Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham nhũng, tiêu cực

08:19 17/04/2023

C.Mác và Ph.Ăngghen không đưa ra những quan điểm riêng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bởi lúc bấy giờ trên thế giới chưa có một tổ chức đảng cộng sản; chưa có quốc gia nào giành được chính quyền cách mạng (trừ Công xã Paris năm 1871 tồn tại hơn 70 ngày, trong hoàn cảnh đặc biệt là chính quyền cách mạng đó chỉ “bó hẹp” trong một thành phố và lực lượng tham gia chủ yếu là công nhân, không phải công nhân đại công nghiệp mà chủ yếu là thợ thủ công); chưa có liên minh công nông… Những ý kiến của C.Mác và Ph.Ăngghen đề cập chung về sự trong sạch, lớn mạnh của đảng vô sản được nêu trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản công bố tháng 02/1848.

GS, TS. Mạch Quang Thắng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quan điểm của V.I.Lênin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Kế thừa và phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen trong một hoàn cảnh mới, V.I.Lênin đưa ra một học thuyết về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản khác hẳn về chất so với đảng kiểu cũ trong khuôn khổ của Quốc tế II. Hơn nữa, V.I.Lênin lại có sự trải nghiệm hơn 6 năm đứng đầu Đảng cầm quyền ở Nga (từ năm 1922 là Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết, gọi tắt là Liên Xô), cho nên chúng ta tìm thấy trong di sản của V.I.Lênin có những quan điểm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách rõ hơn. Thực ra, V.I.Lênin không tách riêng các “căn bệnh”, hoặc “tệ” tham nhũng mà đề cập trong một tổ hợp bao gồm nhiều yếu tố, trong đó rõ nhất là quan liêu, lãng phí, nhận và đưa hối lộ, cơ hội chính trị… như vậy, chúng ta có thể nói gộp chung bằng cụm từ “tiêu cực”. Tiêu cực là chỉ chung nhất, còn tham nhũng chỉ là một “căn bệnh” nằm trong cái chung đó. Sở dĩ tách riêng “tham nhũng” là để nhấn mạnh sự nguy hại rất lớn của nó đối với xã hội mà thôi.

Thứ nhất, nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực: xã hội Xô-viết do Đảng Cộng sản (Bônsêvic) lãnh đạo phải gánh trách nhiệm lớn của xã hội giao cho là đưa nước Nga, sau này là Liên Xô đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng bị chi phối bởi nhiều yếu tố tiêu cực, đồng thời cũng tự sinh ra tiêu cực do sự yếu kém, thoái hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên. V.I.Lênin thấy rõ rằng, tham nhũng, tiêu cực liên quan đến sự tha hóa của người có quyền lực và sử dụng quyền lực trong hệ thống chính trị - xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. Đó chính là sự lạm quyền, là sự kém tu dưỡng, rèn luyện bản thân cán bộ, đảng viên, là sự thiếu kiểm soát, kiểm tra về quyền lực, là quan liêu. Những hạn chế của các quy định, kể cả kẽ hở của thể chế quy định trong Đảng, Nhà nước (cả pháp luật) cùng với sự thoái hóa, biến chất của những người trong bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và những người được phân công nắm giữ tiền của, vật chất, tài sản công dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin đã sớm phát hiện rằng: “Hiện giờ có ba kẻ thù chính đang đứng trước mỗi người, bất kể người đó làm việc gì, ở cương vị nào… kẻ thù thứ nhất - tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ hai - nạn mù chữ; kẻ thù thứ ba - nạn hối lộ”(1). 

Thứ hai, cần thấy rõ tính nguy hại của tham nhũng, tiêu cực: tham nhũng, tiêu cực làm suy yếu Đảng, làm suy giảm quyền lực của Nhà nước. Tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và Nhà nước, một mặt là nguyên nhân của tình trạng tha hóa của các tổ chức chính trị - xã hội, mặt khác, chính sự tha hóa đó lại làm tăng nặng tham nhũng, tiêu cực. Do đó, chúng vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của nhau, thành cái vòng luẩn quẩn, dẫn đến nguy cơ mất cả Đảng và chế độ chính trị Xô-viết. V.I.Lênin cảnh báo: “Nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó (tệ quan liêu, tham nhũng)”(2).

