Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước

06:29 18/09/2023

Trên 90 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng nước ta. Hơn 90 năm qua Hội Nông dân Việt Nam luôn là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân thực hiện chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.

CN. Trần Vũ Minh

Giảng viên Khoa Xây Dựng Đảng

Là một tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp nông dân , Hội nông dân đã có nhiều tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân và xây dựng nông thôn mới; nhất là với tư cách là thành viên của Mặt tận Tổ quốc Việt Nam, Hội đã tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Những thành tích của phong trào nông dân và của Hội Nông dân Việt Nam thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước.

Việt Nam là một nước thuần nông từ đó Đảng ta luôn xác định vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Qua các thời kỳ cách mạng, giai cấp nông dân luôn là lực lượng hùng hậu đi theo Đảng, cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức là nền tảng chính trị của cách mạng, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc

Khi nói đến nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh” [Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB CTQG-HN 2011, tr248]. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước và trải nghiệm thực tiễn cách mạng đã giúp Người hiểu và khẳng định rằng vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam thực chất là vấn đề nông dân. Nông dân vừa là động lực, vừa là lực lượng đông đảo, nòng cốt, và cũng là đối tượng vận động của cách mạng.

Từ khi đổi mới đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta dần thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Trình độ khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản từng bước được nâng lên; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng; tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến, góp phần tạo nên xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất hàng hóa, hướng về xuất khẩu. Nền nông nghiệp nước ta vượt qua nhiều khó khăn để đạt mức tăng trưởng khá nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp có chuyển dịch theo hướng tích cực.

Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, bền chí vượt qua khó khăn, thách thức, trở thành lực lượng nòng cốt tạo nên bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác Hội và phong trào nông dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hội đã thực hiện tốt vai trò là “trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nông dân; vận động, tuyên truyền, giúp cho nông dân hiểu, đồng thuận thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn nước ta phát triển mạnh mẽ, đời sống của nông dân được cải thiện về mọi mặt.

Những năm vừa qua nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Những thành tựu của nông nghiệp, nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt của đất nước và đời sống nông dân có nhiều thay đổi, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.

Năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng 3,36% so với năm 2021, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27% điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 6,13% do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm. Ngành trồng trọt: Tiếp tục triển khai nhiều mô hình trồng lúa chuyên canh chất lượng cao, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có  hiệu quả kinh tế hơn. [Theo Tạp chí Kinh tế nông thôn, ngày 29 tháng 6 năm 2023]

Để tiếp tục giữa vững và phát huy thành tựu đó Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chỉ ra: “Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn. Có chính sách hợp lý để chuyển lao động nông thôn sang các ngành phi nông nghiệp. Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh” [Theo Tạp chí Kinh tế nông thôn, ngày 29 tháng 6 năm 2023]

Để các phong trào nông dân ngày một thiết thực, hướng tới làm thay đổi toàn bộ đời sống nông thôn theo hướng phát triển, hiện đại; xây dựng một xã hội đồng thuận cao ở nông thôn góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, thì cần phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người nông dân; đặc biệt là đề cao chức năng xây dựng dựng Đảng, Chính quyền của Hội Nông dân.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Các cấp hội tham gia góp ý đối với cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Đặc biệt trong công tác tham gia xây dựng chính quyền, các cấp hội nông dân đã triển khai thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Trung ương về quyền, trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Hội đã tham gia đóng góp ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Bộ Luật dân sự (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi)....

Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cấp hội tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, nông dân nêu cao trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng; tạo điều kiện để hội viên, nông dân đóng góp ý kiến vào các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương. Đồng thời, kịp thời phản ánh với các cấp ủy Đảng, chính quyền về những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nông dân. Quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu hội viên, nông dân ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.

Để Hội Nông dân làm tốt chức năng xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền, Hội cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

Nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy quyền làm chủ của nông dân, việc lấy ý kiến tín nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND xã, phường, thị trấn; bầu cử trưởng thôn, xóm; xây dựng quy chế, quy ước ở khu dân cư, tham gia giám sát cộng đồng các công trình phúc lợi xã hội ở cơ sở nhằm tạo được niềm tin, không khí phấn khởi.

Các cấp Hội kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những bức xúc của hội viên, nông dân để phản ánh, đề xuất với Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; duy trì tốt Quy chế phối hợp với Uỷ ban nhân dân, các tổ chức chính trị – xã hội khác cùng tham gia tiếp nông dân tại trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước; các ý kiến, kiến nghị của nhân dân cơ bản được các cơ quan chức năng quan tâm tiếp nhận, giải quyết góp phần tạo lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), kịp thời phát hiện những hành vi, dấu hiệu sai phạm, những vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách, nhất là các chính sách, pháp luật, chương trình, dự án có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hướng dẫn để hội viên, nông dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình và tham gia giám sát, kịp thời kiến nghị những vấn đề cụ thể, thiết thực. Đại diện cho hội viên, nông dân thực hiện giám sát và đàm phán, xử lý tranh chấp với các đối tác khi quyền lợi của nông dân bị xâm phạm. Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, hội viên, nông dân trẻ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, nhất là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có uy tín trong nông dân để giới thiệu cho các cấp ủy kết nạp vào Đảng.

Tham gia xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn nông thôn. Đổi mới nội dung và phương thức vận động, tập hợp hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, góp phần xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các cấp Hội tăng cường tham mưu cấp ủy thực hiện tốt công tác quy hoạch, đề bạt cán bộ lãnh đạo Hội vừa có phẩm chất đạo đức tốt vừa có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đi đôi với đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, giới thiệu hội viên, nông dân ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp

Là một tổ chức chính trị – xã hội đại diện giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tự hào về những đóng góp của mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Ngày nay Hội Nông dân Việt Nam càng quyết tâm hơn nữa trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng “nông thôn mới” mà Đảng đã đề ra để Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sớm đi vào hiện thực.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 NXB CTQG- HN - 2011.

2. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

3. Báo cáo kết quả Đại hội đại biểu Hội nông dân Việt Nam lần thứ VII ,2018.

4. Văn kiện Đại hội Đảng Công sản Việt Nam lần thứ VII, XIII.

các tin khác