế giới.

2. V.I.Lênin - nhà chính trị lỗi lạc

V.I.Lênin là một nhà chính trị thực tiễn xuất sắc. Người có tài phán đoán về chính trị, có khả năng vạch ra đường lối phát triển của lịch sử trong thời gian sắp tới, xác định được triển vọng phát triển của phong trào cách mạng. Người có khả năng nắm bắt tình huống cách mạng trong từng thời kỳ, đưa ra khẩu hiệu đấu tranh rõ ràng, đề ra cho quần chúng những nhiệm vụ mà cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với tình hình cách mạng. Tiềm năng tư duy chính trị độc lập và sáng tạo của Lênin được thể hiện rõ ở chiều sâu phân tích các sự kiện phức tạp, ở nhiều dự đoán khoa học xác đáng với xu hướng chuyển biến của tình hình, ở ý chí mãnh liệt của một lãnh tụ vững tin vào chính mình và tin vào quần chúng, ở khả năng đề ra những quyết sách sáng suốt và táo bạo, ý thức trách nhiệm cao trước nhân dân. Có thể quan niệm cuộc đời chính trị của Lênin trãi qua bốn thời kỳ: thời kỳ vận động thành lập Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga (1883-1903); thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới (1903-tháng 2 năm 1917); thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa và hoạt động trong Quốc tế cộng sản (1917-1920) và thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới (1921-1923).

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào công nhân quốc tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng và phân liệt sâu sắc. Đảng Bônsêvích Nga do Lênin đứng đầu đã phản đối quyết liệt cuộc chiến tranh đế quốc và giương cao khẩu hiệu “biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”. Từ Thụy Sĩ, đêm 3-4-1917, Lênin về tới Pêtrôgrát. Ngày hôm sau, trước Trung ương Đảng và Ban Chấp hành Đảng bộ Pêtrôgrát, Lênin đã trình bày bản báo cáo quan trọng - Về nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay - sau này đã đi vào lịch sử với tên gọi Luận cương tháng Tư, vạch rõ đường lối đấu tranh mới với những bước đi thích hợp và có căn cứ chặt chẽ để chuyển cuộc cách mạng dân chủ tư sản thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay các Xôviết”. Dưới ánh sáng của Luận cương, Đảng Bônsêvích đã tập hợp đội ngũ toàn đảng; xây dựng thành công một đội quân chính trị ngày càng đông đảo và đủ sức đánh bại các thế lực chống đối, tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười. Đó là một thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử trọng đại, mở ra kỷ nguyên giải phóng giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà nước mới của những người lao động đã ra đời.

Sau nội chiến, nước Nga Xôviết bước vào giai đoạn đầy thử thách: đất nước bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh hoành hành khắp nơi trên đất nước; sự chống phá điên cuồng của đủ mọi kẻ thù trong và ngoài nước, nhưng nguy cơ lớn nhất lúc này, theo Lênin, là cuộc khủng hoảng đã làm cho một bộ phận công nhân và nông dân bất bình, nổi dậy lật đổ chính quyền Xôviết ở một số địa phương. Trước tình hình đó, tại Đại hội lần thứ X của Đảng Bônsêvích (3-1921), V.I. Lênin đã trình bày một đường lối kinh tế - chính trị mới của Nhà nước Xôviết, còn được gọi là Chính sách kinh tế mới (NEP). Mặc dù thời gian đầu thực hiện NEP, không phải tất cả những người Bônsêvích đều hiểu và ủng hộ, nhưng qua thực tiễn chứng minh Chính sách kinh tế mới đã cho thấy hướng đi đúng đắn với tầm nhìn chính trị chiến lược của thiên tài Lênin, đạt được hai mục tiêu về chính trị và kinh tế: củng cố khối liên minh công nhân và nông dân đồng thời đẩy lùi cuộc khủng hoảng. Chỉ bốn năm sau đó, nước Nga đã hoàn thành thắng lợi khôi phục nền kinh tế quốc dân để bước sang thời kỳ trực tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa nước Nga từ một nước nông nghiệp trở thành cường quốc công nghiệp xã hội chủ nghĩa chỉ trong vòng 10 năm.

Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, lúc sinh thời, xuất phát từ thực tế nước Nga Xôviết, Lênin cho rằng cần thực hiện thắng lợi một cuộc cách mạng dân chủ tư sản - nhưng là một cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới do chính đảng mácxít của giai cấp công nhân lãnh đạo - thì mới có thể chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Theo Người, với chiến lược “hai giai đoạn” như thế, trong điều kiện giữa các nước đế quốc có mâu thuẫn trầm trọng, ở nước Nga hình thành một đảng mácxít mạnh mẽ, sự liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân không chỉ còn là tư tưởng chiến lược mà đã trở thành một lực lượng cách mạng hiện thực, thì cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể thành công ở một số nước. Đường lối này đã được lịch sử khẳng định tính đúng đắn không chỉ riêng ở nước Nga mà còn nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

3. Lênin - nhà tư tưởng và lý luận kiệt xuất, kế thừa và phát triển tư tưởng của Mác - Ăngghen ở thời đại mới

Thời kỳ 1893 – 1907

 Đây là thời kỳ V.I.Lênin tích cực truyền bá, bảo vệ và phát triển triết học Mác gắn với cuộc đấu tranh thành lập đảng mácxít kiểu mới ở Nga; chuẩn bị cho cuộc cách mạng dân chủ tư sản Nga lần thứ nhất (1905 – 1907).