Thứ ba, những giải pháp chủ yếu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: V.I.Lênin lưu ý rằng, đây là cuộc đấu tranh lâu dài và cần có sự phối hợp, sự đồng bộ của các biện pháp. Người nhấn mạnh tới việc phải tăng cường thanh tra, kiểm tra trong Đảng, bởi vì Đảng có trong sạch, vững mạnh thì mới phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả được. Nếu tiến hành mạnh mẽ, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, giám sát sẽ góp phần hạn chế sự lạm quyền, bớt đi những người trong bộ máy lợi dụng hoặc lạm quyền đục khoét của công. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ góp phần sửa chữa, uốn nắn, ngăn ngừa thiếu sót và sai lầm. V.I.Lênin thắng thắn chỉ ra rằng, thanh tra, kiểm tra sẽ góp phần đấu tranh “chống chủ nghĩa quan liêu, nhằm mở rộng dân chủ, phát huy óc sáng kiến, nhằm phát hiện, lột mặt nạ và đuổi ra khỏi Đảng những kẻ lén lút chui vào Đảng”(3). 

V.I.Lênin nhấn mạnh phải tăng cường kỷ luật trong Đảng: “Để chống lại những tính xấu đó, để làm cho giai cấp vô sản có thể thực hiện được một cách đúng đắn vai trò tổ chức của nó (và đó là vai trò chính của nó), một cách có kết quả và thắng lợi thì chính đảng của giai cấp vô sản phải thực hiện được, trong nội bộ của mình, một chế độ tập trung chặt chẽ và một kỷ luật nghiêm ngặt”(4). Đồng thời, phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, khỏi bộ máy Nhà nước Xô-viết những kẻ tham nhũng, tiêu cực: “Tôi rất mong chúng ta có thể đuổi ra khỏi đảng từ 10 vạn đến 20 vạn người đã len lỏi vào Đảng và đã không những không biết đấu tranh chống bệnh giấy tờ cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh này”(5). 

Mặt khác, V.I.Lênin yêu cầu phải xử thật nặng, thật nghiêm những kẻ tham nhũng, đưa và nhận hối lộ trong Đảng, trong Nhà nước để nêu gương. Nhân việc Tòa án Mátxcơva xử nhẹ một vụ ăn hối lộ, V.I.Lênin viết thư gửi cho những người có trách nhiệm: “Không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế thì đó là một việc xấu hổ cho những người cộng sản”; phải “lay động các tòa án nhân dân và dạy cho họ biết trừng trị một cách không thương xót, kể cả việc đem xử bắn... nhanh chóng những kẻ lạm dụng chính sách kinh tế mới”(6); “đối với người cộng sản, phải trừng phạt nặng hơn gấp ba lần so với những người ngoài đảng”(7). Một nội dung nữa là cần tăng cường biện pháp xây dựng bộ máy hệ thống chính trị, tránh cồng kềnh, chồng chéo, đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm cá nhân của từng người trong bộ máy đó một cách nghiêm ngặt, gắn quyền lợi với trách nhiệm, nghĩa vụ, xây dựng cơ chế phát hiện và thải loại những người thoái hóa, biến chất.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 

Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và với trách nhiệm người đứng đầu Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong điều kiện Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng xây dựng bộ máy tổ chức cũng như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thật sự trong sạch, vững mạnh, trong đó chú trọng hơn đối với việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tư tưởng đó thể hiện qua một số nội dung sau:

Thứ nhất, định danh tham nhũng, tiêu cực: Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là tham ô, ít khi dùng cụm từ “tham nhũng”, nhưng nghĩa cơ bản của hai cụm từ “tham ô”, “tham nhũng” gần giống nhau, ở chỗ “lấy của công dùng vào việc tư”(8); có lúc Người nói thẳng ra là ăn cắp của công, là gian lận; đục khoét của nhân dân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung để làm quỹ riêng; khai gian, lậu thuế… Để tìm rõ nguồn gốc và bản chất của tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: vì đâu mà có lãng phí và tham ô. Người đã chỉ ra, tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra: “Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách… Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí”(9); “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn”(10). 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”(11). Người khẳng định: “Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc chắn có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu”(12). Đồng thời, Người còn chỉ ra nhiều căn bệnh tiêu cực khác nữa, đặc biệt là “chủ nghĩa cá nhân” - “bệnh mẹ sinh ra nhiều bệnh con”. 

Đối với chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện cần nhận diện: Một là, tách rời lợi ích của cá nhân mình với lợi ích của Đảng. Hai là, chỉ vun vén cho lợi ích của cá nhân mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (tháng 02/1969): “Việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”(13). Ba là, coi cái tôi cao hơn tất thảy, bất chấp đường lối, chủ trương, nghị quyết, quyết định, điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trăn trở về điều này, từ năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(14). Bốn là, phản bội Đảng, phản bội chế độ chính trị. 

