02:19 13/11/2024
ThS. Nguyễn Thành Nhân,
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang
An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long nằm về phía Tây Nam của Tổ quốc. Phía Tây – Tây Bắc giáp với Vương quốc Campuchia, Đông – Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, Tây – Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang và Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ. Tỉnh có diện tích tự nhiên trên 3.536 km2, hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (tương đương 297.000 ha). Có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (7 huyện, 2 thị xã, 2 thành phố); 156 đơn vị hành chính cấp xã. Có biên giới với Vương quốc Campuchia gần 100 km (giáp với 02 tỉnh Takeo và Kandal). Dân số toàn tỉnh là 1.908.352 người1. (đứng thứ 08 cả nước và đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long), 68% dân số nông thôn. Có 29 dân tộc anh em, trong đó 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Chăm, Khmer2.
Tuyến biên giới giáp vương quốc Campuchia là cửa ngỏ thông thương với các nước bạn Campuchia, Lào, Thái Lan… qua 2 cửa khẩu quốc tế đường thủy (Vĩnh Xương, Tân Châu) và đường bộ (Tịnh Biên), 2 cửa khẩu quốc gia Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông (An Phú). Giao thông thủy bộ tương đối thuận tiện cho việc đi lại với Quốc lộ 91 là trục trung tâm, đặc biệt là giao thông thủy với sông Tiền và sông Hậu chảy qua địa phận An Giang dài khoảng 180 km cùng hàng trăm kênh, rạch lớn nhỏ. Thời tiết có 2 mùa mưa nắng rõ rệt còn được gọi mùa khô và mùa nước do nước sông Cửu Long từ thượng nguồn đổ về tràn ngập ruộng đồng, còn gọi là “mùa lũ” hay “mùa nước nổi”, được thể hiện qua ý thơ: “…Sáu tháng đạp đất đồng khô, nửa năm đi trên mặt nước”.
Trong suốt chiều dài lịch sử vùng đất An Giang, hệ thống sông ngòi, kinh, rạch dày đặc là thuận lợi cho giao thông đường thuỷ, cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá; cung cấp nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, rửa phèn và mang phù sa bồi lắng cho đồng ruộng thêm màu mỡ… góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội; đồng thời cũng là thuận lợi góp phần cho việc chống ngoại xâm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Kinh Vĩnh Tế được Thoại Ngọc Hầu- Nguyễn Văn Thoại đốc suất đào vào cuối năm 1819, con kinh nối liền Châu Đốc đến Hà Tiên. Sau mấy lần gián đoạn, đến giữa năm 1824 kinh hoàn thành, dài khoảng 100 cây số. Tổng số dân binh huy động lên đến 80.000 người (Kinh, Khmer). Đây là công trình giao thông, thủy lợi lớn nhất ở Nam bộ vào đầu thế kỷ XIX có tính chiến lược lâu dài cho mục tiêu kinh tế- xã hội và quốc phòng. Để ghi ơn bà Châu Thị Tế (vợ Nguyễn Văn Thoại) là người có công lao to lớn trong việc tổ chức đào kinh, vua Minh Mạng ban lệnh đặt tên kinh là Vĩnh Tế và tên núi Sam là Vĩnh Tế sơn và đến năm 1836 cho khắc hình kinh Vĩnh Tế vào Cửu Đỉnh ở Ngọ Môn Huế3.
Trong hệ thống kinh rạch ở An Giang, có thể nói kinh Vĩnh Tế thể hiện tầm nhìn chiến lược của tiền nhân nhằm phát triển vùng đất rộng lớn phía hữu ngạn sông Hậu, là con kinh có vai trò rất quan trọng góp phần phát triển vùng đất An Giang trở nên trù phú như ngày nay.
