06:24 10/04/2020
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, chất lượng công tác phát triển đảng viên (PTĐV) luôn chịu sự quy định của những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nhất định, sự phụ thuộc vào nhiều nhân tố chủ quan và khách quan. Mỗi thời kỳ lịch sử có những đặc điểm, yêu cầu và nhiệm vụ riêng, do đó, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác PTĐV cũng khác nhau.
1. Đặc điểm và những nhân tố tác động đến công tác phát triển đảng viên ở nông thôn hiện nay
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, chất lượng công tác phát triển đảng viên (PTĐV) luôn chịu sự quy định của những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nhất định, sự phụ thuộc vào nhiều nhân tố chủ quan và khách quan. Mỗi thời kỳ lịch sử có những đặc điểm, yêu cầu và nhiệm vụ riêng, do đó, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác PTĐV cũng khác nhau.
Đất nước đang đẩy mạnh CNH, HĐH – một thời kỳ với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng lắm thử thách, khó khăn. Những đặc điểm riêng và nhiều nhân tốt mới xuất hiện, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực hoạt động trong đời sống chính trị - xã hội, trong đó có công tác PTĐV ở nông thôn.
Một là, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học – công nghệ và kinh tế tri thức đang xâm nhập ngày càng sâu sắc vào mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Đây vừa là một trong những đặc điểm nổi bật nhất, đồng thời là nhân tố tác động to lớn đối với các lĩnh vực hoạt động, trong đó có công tác PTĐV nói chung và PTĐV ở nông thôn nói riêng. Đặc trưng của cách mạng khoa học – công nghệ và kinh tế tri thức là sự tham gia của yếu tố trí tuệ trong quá trình lao động. Hàm lượng tri thức trong sản phẩm lao động ngày càng cao. Trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, con người cũng cần phải có tri thức, có trình độ nhất định.
Trong công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, nếu trình độ tri thức của nhân dân mà trước hết là của đội ngũ đảng viên – với tư cách là lực lượng tiên phong trong xã hội nếu không được nâng cao thì đất nước ngày càng tụt hậu, quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn sẽ không đạt được kết quả. Như vậy, vấn đề lựa chọn những người có trình độ trí tuệ, có tri thức để bồi dưỡng kết nạp Đảng là vấn đề cần được quan tâm.
Hai là, thời kỳ giao lưu, mở cửa, hợp tác kinh tế quốc tế sẽ kéo theo sự giao lưu những giá trị bản sắc văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc, tạo cơ hội cho các nước nghèo, kém phát triển tiếp cận với những tri thức khoa học hiện đại của thế giới. Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, tác động đến tâm trạng, lòng tin, sự ổn định chính trị của mỗi quốc gia, mỗi nhóm dân cư. Các thế lực thù địch có thể lợi dụng để làm mất ổn định chính trị - xã hội, làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN. Bằng các thủ đoạn kinh tế, chúng làm suy giảm lý tưởng, niềm tin của bộ phận thanh niên đang phấn đấu vào Đảng, làm lu mờ hình ảnh của Đảng đối với xã hội.
Việc lực chọn những người vừa có tư đuy năng động, có trình độ tri thức cao, biết nắm bắt khoa học – công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, vừa phát huy tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ của công tác PTĐV ở nông thôn.
Ba là, tình hình chính trị thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Cuộc đấu tranh dân tộc, giai cấp ngày càng trở nên gay gắt. Các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu lật đổ chế độ XHCN. Những sự kiện xảy ra ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… là một ví dụ. Thủ đoạn chủ yếu của các thế lực thù địch là gây ra sự hoang mang dao động, mơ hồ về lập trường giai cấp, quan điểm chính trị, hoài nghi về con đường đi lên CNXH trong các tầng lớp dân cư, đặt biệt là lớp trẻ, đối tượng chính của công tác PTĐV ở nông thôn. Trong điều kiện tình hình chính trị phức tạp, trước âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch, công tác PTĐV phải tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, tìm và lựa chọn những người thực sự trung thành với sự nghiệp của Đảng, kiên địch mục tiêu XHCN, nhạy cảm về chính trị, vững vàng về lập trường quan điểm, luôn tiền phong đi đầu trong công cuộc đổi mới.
Bốn là, yêu cầu nhiệm vụ của đất nước ta trong thời kỳ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn rất nặng nề, đang đặt ra cho công tác PTĐV ở nông thôn yêu cầu, nội dung và phương pháp mới.
Sự nghiệp này đòi hỏi phải nâng cao vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, tăng cường hiệu lực của bộ máy chính quyền, địa phương, cải cách các thủ tục hành chính nhằm giải phóng mọi tiềm năng, phát huy nội lực của xã hội, nông thôn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng dân chủ, kỷ cương, bày trừ tiêu cực của bộ phận cán bộ, đảng viên ở nông thôn. Tình hình xã hội nông thôn có ổn định hay không, kinh tế có phát triển và đời sống nông dân có được nâng lên hay không phụ thuộc vào năng lực, trình độ của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, cả những đảng viên mới kết nạp…
2. Một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên
Để nâng cao chất lượng công tác PTĐV nông thôn hiện nay, cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục, tuyên truyền, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng. Trong điều kiện hiện nay, vấn đề giáo dục, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, bồi dưỡng nâng cao ý thức chính trị, hình thành lý tưởng, động cơ vào Đảng đúng đắn là nội dung quan trọng hàng đầu.
