11:23 22/11/2023
Suốt quá trình 75 năm xây dựng, phấn đấu trưởng thành (1948-2023), Trường Chính trị Tôn Đức Thắng An Giang không ngừng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp.
Lãnh đạo tỉnh An Giang trồng cây lưu niệm tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng với sứ mệnh “trồng người” của những chiến sĩ cộng sản, được thành lập năm 1948, với tên gọi Trường Văn - Chánh tỉnh Long Châu Hậu, sau đó lần lượt được đổi tên thành Trường Đảng Phan Đăng Lưu tỉnh Long Châu Hà (1950), Trường Đảng tỉnh An Giang (1958), Trường Trần Phú tỉnh An Giang (1961), Trường Đảng tỉnh Long Châu Hà (1974), Trường Chánh trị tỉnh An Giang (1976), Trường Đảng tỉnh An Giang (1980), Trường Đảng Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang (1985) và từ năm 1995 đến nay là Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang.
Mỗi tên gọi đều gắn với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ và thể hiện vai trò, đóng góp thiết thực trong từng thời kỳ cách mạng. Trong suốt chặng đường đó, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; đổi mới chức năng, nhiệm vụ và hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ.
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù điều kiện hết sức khó khăn, phải di dời địa điểm nhiều nơi, cơ sở vật chất thiếu thốn; cán bộ, học viên vừa giảng dạy, học tập, vừa tham gia chiến đấu, tự túc sản xuất lương thực, thực phẩm... Nhưng trường đã chủ động, tích cực mở lớp với nhiều hình thức từ sơ cấp, sơ trung đến các lớp huấn luyện, bồi dưỡng cho các học viên là cán bộ, đảng viên lãnh đạo phong trào, lực lượng vũ trang, đoàn thể, quần chúng trung kiên.
Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, trường luôn bám sát mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng để xây dựng nội dung chương trình, tổ chức lớp học sát hợp với thực tế. Những cán bộ được trường đào tạo, bồi dưỡng đều nắm vững những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng; đã vận dụng tốt vào thực tiễn công tác, chiến đấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, một lòng tin tưởng vào Đảng; nhiều đồng chí trở thành cán bộ chủ chốt của tỉnh.
Giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng An Giang đạt giải “Giảng viên dạy giỏi” tại Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ 8
Giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng An Giang đạt giải “Giảng viên dạy xuất sắc” tại Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ 8
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, An Giang tiếp tục đối mặt với chiến tranh biên giới Tây Nam, sản xuất và đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhưng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường vẫn không ngừng được củng cố; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư; các khoa, phòng chuyên môn từng bước hình thành và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh; số lượng, loại hình lớp, học viên và cấp học tăng lên theo từng năm. Nét nổi bật đánh dấu sự tích cực, sáng tạo, trưởng thành của trường giai đoạn này là mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán quần chúng; kịp thời đáp ứng yêu cầu khắc phục khó khăn của Đảng bộ tỉnh sau giải phóng với số lượng đảng viên chỉ hơn 1.180 đồng chí, nhiều cơ sở còn “trắng” đảng viên.
Qua đào tạo bồi dưỡng, nhiều đồng chí đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, trở thành lực lượng nòng cốt ở các địa phương, bổ sung nguồn lãnh đạo chủ chốt các cấp; nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 1984, trường mở lớp trung cấp lý luận chính trị đầu tiên - đánh dấu bước trưởng thành vượt bật về qui mô, chương trình, tổ chức bộ máy và trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, từ đó trường vinh dự được mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu (1985).
Quán triệt đường lối đổi mới của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (nhiệm kỳ 1986 - 1990), nhất là “đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, mở đường giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, trọng tâm là phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học.
Chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng không ngừng được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao trình độ lý luận; củng cố lập trường, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ ở cơ sở. Đặc biệt, giai đoạn 1989 - 1991 khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, nhiều trường Đảng của các tỉnh ngưng mở lớp trung cấp lý luận chính trị, chờ chỉ đạo của trên, nhưng trường chính trị tỉnh vẫn nghiên cứu, chọn lọc, biên soạn tài liệu, nội dung bài giảng phù hợp với tình hình mới và duy trì việc mở lớp trung cấp lý luận chính trị. Đây là việc làm đúng đắn, sáng tạo, kịp thời; mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Khánh thành Ký túc xá - Nhà khách 5 tầng tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Giai đoạn hiện nay, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về nhiều mặt; đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đóng góp thiết thực vào quá trình đổi mới và phát triển của tỉnh. Trong 5 năm qua, trường đã đào tạo, bồi dưỡng gần 14.800 lượt cán bộ (bình quân gần 3.000 lượt/năm); cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy từng bước được quan tâm đầu tư; công tác phối hợp giữa nhà trường với các cơ sở đào tạo tuyến trên và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được thực hiện thường xuyên, hiệu quả; đặc biệt, trường luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học chính trị để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho địa phương (trường hiện có 3 tiến sĩ, 29 thạc sĩ, 11 cử nhân; 22 giảng viên có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân, 20 có trình độ trung cấp lý luận chính trị)... Đến nay, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng thật sự trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị của tỉnh.
Những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã "đơm hoa, kết thành trái ngọt", nhiều thế hệ học viên của trường đã trưởng thành, giữ nhiều trọng trách ở các cơ quan Trung ương và của Tỉnh, luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác; chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, góp thêm truyền thống vẻ vang của ngôi trường được mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ghi nhận những đóng góp tích cực đó, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Cờ Thi đua của Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia và rất nhiều Bằng khen của bộ, ngành Trung ương và của tỉnh.
Sự phát triển nổi bật của trường còn thể hiện rõ nét qua kết quả thực hiện các tiêu chí chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Hiện Trường đang tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành các chỉ tiêu còn lại để trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận.
Từ kết quả hoạt động và sự tiếp nối tích cực truyền thống 75 năm qua, có thể rút ra những bài học quý báu:
Một là, luôn tin tưởng và chấp hành tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng; bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh để xây dựng phương án, lộ trình, kế hoạch phát triển Trường Chính trị trong từng giai đoạn cách mạng.
Hai là, thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi về chuyên môn, có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, sẵn sàng cống hiến vì sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Ba là, tập trung đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn lý luận với thực tiễn; phát huy tính sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu của học viên; hướng tới giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
Bốn là, liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các Học viện, trường đại học, Trung tâm Chính trị cấp huyện và các ban ngành để mở rộng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nâng cao nhận thức, năng lực công tác cho cán bộ, đảng viên.
Năm là, tranh thủ, huy động mọi nguồn lực để đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất; đổi mới phương thức quản lý; thực hiện tốt quy chế dân chủ, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để xây dựng nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống chính trị của tỉnh.
Nhiệm vụ chính trị tỉnh An Giang trong những năm tới đặt ra yêu cầu rất lớn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; là yêu cầu cấp thiết và trách nhiệm nặng nề của các cơ sở đào tạo trong tỉnh, trong đó có vai trò quan trọng của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.
Tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống 75 năm xây dựng, phấn đấu, trưởng thành, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là Trường Đảng mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến!
TS. Lê Hồng Quang,
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy An Giang