Thứ hai, chỉ ra tác hại của tham nhũng, tiêu cực: Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gọi chung vào một cụm từ “tham ô, lãng phí, quan liêu” - đó là “giặc nội xâm”, thứ giặc nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, nằm ngay trong mỗi người, nằm ngay trong tổ chức của hệ thống chính trị. Có thể gọi tham nhũng là “nạn” hoặc “quốc nạn”, nhưng nên gọi tên đúng nhất là “giặc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi. Nếu là “nạn” thì dùng phương pháp chống nạn, còn đây là “giặc” thì phải dùng phương pháp chống giặc, giết giặc, tiêu diệt giặc. Tham nhũng/tham ô - lãng phí - quan liêu trở thành những nhân tố làm hại Đảng, làm hại Tổ quốc, nhưng những người mang bệnh này bất chấp, miễn là có lợi cho bản thân và gia đình mình. Lãng phí dễ thấy ở đây là lãng phí công sản, chi tiêu ngân sách không đúng quy định, lãng phí đầu tư, bị hối lộ chi phối, tìm trăm phương nghìn kế để cho những người xấu trúng thầu kinh doanh, còn bản thân mình hưởng lợi, chỉ biết có lợi trước mắt cho mình, kệ mặc cho những thế hệ sau này lo chịu hậu quả. Quan liêu đi kèm với tiêu cực là tham nhũng và lãng phí. Đất nước bị mất tiền của, điều đó rất đáng đau xót; nhưng, đáng buồn nhất, đau xót nhất là nhiều giá trị văn hóa bị băng hoại, đặc biệt làm cho niềm tin của Nhân dân, của xã hội đối với Đảng, Nhà nước bị suy giảm nhanh chóng. Mà khi Nhân dân đã suy giảm và mất niềm tin thì mất tất cả. 

Thứ ba, thái độ và biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu rằng, việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu vừa phải chủ động phòng ngừa, vừa phải kiên quyết tiến công, phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có tổ chức thực hiện và có lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, tiến hành thường xuyên, liên tục, không “đánh trống, bỏ dùi”; phải có sự quyết tâm cao của người đứng đầu, sự cố gắng của cán bộ, phải thông qua các cuộc vận động. Người đã phát động Cuộc vận động “nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Thực tiễn cho thấy, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập, bên cạnh tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền dân chủ nhân dân, Đảng ta rất chú ý đấu tranh với “giặc nội xâm”, trong đó biểu hiện rõ nhất là đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình và phê bình là “thang thuốc hay nhất” để phòng, chống tham nhũng; phải kiên quyết, trung thực, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình nhằm đích làm cho mỗi cái tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, còn phần xấu bị mất dần đi. Tự phê bình cần làm thường xuyên như người ta rửa mặt hàng ngày; phải có lý, có tình trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đồng thời, Người nhấn mạnh tới việc kiểm soát quyền lực; chú trọng lựa chọn những người làm công tác kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng, chọn những người liêm khiết, biết đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Ngoài ra, để kiểm tra, kiểm soát quyền lực không chỉ dựa vào lực lượng chuyên trách mà quan trọng nhất cần phải dựa vào tai mắt của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc cần phải công khai trừng trị cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, suy thoái để răn đe, cảnh tỉnh. Ví dụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh y án xử tử hình Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là một điển hình nói lên tính nghiêm minh của Người trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm cho hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, làm cho đất nước tiến nhanh, bền vững hơn nữa vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, làm cho nước ta trở thành một nước hùng cường, sánh vai với các nước phát triển trên thế giới. Gạt bỏ những trở ngại trên con đường phát triển, chống mọi biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực thì Việt Nam mới thực sự là đất nước độc lập - tự do - hạnh phúc như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như học thuyết Mác - Lênin đã chỉ ra./.

Ghi chú:

(1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva 1978, tr.511.

(2) Sđd, tập 54, tr.235.

(3) Sđd, tập 43, tr.109.

(4) Sđd, tập 41, tr.34.

(5) Sđd, tập 39, tr.214.

(6),(7) Sđd, tập 44, tr.486, tr.487.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.65.

(9) Sđd, tập14, tr.141.

(10),(11),(12) Sđd, tập 7, tr.351-369, tr.357, tr.295.

(13),(14) Sđd, tập15, tr.546-547, tr.547.

các tin khác