Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Thông báo Kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình về công tác phòng, chống dịch COVID-19

10:39 21/11/2021

Ngày 19/11, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa có thông báo kết luận số 428/TB-VPUBND, thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại buổi họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo thông báo, trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp; số ca lây nhiễm tiếp tục phát sinh trong thời gian gần đây, bình quân khoảng 500 ca/ngày, đặc biệt xuất hiện các ổ dịch trong các khu công nghiệp, xí nghiệp, nhà máy; ý thức người dân còn chủ quan, lơ là (kể cả một bộ phận công chức), vẫn còn tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện hoặc thực hiện 5K không đúng quy định …

Trước tình hình trên, để kiểm soát tốt dịch bệnh, nhằm đạt được mục tiêu kép, Chủ tịch UBND tỉnh - Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là sau khi tiêm đủ liều vắc xin; luôn thực hiện nghiêm giải pháp “5K”; đồng thời tuyên truyền đề cao ý thức tự giác phòng, chống dịch của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh. 

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và địa phương rà soát, cập nhật lại tỷ lệ người dân tiêm vắc xin, tính tỷ lệ người tiêm trên số dân thực tế đang sinh sống trên địa bàn; sớm phân bổ vắc xin cho các địa phương sau khi tiếp nhận từ Bộ Y tế, đảm bảo trong tháng 11/2021, nâng tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đạt trên 80%. 

Phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng chuyên mục tọa đàm, Hỏi - Đáp hàng tuần về công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó cần tập trung các vấn đề người dân thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm, đồng thời tư vấn các giải pháp cụ thể để người dân ý thức, tự giác bảo vệ mình và gia đình. 

Thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị tại cơ sở; hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai, theo dõi chăm sóc y tế đối với các trường hợp cách ly điều trị F1, F0 không triệu chứng tại nhà nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo, đồng thời giảm áp lực cho hệ thống y tế tuyến trên để tập trung điều trị các bệnh nhân COVID-19 trở nặng. 

Các địa phương chủ động, định kỳ đánh giá cấp độ dịch tại địa phương theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; đồng thời chủ động, linh hoạt ban hành các biện pháp hành chính trên địa bàn phù hợp với quy định và tình hình dịch bệnh cụ thể tại địa phương để kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn; trong đó có quan tâm chú ý đến tiêu chí bao phủ vắc xin mũi 2 đối với người 50 tuổi trở lên (tiêu chí 2b) để cập nhật, điều chỉnh cấp độ và biện pháp hành chính tương ứng. - Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thành lập các Tổ quản lý cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà; thiết lập đường dây nóng (dán trước nhà có đối tượng F1, F0) và bố trí người trực 24/24 để kịp thời tư vấn, theo dõi sức khỏe cho người bệnh khi có biểu hiện trở nặng. 

Cả hệ thống chính trị quyết tâm phấn đấu từ nay đến đầu tháng 12/2021 đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin đối với người từ 18 tuổi trở lên (mũi 2) và trẻ em từ 12-17 tuổi, kiểm soát tốt các ổ dịch trong phạm vi hẹp nhất để sớm đưa các địa phương từ vùng cam trở về vùng vàng (cấp độ 2) và tiến đến xanh hóa toàn tỉnh (cấp độ 1). 

Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong và ngoài Khu Cụm công nghiệp phải xây dựng Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, trong đó có chú ý đến những quy định chung đối với người lao động trong 3 giờ ăn trưa, giao ca, tan ca, thói quen tập trung đi chợ tự phát trước các khu cụm công nghiệp… Giao Ban Quản lý Khu kinh tế cùng với Sở Y tế, Sở Công thương, các đơn vị có liên quan và UBND các địa phương căn cứ thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xây dựng các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất đối với các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp; đảm bảo an toàn thì sản xuất, sản xuất thì phải an toàn; khi phát hiện ca mắc, khẩn trương xác định, khoanh vùng hẹp, khống chế nhanh, không để dịch lây lan diện rộng.

Sở Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học, căn cứ tỷ lệ bao phủ vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong tỉnh, tham mưu UBND tỉnh kế hoạch trở lại Trường đối với các em học sinh,đảm bảo môi trường học tập an toàn, thích ứng trong điều kiện bình thường mới. 

Các cơ sở y tế, bệnh viện trong tỉnh thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện; hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm dịch bệnh vào bệnh viện và nhân viên y tế. 

Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh và các địa phương đánh giá tình hình cụ thể tại các chốt kiểm soát, đề xuất Ban Chỉ đạo tỉnh có phương án quản lý, kiểm soát phù hợp trong điều kiện thích ứng linh hoạt như hiện nay nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định.

Để thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, chủ động kiểm soát dịch bệnh tại các cơ quan, đơn vị công sở, giao Thủ trưởng căn cứ tình hình cụ thể tại từng đơn vị, quyết định việc tổ chức xét nghiệm định kỳ trong đơn vị, vật tư xét nghiệm do đơn vị tự trang bị; đồng thời phối hợp với cơ quan y tế để được hỗ trợ, tập huấn công tác lấy mẫu xét nghiệm và tự triển khai thực hiện tại đơn vị khi có nhu cầu./.

Tài Liệu đính kèm:Tải về
các tin khác