Kinh Vĩnh Tế- tầm nhìn chiến lược góp phần phát triển vùng đất An Giang
Đầu thế kỷ XIX, vùng đất phía Tây Nam hữu ngạn sông Hậu là vùng đất chưa được khai phá nhiều, dân cư thưa thớt. Nhìn tổng thể, khu vực tứ giác Long Xuyên4 là một vùng trũng to lớn, bị ngập lụt hằng năm, nhiều phèn và chịu nhiễm mặn từ vịnh Thái Lan vào. Từng nhóm cư dân nhỏ sống cô lập, không có đường giao thông kết nối, chỉ có những con rạch nhỏ tự nhiên, thiếu nước ngọt cho sản xuất và đời sống.
Cuối năm 1816, thành Châu Đốc xây xong, vua Gia Long xem hoạ đồ vùng Châu Đốc, Hà Tiên đã nhận định: “Xứ này nếu mở đường thuỷ thông với Hà Tiên thì hai đàng thông thương đều lợi. Trong tương lai dân đến ở càng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy”, “mà cũng là lợi chung cho việc canh nông và thương mãi nữa”5.
Minh Mạng năm 1821 truyền cho Nguyễn Văn Thoại: “Châu Đốc là vùng xung yếu, phải khéo trong mọi trường hợp, trấn an phủ dụ dân địa phương. Trước hết phải chiêu mộ dân buôn, xây dựng xóm làng, làm cho số dân đinh và số hộ khẩu ngày càng tăng, ruộng đất ngày càng khẩn thêm”.
Giữa năm 1824, việc đào kinh Vĩnh Tế hoàn thành, dài khoảng 100 cây số, góp phần quyết định trong cải tạo môi trường sinh thái, tạo ra một không gian xã hội ổn định lâu dài, phát triển, nhất là về nông nghiệp, nông thôn.
Đánh giá lợi ích to lớn của kinh Vĩnh Tế, Nguyễn Văn Thoại trong bia “Vĩnh Tế Sơn” dựng năm Minh Mạng thứ 9 (1828) tại chân núi Sam đã viết:
“Thần thụ mệnh vua, siêng năng kính cẩn, nhóm dân lập ấp; tuỳ xem địa thế: một đường ngang song song thông ra Trường Giang, một đường thông lên Sốc Vinh, một đường ngay đến Lò Gò, vỗ về dân sự, mở mang thôn lạc, khai phá ruộng vườn, tuy trong muôn phần chưa thoả mãn được một, nhưng đem này mà sánh xưa, thì đã khác lạ lắm”.
“Từ ngày dọn cỏ dẹp gai trở đi, rành rành chân núi trắng phau, trọi trọi ngọn tre xanh ngắt, cảnh núi trở nên tươi đẹp, sừng sửng vọt lên. Ngắm dò dòng nước biếc bên bờ cao, ruộng vườn bao quanh chân núi, hơi lam tuôn cuốn lẫn khói nấu cơm, chùa chiền trên chót hương toả mây lồng, thật không kém gì phong cảnh trung châu vậy”.
Thật vậy, kinh Vĩnh Tế dẫn nước ra biển Tây, góp phần điều tiết lũ cho vùng đất An Giang và tứ giác Long Xuyên. Từ đó, nước ngọt xổ nhèn, rửa mặn, bồi lắng phù sa màu mỡ, đất đai được khai khẩn, làng xóm nông thôn được mở rộng dần. Đồng thời dòng kinh cũng là con đường lưu thông hàng hoá, làm tiền đề cho kinh tế nông thôn phát triển. Đến năm 1831, vùng Châu Đốc lập được 4 làng nhỏ, dân đinh có hơn 80 người, bình quân mỗi làng có 20 dân đinh6.
Đến năm 1832, tỉnh An Giang chính thức được thành lập gồm 2 phủ Tuy Biên, Tân Thành và 4 huyện: Tây Xuyên, Phong Phú, Đông Xuyên và Vĩnh An, tỉnh thành đặt tại chợ Châu Đốc. Toàn tỉnh ngạch bộ đinh là 25.615 người, sinh sống ở 41 thôn và phường phố (trong đó có 3 phường và 2 phố của người Hoa). Công cuộc khẩn hoang, lập ấp tiếp tục được đẩy mạnh. Cho đến năm 1836, theo Địa bạ triều Nguyễn chỉ riêng hai huyện Tây Xuyên và Đông Xuyên (là địa phận chủ yếu của tỉnh An Giang ngày nay) lập được 7 tổng, 91 làng.
