Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Nhận diện tham nhũng thông qua Nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam và bài học kinh nghiệm

08:53 05/03/2019

         Ngay từ khi giành được chính quyền, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cho đến những ngày hòa bình lập lại, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, mặc dù các vụ việc tham nhũng xảy ra ít, không lớn và có phạm vi hẹp, song Đảng ta đã nhận thức rõ tính chất, tác hại của nó nên đã có nhiều biện pháp phòng chống.

          Có thể nói, khái niệm “tham nhũng” chính thức lần đầu tiên được sử dụng trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986). Trước đó “tham nhũng” thường được dùng với các hiện tượng – hành vi như quan liêu, tham ô, lạm quyền, lãng phí, cửa quyền, hối lộ, đặc quyền, đặc lợi, thoải hóa biến chất… hoặc nói nói một cách chung hơn và phổ biến là “các hiện tượng tiêu cực”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, khi nêu quyết tâm chống “tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi” đã giải thích nội dung khái niệm “tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi” như sau:

          - Sống không lành mạnh, sống không bằng lao động của mình;

          - Tư tưởng và hành động chạy theo đồng tiền, tính ích kỷ;

          - Ăn cắp của công, lấy của công để biếu xén, chè chén, “phân phối nội bộ”;

          - Tự ý quy định những chế độ cung cấp, trang bị phương tiện sinh hoạt trái với chế độ chung…

          Đảng ta khẳng định: những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên là nguyên nhân của các vụ việc nổi cộm, phần lớn liên quan đến tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

          Vì vậy, qua các kỳ đại hội, các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ta đều tỏ rõ quyết tâm chính trị, tìm các giải pháp chống tham nhũng.

          Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta đã đặt vấn đề “đấu tranh chống tham nhũng, là vấn đề nóng bỏng, bức bách hiện nay, phải được tiến hành một cách kiên quyết, triệt để, trong toàn bộ máy, ở tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương và cơ sở”. Tại Hội nghị này, Đảng cũng đã xác định rõ tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng cảu Đảng và nhân dân ta.

          Song song với quá trình nhận diện các hành vi tham nhũng tác hại của chúng, Đảng ta đã đề ra nhiều biện pháp phòng chống tương xứng với tính chất và tác hại của nó. Tuy vậy, công cuộc chống tham nhũng, ngay từ đầu đã cho thấy là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng đã chỉ ra 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chống tham nhũng không đạt hiệu quả và tệ tham nhũng không thuyên giảm;

          Một là, sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và sự yếu kém trong quản lý, giáo dục đảng viên, cán bộ, công chức của các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường.

          Hai là, cơ chế quản lý, các chính sách pháp luật trong bước chuyển sang cơ chế mới chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán và có nhưng điểm chưa hợp lý đã tạo điều kiện cho tệ tham nhũng, hối lộ càng tăng thêm.

          Ba là, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thiếu sâu sát, chặt chẽ và thường xuyên, chưa có cơ chế, tổ chức và giải pháp phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả.

          Nhận diện những hành vi tham nhũng và liên quan trực tiếp đến tham nhũng, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII nhận định: Tệ quan liêu, lãng phí của công, tham nhũng, hối lộ, “ăn chặn”, “ăn chia”, bòn rút của công, lối sống xa hoa, hưởng lạc diễn ra khá phổ biến, phát triển ngày càng nghiêm trọng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, có trường hợp thành đường dây, có móc nối trên – dưới, trong – ngoài gây bất bình gay bắt trong xã hội.

          Nghị quyết của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng (15-5-1996) đã nêu rõ rằng: Tham nhũng vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến, thậm chí có địa phương, có lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn trước.

          Đánh giá cao tình hình tiêu cực, tham nhũng ở nước ta vào thời gian này, tại Đại hội VIII (tháng 6-1996), Đảng ta cũng nhận thấy rõ: “nạn tham nhũng, buôn lậu, lãng phí của công chưa ngăn chặn được. Tiêu cực trong bộ máy nhà nước, Đảng và đoàn thể, trong các doanh nghiệp nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực nhà đất, xây dựng cơ bản… nghiêm trọng kéo dài”.

          Hội nghị Trung ương 4 khóa IX của Đảng cũng nhận định: Tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã lan rộng sang nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ pháp luật… tình trạng sách nhiễu người dân vẫn diễn ra phổ biến làm cho nhân dân bất bình.

          Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016) đã đề cập công tác phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, cụ thể trong văn kiện: "làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội,

Ngày 25/6/2018 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì hội nghị, đã nhấn mạnh "cuộc chiến" này còn nhiều khó khăn, phức tạp, lâu dài, đầy khó khăn thử thách, đồng chí mong rằng sau Hội nghị này sẽ có những bước chuyển biến mới, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn. Tổng Bí thư khẳng định “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế,” được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. 

Từ thực tiễn công tác phòng chống tham nhũng qua các kỳ đại hội, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm:

Một là, phải biến quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu và quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng;

Hai là, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

Ba là, phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế về kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng đồng bộ, thống nhất, khả thi và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; xóa bỏ tình trạng đặc quyền, đặc lợi, “nhóm lợi ích”;

Bốn là, phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng chống tham nhũng. Các giải pháp phòng chống tham nhũng phải phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc;

Năm là, chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng, trước hết là các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trong các cơ quan tiến hành tố tụng; tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng.

Như vậy, có thể nói rắng, với tư cách là một đảng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội, một đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức rõ ràng và cơ bản nguồn gốc, nguyên nhân, những hình thức biểu hiện và nguy cơ tham nhũng ở Việt Nam. Đấu tranh với tham nhũng là cuộc đấu tranh gay go, phứt tạp, lâu dài, nhưng nó là bức xúc, sống còn đối với sự nghiệp xây dựng đất nước và đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao mới thực hiện được./.

Huỳnh Thị Việt Hoa - Khoa Dân vận

Responsive image
 

 

các tin khác