Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Không thể phủ nhận thành quả phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

04:09 07/02/2022

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập đến nay, khi đứng trước những bước ngoặt hoặc thời điểm gắn với những sự kiện quan trọng, các thế lực thù địch thường đẩy mạnh việc thực hiện chống phá Đảng, Nhà nước về tư tưởng bằng những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi nhằm chống phá tận gốc nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam,… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, trước và sau thời điểm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì sự chống phá của các thế lực ngày càng quyết liệt hơn, trong đó chúng nhắm vào thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới của Đảng từ Đại hội VI - 1986.

ThS. Lê Châu Mỹ Hoa

Khoa Lý luận cơ sở

Chúng cho rằng, không thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ tư bản được, mà phải: phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng (!); giải quyết các vấn đề xã hội phải theo chủ nghĩa xã hội dân chủ như Thụy Điển, Phần Lan thông qua việc mở rộng dân chủ, đấu tranh nghị trường để nhân dân được tự do lựa chọn chế độ chính trị (!). Không những thế, chúng rêu rao rằng: Không thể có chủ nghĩa xã hội, và chủ nghĩa xã hội chính là bước quá độ từ nghèo nàn, lạc hậu tiến tới chủ nghĩa tư bản, do đó Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn sai con đường (!). Chúng cho rằng: “đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chắp vá, không tưởng. Việt Nam hiện nay đang đứng ở ngã ba đường, không biết đi theo con đường nào. Nếu không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ bị trả giá, tự giác thì đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích đau đớn hơn, chậm chạp hơn”, không những thế chúng còn cho rằng kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội không thể hòa nhập được,… còn rất nhiều những luận điệu xảo quyệt và thâm độc mà chúng đưa ra nhằm đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Tuy nhiên, chúng quên rằng:

“Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

Đó là những giá trị của chủ nghĩa xã hội, là mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam kiên định, kiên trì hướng tới, như sự khẳng định của Đảng ta tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Sự lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta thực chất chính là “bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa”, chứ không phải bỏ qua những thành tựu của nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Cụ thể, để đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là việc Đảng ta đã kế thừa những thành tựu của nhân loại một cách có chọc lọc trên cơ sở khoa học.

Thực tiễn trước đổi mới, sản xuất nông - công nghiệp ở nước ta diễn ra tình trạng đình đốn; lưu thông, phân phối ách tắc; lạm phát ở mức ba con số. Đời sống của các tầng lớp nhân dân sa sút. Ở thành thị, lương tháng của công nhân, viên chức chỉ đủ sống 10 - 15 ngày. Ở nông thôn, hàng triệu gia đình nông dân thiếu ăn. Dẫn đến tiêu cực xã hội lan rộng, lòng dân không yên. Nguyên nhân, thời kỳ này Đảng ta thực hiện cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp đã không tạo được động lực phát triển, làm suy yếu nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế khác, kìm hãm sản xuất, làm giảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, gây rối loạn phân phối lưu thông và làm nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Đến Đại hội VI, Đảng ta đã dứt khoát từ bỏ mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Trong Cương lĩnh năm 1991 khẳng định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”. Đại hội VIII tháng 6/1996, Đảng đưa ra quan niệm mới, rất quan trọng về kinh tế hàng hóa và chủ nghĩa xã hội: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng”. Tuy nhiên, thời điểm này, những măt tích cực của các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý nền kinh tế thị trường là để phục vụ mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đại hội IX tháng 4/2001 khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mới chính thức được nêu trong văn kiện của Đảng, xem đó là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta” xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “một kiểu kinh tế thị trường mới” vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa được dẫn dắt và chi phối bởi các nguyên tắc, bản chất của chủ nghĩa xã hội, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng; kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; kinh tế hỗn hợp, đa sở hữu, nhất là các doanh nghiệp cổ phần ngày càng phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu con người, làm cho đời sống người lao động ngày càng sung túc hơn, tiến bộ hơn. Cho nên, trong quan hệ phân phối, Đảng ta luôn chú trọng tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Vì công bằng xã hội không chỉ là động lực, mà còn là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo được thụ hưởng những chính sách chăm sóc, hỗ trợ, làm cho bản chất xã hội chủ nghĩa ngày càng sáng tỏ hơn.

Thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Về kinh tế: Sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua rất đáng ghi nhận. Công cuộc đổi mới từ năm 1986 đã nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Giai đoạn 2002-2019, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). Đại bộ phận người nghèo còn lại ở Việt Nam là dân tộc thiểu số, chiếm 86%.

Năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục có khả năng chống chịu cao, nhờ nhu cầu trong nước và sản xuất định hướng xuất khẩu được duy trì ở mức cao. GDP thực tăng ước khoảng 7%, tương tự tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2018, điều này cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực.

Năm 2020, với độ mở về kinh tế và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP đạt 1,8% trong nửa đầu năm, dự kiến cả năm đạt 2,8%. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không dự báo suy thoái kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến năm nay thấp hơn nhiều so với dự báo trước khủng hoảng (6-7%). Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 rất khó đoán định, tùy thuộc vào quy mô và thời gian kéo dài của dịch bệnh. Sức ép lên tài chính công sẽ gia tăng do thu ngân sách giảm, trong khi chi ngân sách tăng lên để kích hoạt các gói hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19.

Về xã hội: Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi nhanh về cơ cấu dân số và xã hội. Dân số Việt Nam đã đạt 96,5 triệu dân vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 120 triệu dân tới năm 2050. Hiện nay, 70% dân số có độ tuổi dưới 35, với tuổi thọ trung bình gần 76 tuổi, cao hơn những nước có thu nhập tương đương trong khu vực. Tầng lớp trung lưu đang hình thành, hiện chiếm khoảng 13% dân số và dự kiến sẽ tăng lên đến 26% vào năm 2026.

Trong giai đoạn 2010-2020, Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69. Một em bé Việt Nam được sinh ra ở thời điểm hiện nay khi lớn lên sẽ đạt mức năng suất bằng 69% so với cũng đứa trẻ đó được học tập và chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Như vậy, Việt Nam là quốc gia có Chỉ số Vốn con người cao nhất trong số các quốc gia có thu nhập trung bình, tuy nhiên vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa các địa phương, nhất là ở nhóm dân tộc thiểu số.

Y tế của nước ta cũng đạt nhiều tiến bộ khi mức sống ngày càng cải thiện. Trong giai đoạn 1993-2017, tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 32,6 xuống còn 16,7 (trên 1.000 trẻ sinh). Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 lên 76,3 tuổi trong giai đoạn 1990-2016. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73, cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới, với 87% dân số có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh còn ở mức cao và ngày một tăng, điều này cho thấy tình trạng phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất, dự báo đến năm 2050 nhóm tuổi trên 65 sẽ tăng gấp 2,5 lần.

Trong 30 năm qua, việc cung cấp các dịch vụ cơ bản đã có sự thay đổi tích cực. Khả năng người dân tiếp cận hạ tầng cơ sở được cải thiện. Tính đến năm 2016, 99% dân số sử dụng điện chiếu sáng, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 14% năm 1993. Tỷ lệ tiếp cận nước sạch nông thôn cũng được cải thiện, từ 17% năm 1993 lên 70% năm 2016, trong khi tỷ lệ ở thành thị là trên 95%.

Như vậy, từ thực tiễn và lý luận, có thể khẳng định, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế không chỉ phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế của thời đại, mà còn là mô hình kinh tế phù hợp với các nước kinh tế chưa phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với những thành tựu đạt được thời gian qua đã góp phần khẳng định: Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử./.

Tài liệu tham khảo

1. GS.TS Vũ Văn Hiền (chủ biên) (2020), “Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng”, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật.

2. GS. TS Nguyễn Phú Trọng-Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội VIII, Nxb CTQG, H, 1996.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011.

5. Nguyễn Thị Hương, Lê Thị Phương – Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thái Nguyên, “Thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.

- Xem tại: https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/thuc-tien-phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam-331532.html

6. Nguyễn Đức Luận, giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Lâm nghiệp, Chương Mỹ, Hà Nội, “Đường lối kinh tế của Đảng từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng đến nay”.

-  Xem tại: https://vnuf.edu.vn/duong-loi-kinh-te-cua-dang-tu-khi-dat-nuoc-hoan-toan-giai-phong-den-nay.html

các tin khác