Với những căn cứ về kinh tế và chính trị ở các nước tư bản phát triển cuối thế kỷ XIX, Lênin đã chỉ rõ chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, giai đoạn độc quyền, giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Đó là nhận định quan trọng về một hiện tượng mới mẻ mang ý nghĩa bước ngoặc trong đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu và cả số phận của nhiều dân tộc. Lúc bấy giờ, nhiều nhà nghiên cứu và lý luận ở nhiều nước đã bàn về hiện tượng mới mẻ đó. Dựa vào những nguyên lý trong bộ Tư bản của C.Mác, V.I.Lênin là người đầu tiên trong số những người mácxít đã phân tích một cách toàn diện và sâu sắc về chủ nghĩa đế quốc, định rõ bản chất kinh tế và chính trị, chỉ ra những mâu thuẫn nội tại ngày càng gay gắt của nó và đưa đến kết luận: chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cuộc cách mạng xã hội. Lênin đã đưa ra định nghĩa kinh điển về chủ nghĩa đế quốc vượt trên tất cả các định nghĩa trước đây, nhất là về bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Từ nghiên cứu chủ nghĩa đế quốc, Lênin rút ra những kết luận quan trọng đối với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới. Người chỉ ra quy luật phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản trong thời đại chủ nghĩa đế quốc. Sự phát triển không đồng đều ấy quyết định thời gian chín muồi khác nhau của các điều kiện chính trị cho sự thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người nhấn mạnh: “Sự phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Do đó chúng ta thấy rằng chủ nghĩa xã hội có thể thắng trước hết là trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa, hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa, tách riêng ra mà nói”. Kết luận này là sự phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện mới. Đó là sự đổi mới về tư duy, giải đáp đúng lúc những vấn đề của thời đại.

Trong ba năm bị bắt giam và đầy ải tại làng Susenxcôiê ở Xibiri (1897 – 1900), Người đã nghiên cứu chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin và soạn thảo dự án cương lĩnh của Đảng, viết được trên 30 tác phẩm. Hơn hai năm sống lưu vong ở nước ngoài (1912 – 1914), V.I.Lênin đã đăng trên Báo “Sự thật” hơn 280 bài báo với nhiều bút danh khác nhau. Trong các tác phẩm của mình, V.I.Lênin đã giải thích cho quần chúng công nhân về bản chất học thuyết Mác, vạch rõ ý nghĩa của chủ nghĩa Mác cách mạng và kiên quyết đấu tranh chống lại bọn cơ hội, xét lại, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác và triết học Mác.

Thời kỳ 1907 – 1917

Thời kỳ V.I.Lênin kiên trì đấu tranh nhằm khôi phục lại hoạt động của Đảng Bônsêvích và phong trào cách mạng sau thất bại của cách mạng dân chủ tư sản Nga (1905 – 1907) và tích cực chuẩn bị cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, tiếp tục bổ sung, phát triển toàn diện triết học Mác trong điều kiện mới.

Khi những thủ lĩnh cơ hội chủ nghĩa của Quốc tế II như E. Bécstanh, C. Cauxky và những người khác điên cuồng chống lại các nguyên lý của chủ nghĩa Mác, chống lại học thuyết về cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản. Để bảo vệ lý luận của chủ nghĩa Mác, Lênin viết tác phẩm Nhà nước và cách mạng. Tác phẩm đã trình bày một cách có hệ thống và toàn diện học thuyết của Mác về nhà nước, qua đó, Lênin đã khẳng định tính đúng đắn quan điểm Mác - Ăngghen về nhà nước, về cách mạng xã hội đồng thời khẳng định rằng vấn đề nhà nước là một trong những vấn đề căn bản của chủ nghĩa Mác. Từ việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá các quan điểm của Mác và Ăngghen, tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn cách mạng, Lênin đã bổ sung, phát triển học thuyết mácxít về nhà nước với nhiều nội dung, khía cạnh mới, đồng thời xây dựng một cách xuất sắc lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác lên một tầm cao mới.

Thời kỳ 1917 – 1924

Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, V.I.Lênin tiếp tục bảo vệ, phát triển triết học Mác, đồng thời tiến hành đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa chiết trung, phép siêu hình và thuật ngụy biện. Cuộc đấu tranh này diễn ra trong bối cảnh nước Nga bước vào thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nước Nga tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, bị 14 nước đế quốc can thiệp bao vây, cấm vận. Đất nước lâm vào cảnh thiếu lương thực, thiếu nhiên liệu trầm trọng lại bị chia cắt bởi bọn phản động, thù địch đủ loại,… Bên cạnh đó, bọn cơ hội xét lại trong Đảng hình thành những người Mensêvích đấu tranh chống lại các đảng viên Bônsêvích trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa đế quốc tập hợp lực lượng phản động quốc tế và trong nước Nga để âm mưu phá hoại Cách mạng tháng Mười.

Bằng hoạt động lý luận và thực tiễn lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, V.I.Lênin đã thể hiện rõ là một thiên tài, một lãnh tụ, một nhà lý luận kiệt xuất – Người kế tục trung thành và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng trong thời đại mới./.

Tài liệu tham khảo

1.  V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 33, 34, 39.

2. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

3. Nguyễn Bá Dương: Học thuyết của V.I. Lênin và sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

4. TS. Lê Trọng Tuyến - TS. Hà Đức Long (Đồng chủ biên): Tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” của V.I. Lênin với vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.

ThS. Nguyễn Xuân Mỹ - Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

 

các tin khác