Năm 1838, vùng này đã thành lập hàng chục xã thôn rãi rác từ Núi Sam, dọc theo hai bờ kinh về phía Hà Tiên với các làng như: Vĩnh Tế, Nhơn Hoà, An Quí, Thân Nhơn, Vĩnh Bảo, Long Thạnh, Vĩnh Gia, Vĩnh Lạc… Đến năm 1854, Nguyễn Tri Phương báo cáo đợt khai hoang ở An Giang lập thêm 23 ấp mới. Đến năm 1866, Trần Hoàn- doanh điền sứ An Giang- Hà Tiên báo cáo đã mộ được 1.646 dân đinh, thành lập được 149 thôn và khẩn thêm được 8.333 mẫu ruộng.
Là đất khai phá sau cùng ở Nam bộ, An Giang có thể nói là một vùng đất biên thuỳ, đầy khó khăn, nhờ các công trình thuỷ lợi, nhất là việc đào kinh Vĩnh Tế ngày mà càng trở nên trù phú. Đồng bào người Kinh, Khmer, Hoa, Chăm... đã cố kết, cùng nhau khai khẩn đất hoang dựng nên làng mạc, sống đùm bọc, chan hòa, trong sự đa dạng về văn hóa. Cư dân sống dựa vào kinh rạch, đồng ruộng, với nghề làm ruộng, đánh bắt cá, tôm... và một số nghề thủ công như dệt, mộc, đan lát, nắn nồi, chạm khắc đá v.v.. Hình thành nên vùng đất mới với cộng đồng các dân tộc đoàn kết chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, có nền văn hoá đa dạng và kinh tế- xã hội ngày càng phát triển.
Từ kinh Vĩnh Tế đến hệ thống kinh thoát lũ ra biển Tây- tư duy chiến lược góp phần phát triển kinh tế- xã hội tỉnh An Giang
Dưới thời thực dân, đế quốc xâm lược, để khai thác nông nghiệp, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trên cơ sở các kinh đã có sẵn (Vĩnh Tế, Thoại Hà, Vĩnh An…) có đào thêm một số kinh để khai thác nông nghiệp, phục vụ chiến tranh xâm lược. Đến năm 1969, diện tích sản xuất lúa của An Giang là 275.000 ha, sản lượng 465.000 tấn, năng suất bình quân 1,69 tấn/ha. Tuy nhiên, những năm sau đó chiến tranh ác liệt, nhiều diện tích đồng ruộng bị bỏ hoang, sản lượng lương thực không tăng, người dân thiếu đói. Năm 1975, sau giải phóng, Trung ương phải cứu đói.
Từ sau giải phóng, trước tình cảnh ruộng đất bao la, dân đông mà lại thiếu đói lương thực, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh An Giang luôn xem sản xuất nông nghiệp là nền tảng, lương thực là mặt trận hàng đầu và thuỷ lợi là khâu then chốt, đột phá.
Có thể nói tầm nhìn chiến lược của tiền nhân đã được tiếp nối, từ thực tiễn kinh nghiệm về tác dụng của các kinh đào, nhất là kinh Vĩnh Tế trong quá trình khai hoang, phục hoá, phát triển vùng tứ giác Long Xuyên nói chung, tỉnh An Giang nói riêng, đã giúp hình thành nên tư duy chiến lược về hệ thống kinh thoát lũ ra biển Tây, góp phần đưa nước ngọt, phù sa màu mỡ từ sông Hậu đổ về giúp tiêu mặn, rửa phèn vùng đất hoang hoá, đồng thời giảm độ ngập sâu vào mùa nước lũ.
Tư duy chiến lược này được hiện thực hoá bằng Quyết định 99-TTg ngày 09/02/1996 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về công tác thuỷ lợi- kiểm soát lũ, xây dựng giao thông, bố trí lại dân cư… cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tứ giác Long Xuyên, có tỉnh An Giang.
