Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Mô hình trồng nấm bào ngư tại xã Cần Đăng huyện Châu Thành và một số vấn đề đặt ra

09:20 22/10/2018

     Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, những năm qua, nông dân xã Cần Đăng huyện Châu Thành (An Giang) đã mạnh dạn đầu tư đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là hiệu quả từ việc chuyển đổi đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái theo mô hình ƯDCNC
     Một số mô hình ƯDCNC được địa phương và nông dân xã Cần Đăng quan tâm phát triển như: trồng rau dưa an toàn trong nhà lưới, nấm rơm trong nhà, trồng nấm bào ngư sử dụng hệ thống tưới phun tự động,… Các mô hình mới đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí công lao động, tiết kiệm nước tưới, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh hóa học, hạn chế dịch bệnh.... Trong đó, nổi bật là mô hình trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu đang phát triển mạnh và trở thành nguồn thu nhập chính của một số hộ nông dân xã Cần Đăng, góp phần ổn định cuộc sống.
     Nhận thấy mô hình trồng nấm bào ngư Nhật là một mô hình hấp dẫn, ít vốn lại không cần diện tích lớn nên anh Hồ Công Hậu (ấp Cần Thuận, xã Cần Đăng, Châu Thành) quyết định đầu tư trồng nấm bào ngư từ năm 2016 đến nay và là một trong  những hộ điển hình về mô hình trồng và sản xuất nấm bào ngư.
     Để thu hoạch được nấm có hiệu quả, đạt yêu cầu thì vấn đề chọn phôi giống phải được ưu tiên hàng đầu, chính vì vậy, anh Hồ Công Hậu đã chọn nguồn cung cấp phôi giống tại Trại Thực nghiệm Khoa học và Công nghệ (Châu Thành). Hiện tại, hộ của anh đang trồng 1000 bịch phôi nấm bào ngư, anh cho biết nghề trồng nấm đòi hỏi người trồng phải chịu khó, cẩn trọng, tỉ mẩn trong từng công đoạn. Trung bình nhà trồng nấm có diện tích khoảng 4 x 10m, mái lợp lá, nền đất và xung quanh có lưới bao phủ để tạo ánh sáng và độ ẩm thích nghi. Ngoài ra, còn phải trang bị thêm máy phun sương tự động được gắn trên máy nhà và trang bị đồng hồ đo độ ẩm trong nhà trồng nấm. Nhiệt độ lý tưởng cho một nhà trại nấm là 25 - 28 độ C và ẩm độ 75 - 85%.
     Nhà trồng cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, bảo đảm môi trường không bị nhiễm bệnh. Nhà trại phải cách xa chuồng trại gia súc, các nguyên liệu dùng làm phôi phải được bảo quản tốt, tuyệt đối không ẩm mốc. Trước khi đưa nấm vào nhà nuôi trồng cần khử trùng nhà nấm bằng vôi bột cứ 100gr vôi bột/1m2 rải đều xung quanh nền nhà nấm.
     Khi phôi chuẩn bị ra nấm, nên thường xuyên tưới nước nền lấy độ ẩm, duy trì nhiệt độ từ 28-30oC, khi phôi trổ cây nấm, tưới nhiều nước hơn để tăng độ ẩm, cây nấm sẽ nở lá nhiều, to và đẹp.
     Theo anh Hậu, một trong những ưu điểm của trồng nấm bào ngư là chỉ đợt đầu lấy vốn tiền phôi nấm giống, các đợt sau lấy lời. Như vậy, đối với mô hình trồng nấm bào ngư năng suất bình quân là cho một bịch phôi nấm từ 400 – 600gram, tùy theo điều kiện chăm sóc, chất lượng meo giống; giá nông dân bán ra dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg cho thu nhập ổn định. Thời gian thu hoạch nấm bào ngư kéo dài từ 4-6 tháng/vụ, mỗi năm có thể trồng từ 2-3 vụ. Cho thấy, lợi nhuận từ các mô hình trồng nấm trung bình từ 5 triệu đồng - 6 triệu đồng cho 1.000 bịch phôi/vụ. Chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa, bán tại các chợ nhỏ lẻ.

 

Dưới đây là bảng hạch toán kinh tế mô hình trồng nấm bào ngư Nhật:
 

STT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

1

Nhà nấm (8 triệu, khấu hao 8 vụ)

cái

1

8,000,000

1,000,000

2

Giống

bịch

1,000

5,000

5,000,000

 

Vôi

kg

5

1,700

8,500

 

Vận chuyển nấm

chuyến

1

500,000

500,000

3

Bọc đựng nấm

kg

5

45,000

225,000

4

Điện bơm tưới

vụ

1

300,000

300,000

 

Công chăm sóc, treo bịch phôi

vụ

1

1,000,000

1,000,000

 

Chi phí khác

vụ

1

200,000

200,000

 

A/ Tổng chi

 

 

 

8,233,500

5

B/ Năng suất

 

 

 

 

 

450 gram/bịch x 1.000 bịch= 450 kg

kg

450

30,000

13,500,000

 

