10:19 17/08/2021
Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Người chiến sĩ cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú, là niềm tự hào của quê hương An Giang. Trải qua 92 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng không ngừng, Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
ThS. Lê Hữu Lợi
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
Tôn Đức Thắng sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân khá giả ở Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ Tôn Văn Đề và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Dị đều là những người nông dân hiền lành, cần cù, chịu khó, chất phác. Đồng chí Tôn Đức Thắng là con trai đầu lòng, có một em trai và hai em gái. Truyền thống gia đình, quê hương và thời cuộc tác động mạnh và ảnh hưởng nhiều đến chí hướng, tình cảm và nhân cách anh thanh niên Tôn Đức Thắng. Thời thơ ấu, Tôn Đức Thắng theo học chữ nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Bài học làm người, về nhân sinh quan, về tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của Tôn Đức Thắng được truyền từ người thầy đầu tiên, nhà nho yêu nước Nguyễn Thượng Khách, trong nhóm “Đông Kinh nghĩa thục”.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên năm 1906, năm 1907 Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn với ý định học việc và thực hiện hoài bão của cuộc đời. Đây là thời điểm thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất, phong trào công nhân cũng bắt đầu nổi lên từ giai đoạn này. Nhận ra những bất công mà giai cấp công nhân phải chịu đựng, càng giúp Tôn Đức Thắng thêm quyết tâm thực hiện lý tưởng, khát vọng làm những việc hữu ích cho đất nước, cho dân tộc và giai cấp công nhân. Tôn Đức Thắng là người vốn có tư chất thông minh, đầy khát vọng, tính tự lập cao, tư duy nhạy bén, lễ phép, thương người, có tư chất của người lao động kỹ thuật. Chính những điều kiện đó đã dẫn dắt anh sớm đến với phong trào của giai cấp công nhân Việt Nam ngay từ những ngày đầu và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Tôn Đức Thắng đã chọn con đường làm thợ và là thợ cơ khí, điện. Có nghề đi đâu cũng sống được! Đó là chân lý cuộc đời của Tôn Đức Thắng. Đó cũng là chân lý của cuộc sống hiện tại. Tôn Đức Thắng đã lựa chọn thi vào Trường Bách Nghệ để làm thợ. Đây là bước ngoặt quan trọng đầu tiên trong cuộc đời Tôn Đức Thắng – từ đây, ông đã hòa mình vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại chính quyền thực dân đang áp đặt ách thống trị tàn bạo đối với công nhân, nhân dân lao động Việt Nam và ông cũng chính là người tổ chức các cuộc bãi công của công nhân Ba Son năm 1912.
Năm 1915, Tôn Đức Thắng vào học trường Cơ khí Á châu ở Sài Gòn. Năm 1916, Tôn Đức Thắng làm việc trên chiến hạm Phơ-răng-xơ (France). Tại đây, Tôn Đức Thắng đã tham gia cuộc binh biến, phản đối hành động can thiệp chống nước Nga và tham gia vào sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm Phơ-răng-xơ ở Biển Đen vào ngày 20/4/1919. Với sự kiện này, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng tháng mười Nga, ủng hộ chính quyền Xô Viết với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Người nói: “Tôi mơ ước cùng lá cờ đỏ này tuần dương hạm sẽ cập bến Nga, tôi sẽ lên bờ và được dịp tham gia cuộc cách mạng và học tập các bạn Nga, để trở về tổ quốc giúp đỡ dân tộc tôi, vứt bỏ ách nô lệ...”. Sau này, nhân dịp kỷ niệm 40 năm cách mạng Tháng mười Nga, trong bài “Tôi đã tham gia cuộc khởi nghĩa trên Biển Đen, đồng chí Tôn Đức Thắng đã viết: “Tôi tin rằng, bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân được tham gia vào giờ phút lịch sử đó tại Biển Đen, không thể hành động khác tôi, bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc, cũng có nghĩa là yêu cách mạng tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại cách mạng tháng Mười”.
Năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ Bộ Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, tham gia vào quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 7 năm 1929, Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam ở khám lớn Sài Gòn, sau đó, bị kết án 20 năm khổ sai, và đến đêm ngày 2 rạng ngày 3-7- 1930, bị đày ra Côn Đảo. Bị đọa đày trong “địa ngục trần gian” Côn Đảo, Người vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, kiên trung bất khuất, son sắt giữ trọn niềm tin vào cách mạng. Phẩm chất và ý chí cách mạng kiên cường, tấm gương đạo đức trong sáng đã nâng uy tín và tầm ảnh hưởng của Tôn Đức Thắng đối với giai cấp công nhân trong nước và cả thế giới. Những câu chuyện về nghệ thuật tổ chức và tài cảm hóa của “người cặp rằng Hầm xay lúa” mà các bạn tù của Bác Tôn kể lại còn lưu truyền đến ngày nay và mai sau đã minh chứng cho sự kiên cường, óc sáng tạo và “chất người Tôn Đức Thắng”. Suy nghĩ và hành động của Tôn Đức Thắng làm kẻ thù phải e dè, kính nể, bạn tù kính phục. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu: “Trong hoàn cảnh cực kỳ khốn khổ thì biểu tượng cho tình người, tình đoàn kết chiến đấu thật khó kiếm nhiều người hơn Tôn Đức Thắng”. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, từ Côn Đảo trở về, Chủ tịch Tôn Đức Thắng bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới của đồng bào Nam bộ và nhân dân cả nước chống thực dân Pháp trở lại xâm lược. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Chủ tịch Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng, Nhà nước lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhằm ghi nhận công lao to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, lúc sinh thời, trong bài “chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng thọ 70 tuổi” đăng Báo Nhân dân số 1621 ngày 20/08/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định : “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng, 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, chín năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, bốn năm phấn đấu để giữ gìn hoà bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần kiệm liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” và chính trong thời khắc này Người đã trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên được nhận.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng không phải là nhà lý luận, nhà tư tưởng, mà là người thợ, con người hành động, hành động tiên phong. Bằng hành động thực tiễn, Bác Tôn làm cho ta hiểu rõ nhân cách, tình người, đạo làm người... đúng đắn. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, người là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân và tinh thần đấu tranh cách mạng, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân; phấn đấu vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, luôn yêu thương, kính trọng nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ; nhân ái, thủy chung, khoan dung, nhân hậu; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị; tình cảm quốc tế trong sáng, cao cả.
Với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và phẩm chất đạo đức sáng ngời của Người, nhân dân Việt Nam nói chung, những người con quê hương An Giang đều gọi Người bằng “Bác Tôn” – cách xưng hô vừa thể hiện lòng kính trọng và yêu thương Bác. Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương An Giang, được làm việc tại mái trường mang tên Bác Tôn kính yêu – trường chính trị Tôn Đức Thắng. Bản thân tôi cũng như mọi người con quê hương An Giang luôn kính trọng và biết ơn Bác Tôn, cảm phục về tinh thần đấu tranh bất khuất và đức tính cao cả của Người. Học tập và noi gương Bác, tuyệt đối trung thành với mục tiêu và lý tưởng của Đảng, nâng cao tinh thần yêu nước, luôn đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thời, luôn tự trau dồi, giữ vững phẩm chất đạo đức, có lối sống giản dị, khiêm tốn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng trường chính trị Tôn Đức Thắng ngày càng phát triển, quê hương An Giang giàu mạnh./.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy An Giang, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2021).
2. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Ban Tuyên giáo Trung ương – Tỉnh ủy An Giang (2018), Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 115-129.
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Tôn Đức Thắng – Người cộng sản mẫu mực biểu tượng của đại đoàn kết (Hồi Ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.275-282.