Điển hình nhất cho thực hiện chủ trương chiến lược này là hệ thống các kinh đào T3, T4, T5, T6, kinh Nông Trường, kinh Hà Giang… và 2 đập cao su Tha La và Trà Sư nhằm thoát lũ ra biển Tây.
Trên địa bàn An Giang có các kinh T4, T5, T6. Năm 1996, kinh T6 đoạn dưới nối vào giữa kinh Mới được khởi công và cơ bản hoành thành. Năm 1997, khởi công và hoàn thành kinh T5 trước lũ tháng 8. Năm 1998, khởi công kinh T4, đồng thời nạo vét kinh Vĩnh Tế và làm tuyến đê ngăn lũ bờ Nam kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Hà Tiên và các công trình cống, đập trên tuyến, bịt kín 7 cầu. Năm 1999 đào tiếp đoạn kinh T6 nối dài, mở vàm từ kinh Vĩnh Tế nối vào đoạn đã đào năm 1976 để thoát lũ lớn hơn. Cuối tháng 9/1999, các tuyến đê ngăn lũ và 2 đập Tha La và Trà Sư hoàn thành. Cả 3 tuyến kinh T4, T5, T6 đều có điểm xuất phát từ kinh Vĩnh Tế, chạy song song, dẫn nước tiêu mặn, rửa phèn và thoát nước lũ ra vịnh Thái Lan.
Phần diện tích của tỉnh An Giang trong vùng tứ giác Long Xuyên là 239.200 ha, chiếm 47,43% của vùng và chiếm 69,8% diện tích toàn tỉnh. Diện tích có khả năng nông nghiệp chiếm 58,70% đất nông nghiệp cả tỉnh. Khai thác vùng này, tỉnh ban hành chính sách người đi khai hoang nhận được 4 ưu đãi: (1) Mỗi hộ được nhận 3 ha, nếu có khả năng làm hơn, có thể cấp thêm để khai phá, nhưng chỉ là cho mướn, đồng thời cấp riêng cho mỗi hộ từ 100 m2 đến 300 m2 để làm sân phơi, nhà ở. (2) Người khai phá được ưu đãi về thuế. Đối với đất chuyển vụ được giữ ở mức cũ trong 3 năm, nếu là đất khai hoang, được miễn thuế trong 3 năm. (3) Tỉnh đầu tư toàn bộ cho công trình thủy lợi lớn như: kinh cấp 1 và cấp 2. (4) Người khai phá xong, tiến hành sản xuất thì ngoài phần làm nghĩa vụ thuế và bán sản phẩm theo nghĩa vụ, số sản phẩm còn lại được quyền tự do vận chuyển và đem bán sản phẩm ngoài thị trường.
Từ 1988 đến 1992 tỉnh An giang đầu tư trên 86 tỷ đồng vào vùng tứ giác và hàng chục tỷ đồng cho chương trình khuyến nông; hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp và cho nông dân vay. Đầu tư thủy lợi có vốn của Trung ương 14 tỷ đồng, vốn tỉnh 33 tỷ đồng và vốn nông dân 39 tỷ đồng. Người dân còn bỏ tiền để cải tạo đất và vốn lưu động cho sản xuất trên 180 tỷ đồng.
Ngoài việc đầu tư thủy lợi và các dịch vụ trực tiếp cho sản xuất, An Giang còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng trên 300 km đường điện; 860 km đường giao thông và 841 cây cầu nông thôn; các cơ sở y tế, giáo dục, đài truyền thanh, trạm thông tin nông nghiệp, chợ nông thôn… cho khu vực này.
Tỉnh đã thu hút không những người trong tỉnh, còn lôi cuốn nhiều cá nhân, tập thể thuộc các doanh nghiệp nhà nước ở ngoài tỉnh. Đã điều động 64.575 dân, 11.979 hộ, trong đó có 30.925 lao động nhận khai thác 5.300 ha đất hoang vùng tứ giác.