C/ Lợi nhuận

 

 

 

5,266,500

Dựa trên bảng hạch toán kinh tế mô hình trồng nấm bào ngư Nhật của hộ anh Hồ Công Hậu cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng ƯDCNC đã phát huy hiệu quả nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp với những thuận lợi như sau:
- Điều kiện khí hậu nhà trồng phù hợp; kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm đơn giản chỉ cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật là nấm có thể sinh trưởng và phát triển tốt.
- Không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, tạo sự an toàn cho người trồng và người tiêu dùng.
- Không tốn nhiều diện tích trồng so với trồng các loại rau, màu khác mà lợi nhuận trung bình người nông dân thu hoạch được từ 5 - 6 triệu đồng/vụ. Như vậy, với 1.000 bịch phôi nấm sẽ cho thu hoạch từ 2-3 vụ. Vụ đầu tiên, người nông dân sẽ lấy lại vốn, các vụ còn lại sẽ lấy lời với tổng lợi nhuận đạt được từ 15 triệu.
- Không tốn nhiều thời gian và công chăm sóc. Do đó, người trồng nấm có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi để làm thêm các công việc khác tạo thêm thu nhập.
- Việc sản xuất, chế biến các sản phẩm mới từ phụ phẩm nấm bào ngư ngày càng phát triển, phục vụ cho sản xuất phân bón, chế phẩm vi sinh, trồng nấm rơm,... góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo thêm nguồn thu nhập cho người nông dân.
- Ngoài ra, trồng nấm rất dễ lại mau cho thu hoạch, nhẹ công chăm sóc nên phù hợp với phụ nữ. Qua đó, giúp chị em phụ nữ vừa có thu nhập ổn định, vừa có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để chăm sóc con cái, làm việc tại nhà mà không cần đi làm thuê.
Tuy nhiên, trong quá trình sản suất và thu hoạch nấm cũng gặp những khó khăn:
- Do quá trình vận chuyển bịch phôi về nhà trồng phải mang vác lên xuống nên bịch phôi bị gãy làm mất nhiều thời gian cho tơ hồi phục từ đó giảm năng suất nấm, đồng thời tình hình nắng hạn kéo dài làm giảm năng suất nấm gây tiêu thụ khó khăn khi những đợt nấm rộ.
- Người nông dân gặp phải một trở ngại lớn chính là thị trường tiêu thụ và giá cả vẫn còn bấp bênh, dao động, không ổn định. Chính vì vậy, ít nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý người trồng nấm không dám đầu tư số lượng lớn phôi nấm vì sợ không có đầu ra cho sản phẩm.
- Mô hình chỉ mới triển khai ở qui mô hộ với số lượng hạn chế nên chưa thể liên kết được với các công ty lớn để bao tiêu sản phẩm khi sản xuất khối lượng lớn. Điều đó cho thấy chưa có cơ chế hiệu quả để gắn kết giữa những người nông dân; giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất nấm bào ngư ƯDCNC và giữa vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ chưa bền vững.
Do đó, vấn đề đặt ra đối với xã Cần Đăng là:
- Cần phải giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp;
- Không để tình trạng chuyển đổi ngoài quy hoạch dẫn đến sản phẩm dư thừa, cung vượt cầu.
- Đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật.    
Để giải quyết những vấn đề khó khăn đặt ra, trong quá trình nghiên cứu thực tế tác giả có những đề xuất như sau:
- Thứ nhất, địa phương cần đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân.
- Thứ hai, khuyến khích và hỗ trợ người nông dân tiếp tục ứng dụng CNC vào sản xuất và ứng dụng phương tiện cơ giới vào canh tác, thu hoạch nhằm giảm công lao động.
- Thứ ba, địa phương cần định hướng nhu cầu tiêu thụ theo thị trường, chọn giống phù hợp để tăng năng suất, chất lượng, tiếp tục chỉ đạo liên kết sản xuất. Đồng thời, cần thực hiện tốt công tác tham mưu, chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường nông sản, liên kết với doanh nghiệp giúp người nông dân có được đầu ra cho sản phẩm.
- Thứ tư, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận nguồn vốn.
Trồng nấm là một nghề đơn giản, dễ trồng, dễ chăm sóc, mang lại lợi nhuận. và cũng là nghề có triển vọng. Do đó, địa phương xã Cần Đăng trong thời gian tới cần có những giải pháp phù hợp trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nguồn vốn cho người nông dân an tâm sản xuất và hướng tới một thương hiệu cho sản phẩm nấm bào ngư tại xã Cần Đăng. Bên cạnh có hướng khuyến khích nhân rộng, bởi giá trị kinh tế mang lại cho người trồng, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương./


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo tình hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu xã Cần Đăng.
2. Báo cáo hiệu quả mô hình trồng nấm bào ngư.
3. Kế hoạch về việc định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng xã Cần Đăng năm 2018 - 2020.

Lê Châu Mỹ Hoa
Khoa Lý luận Mác - Lênin,
 tư tưởng Hồ Chí Minh

Responsive image
 

 

các tin khác