Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Công lao của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đối với quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

04:16 22/02/2024

ThS. Đỗ Ngọc Qui

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đã khẳng định dứt khoát nội dung, phương hướng phát triển của xã hội Việt Nam là gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chấm dứt sự khủng hoảng bế tắc về đường lối cứu nước của dân tộc ta trong nhiều thập kỉ. Sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là phù hợp với nội dung và xu thế cách mạng của thời đại mới được mở ra từ Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại: "Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thật sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân”(1). Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt quyết định trong sự phát triển của dân tộc ta, tạo những tiền đề và nhân tố hàng đầu quyết định đ­ưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đó là sự phản ánh quy luật ra đời và cội nguồn sức mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin vào đặc điểm của Việt Nam và là công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong công cuộc vận động thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam - một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Công lao đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đối với quá trình vận động thành lập Đảng là sự lựa chọn con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam- con đường cách mạng vô sản. Con đường duy nhất đúng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản phù hợp với nội dung và xu thế của thời đại mới được mở ra từ Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại: "Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thật sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta”(3).

Công lao thứ hai là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã linh hoạt, sáng tạo trong phương thức truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân Việt Nam khi mà giai cấp công nhân lúc đó chỉ chiếm trên 1% dân số, khi mà công nhân Việt Nam không chỉ phải chịu sự áp bức, bóc lột của thực dân và giai cấp tư sản mà còn chịu sự kìm kẹp hà khắc của phong kiến phản động. Trong bối cảnh lịch sử ấy, chủ nghĩa Mác- Lênin không thể truyền bá trực tiếp vào phong trào công nhân như ở các nước tư bản phát triển (chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân ra đời chính đảng cộng sản). Nguyễn Ái Quốc, hơn ai hết, là người đã hiểu sâu sắc đặc điểm của xã hội Việt Nam, chủ trương sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên – một tổ chức tập hợp những thanh niên yêu nước, có khát vọng đi tìm con đường cách mạng để cứu nước, giải phóng dân tộc. Để từ đó Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên chính là cầu nối – chuyển tải lý luận cách mạng vô sản đến với cách mạng Việt Nam. Sự phát triển rộng rãi các mạng lưới của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở trong nước, đặc biệt với kết quả của phong trào vô sản hóa năm 1928-1929, các tổ chức cộng sản đã xuất hiện ở trên cả ba miền của Việt Nam, đưa phong trào yêu nước Việt Nam bước vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới, góp phần thúc đẩy bánh xe của lịch sử phong trào giải phóng dân tộc hòa chung với dòng chảy của cách mạng thế giới. Chính vì lẽ đó, trong tác phẩm “Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch” đã viết về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh như sau: “Con người đó đã đóng một vai trò lịch sử vô cùng to lớn trong vòng hơn 50 năm nay. Người đã làm lay chuyển hệ thống thực dân. Người đã góp phần biến đổi bản đồ thế giới. Người đã đẩy bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ. Cả ba đặc điểm đó, thể hiện khái quát một trong những đường lối chiến đấu hoàn hảo nhất của thời đại chúng ta”(4)

Công lao thứ ba là khi các tổ chức cộng sản ra đời ở ba miền, xuất hiện tình trạng phân tán, chia rẽ lực lượng cách mạng Việt Nam, trước tình hình “hai nhóm cộng sản sử dụng nhiều – nếu không nói là tất cả - nghị lực và thời gian trong cuộc đấu tranh nội bộ và bè phái”(5), với tinh thần chủ động, sáng tạo và uy tín chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam. Việc Người hợp nhất các tổ chức cộng sản là sáng kiến tối ưu trong tình hình lúc bấy giờ vì các tổ chức này đều vì mục đích giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, đều khẳng định đi theo con đường cách mạng vô sản. Trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, được công bố năm 1933, tác giả Hồng Thế Công (Hà Huy Tập) đã khẳng định cống hiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với sự kiện thành lập Đảng:“Công lao to lớn của đồng chí là đã tập hợp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiên phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng” (6).

Công lao thứ tư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là đã soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Các văn kiện đó có ý nghĩa soi đường cho cách mạng Việt Nam vượt qua khủng hoảng bế tắc về đường lối cứu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam: chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đáp ứng khát vọng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam”(7). Những thắng lợi vĩ đại ấy đã khẳng định trên thực tế đường lối đúng đắn, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một mốc son chói lọi trên con đường cách mạng do Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã hoạch định từ năm 1930, là nền tảng vững chắc cho dân tộc Việt Nam tiếp nối trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Như vậy có thể thấy rằng, công lao của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong quá trình sáng lập và rèn luyện Đảng ta là hết sức to lớn. Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã đạt được rất nhiều những thành công to lớn. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay”./.

Tài liệu tham khảo

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb.Sự Thật, H.1991, tr.109

(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, Tr8

(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb.Sự Thật, H.1991, tr.109.

(4). Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb Sự Thật, H, 1970, Tập 1 tr.75.

(5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 2, tr 21

(6). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 4, tr 409

(7). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG,H,2000,Tr 159

(8). Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb Sự Thật, H, 1970, Tập 3, tr.115.

(9). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NxbCTQG,H,2011, tr23.

(10). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.104

các tin khác