Hình thức và phương pháp giáo dục, tuyên truyền phải bám sát từng nhóm đối tượng, đặc biệt là tập trung vào lớp thanh, thiếu niên nông thôn: thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng, đưa vào các trường học, các đoàn thể, nhất là Đội thiếu niên và Đoàn thanh niên; dưới nhiều hình thức; thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ… làm cho thế hệ trẻ hiểu và tin Đảng.
Tuyên truyền, giáo dục phải gắn liền với việc thử thách, rèn luyện qua hoạt động thực tiễn, qua phong trào cách mạng của nhân dân. Đối tượng trước khi được kết nạp vào Đảng phải nhất thiết được giao nhiệm vụ cụ thể. Cần huy động sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng tích cực trong xã hội phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng như các tổ chức Đảng, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các thế hệ lão thành cách mạng…
Thứ hai, mở rộng và tăng cường tạo nguồn từ xa, nguồn có chất lượng trong công tác PTĐV. Chất lượng đội ngũ đảng viên phụ thuộc rất lớn vào công tác tạo nguồn kết nạp Đảng. Công tác tạo nguồn có nhiệm vụ phát hiện, lựa chọn những người ưu tú trong quần chúng nhân dân, giáo dục, bồi dưỡng để họ đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng. Thực tế trong những năm qua, có lúc, có nơi công tác này chưa được chú trọng, nhiều khi còn hình thức, chạy theo chỉ tiêu, thành tích, có khi thụ động, thiếu một chiến lược và kế hoạch cụ thể… Vì vậy, chất lượng đối tượng kết nạp Đảng chưa cao.
Cần mở rộng nguồn kết nạp Đảng, tập trung chủ yếu vào lực lượng nông dân trẻ, số thanh niên mới tốt nghiệp các trường phổ thông, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Đẩy mạnh công tác tạo nguồn ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tăng cường tạo nguồn cho phụ nữ. Phấn đấu ở đâu có dân, ở đó có đảng viên và tổ chức Đảng bám dân, không còn vùng “trắng đảng viên”.
Để nâng cao chất lượng, cần mở rộng dân chủ, dựa vào quần chúng, thông qua phong trào quần chúng, sự tín nhiệm và ý kiến giới thiệu của quần chúng, các đoàn thể mà tổ chức Đảng lựa chọn người đưa vào nguồn phát triển Đảng. Các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ phải có trách nhiệm giới thiệu, bồi dưỡng nguồn cho Đảng. Các tổ chức Đảng cần có chiến lược, có quy hoạch, kế hoạch tạo nguồn lâu dài, ổn định, khắc phục tình trạng “cạn nguồn” ở một số địa phương hiện nay.
Thứ ba, về điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục kết nạp Đảng. Công tác kết nạp Đảng có vai trò quan trọng trong việc trẻ hóa đội ngũ đảng viên. Hiện nay, tuổi trung bình của đảng viên tương đối cao và có xu hướng tăng lên. Chính vì vậy, hướng phát triển Đảng phải tập trung tăng tỷ lệ thanh niên.
Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là có nên quy định trình độ học vấn cho đối tượng được kết nạp ở nông thôn hay không? Quy định trình độ học vấn ở mức độ nào phù hợp? Trong tình hình hiện nay, khi mà trình độ dân trí đang được nâng cao, khi mà kinh tế tri thức và khoa học – công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, nếu đảng viên có trình độ thấp thì không thể tiếp thu, xử lý được thông tin, làm chủ khoa học – công nghệ.
Tuy nhiên, phải tùy theo trình độ dân trí cụ thể từng vùng, từng nhóm dân cư, mà quy định trình độ của người được kết nạp. Về nguyên tắc, người được kết nạp phải là người có trình độ cao hơn mặt bằng dân trí của dân cư nơi họ đang sống, công tác.
Hiện nay, phương hướng chủ yếu nâng cao vai trò lãnh đạo của các đảng bộ, chi bộ nông thôn là tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Đảng không quá khắt khe, chặt chẽ nhưng cũng không chạy theo số lượng, đưa người có trình độ thấp, năng lực kém vào Đảng. Vấn đề cốt yếu của người được kết nạp Đảng là tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, trình độ năng lực, uy tín, trách nhiệm và hiệu quả trong công việc, sự hy sinh phấn đấu và động cơ vào Đảng.
Xã hội đang có những biến đổi mạnh mẽ. Công tác PTĐV ở nông thôn phải đổi mới mạnh mẽ cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng trong thời kỳ mới./.
Tài liệu tham khảo
1. Trang thông tin điện tử Báo mới, Gỡ khó trong công tác phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn, ngày đăng bản tin 17/8/2019.
2. Trang thông tin điện tử Dân trí, Phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn khó – khó, vì đâu?, ngày đăng bản tin 23/7/2019.
ThS. Huỳnh Thị Việt Hoa - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng