01:06 25/01/2025
ThS. Phạm Thị Ngọc Hân
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người không chỉ là biểu tượng cho tinh thần độc lập, tự do, mà còn là tấm gương đạo đức cao cả của người cách mạng. Trong suốt cuộc đời, Người luôn giữ vững phép từ, lề lối sống đối với bản thân, đồng bào và đất nước. Câu chuyện “Bác Hồ với những tấm huân chương cao quý” không chỉ là minh chứng sống động cho đức hy sinh và tâm hồn cao đẹp của Người, mà còn đặt ra cho chúng ta những suy ngẫm sâu sắc về đạo lý làm người, về lý tưởng cách mạnh, về lợi ích quốc gia, dân tộc
Từ khóa: huân chương, đạo đức, Nhân dân
1. Khía cạnh lịch sử của mẫu chuyện
Câu chuyện “Bác Hồ với những tấm huân chương cao quý” ghi lại hai dẫn chứng quan trọng:
Thứ nhất, năm 1963, Quốc hộ đề xuất tặng Bác Huân chương Sao Vàng nhân dịp sinh nhật 73 tuổi. Bác từ chối vì cho rằng trong khi Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào miền Nam vẫn còn chiến đấu gian khổ, thì vinh quang này thuộc về đồng bào miền Nam. Bác đã nói:
“Thưa các đồng chí đại biểu,
Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội. Tổ quốc ta hiện đang tạm bị chia cắt làm đôi. Bọn đế quốc Mỹ đang tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Đồng bào miền Nam đang bị đày đọa dưới chế độ dã man của Mỹ - Diệm” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.14, tr.80].
Thứ hai, năm 1967, Liên Xô quyết định trao tặng Bác Huân chương Lênin, Bác cũng từ chối vì không muốn nhận vinh dự riêng trong khi đồng bào còn phải hy sinh trong chiến tranh. Bác hứa sẽ nhận huân chương khi đất nước thống nhất, Bác viết thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, từ chối nhận Huân chương:
“Kính gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô,
Thưa các đồng chí kính mến,
Được tin các đồng chí quyết định tặng tôi Huân chương Lênin, tôi vô cùng cảm động và vô cùng cảm ơn các đồng chí. Tôi xin trình bày ý kiến sau đây: Lúc này, giặc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Tổ quốc Việt Nam chúng tôi. Chúng đang giết hại một cách cực kỳ dã man hàng vạn đồng bào tôi ở miền Nam cũng như ở miền Bắc. Toàn quân và toàn dân Việt Nam chúng tôi đang phải hy sinh xương máu để đánh Mỹ, cứu nước. Trong lúc đó, riêng tôi lại được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn và nhận Huân chương Lênin thì lòng tôi không yên chút nào. Vì lẽ đó, tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí, nhưng xin các đồng chí hãy tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại biểu cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại. Kính gửi các đồng chí lời chào cộng sản” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.15, tr.400].
Bằng những lời từ chối có lý do sâu sắc, Bác Hồ không chỉ thể hiện sự khiêm nhường của người lãnh đạo, mà còn đặt lên trên hết là lợi quốc gia, dân tộc, thông qua đó là những bài học vô cùng giá trị.
2. Đạo đức và triết lý của mẫu chuyện
Câu chuyện “Bác Hồ với những tấm huân chương cao quý” không chỉ gợi lên lòng kính yêu vô hạn đối với Bác mà còn mang hàm chứa những bài học sâu sắc về đạo đức và triết lý sống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời thực hành và truyền dạy.
Một là, tinh thần đặt lợi ích chung lên trên, trong quan điểm của Bác, vinh dự lớn nhất của cá nhân là phục vụ sự nghiệp chung của dân tộc. Người đã từng khẳng định từ rất sớm, trong một lần Bác trả lời phỏng vấn nhà báo nước ngoài ngày 21-1-1946, Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.4, tr.187]. Tinh thần này xuyên suốt trong mẫu chuyện khi Bác nhiều lần từ chối những tấm huân chương cao quý, không phải vì không xứng đáng, mà vì Người luôn nghĩ đến Nhân dân, đất nước trước tiên.
Bác nhấn mạnh rằng trong bối cảnh đất nước còn chia cắt, Nhân dân miền Nam còn chịu cảnh bom đạn, máu lửa, thì vinh quang cá nhân của mình không thể đặt lên trên. Thái độ ấy thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả, đặt lợi ích tập thể, lợi ích dân tộc lên trên mọi lợi ích cá nhân. Đây chính là tấm gương mẫu mực của đạo đức cách mạng: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Hai là, tính khiêm nhường, giản dị, Bác chọn chiếc áo ka ki bạc màu thay vì những huân chương lộng lẫy. Với Bác, danh dự không đến từ những tấm huân chương sáng chói hay danh hiệu được phong tặng, mà đến từ sự kính trọng và tình yêu thương của Nhân dân. Tấm “Huân chương Nhân dân” mà Bác chọn nhận chính là biểu tượng cao nhất của triết lý sống giản dị, trong sáng và gắn bó với Nhân dân.
Sự từ chối nhận Huân chương Lênin, một phần thưởng quốc tế cực kỳ cao quý còn cho thấy Bác không hề xem trọng vinh quang cá nhân. Thay vào đó, Bác coi trọng sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc, giải phóng của đất nước, sự đoàn kết toàn dân và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Triết lý này không chỉ sâu sắc mà còn thể hiện rõ tầm nhìn xa rộng và tư tưởng nhân văn của một lãnh tụ vĩ đại.
Ba là, tình yêu thương đối với đồng bào, trái tim Bác luôn hướng về miền Nam, nơi đồng bao đang ngày đêm chiến đấu.
Trong mẫu chuyện, điều đọng lại sâu sắc nhất chính là tình cảm thiêng liêng và mãnh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào miền Nam, nơi Người luôn xem như “máu chảy ruột mềm”. Trái tim Bác không ngừng hướng về miền Nam, nơi đồng bào và chiến sĩ đang ngày đêm hy sinh để giành lại độc lập và tự do cho Tổ quốc.
Khi Quốc hội dự định tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của đất nước, Người đã từ chối và tha thiết đề nghị: “Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng của Tổ quốc" và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất”[Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.14, tr.80]. Câu nói này không chỉ thể hiện sự khiêm tốn của Bác mà còn khẳng định lòng biết ơn, tình yêu sâu nặng dành cho đồng bào miền Nam, những người đang trực tiếp chịu đựng gian khổ và hiểm nguy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tình yêu thương của Bác đối với miền Nam không dừng lại ở lời nói. Trong suốt cuộc đời, Người luôn đau đáu về sự chia cắt Bắc - Nam. Trong thơ ca, những bức thư gửi đồng bào miền Nam, hình ảnh miền Nam luôn là nỗi nhớ khôn nguôi: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”
Nỗi nhớ ấy không chỉ là tình cảm của một vị lãnh tụ dành cho đồng bào, mà còn là sự sẻ chia, thấu cảm sâu sắc với từng nỗi đau, từng giọt máu đổ xuống của những người con nơi chiến tuyến. Trong những bức thư gửi đồng bào và chiến sĩ miền Nam, Bác thường xuyên bày tỏ sự khâm phục, động viên tinh thần và tin tưởng vào chiến thắng của cuộc kháng chiến.
Trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, Bác không chỉ yêu thương đồng bào miền Nam như máu thịt mà còn xem miền Nam là một phần không thể tách rời của Tổ quốc. Với Bác, hạnh phúc lớn nhất không phải là vinh quang cá nhân mà là ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, đồng bào cả nước được hưởng hòa bình, tự do.
Khi từ chối Huân chương Lênin của Liên Xô vào năm 1967, Bác nhấn mạnh:“Toàn quân và toàn dân Việt Nam chúng tôi đang hy sinh xương máu để đánh Mỹ, cứu nước. Trong lúc đó, riêng tôi nhận vinh dự to lớn này thì lòng tôi không yên chút nào. Chỉ khi đất nước giải phóng hoàn toàn, tôi mới có thể vui mừng nhận phần thưởng ấy thay cho toàn thể đồng bào” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.15, tr.400]
Những lời nói của Bác không chỉ thể hiện tấm lòng yêu thương, trân trọng đồng bào mà còn khẳng định rằng tình cảm ấy là động lực lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Người.
Bốn là, triết lý cống hiến "Làm việc tốt là phần thưởng lớn nhất"
Thông qua những lời chia sẽ của bác qua hai lần Bác được đề nghị được trao tặng Huân chương cao quý nhất của Việt Nam và Liên Xô, có thể thấy một điều rằng, ý nghĩa của phần thưởng với Bác không nằm ở vật chất hay danh hiệu mà là sự hài lòng khi hoàn thành nhiệm vụ. Với Bác có lẻ phần thưởng lớn nhất là được làm công việc có ích cho dân, cho nước, là niềm vui cả nước độc lập, thống nhất, Nhân dân được hưởng tự do, hạnh phúc chọn vẹn. Triết lý này không chỉ định hướng cho mỗi đảng viên mà còn trở thành kim chỉ nam cho bất cứ ai đang cống hiến cho đất nước.
Tự xét bản thân “chưa có công huân xứng đáng” để nhận Huân chương Sao Vàng hay Huân chương Lênin, Bác thể hiện tinh thần khiêm tốn đến mức tuyệt đối. Đây không chỉ là nét đẹp của một lãnh tụ mà còn là lời nhắc nhở mỗi người đảng viên phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi rọi lại bản thân. Học tập từ đạo đức này, mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện phẩm chất khiêm nhường, không ngừng tự phấn đấu để xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Tấm gương ấy đặt ra một câu hỏi lớn cho chúng ta: “Liệu chúng ta đã thực sự làm tròn trách nhiệm của người đảng viên, người công dân chưa?”
3. Giá trị thời đại
Thứ nhất, giữ vững lòng khiêm nhường. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đức khiêm tốn là một phẩm chất đạo đức cốt lõi của người cách mạng, gắn liền với các giá trị “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Theo Bác, người cách mạng phải đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, không ngừng học hỏi và giữ thái độ hòa nhã, chân thành trong mọi hoàn cảnh. Lòng khiêm nhường giúp mỗi cá nhân tránh tự mãn với thành công cá nhân, luôn ý thức rằng thành tựu đạt được là kết quả của sự đóng góp từ tập thể. Đồng thời, Bác nhấn mạnh rằng sự khiêm tốn phải đi đôi với tinh thần cầu thị, dám nhìn nhận khuyết điểm và sửa chữa để tiến bộ. Nhờ rèn luyện đức khiêm nhường, người cách mạng không chỉ xây dựng được lòng tin và sự gắn bó mật thiết với nhân dân mà còn tạo nên sức mạnh đoàn kết, đóng góp vào thành công của sự nghiệp cách mạng.
Thứ hai, học tập phẩm chất đạo đức cao thượng của Bác, đóng góp cụ thể, thực hiện nhiệm vụ bằng cái tâm trong sáng. Học tập và noi gương phẩm chất đạo đức cao thượng của Bác Hồ là một nhiệm vụ thiêng liêng và cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi công dân. Từ những giá trị nhân văn sâu sắc của Người, chúng ta cần rèn luyện và giữ vững cái tâm trong sáng, trung thực, đặt lợi ích tập thể, cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Cụ thể, trong công việc hàng ngày, mỗi người cần làm việc tận tụy, trách nhiệm, không ngừng học hỏi và sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chúng ta cần sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp, gắn bó với Nhân dân, lắng nghe và giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách công tâm. Bằng cách thực hiện những việc làm cụ thể từ lý tưởng cách mạng, vì Tổ quốc, vì Nhân dân, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, đồng thời lan tỏa những giá trị đạo đức cao quý mà Bác đã truyền dạy.
Thứ ba, học tập tấm gương của Bác Hồ, mỗi người cần luôn gương mẫu trong lời nói và hành động, thể hiện sự thống nhất giữa tư tưởng, đạo đức và hành động. Gương mẫu không chỉ nằm ở việc nói những điều đúng đắn mà còn ở hành động cụ thể, thiết thực, đem lại lợi ích cho tập thể và cộng đồng. Trong công việc, cần giữ vững thái độ trách nhiệm, làm đúng chức trách, nhiệm vụ, không ngại khó khăn, luôn tiên phong thực hiện những việc cần thiết. Trong giao tiếp và ứng xử, phải chân thành, khiêm tốn, tôn trọng mọi người, từ lời nói đến việc làm đều thể hiện sự trung thực và nhân văn. Khi mỗi người tự ý thức và rèn luyện tính gương mẫu, không chỉ tạo động lực cho bản thân mà còn lan tỏa tinh thần tích cực, xây dựng môi trường làm việc và sống lành mạnh, đoàn kết, như lời Bác đã chỉ dẫn: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.1, tr.284]
Thứ tư, truyền cảm hứng cho học viên, giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về tinh thần cách mạng. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong công tác giáo dục, trong đào tạo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, góp phần giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về tinh thần cách mạng và ý nghĩa của những giá trị lịch sử, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh. Noi gương Bác Hồ, Người luôn tận tụy trong việc giáo dục thế hệ trẻ, mỗi người làm công tác đào tạo cần không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp lý thuyết với thực tiễn, đưa những câu chuyện sinh động, gắn liền với lịch sử đấu tranh của dân tộc để khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi học viên. Đồng thời, cần thể hiện sự gương mẫu, tận tâm trong từng lời nói và hành động, giúp các bạn trẻ hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc lồng ghép những bài học đạo đức, lý tưởng sống cao đẹp từ tấm gương của Bác sẽ giúp học viên không chỉ nâng cao nhận thức mà còn rèn luyện ý chí, góp phần bồi dưỡng thế hệ kế cận, xây dựng một xã hội bền vững, giàu truyền thống và khát vọng phát triển.
4. Kết luận
Câu chuyện “Bác Hồ với những tấm huân chương cao quý” là biểu tượng của tâm hồn và đạo đức cách mạng. Chúng ta, những người sống trong hòa bình, phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị đó, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổ quốc. Chúng ta sẽ luôn ghi nhớ lời Bác dạy, như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trong lời Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, ngày 15/1/2018: “Hãy luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Còn Đảng thì còn mình", "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” [https://tienphong.vn/]
Tài liệu tham khảo
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị: Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí, Nxb. LLCT, H.2021.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011.
3. Song Thành: Hồ Chí Minh – Nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb. LLCT, H. 2005.
4. GS.TS Mạch Quang Thắng: Hồ Chí Minh con người của sự sống, Nxb. LLCT, H. 2010.