Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời – Bước ngoặt trọng đại của Cách mạng Việt Nam thế kỷ XX

06:57 29/01/2024

ThS. Lê Thị Bích Chi

Giảng viên Khoa Xây Dựng Đảng

Thế kỷ XX đã qua 23 năm, mỗi đất nước, mỗi tổ chức chính trị đều có bước thăng trầm của nó, Chính điều đó đã tạo nên bản sắc riêng của mỗi quốc gia dân tộc. Trên bình diện quốc tế, đây là thế kỷ có rất nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có Việt Nam. Lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước đi liền với giữ nước. Vì thế, khi nhớ đến lịch sử dân tộc thế kỷ XX chúng ta không thể nào quên trang sử hào hùng của dân tộc. Nhờ đó mà  người dân mỗi khi nhớ đến đều thấy tự hào. Nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng chúng ta cùng điểm qua các sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Thứ nhất, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Thứ hai, sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngày 2 tháng 9 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thứ ba, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp lần 2 năm 1954. Thứ tư, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và thống nhất đất nước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thứ năm, đường lối Đại hội VI của Đảng tháng 12 năm 1986 mở đầu cho sự nghiệp đổi mới.

Trong năm bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX thì có thể nói rằng sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là móc son quan trọng hàng đầu. Đây là ngày lễ trọng đại đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, đó là sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930 đến nay đã 94 mùa xuân. Kể từ đó đến nay lịch sử đã trải qua bao thăng trầm, có lúc vinh quang thắng lợi, nhưng cũng có lúc khó khăn gian khổ. Nhưng dù hoàn cảnh nào Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn là nhân tố duy nhất lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Năm 1858 khi thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược Việt Nam đã gặp ngay sự kháng cự mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, trước sức mạnh quân sự hiện đại của Pháp, Việt Nam rơi vào cảnh mất nước. Cũng từ đây nhiều người yêu nước Việt Nam đã tìm các con đường cứu nước ở phương Đông, phương Tây, với các hệ tư tưởng chính trị khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn chịu thất bại. Trước sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cách mạng, yêu cầu của lịch sử là phải tìm cho ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc phù hợp với tình hình đất nước. Đáp lời kêu gọi của non sông, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc, quyết ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đáp ứng đúng yêu cầu của lịch sử bằng sự kiện quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Tháng 2 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ mùa xuân ấy, giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam có đội tiên phong với một cương lĩnh cách mạng phản ánh xu thế của thời đại và quy luật vận động khách quan của lịch sử. Đó là một bước ngoặt trên con đường đấu tranh giải phóng, xây dựng và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Bước sang năm 2024 là 94 năm Đảng Cộng sản Việt Nam được rèn luyện và trưởng thành. Nếu tính từ ngày Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước thì hơn một thế kỷ, công cuộc giữ nước và dựng nước của dân tộc ta gắn liền với sự nghiệp của Người và của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã tự lực, tự cường, anh dũng đấu tranh làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc – kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, các thế lực thực dân, đế quốc đã quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đảng đã lãnh đạo cả dân tộc tiến hành chiến tranh cách mạng kéo dài 30 năm (1945 – 1975) đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập, thống nhất, hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Từ năm 1954 là giải phóng miền Bắc, từ năm 1975 là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội VI (12.1986) đề ra đường lối đổi mới. Đại hội VII (6.1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đến nay, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế- chính trị, văn hóa-xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, đất nước ngày càng phát tiển.

Đại hội VIII tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán Hiệp định Thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO. Có kế hoạch cụ thể để chủ động thực hiện các cam kết trong khuôn khổ AFTA. Đại hội IX đưa ra chủ trương “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”. Thành tựu trong các nhiệm kỳ Đại hội X, XI và XII đã khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hành trình đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu để trở thành một nước có vị thế mới trên trường quốc tế. Thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hôm nay đã khẳng định Đảng đã thật sự được rèn luyện và trưởng thành trong suốt 94 năm đồng hành cùng dân tộc.

Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Phù hợp với xu thế đó, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với phương châm “đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Đạt được những kết quả trên là nhờ có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong đó, nguyên nhân quan trọng phải kể đến sự lãnh đạo sáng suốt, bài bản và linh hoạt của Đảng ta trước những bối cảnh, tình hình mới. Cả hệ thống chính trị phối kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của Nhân dân.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, một lần nữa Đảng ta đã chiến thắng kẻ thù vô hình (dịch bệnh Covid 19), tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ, tạo nên thế vững chắc trên trường quốc tế, uy tín ngày một nâng cao, thế và lực ngày càng vững mạnh. Đến năm 2023, GDP của Việt Nam ước tính tăng 5,05% so với năm trước, tuy không đạt mục tiêu 6,5% đề ra nhưng Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam trưởng thành trong gian khổ, đã được nhân dân trong nước ngày một tin tưởng, ủng hộ và bè bạn thế giới ngày càng kính trọng. Thành quả trên là sự phấn đấu không ngừng trong mọi hoàn cảnh của một Đảng của dân, do dân và vì dân. Lịch sử 94 năm của Đảng đã để lại những bài học có giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn:

Thứ nhất, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình cách mạng Việt Nam. Đó là mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định ngay từ khi tìm thấy chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường cứu nước đúng đắn, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội vì quyền lợi và hạnh phúc của con người.

Thứ hai, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất. Trong sự nghiệp cách mạng, vấn đề tập hợp, xây dựng và làm cho lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh là một vấn đề chiến lược. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt quan tâm tập hợp, giác ngộ, tổ chức quần chúng thành một khối đoàn kết vững chắc để thực hiện những mục tiêu chiến lược và mục tiêu cụ thể của từng thời kỳ. Có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân cách mạng mới giành thắng lợi. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Sở dĩ Đảng ta tập hợp, đoàn kết được các tầng lớp nhân dân, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc là nhờ Đảng đã giải quyết thành công nhiều vấn đề quan trọng với phương châm “dân là gốc”.

Thứ ba, không ngừng nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Ngay từ khi ra đời, vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định trong thực tế. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, phải thông qua công tác hằng ngày của Đảng mà quần chúng nhân dân thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngày càng được tăng cường và nâng cao là do Đảng coi trọng xây dựng và chỉnh đốn Đảng; coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong tình hình mới, năng lực và sức chiến đấu của Đảng vẫn luôn là vấn đề quan trọng và luôn được toàn Đảng, toàn dân quan tâm. Nó là phần quan trọng để đạt được thành công, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong suốt 94 năm, từ khi có Đảng đến nay đã chứng minh, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, làm nên nhiều kỳ tích cho đất nước. Cũng chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, không ngừng trưởng thành ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân. Đồng thời khẳng định một chân lý ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go, đưa dân tộc đến chặng đường phát triển hôm nay./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2005,t.1, tr.614

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb.Sự thật, H.1991,tr.109

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.12, tr.401

4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “giáo trình Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng Sản và Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam”, chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Nxb chính trị, Hà Nội 2014.

các tin khác