Đến năm 1996, An Giang đã khai thác cơ bản vùng tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh (còn 13.000 ha rốn phèn giáp Kiên Giang đến 2001 cải tạo xong). Sản xuất tăng vụ vượt xa dự kiến năm 1995. Sau 10 năm khai thác vùng tứ giác (1988 - 1998), đến 1999, sản lượng lương thực của tỉnh trên 2,34 triệu tấn. Trong đó, sản lượng lương thực của vùng tứ giác thuộc tỉnh đạt gần 1,53 triệu tấn (chiếm 65,2%), cao gấp hơn 3 lần so với năm 1988.
Việc hiện thực hoá tư duy chiến lược đã tác động lớn làm thay đổi phương châm từ “chống lũ”, “tránh lũ”- “né lũ”, sang “khai hoang, phục hoá”, “sống chung an toàn với lũ”, “khai thác lợi thế mùa nước nổi”, đến nay là “thuận thiên”, đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. An Giang từ tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực với sản lượng lúa khoảng 848 ngàn tấn (năm 1986), đến có dư để xuất khẩu, đạt trên mức 02 triệu tấn lần đầu tiên vào năm 1996, trên mức 03 triệu tấn vào năm 2007 và từ năm 2023 đến nay trên 04 triệu tấn, là một trong những tỉnh có sản lượng lúa đứng hàng đầu cả nước, hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia7.
Tóm lại, lịch sử đã chứng minh cách nay 200 năm, đào kinh Vĩnh Tế nối sông Hậu ra biển Tây cho thấy các bậc tiền nhân đã có sự nghiên cứu sâu sắc, nắm bắt và vận dụng được quy luật tự nhiên vào cuộc sống. Thực tế chứng minh nước kinh Vĩnh Tế quanh năm chảy ra hướng Tây. Trong mùa lũ con kinh làm nhiệm vụ thoát lũ, trong mùa cạn thì dẫn nước sông Hậu cấp cho vùng nội đồng. Tầm nhìn chiến lược đó đã được các thế hệ sau tiếp nối, phát huy, mở rộng, hoàn thiện và hình thành nên hệ thống công trình thuỷ lợi đồ sộ, lấy kinh Vĩnh Tế làm trung tâm, tạo thành một hệ thống liên hoàn điều tiết lũ- khai thác nguồn nước- cải tạo môi trường- phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của vùng tứ giác Long Xuyên, trong đó có tỉnh An Giang ngày càng trù phú. Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kinh Vĩnh Tế 1824-2024, ôn cố tri tân, thiết nghĩ, trong quá trình xây và phát triển tỉnh An Giang, chúng ta cần tiếp tục khai thác những tiềm năng của hệ thống thuỷ lợi khoa học này, đồng thời hơn thế nữa cần kế thừa tầm nhìn và tư duy chiến lược của các bậc tiền nhân về nắm bắt và vận dụng đúng đắn các quy luật tự nhiên vào thực tiễn cuộc sống./.
Chú thích:
1. Số liệu thống kê năm 2019.
2. Gần 93.000 đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Hoa: 5.234, Chăm: 11.171, Khmer: 75.878; các dân tộc còn lại chiếm tỉ lệ không đáng kể 0,02%.
3. Lịch sử Đảng bộ An Giang tập 1, trang 15, Tỉnh uỷ An Giang, năm 2002.
4. Tứ giác Long Xuyên là một vùng đất hình tứ giác thuộc vùng ĐBSCL trên địa phận Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ: lúc bấy giờ đây là vùng nhiễm phèn và hoang hóa, khắp nơi chỉ có cây tràm và cỏ dại...
5. Quốc triều chánh biên toát yếu, quyển 2, tở 57a, dẫn lại theo Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, NXB Hương Sen, Sài Gòn, 1971, trang 185.
6. Sơn Nam, Đất Gia Định xưa, NXB Tp Hồ Chí Minh, 1993, trang 65.
7. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người tỉnh An Giang đạt trên 46,8 triệu đồng, tương đương 1.910 USD. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,93%.